Những ngày trong mùa thuế này, điều nhiều người được nghe và quan tâm nhiều nhất vẫn là những vấn đề liên quan đến thuế vụ, với các câu hỏi quen thuộc hàng năm, rằng “Làm sao để lấy thuế về nhiều nhất hay phải đóng ra ít nhất?”. Với những thắc mắc này, xem ra chẳng mấy ai “hài lòng” khi phải đóng thuế. Nhưng khi biết tiền thuế của người dân đóng cho chính phủ đã được sử dụng cho an ninh quốc gia, y tế giáo dục và để phát triển xã hội nói chung ra sao, có lẽ người đóng thuế sẽ cảm thấy việc đóng thuế là cần thiết và là một trách nhiệm công dân trong việc phát triển quốc gia.
Câu nói khá nổi tiếng liên quan đến thuế của Benjamin Franklin thường được nhiều người vẫn hay nhắc đến là “Thế giới này không có điều gì chắc chắn, ngoại trừ cái chết và thuế”.
Cái chết thì mỗi người chỉ đối diện một lần trong đời, còn thuế là chuyện hàng ngày, vì đổ một bình xăng, ăn một tô phở, mua một ống kem đánh răng… đã phải trả thuế. Nói chung thuế là người “bạn đời” thân thiết, theo ta từ lúc lọt lòng khi mẹ cha mua tã sữa, đến khi chán thuế để về với cát bụi, cũng phải gián tiếp “trả” thuế qua các chi phí ma chay, đất chôn …
Tu Chính Án 16 quy định về thuế thu nhập được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1913
Ước gì đừng có thuế. Ắt có người đã từng thốt lên như thế. Hoặc hơn thế nữa, có người ca cẩm, bực bội về thuế má phải nộp cho chính phủ, nhất là trong kỳ khai thuế thu nhập năm nay. Tiền lấy về chẳng thấy lại phải móc túi chi cho “Uncle Sam” đôi ba “xấp” thiệt xót ruột, khi vừa mới đóng tiền thuế nhà hàng năm. Xem ra thuế đúng là người “bạn đời” mà chẳng ai muốn hiện diện trong đời sống của mình.
Nếu bạn đã từng suy nghĩ về thuế như trên thì bạn không phải là người lẻ loi. Hay thậm chí đó là một suy nghĩ số đông, khá phổ biến. Ðối với người Mỹ, việc trả thuế cũng là việc miễn cưỡng. Nhất là lật lại lịch sử, dân Mỹ đã không phải trả thuế thu nhập cho đến khi quốc hội cải tổ và thông qua đạo luật về thuế thu nhập vào năm 1913, với cách tính thuế khá tân tiến lúc bấy giờ và là nền tảng cho hệ thống thuế ngày nay. Và dù luật thuế được áp dụng lúc bấy giờ, người dân cũng chỉ đóng thuế thu nhập khoảng 1 đến 7% thu nhập so với thang thuế có thể đến mức cao nhất gần 40% cho những người có thu nhập cao như ngày nay (năm 2013, thang thuế thu nhập là 39.6 % cho người độc thân có thu nhập trên $400,000 hay gia đình có thu nhập trên $450,000). Lúc bấy giờ người dân được ưu đãi khá nhiều khoản khấu trừ để khỏi phải trả thuế, so với sự giới hạn khá lớn như hiện nay (lấy ví dụ như chi phí y tế phải cao hơn 7.5% mức thu nhập đã điều chỉnh (AGI) mới được dùng để tính khấu trừ trong luật thuế hiện nay).
Nhiều người chỉ quan tâm tới tiền refund
Trở lại cùng thời gian thì điều gì đã làm thay đổi trong hệ thống thuế như vậy? Ðầu tiên phải kể đến tổn phí chiến tranh rất lớn thời Ðệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) đã đưa đến việc thuế thu nhập bị tăng đáng kể. Kế đến các chi phí về y tế, quyền lợi an sinh xã hội, chi phí quốc phòng và các chương trình giáo dục, giao thông, phúc lợi xã hội khác… của chính phủ đã càng ngày càng đưa mức thuế thu nhập của người dân tăng cao. Điều người thọ thuế đang đối diện ngày hôm nay là các vấn đề tương tự mà các thế hệ đi trước tại nước Mỹ này đã đối diện. Nhưng nhìn chung thì thuế thu nhập tại Mỹ vẫn là những tỉ lệ khá thấp so với nhiều quốc gia như Canada hay Châu Âu, nơi thang thuế cao nhất có thể lên đến mức 50% thu nhập (hay như Pháp từng đề nghị thang thuế 75% cho thu nhập trên một triệu đô). Thang thuế trung bình trong năm nay cho phần lớn gia đình Mỹ (thu nhập trong khoảng $36,250-$72,500) là ở mức 15%.
Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực của thuế, thuế đã góp phần to lớn để phát triển một xã hội văn minh, tân tiến cho nước Mỹ hiện nay. Bất cứ chính phủ nào cũng dựa vào thuế để điều hành và phát triển đất nước, nhằm đạt đến các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục… Thuế chiếm một tỉ lệ rất lớn trong tổng sản lượng quốc gia (trung bình khoảng 30% GDP ở Mỹ và có thể đến 50% tại các quốc gia khác như Đan Mạch, Thụy Ðiển) và chiếm hầu như phần lớn tổng thu nhập của một chính phủ (có thể đến 90% hoặc hơn, tiền thu được của chính phủ là từ thuế, còn lại là nguồn thu từ các nguồn dịch vụ cung cấp hay vay mượn nước ngoài).
Theo số liệu Phòng Quản trị Ngân sách chính phủ thì tiền thuế thu nhập cá nhân do người dân đóng chiếm 43.5% tổng thu của chính phủ và các hãng xưởng đóng khoảng 11%. Và con số này xem như đã được giảm so với các năm trước đó do những chính sách ưu đãi và cắt giảm thuế. Cũng theo số liệu này, tính ra số tiền, tài khóa 2012 thì người dân đã đóng thuế thu nhập cho chính phủ khoảng 1,141 tỉ đô la, trong tổng số khoảng 2,627 tỉ đô la tổng thu của chính phủ.
Với nguồn tiền thu thuế này, chính phủ đã chi hết, hoặc thâm thủng trong các năm qua, cho các vấn đề điều hành và phát triển nước Mỹ, cũng như để trả nợ hay lãi suất từ các món nợ nước ngoài. Ba phần tư nguồn tổng thu này được chi cho vấn đề an ninh quốc gia, tổn phí chiến tranh, an sinh xã hội, chi phí y tế cho người về hưu (Medicare) và người nghèo (Medicaid), cùng lãi suất các khoản nợ nước ngoài. Một phần tư còn lại chi cho vấn đề giáo dục, hệ thống giao thông, chương trình y tế, phúc lợi các nhân viên chính phủ cùng các lãnh vực khác.
Hai phần ba số tiền thu này bắt buộc phải được sử dụng vào quỹ An sinh xã hội, Medicare và trả lời tiền nợ theo luật định. Số tiền còn lại thì có thể thay đổi theo từng tổng thống, chính phủ và phải được quốc hội thông qua. Ngân sách này do mỗi tổng thống và nội các chính phủ đệ trình gần như cố định, nên nếu tăng các chi phí cho lĩnh vực này thì phải cắt giảm các khoản chi phí khác để bù lại. Ví dụ ngân sách quốc phòng tăng cao thì ngân sách dành cho giáo dục, y tế, giao thông… bị cắt giảm. Các chương trình khác như khoa học kỹ thuật, năng lượng, không gian, nông nghiệp, môi trường … đều nằm trong khoản ngân sách này. Do đó người thọ thuế cũng được coi là có trách nhiệm và gián tiếp quản trị, điều hành ngân sách quốc gia, vì đã bầu nên tổng thống và các viên chức chính phủ trực tiếp chi tiêu ngân sách quốc gia. Bầu cho một tổng thống thiên về vấn đề phúc lợi xã hội hay một tổng thống chi tiêu nhiều cho quốc phòng, tổn phí chiến tranh là trách nhiệm cùng hậu quả của người thọ thuế nói chung. Cũng vậy, các chính sách thuế hay các cải đổi từ chính phủ cần được coi là công bằng và bình đẳng đến tất cả mọi người dân.
Theo số liệu từ Văn phòng ngân sách quốc gia đăng trên trang mạng của tòa Bạch Ốc, hãy thử điểm qua xem tỉ lệ chi tiêu số tiền mà người thọ thuế phải đóng cho chính phủ đã được sử dụng như thế nào (chi tiêu chính phủ cho tiền thuế năm 2012):
– 24.64% cho quốc phòng, quân đội, an ninh quốc gia;
– 22.45 % chi phí y tế bằng ngân sách liên bang (như Medicaid, CHIP, nghiên cứu y tế, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bịnh…);
– 8.01 % lãi suất tiền nợ nước ngoài;
– 17.26 % phúc lợi xã hội (trợ cấp thất nghiệp, tàn tật, trợ cấp xã hội, food stamp, WIC, tín thuế người thu nhập thấp, tín thuế cho trẻ em…);
– 3.30 % chi phí giáo dục nói chung như trung tiểu học, dạy nghề, nghiên cứu phát triển;
– 4.53 % phúc lợi cho cựu chiến binh;
– 1.40 % bảo vệ tài nguyên, năng lượng và môi trường;
– 2.05% di trú, nhân viên công lực, điều hành và quản trị hệ thống tư pháp;
– 1.72% vấn đề đối ngoại (viện trợ quân sự);
– 14.64% các chi phí nói chung khác (giao thông, canh nông, khoa học kỹ thuật, phát triển các cộng đồng, khu vực dân cư…).
Theo số liệu trên thì chi phí cho quốc phòng chiếm một phần trăm đáng kể trong số tiền thuế người dân đã đóng khi Mỹ là nước có chi phí quốc phòng lớn nhất thế giới, và chi phí y tế khá cao, tính chung đã chiếm gần phân nửa số tiền thuế.
Khi chúng ta hiểu rõ được tiền thuế của chúng ta đi đâu, được sử dụng như thế nào, có thể chúng ta cũng được “an ủi” hơn vì mình đã là một công dân thọ thuế và có trách nhiệm trong việc góp phần vào sự phát triển xã hội. Hay hơn nữa, nhìn vào hệ thống giáo dục trung tiểu học miễn phí cho con cái chúng ta, những điều kiện an sinh, tiêu chuẩn sống hay hệ thống giao thông bậc nhất thế giới cùng nhiều điều ưu đãi khác mà chúng ta được thụ hưởng từ nước Mỹ, có thể chúng ta sẽ thấy việc đóng thuế không hẳn là chuyện không ý nghĩa.
ĐYT – tổng hợp