Bạn hiền,
Mới đây ở Việt Nam xảy ra vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng. Sự việc diễn ra trước Tết Nguyên đán trên quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ, nơi phát sinh ra những môn võ cổ truyền Việt Nam, và những màn trình diễn võ thuật đó đã diễn ra ngay trên bục giảng của trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định.
Tất cả sự việc được thâu lại từ một điện thoại di động của một học sinh trong lớp. Theo lời cô Hiệu trưởng Nguyễn Huyền Trân kể lại, thầy giáo trong clip tên là Trần Anh Tuấn, 23 tuổi, dạy môn hóa lớp 11. Clip mở đầu bằng hình ảnh thầy Tuấn gọi em Nghĩa lên bục giảng rồi tát vào mặt Nghĩa. Mỗi lần đánh, thầy đều nói kèm câu: “Mày cương hé, mày cương hé”. Sau cái tát thứ tư bên má trái, Nghĩa giơ tay lên đỡ thì lập tức bị thầy tát mạnh bên má phải.
Lúc này, phía dưới lớp, một em khác tên là Long lên tiếng: “Sao quýnh dữ thầy?” thì bị thầy Tuấn gọi lên bảng chỉ mặt: “Mày muốn sao? Học không được thì nghỉ nghen”. Thầy Tuấn tát vào mặt Long. Ngay sau đó, Long lên gối đánh lại thầy, Nghĩa cùng với bạn xông vô đánh thầy. Lúc này, nhiều học sinh trong lớp ùa lên can.
Cô Trân cho biết: “Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Cả thầy và trò đều sai. Thầy còn trẻ, mới ra trường nên thiếu kiềm chế, ứng xử không tốt mà trò thì còn nhỏ, cá tính mạnh lại bồng bột. Sau đó, thầy trò đều đã xin lỗi nhau trước lớp. Hiện nhà trường đang tiến hành gặp các bên để báo cáo cụ thể sự việc lên Sở giáo dục và đào tạo để có hướng chỉ đạo giải quyết”.
Theo cô Trân, “Thầy trò họ đã tự làm lành với nhau để tiếp tục dạy và học như bình thường”.
Tuy nhiên đối với nhiều người thì chuyện này không bao giờ sẽ trở lại bình thường. Cái hình ảnh thầy trò ẩu đả đã bị ghi lại và truyền tải trên YouTube sẽ mãi mãi tồn tại. Thêm nữa sẽ thật khó xử cho nhà trường vì có thêm một yếu tố quan trọng ở đây là thầy Tuấn là cháu của Phó thanh tra Sở giáo dục và đào tạo Bình Định. Trong khi cô hiệu trưởng khẳng định việc này không có ảnh hưởng gì đến quy trình xử lý vụ việc và kỷ luật của trường, nhưng cớ sao lại cho thầy Tuấn tiếp tục lên lớp trong khi các nhà sư phạm khác ở Việt Nam yêu cầu cho thầy nghỉ việc.
Trong khi đa số dư luận lên án hành động của thầy giáo trẻ người non dạ thì cũng có một số nhỏ bào chữa cho hành động này. Họ cho rằng cũng nhờ những trận đòn roi mà rất có nhiều học sinh đã nên người. Họ viện dẫn nhất tự vi sư, bán tự vi sư, và tự hỏi cái truyền thống tôn sư, trọng đạo của Việt Nam đâu mất rồi!
BTL tôi thì đứng hẳn về phía thầy giáo, không phải vì tôi cũng trong nghề, nhưng là vì theo BTL tôi những cái tát tai nảy lửa của ông thầy này so ra còn nhẹ hơn những trận đòn roi mà BTL tôi và những đứa bạn cá biệt hồi nhỏ đã hứng chịu, và lúc đó bọn tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện tày trời là đánh lại thầy mặc dù chúng tôi dư sức làm chuyện đó.
Cái clip điện thoại chỉ ghi lại phần sau, chắc chắn phải có những câu nói hỗn láo hay những hành động khiêu khích của đám học sinh này nên mới làm cho thầy Tuấn mất kiểm soát. BTL tôi không đồng ý với lối hành xử của thầy, nhưng cũng không lên án việc thầy làm. Rất tiếc là thầy sinh ra nhầm thời đại. Nếu thầy là thầy giáo thời của BTL tôi thì bọn học sinh chúng tôi sẽ ngoan ngoãn nằm đó cho thầy quất roi vô đít, thầy có tát má bên này thì chúng tôi sẽ đưa má bên kia cho thầy tát, để khỏi bị nhất bên trọng, nhất bên khinh.
Năm 2002, BTL tôi có về Việt Nam và được mời vào thuyết giảng ở trường đại học Bách Khoa Sài gòn và có dịp tiếp xúc với các sinh viên ở đó và các em sinh viên lễ phép đó đã để lại trong BTL tôi một ấn tượng đẹp. Lúc đó thân nhân ở Việt Nam cho BTL tôi biết đó chuyện học sinh sinh viên lễ độ là chuyện bình thường vì truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn còn được gìn giữ. Mười hai năm trôi qua, BTL tôi không ngờ ngành giáo dục của nước nhà xuống dốc nhanh như vậy. Không phải chỉ riêng vụ thầy Tuấn ở Bình Định mà còn có rất nhiều thầy cô ở Việt Nam bị học trò đánh đập, có nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Đọc cái tin tức bạo lực trong học đường ở Việt Nam mà thấy tội nghiệp cho các thầy các cô bên quê nhà. Cái nghề thầy giáo đúng ra là một nghề cao quý, bởi vì lý do đơn giản là không thầy đố mày làm nên. Thầy giáo ở Việt Nam với đồng lương chết đói mà vẫn bám nghề. Họ là những người có công truyền tải kiến thức cho thế hệ tương lai của nước nhà nhưng đa số lại sống một cuộc đời bạc bẽo, thiếu thốn mọi mặt, về kinh tế lẫn tinh thần.
Trở lại chuyện thầy Tuấn và hai em Long và Nghĩa. Theo BTL tôi thì chuyện không có gì đáng phải làm cho ầm ĩ. Dù muốn dù không thì sự việc đã xảy ra và thầy trò đã xin lỗi lẫn nhau thì còn có gì để mà bàn? Biết đâu sau biến cố này mà thầy và trò lại gần gũi nhau hơn. Hồi BTL tôi học trung học ở Việt Nam, ở mái trường Trần Nguyên Hãn, Vũng Tàu dạo cuối thập niên 70 cũng có một số thầy giáo rất trẻ mới ra trường sư phạm, chỉ hơn bọn học sinh chúng tôi chừng vài tuổi. Trong số đó có ông thầy tên Thành người gốc Huế dạy môn toán. Thầy rất chịu chơi, coi bọn tôi như bạn. Có những đêm khuya gác trường, thầy theo bọn tôi lên sân thượng, nhậu nhẹt và đàn hát suốt đêm. Tuy nhiên, khi lên lớp thì bọn tôi vẫn kính trọng thầy như thường, chỉ có những giờ sau tan học thì thầy trò thành bạn bè.
BTL tôi hy vọng thầy Tuấn cùng với Long và Nghĩa cũng có được mối quan hệ như vậy. Sau này nếu họ có thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, hy vọng chỉ xảy ra trong lúc tập dượt và trao đổi các bí quyết của môn võ cổ truyền Bình Định.
BTL – Rockledge, FL – 22 tháng 2, 2014