Từ ngàn xưa âm nhạc đã là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại. Một giai điệu luyến láy hay một khúc ca ngân vang, khiến sáu bề giác quan của con người như được thổi bùng lên trong lửa mến. Âm nhạc làm thăng hoa cuộc sống, giúp người ta quên đi những nỗi niềm đầy vơi thống khổ có trong đời. Cùng chung nghe một giòng nhạc, cùng để lòng hòa nhập vào trường canh biến tấu của những nốt đen-tròn-đơn-trắng đặt trên khuôn nhạc có năm hàng kẻ và sáu khe, những người chưa từng quen biết bỗng trở thành bạn hữu thân tình, bỗng cảm nhận ta với người đang chung chia tiếng tơ lòng của mộng đời bất tuyệt. Bất cứ ở nơi nào đó trên thế giới, mỗi khi tổ chức một phong trào có nhiều người tham dự nhất là có sự hiện diện của giới trẻ, âm nhạc là phần quan trọng không thể thiếu của chương trình. Theo lý thuyết gia người Ý Ricciotto Canudo, Kiến Trúc và Âm Nhạc là hai nền nghệ thuật chính của cõi người ta.
Âm nhạc dùng thanh âm diễn đạt tình cảm và cảm xúc của con người, là giai điệu trữ tình của thời gian. Hai thể loại chính của âm nhạc là thanh nhạc và khí nhạc.
– Thanh nhạc dựa vào lời của bài hát để thể hiện ý tưởng, cảm xúc, và tình cảm. Có những giai điệu trở nên bất tử vì từng chữ từng câu của ca khúc đã đóng ấn vĩnh cửu trong lòng khán thính giả.
– Khí nhạc dựa trên âm thanh thuần túy của các nhạc cụ, tuy có vẻ trừu tượng nhưng tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và cảm xúc của người ta. Đây là thế mạnh của những bản nhạc giao hưởng.
Âm Nhạc dùng ký xướng âm ghi âm thanh bằng những nốt Đồ-Rê-Mi-Fa-Sol-La-Si-Đố…, để lĩnh xướng hay đọc chính xác cao độ, trường độ của một bản nhạc. Có nhiều khóa nhạc khác nhau. Hai khóa nhạc được biết đến nhiều nhất là khóa Sol và khóa Fa.
Không cần đi sâu vào phần lý thuyết và chuyên môn, ai cũng biết âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng, có tác động mạnh mẽ đến trạng thái tâm hồn của người nghe. Chính vì thế người ta khuyên nên cho trẻ em nghe nhạc, để trí tuệ của chúng được phát triển. Chỉ trong khoảnh khắc âm nhạc có thể làm cho ai đó chuyển biến từ tâm trạng này sang tâm trạng khác. Người ta cũng cho rằng âm nhạc có khả năng giữ cho tâm trí thăng bằng bình thản. Chính vì thế đã có những liệu pháp kết hợp với âm nhạc nhằm mục đích chữa trị cho các bệnh nhân tâm thần, làm giảm sự căng thẳng, hồi hộp, kích động của họ. Xem ra âm nhạc không chỉ là nghệ thuật của thời gian, nghệ thuật của sự chuyển động, nghệ thuật của các tiết tấu, mà còn là nghệ thuật “an tâm,” đưa người ta từ một cõi xa vời nào đó trở về với thực tại. Và còn hơn thế nữa, trong thời chiến âm nhạc được dùng để viết những ca khúc hào hùng đề cao tinh thần yêu nước của toàn dân, như hùng ca “Hội Nghị Diên Hồng” của Lưu Hữu Phước, hay “Lục Quân Hành Khúc” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa.
Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian, nên cũng theo ngày-tháng-năm chuyển động. Cõi người ta đã, đang và vẫn còn chứng kiến những thay đổi đầy nét đặc thù của âm nhạc như sau:
– Nhạc Dân Ca bắt đầu khoảng năm 1000.
– Nhạc Cổ Điển bắt đầu khoảng năm 1400.Trải qua các giai đoạn:
– Trung Cổ (1150 – 1450)
– Phục Hưng (1450 – 1600)
– Baroque (1600 – 1760)
– Cổ Điển (1730 – 1820)
– Lãng Mạn (1815 – 1910)
Bao gồm các thể loại Symphony, Concerto, Sonate, Etude, Prelude, Lullaby, Overture, Romance, Serenade, Nocturne, String quatet, Variation….
– Nhạc Jazz bắt đầu khoảng thập niên 1900
– Nhạc Đồng Quê (Country Music) bắt đầu khoảng thập niên 1920
– Nhạc Pop bắt đầu khoảng thập niên 1920
– Nhạc Rock bắt đầu khoảng thập niên 1940
– Nhạc Dance bắt đầu khoảng thập niên 1970
Mỗi người tùy theo cảm quan riêng, tự chọn cho mình một giai điệu thích hợp. Có người yêu Dân Ca, có người yêu Nhạc Tiền Chiến, có người yêu nhạc thời Trung Cổ, có người chỉ thích nhạc thời Phục Hưng… Riêng với người Việt Nam, có người luyến nhớ cung đàn Chầu Văn, có người say tiếng trống Hồ Quảng, có người mủi lòng khi nghe sáu câu Vọng Cổ, có người nức nở nghẹn ngào vì câu Hò Xứ Huế…v.v… Cho dẫu ẩn hiện dưới bất cứ giai điệu ước lệ và trừu tượng như thế nào đi nữa, âm nhạc cũng vẫn là một trong số những phương tiện dùng để chuyển giao tư tưởng, phản ảnh xã hội, thể hiện quan điểm sống. Thế giới sẽ trở thành sa mạc hoang vu, cõi người ta sẽ thấy trăm năm cô đơn nếu thiếu vắng âm nhạc. Có thể nói âm nhạc là bệ phóng đưa nhân loại lên cao, giúp mỗi một cá nhân trở thành những người có tâm hồn cao thượng, để họ có thể hoàn thành sứ mạng riêng mang trong cõi đời này.

4:10am Thứ Bảy ngày 22 tháng 3 năm 2014