Ba thập niên sau các trận đánh, có thể nhận định: Trên mặt chiến thuật, Quân đội Nhân Dân [QĐND] tiêu hao quân Tàu trong giao chiến; trên mặt chiến lược, quân đội này đánh mất cơ hội xác định biên cương bất khả xâm phạm của quốc gia. Kết quả mập mờ của trận chiến đã không đặt VN vào thế mạnh cho phép thương thuyết bình đẳng, ngược lại, mất dần lãnh hải và lãnh thổ. Chiến tranh biên giới, thực tế là một thất bại chiến lược.

Bia tưởng niệm trận đánh biên giới 1979 bị đập phá và để hoang phế
Vào thời điểm 79, quân Việt ngang sức với quân Tàu, ở cả ba mặt vũ khí, quân số và chiến thuật. Mạnh hơn rất nhiều, nếu tính đến kinh nghiệm chiến trường, khả năng thích ứng đã qua thử thách, khả năng đối đầu với các đạo quân «đế quốc», cùng ưu thế đánh trên đất nhà. Lê Duẩn đã đánh mất cơ hội dạy ngược lại cho Đặng Tiểu Bình một bài học, nhắc lại cho dân Hán quá khứ thảm bại trên đất Việt. Với một chiến thắng sấm sét như từng xảy ra ở Đống Đa, đất nước sẽ mua được sự bình yên trong thế kỷ 21.
Trách nhiệm trước tiên ở Quân ủy Trung ương. Trách nhiệm thứ nhì ở Bộ Tổng tham mưu [BTTM]. Cả 2 cơ quan này đã không khai triển tối đa binh lực do không đặt mục tiêu: Tiêu diệt toàn bộ quân Tàu đã vượt biên giới.
Tôn Tử, trong Binh pháp, ra 3 đối sách: ‘‘Cao nhất là phá thế chiến lược đối phương. Thứ đến: Bằng ngoại giao phá thế liên hoành giữa đối phương với các chư hầu. Đối sách thứ 3: Tấn công trên trận địa. Đánh thành là hạ sách.’’ Trong cẩm nang Chiến tranh, Clausewitz phân tích: ‘‘Trường hợp bị gây hấn, các dân tộc bị xâm chiếm phải hiểu có những thứ không thể đạt được bằng ngoại giao. Tấn công là hình thái phòng ngự tuyệt đối. Càng bất ngờ khi đối phương tự tin dũng mãnh. Nếu trận chiến ban đầu thường đem đến đoàn kết giúp một dân tộc từ tiểu khối trở thành một khối rắn, trận đánh đầu tiên phải đặt mục tiêu khiến đối phương từ nan.’’ Đứng trước khó khăn không cho phép đánh vào đầu não Phương diện quân Vân Nam hay Quảng Châu, QĐND đã nhìn thấy thế liên hoành Khmer-Trung Quốc và quyết định phá vây. Tiến đánh Kampuchia nằm trong động thái này. Nhưng đến đây BTTM không có phương án nào khác để kháng Tàu, đánh chiếm Kampuchia với các quân đoàn chủ lực khiến bỏ trống biên giới phía Bắc là một lỗi lầm chiến lược.

Bộ đội miền Bắc (Quân đội Nhân Dân) ra trận năm 1979. Nguồn japanfocus
Kể từ quý nhì 78, mâu thuẫn Hoa-Việt gay gắt đến mức quân đội của VN đứng trước tình thế phải chuẩn bị lâm chiến. Trong quá khứ tổ tiên luôn phải chọn lựa: Giao chiến ngay trên biên giới hay lui về châu thổ sông Hồng đánh vận động chiến. Trong đa số các trận chiến, vua quan VN phải bỏ biên giới, thậm chí bỏ Thăng Long để lui về Nghệ An. Đôi khi chặn đánh ngay trên ải Chi Lăng, như trường hợp Lê Sát chặn Liễu Thăng, nhưng những trường hợp này không nhiều.
Đối với BTTM, vấn đề thêm phức tạp: Lần đầu tiên, từ khi thành lập, QĐND không sở đắc yếu tố thời gian. Trong chiến tranh Việt-Pháp, thời gian thuộc về Việt-Minh, càng kéo dài quân viễn chinh càng mệt mỏi. Trong cuộc chiến Nam-Bắc, càng kéo dài miền Nam càng cô thế, khi Hoa Kỳ giảm quân viện. Ngược lại, trong chiến tranh Hoa-Việt, thời điểm tấn công và thời gian tấn công, do Đặng Tiểu Bình quyết định. Nhìn rộng ra nữa, thời gian càng dài, Trung Hoa càng có thể huy động sức người, sức của, vượt xa khả năng của VN, thời gian trở thành ưu thế của Bắc Kinh.

Lính Trung Quốc quan sát địa hình. Nguồn defence.pk
Để phá ưu thế này, đòi hỏi một kế sách rõ rệt và một chiến pháp quyết liệt, cấp kỳ, mà 30 năm sau nhìn lại, dân Việt có thể phê phán BTTM đã hoàn toàn thụ động.
Khi quyết định khởi binh tiêu diệt quân Khmer, việc củng cố biên giới phía Bắc là bắt buộc. Cao Bằng với thành lũy, hầm ngầm của pháo đài cũ, trên nền địa thế hiểm trở vây bọc bởi hai sông Hiểm và sông Bằng Giang, đã có thể trở thành một ‘‘phá lam’’, tấm khiên làm gẫy mũi giáo phương Bắc. Quân Trung Quốc có thể luồn qua Trà Lĩnh, Đông Khê, Thất Khê, nhưng các trục lộ chính vẫn bị Cao Bằng kiểm soát, và đường rừng không cho phép quân Hán vận tải vũ khí nặng. Giữ Cao Bằng bằng quân chủ lực, cùng những bãi mìn dầy đặc, QĐND có thể làm chậm sức tiến của quân Hán xuống trục Cao Bằng – Bắc Cạn – Thái Nguyên, cho phép tập trung binh lực dàn trận địa pháo giao tranh trực diện tại Lạng Sơn. Đối với mặt trận Lào Cai, lui về Sa Pa dựa vào địa thế miền núi để phòng thủ, rồi từ 2 tỉnh lỵ Lai Châu và Hà Giang tấn công gọng kềm đánh xuyên qua Mường Khương và Bát Xát vào 2 bên cạnh sườn quân Hán ở Hà Khẩu. Giữ diện, đánh điểm, đã có thể áp dụng ở biên giới.
Lý do: Lợi thế địa lý vô cùng thuận lợi. Không ngẫu nhiên tổ tiên dân Việt đã dựng biên giới trong khu vực này. Không ngẫu nhiên mà các binh đoàn Le Page và Charton với 8 tiểu đoàn Lê dương, Nhảy dù, Bắc Phi đã tan xác dưới những chân núi này, tháng 10-1951.

Lính Trung Quốc trước giờ ra trận. Nguồn defence.pk
Thời điểm 79, Trung Quốc không có một sư đoàn nào kinh nghiệm chiến trận như Sư đoàn 308 Quân Tiên phong. Mà BTTM đã có thể dàn nhiều mươi sư đoàn như vậy: Các sư đoàn 302, 304, 312, 316, 320, 324, 325, 390 (320B) và 351 Công pháo thông thuộc địa hình biên giới, thượng du, trung du và đồng bằng Bắc-Việt. Chưa kể 10 sư đoàn của Mặt trận Giải phóng miền Nam [MTGPMN] đã chuyển biên chế và 12 sư đoàn tân lập cùng các sư đoàn ngoại biên 711, 968 đóng tại Lào. Với tiềm năng khai triển trên dưới 40 sư đoàn chính quy ngang bằng vũ khí, với dàn tướng lãnh dày dạn trận mạc, QĐND đủ sức phạt Hán ngay trên tuyến Phong Thổ – Lào Cai – Hà Giang – Cao-Lạng.
Chiến trường diễn ra sau đó với sức nặng của trận chiến gần như trên vai các trung đoàn độc lập của Tỉnh/Miền, là bằng chứng cho thấy chỉ với bộ đội địa phương, quân VN đã gây tổn thất lớn cho quân chính quy Trung Quốc. Sự tham chiến của chủ lực quân VN, nếu đã diễn ra, trên tuyến biên giới, sẽ đem đến chiến quả lớn: Bài học của Đặng Tiểu Bình thất bại ngay ban đầu khi Bắc triều không đánh thủng được phòng tuyến Nam triều. VN chứng minh với thế giới nền độc lập của dân tộc này bất khả xâm phạm. Trung Quốc thảm bại không thể xâm nhập vào đất Việt, sẽ khiến Bắc Kinh phải nhìn lại đối sách ngoại giao với phương Nam; các cột mốc biên giới sẽ ở nguyên vị trí từ hiệp ước Pháp-Thanh. Điểm quan trọng là chọn lựa này vẫn cho phép triệt phá quân Khmer, như thực tế đã diễn ra, khi Quân ủy cấp tốc rút các sư đoàn chính quy Bắc-Việt từ mặt trận Kampuchia trở về để cứu ứng Hà Nội lúc quân Tàu tràn sang, các sư đoàn cũ của MTGPMN vẫn có thể chiếm đóng và đánh bật quân Miên sang đất Thái.

Tù binh Trung Quốc
Tung chủ lực đánh ngay trên biên giới còn phá hủy ưu thế thời gian của Bắc Kinh. Nếu Đặng Tiểu Bình vẫn có thể rút quân tức khắc ngay khi gặp khó khăn, việc lui binh tức thì là một thú nhận thảm bại. Tiếp tục duy trì tiến công, cho dù gặp đề kháng mạnh, đồng nghĩa phải gánh lấy tổn thất cao giữa vùng núi non trùng điệp với nguy cơ lâm vào nguy khốn trước phản công cạnh sườn của quân VN. Yếu tố thời gian của trận chiến, như vậy, rời khỏi bàn tay của Đặng Tiểu Bình.
Có thể biện luận: Khi bỏ trống tuyến biên giới, lui về châu thổ sông Hồng, BTTM đã chọn giải pháp truyền thống của tiền nhân. Hưng Đạo đại vương đã bỏ Lạng Sơn lui về Vạn Kiếp, bỏ Vạn Kiếp lui về Thăng Long, rồi bỏ Thăng Long lui về phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi không chấp nhận đánh trên biên giới, vì phải dàn mỏng lực lượng theo chiều dài của biên giới mà nỗ lực chính của quân Hán chưa được xác định, BTTM đã hành xử đúng binh pháp: Tinh gọn, tập trung và định hướng. Lập luận này chỉ đúng một phần: Phần cần thời gian để xác quyết hướng tấn công chính của quân Tàu, cần bảo vệ thủ đô Hà Nội với vùng châu thổ đông dân, và cần không gian đồng bằng để đánh vận động chiến. Lập luận trên sẽ đúng — nếu — BTTM xây dựng sẵn một khối cơ động dự bị hùng hậu, theo kế hoạch sắp sẵn, một khi quân Hán đã vào đủ sâu sẽ tổng phản công để hủy diệt.

Lính Trung Quốc áp giải tù binh Việt Nam. nguồn google
Vẫn có thể biện luận: BTTM chuẩn bị tổng phản công thì Đặng Tiểu Bình lui quân. Lập luận như vậy là đã không tính đến yếu tố thời gian và có nghĩa QĐND đã không tước đoạt được ưu thế thời gian của Đặng Tiểu Bình. Trong lúc đánh ngay trên biên giới, làm giảm ưu thế này. Chấp nhận giao chiến vào sâu trong nội địa quốc gia, còn có nghĩa chấp nhận để quân Hán sát hại dân lành như đã xảy ra ở xã Đề Thám, xã Hưng Đạo ở huyện Hòa An thuộc tỉnh Cao Bằng. Chấp nhận cho quân Hán tàn phá ruộng vườn, nhà cửa, đô thị và hầm mỏ VN trong chiều sâu 50 cây số. Với hy sinh lớn lao như vậy, chiến quả của một chọn lựa chiến lược phải tương xứng với sự hy sinh. Hủy diệt đại bộ phận các tập đoàn quân Hán đã vào sâu trong đất Việt phải là mục tiêu, ý chí, và quyết tâm của QĐND – nếu chọn đánh ở đồng bằng.
Khó lượng định trước một cách chính xác hướng tấn công chính của quân Hán, vẫn có thể tiên đoán phần lớn nỗ lực sẽ diễn ra trong khu vực Lạng Sơn – An Châu – Bình Liêu – Tiên Yên. Vì Lạng Sơn là cửa ngõ của xâm lược, con đường xâm lăng truyền thống của phương Bắc. Chiếm Lạng Sơn, tiến về Lục Nam, Đặng Tiểu Bình uy hiếp tức khắc Hà Nội. Địa hình trống trải càng cho phép quân Hán tập trung đánh biển người.
Với một Schlieffen hay Manstein, có thể kế hoạch phản công sẽ phát xuất từ Thái Nguyên, khai triển với quân chủ lực để trở thành một lưỡi hái quét từ Tây sang Đông, từ Bắc Sơn xuyên qua Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, xuống đến Quảng Hà, đẩy quân Hán vào chiếc rọ biển Đông. Với một Joukov, chiến lược phản công có thể cũng sẽ không khác, như Joukov đã lui binh từ sông Donetz về sông Don, rồi từ sông Don về sông Volga, trước khi cắt Liên Lộ quân Caucase và áp Liên Lộ quân Nam Đức Quốc xã vào biển Hắc Hải trên mặt trận Nam Nga.

Khu nghĩa trang lính Trung Quốc tử trận năm 79
Đã không có gì diễn ra như trong các giả thuyết kể trên.
Không dồn quân quyết chiến ở Tây Bắc, cũng không kịp bao vây ở Đông Bắc biên giới, Quân ủy Trung ương đã để quân Hán chủ động chiến trường. Có thể giải thích Trung ương chọn lui về thế thủ để chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, hoặc hãy còn thận trọng phân tích tình hình, hay đợi các sư đoàn tân lập từ lệnh tổng động viên tăng cường sức mạnh cho các quân khu… Chọn lựa này không viên mãn, và không thỏa đáng, vì sẽ đẩy dân tộc vào một cuộc chiến dài lâu kiệt quệ khi yếu tố thời gian làm việc cho Trung Hoa. Và một khi trao quyền chủ động cho quân Hán, Quân ủy đã mặc nhiên trao quyền tiến thối cho Đặng Tiểu Bình, tức quyền chấm dứt chiến trường.
Giai đoạn hai, các cuộc phản kích của QĐND bắt đầu liên tục, tuy mang tính chất địa phương, không tổng thể, và chưa quyết định. Trong suốt 4 tuần lễ, từ 17-2-79 đến 16-3-79, Quân ủy đã không có một hành động chiến lược nào tầm cỡ. Chỉ có thể hiểu: BTTM đã không có sẵn một kế hoạch tổng phản công vì chưa tập trung kịp một khối cơ động mạnh. Thất bại chiến lược của Quân ủy và BTTM là đã xem chiến trường Kampuchia là chính diện. Điều mà Moltke đã cảnh cáo: ‘‘Một khi đã bày binh bố trận, bất kỳ một lỗi lầm nào cũng không thể sửa chữa kịp về sau. Vì đối phương cùng chuyển quân, tất cả các chuyển hoán, thay đổi thế trận sẽ không còn bắt kịp được nữa thời gian đã lũy thừa. Trừ phi đối phương yên vị, nhưng điều này đồng nghĩa xin ở kẻ thù một ân huệ.’’

Nghĩa trang lính Việt Nam tử trận năm 1979 – nguồn danghuyvan.blogspot.com
Không quyết chiến trên biên giới, cũng không chiêu dụ quân Hán vào sâu trong lãnh thổ rồi tập trung quân hủy diệt, BTTM đã chọn một giải pháp nửa vời: Đánh trên biên giới nhưng không hết sức lực, không lui quân hẳn mà tăng viện từng đợt, cầm chừng. Sư đoàn 345 lên Lào Cai, 326 lên Phong Thổ, 2 sư đoàn 311 và 346 tăng phái cho Cao Bằng, với 2 sư đoàn 327 và 337 rồi về sau 338, 347 tăng cường cho sư đoàn 3 Sao Vàng tại Lạng Sơn, đã không thay đổi được tình hình. Cả 5 thị xã biên giới cùng 17 quận lỵ đều lần lượt thất thủ. Quân đội đã chịu tổn thất mà không đạt được chiến thắng quyết định. Chỉ có thể giải thích thất bại quân báo đã khiến BTTM phán đoán sai nên vận dụng 3 trên 4 quân đoàn tổng trừ bị cho mặt trận Kampuchia, duy nhất quân đoàn 1 bảo vệ vành đai Hà Nội. Phải đến ngày 25 tháng 2, quân đoàn 14 cùng Bộ Chỉ huy Thống nhất Đặc khu Biên giới Lạng Sơn mới thành hình. Khi quân đoàn 2 và 3 trở về, hai tư lệnh Trung Hoa Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí lập tức lui binh. Sự hiện diện ngay từ đầu của hai quân đoàn chủ công VN, ngay trên tuyến biên giới, đã có thể thay đổi cục diện.
Với kho vũ khí hiện đại cùng đạn dược dồi dào của cả 2 miền Nam-Bắc vừa chấm dứt cuộc chiến, với địa thế biên giới hiểm trở, với lòng ái quốc cao độ của một dân tộc mà lịch sử đồng nghĩa chống Tàu, với quân đội dày dạn chiến trận, ở vào thời điểm 1979 VN có tất cả ưu thế để chiến thắng. Quân ủy và BTTM đã phạm nhiều sai lầm khiến kết thúc trận đánh là một thế thủ hòa đầy bất lợi cho đất nước.