Menu Close

Ocean Vương Câu chuyện những mái ấm đứt đoạn – Kỳ 1

LTS: Càng ngày càng có nhiều cây bút trẻ gốc Việt được tán thưởng trong dòng chính ở khắp các nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong bài phỏng vấn hai phần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu với độc giả một nhà thơ gốc Việt trẻ đã đoạt nhiều giải thưởng quý giá và những tâm tình sâu sắc của Anh.

Về Ocean Vương

Nhà thơ Ocean Vương sinh ở Sàigòn, Việt Nam năm 1988, và được nuôi nấng bởi những phụ nữ trong gia đình – người mẹ độc thân nuôi con, các dì, và Bà Ngoại – ở Hartford, Connecticut. Anh tốt nghiệp cử nhân Văn Chương Anh ngữ tại Đại học Brooklyn College.

Ocean là tác giả của hai tập thơ: “No” (Nxb YesYes Books, 2013) và “Burnings” (Nxb Sibling Rivalry Press, 2010), vốn nằm trong danh sách American Library Association’s Over The Rainbow và được dùng rộng rãi trong các trường đại học tại Mỹ và các nước khác.

Ocean nhận giải Pushcart năm 2013, bên cạnh các vinh dự khác như học bổng từ Kundiman, Poets House, và the Saltonstall Foundation For the Arts, cũng như Academy of American Poets Prize và Connecticut Poetry Society’s Al Savard Award. Thơ của Anh đã xuất hiện trong Denver Quarterly, Quarterly West, Passages North, Guernica, The Normal School, Beloit Poetry Journal, Crab Orchard Review, Best of the Net 2012 và the American Poetry Review, vốn trao cho Anh giải Stanley Kunitz Prize năm 2012. Tác phẩm của Anh đã được chuyển ngữ sang tiếng Hindi (Bắc Ấn), Đại Hàn, tiếng Việt, và tiếng Liên Xô.

Ocean sống ở New York, nơi Anh đọc các tập thơ tranh giải in chapbook trong vai trò Trợ Tá Chủ Bút cho Thrush Press. Anh nghĩ quý vị thật là hoàn hảo.

(tiểu sử từ trang blog cá nhân http://oceanvuong.tumblr.com/bio, Trangđài chuyển ngữ)

alt

Ocean Vương at a reading

TrangĐài Glassey-trầnnguyễn (TGT): Anh không nhớ gì nhiều về Việt Nam, nhưng Anh nhớ gì về nơi mình sinh ra?

Ocean Vương (OV): Tôi không nhớ gì cả. Tôi đến Mỹ khi mới một tuổi rưỡi. Tuy nhiên, tôi đã về thăm Việt Nam lần đầu năm 2009. Đó là một kinh nghiệm kinh hoàng, vì những gì tôi biết về Việt Nam lúc đó chỉ là những mảnh vụn của các câu chuyện mà Bà Ngoại tôi kể. Nói cách khác, Việt Nam mà tôi biết chỉ hiện hữu trong quá khứ, trong một khoảnh khắc còn đọng lại. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng khi trở về nhà, tôi lại cảm thấy mình là một người di dân một lần nữa – nhưng tôi đã cảm thấy như vậy.

TGT: Người Mỹ gốc Á phản đối những định kiến mà xã hội Mỹ có về phụ nữ Á Châu (và Việt Nam) như những cô gái lầu xanh, và nhập chung người Châu Á vào giai cấp nông dân. Anh trân quý xuất thân nông dân của gia đình mình và quá khứ của Bà Ngoại mình, như anh nói trong một bài viết trên trang nhà của Brooklyn College. Anh có cảm thấy lấn cấn giữa quan điểm của mình và sự công bằng về xã hội và sắc tộc mà người Mỹ gốc Á tranh đấu để đạt tới không?

OV: Không. Tôi không thấy việc ủng hộ Bà Ngoại tôi hy sinh cho gia đình là một quan điểm về xã hội và sắc tộc. Sự hãnh diện về gia đình của một cá nhân và quan điểm ý thức xã hội của cá nhân đó là hai điều độc lập. Nói cách khác, tại sao một người không thể vừa phê bình những định kiến về người gốc Á của truyền thông Hoa Kỳ, vừa ủng hộ những ai phải trải qua một vài chiều kích của những định kiến đó để sống còn? Tôi nghĩ đây là một sự phân biệt quan trọng – đặc biệt là cho những thế hệ người Mỹ gốc Á thế hệ thứ hai và ba, bởi vì họ bị tách rời khỏi kinh nghiệm tang thương trong lịch sử Á Châu từ thập niên 1940 đến 1970, và vì vậy, có đặc quyền phân chia những tang thương thành những vấn đề về xã hội và sắc tộc.

TGT: Về lịch sử của gia đình mình, Anh nói, “Tôi nhận ra rằng những câu chuyện này thật quý giá, nhưng chúng sẽ chết theo người kể – như văn chương. Vì tôi là người duy nhất trong gia đình có khả năng viết lách, nên tôi đã ghi lại những câu chuyện này.” Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn, phải không? Anh làm thế nào để cân bằng cái áp lực và quyền lực của một người giữ lại những câu chuyện này?

OV: Tôi không cảm thấy bị áp lực. Gia đình tôi hoàn toàn mù chữ – cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Điều mà họ cho tôi trong câu chuyện của họ là một món quà, một di sản. Nhưng, không như của cải hay di sản vật thể, món quà này không thể bị bể hay đánh cắp. Tôi cảm kích cơ hội đưa những câu chuyện này, những cuộc đời này, vào nghệ thuật bằng cách thêm chúng vào trong câu chuyện của chính tôi và sáng tạo của tôi. Tôi không phải là một sử gia. Và, trong ý nghĩa đó, áp lực về mặt chính xác còn rất ít. Tôi điền vào chỗ trống và những khoảng trống bằng những điều tôi tự nghĩ ra.

TGT: Đời sống nghèo khó đã mang đến cho Anh những quà tặng nào?

OV: Tôi không bao giờ thấy mình sống trong nghèo đói – tuy tôi nhận ra rằng gia đình tôi nghèo kinh khủng. Thật ra, trong thời gian chúng tôi qua Mỹ, Việt Nam đang phát triển. Nhiều gia đình bắt đầu có TV hoặc radio. Khi mới đến Mỹ, cả nhà chỉ có một căn phòng trống với vài cái mền từ Salvation Army. Tôi đoán sống như vậy là nghèo. Nhưng chúng tôi nhận được trợ cấp xã hội và giúp đỡ từ nhà thờ ở vùng đó, nơi có những buổi phát thực phẩm mỗi Chúa Nhật với cereal hết hạn và bánh mì cũ. Tôi không biết nữa. Tôi nghĩ rằng sự nghèo khổ tương đối dạy cho tôi biết quý những gì tôi có: sự hiện diện của gia đình và sức mạnh của những câu chuyện, hình ảnh, và bài hát. Thêm nữa, khi bạn không có gì nhiều, thì bỗng nhiên mọi thứ đều là một quà tặng – một ơn lành thật sự, cảm thấy được. Và tôi thích vậy. Không có gì là chán hết. Bất cứ cái gì cũng là một phụ trội.

TGT: Là một thi sĩ có thể đồng nghĩa với cảm giác phân cách với gia đình của chính mình, nếu không phải là với chính mình và với thế giới xung quanh, lúc này hoặc lúc khác. Nhưng để làm một thi sĩ và người khoa bảng trong gia đình có thể làm tăng thêm cảm giác cách biệt này. Anh có cảm thấy như vậy không? Và Anh làm gì với sự cách biệt đó?

OV: Tôi nghĩ tôi cũng rất may mắn là, không như các phụ huynh Mỹ gốc Á truyền thống vốn muốn con cái họ trở thành bác sĩ hay luật sư, gia đình tôi rất hãnh diện có một người khoa bảng và thi sĩ. Tôi nghĩ vì đối với họ, biết đọc là một quyền lực mà họ chưa bao giờ hiểu hay trải qua, và vì vậy họ coi nó như một điều đáng được kính ngưỡng và quan trọng – thậm chí như phép thuật. Có nhiều lúc tôi đọc tạp chí phổ thông như People hay các báo tạp nhạp khác ở bàn ăn và mọi người từ từ rời khỏi phòng, thì thầm với nhau, “Shhhh. Đi chỗ khác. Ocean đang đọc.” Đối với họ, việc đọc cũng không khác với phép thuật. Ở một cách nào đó, gia đình tôi nói đúng: trong nhà, tôi lo tất cả những việc liên quan đến chữ nghĩa. Tuy sống ở New York City, nhưng tôi lo hết các hoá đơn, những cuộc hẹn khám bệnh, thuế má – tôi còn đi họp phụ huynh cho em trai tôi nữa. Đây là những điều tối thiểu tôi có thể làm cho những hy sinh mà gia đình đã làm cho tôi. Và tôi đã cố nhiều lần dạy Mẹ tôi tiếng Anh – nhưng thật khó trong một gia đình Á Châu để một người con trai hay một người con dạy bất cứ điều gì cho một người lớn. Thứ bậc đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ gia đình và việc đổi ngược vai trò thường rất khó khăn, nếu không nói là không thể.