Nghe đến cái tựa bài của mục Góc nhiếp ảnh, thấy “là lạ” vì chúng ta hay dùng chữ “sư tử cái” theo kiểu nói đùa để so sánh cái dữ của (người đàn bà) với cái dữ của một loài dã thú giống cái này!
Sư tử là một trong những loài động vật lớn, sống trên những miền đồng bằng của Châu Phi. Sư tử cũng đang có nguy cơ có thể bị tiệt chủng. Trước đây có khoảng 400,000 con nhưng trong nửa phần cuối của Thế Kỷ 20 đã giảm sụt khoảng 40% sau mỗi giai đoạn 20 năm, và đến nay chỉ còn khoảng 20,000 con trong hoang dã. Các chuyên viên bảo tồn thiên nhiên ước tính rằng loài sư tử sẽ vĩnh viễn biến khỏi cõi đời trong vòng 15-20 năm nữa. Không biết có ông nào ‘ước muốn’ điều này xảy ra không khi có sự hiểu lầm và so sánh về loài sư tử ‘cái’ này? Thật ra, sự so sánh này thì oan cho… sư tử cái.
Lý do #1: Sư tử đực “dữ” hơn sư tử cái nhiều.
Cũng giống như loài người, đàn ông to lớn hơn đàn bà nhiều. Sư tử đực cân nặng khoảng từ 150 tới 250 kí lô, trong khi sư tử cái nhỏ hơn khoảng 80 phần trăm, cân từ 120 tới 180 kí lô.
Sự chênh lệch kích thước giữa giống đực và cái. Nguồn: nikonians.org.
Mồi chính yếu của sư tử là những con vật như: bò đồng, ngựa vằn, và các loài nai. Thường trong những cuộc săn, sư tử cái lãnh trách nhiệm “đi kiếm ăn”, vì các “bà” dễ hụp xuống núp dưới cỏ để rình mồi. Các “ông” sư tử không thể núp thấp được vì cái bờm to tướng làm “lộ tẩy” hết. Nhưng ngược lại, sư tử đực được dùng trong những trường hợp cần phải “phô trương” sức mạnh ghê hồn như khi săn những con vật lớn gấp bội như: hươu cao cổ, voi, trâu nước; hoặc để “đánh giặc” chống lại những con dã thú khác như loài hyena (giống chó sói) và những sư tử đực của bộ lạc khác.
Sư tử cái phải săn mồi vì bản năng sinh tồn
Những con cái trong tập thể sư tử phải đi săn vì bản năng sinh tồn, không phải vì tánh hung dữ. Nếu không đi săn thì cả đàn sẽ chết vì đói.
Sư tử cái đang núp dưới cỏ để rình mồi. Sư tử đực không đóng vai trò này được vì cái bờm to lớn sẽ dễ bị phát giác. Nguồn: spotonlists.com.
Lý do #2: Sư tử cái hiền như… mẹ!
Sư tử cái cũng sanh con và nuôi con như con người. Trong những giây phút khắn khít giữa mẹ và con, sư tử cái biểu hiện tình thương và sự hiền dịu như một thiên thần. Cái hàm đầy răng nhọn chơm chởm thường được dùng để xé thịt, lúc này được dùng để “ẵm” sư tử con đến nơi an toàn.
Nhưng tại sao người viết lại chọn đề tài này?
Trong thời gian sắp tới tôi và Đặng Mỹ Hạnh – vợ tôi, sẽ thực hiện một chuyến thám hiểm đến tận “lục địa tối tăm” của Châu Phi. Chúng tôi sẽ săn tìm những loài chim chóc, dã thú, luôn cả sư tử (đực và cái) để thực hiện một loạt hình ảnh nghệ thuật về nhiếp ảnh hoang dã.
Để thêm cơ hội thành công trong việc “săn ảnh”, chúng tôi cần phải nghiên cứu thêm về môi sinh và đặc tính của những động vật ở vùng này.
Cuộc hành trình từ Texas đến Châu Phi phải qua 3 chặng đường bay, và mất khoảng 25 giờ (xa hơn bay về Việt Nam). Ở đó, chúng tôi sẽ ngủ trong trại ở giữa rừng, và có lẽ sẽ làm “hàng xóm” với các bộ lạc thổ dân vùng này. Hai Nhiếp ảnh gia chúng tôi phải chuẩn bị vác theo 5 máy ảnh lớn và một loạt ống kính đủ hạng, cùng với nhiều dụng cụ cần thiết khác. Đây là một giấc mơ “những nơi nên đi trước khi chết” của nhiều người, và của những tay đam mê với thú chụp ảnh.
Đường bay từ Texas qua Châu Phi, dài 25 giờ, xa hơn khoảng cách bay (thẳng) về Sài Gòn.
Độc giả đón đọc loạt ký sự đặc biệt của Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh về chuyến đi săn hình đặc biệt này.
Và để phân biệt rõ ràng, nếu tôi nói sẽ đi săn ảnh “sư tử cái” thì đối tượng chắc chắn phải là loài dã thú bốn chân trong rừng Phi Châu, không phải chân dung của người mẫu!
AN