Mẹ, con nghỉ hai ngày không đi làm, vì phải qua với Brig. Brig lại bị miscarriage nữa. She khóc quá trời, làm con cũng khóc luôn. Andrew và Brig chờ em bé mấy năm rồi…
– Vậy hả con, tội Brig quá!
– Mẹ, hai đứa làm tới năm lần IVF mà vẫn không có em bé!
– Thật khổ!
– Sau năm lần IVF không thành công, Andrew nói they không try nữa. They chấp nhận, miễn sao he và Brig vẫn thương nhau là được rồi!
– Nhưng sau cùng bác sĩ bảo hai đứa bị gì?
– Dạ, tại con sperm của Andrew không biết bơi, mau chết, còn nước của Brig thì lại như nước sôi, nấu chín liền con của Andrew!
Tôi đang thương cảm vợ chồng Andrew mong con, nhưng không thể nhịn cười khi nghe Bi kể chuyện.
Các con tôi tuy lớn, nói tiếng Việt giỏi, nhưng chỉ với chuyện xã giao bình thường. Còn với những đề tài chuyên môn, tiếng Việt của chúng trở nên khó khăn và thô thiển.
o O o
Tôi đem các con đi vượt biên khi Bi được 2 tuổi, cái tuổi còn bú sữa và mút tay khi ngủ. Một năm, sau khi định cư, tôi trở lại đại học. Mỗi sáng, tôi dắt cháu lớn lúc đó 6 tuổi đến trường tiểu học gần nhà, và dắt Bi lên xe bus đến trường đại học, Bi được gửi ở nhà giữ trẻ, và tôi thì chạy lên giảng đường. Đến chiều tối, ba mẹ con mới dắt nhau về. Cứ thế, tôi lớn và trưởng thành cùng các con giữa những tất bật của đời sống.
Tôi cảm nhận được những đòi hỏi vật chất khi có con. Chẳng bao giờ là đủ. Những lúc trời lạnh, mặc dù các con mặc áo len đội mũ, nhưng nhìn hai con tím tái vì lạnh tôi lại xốn xang. Nghĩ ngay con mình thiếu áo ấm, phải làm thêm, tằn tiện thêm, để có tiền mua áo ấm loại tốt cho con. Vừa nghĩ vừa tủi thân. Chẳng hiểu vì thương con hay vì đời sống vất vả eo hẹp.
Tôi thấu hiểu nỗi âu lo và sự hy sinh của mẹ tôi năm xưa, khi tôi hay xin đến nhà bạn và đòi ngủ lại. Ngày nay, tôi phải bấm bụng cho con đến nhà bạn chúng và ngủ lại đó. Tôi đã thức suốt đêm và lo phát khóc vì nghĩ đến những bất trắc có thể xảy ra cho con tôi. Tôi ngồi sẵn trong xe chờ trời sáng hẳn để đón con về.
Tôi xót xa, hiểu được nỗi cô đơn của đứa trẻ không có bạn. Một hôm, nghe Bi huyên thuyên kể về các bạn trong lớp, đứa này cho nó cái này, đứa kia cho nó cái khác, tôi ngạc nhiên sao con tôi cứ cúi gầm mặt xuống, giọng đều đều, không nhìn tôi, với ánh mắt trong veo, giọng nói hối hả không kịp thở, như thói quen bình thường. Tôi ôm con, hỏi thêm về các bạn, đột nhiên Bi khóc òa, nức nở kể cho tôi nghe đôi mắt mí lót của nó đã là trò cười cho một số trẻ ngang bướng trong lớp. Chúng kết bè với nhau ức hiếp những đứa hiền lành và trêu chọc những đứa khác chủng tộc như Bi, nên gần nửa năm lớp Ba, Bi không có bạn, nó lủi thủi một mình. Với tâm trí thơ ngây nhiều mơ ước, Bi đã tưởng tượng ra những đứa bạn dễ thương, và nó sống với những đứa trẻ đó. Tôi ôm con nước mắt nhoè nhoẹt!
Tôi cũng hiểu khi tôi chứng tỏ được bản lãnh trước sự việc khó khăn, đó là điều hãnh diện của hai con, và là chỗ dựa cho chúng nó.
Năm Bi học lớp 12, một hôm Bi dắt Lisa, cô bạn cùng lớp về nhà và hỏi nếu Lisa có thể ở nhà mình một vài ngày. Tôi hỏi lý do, Bi nói Lisa có vấn đề riêng với cha mẹ. Tôi thắt tim! Tôi gật đầu! Tôi nghĩ may cho Lisa, nếu không có Bi, giờ này chắc nó lang thang ngoài đường, bao nhiêu nguy hiểm chờ đợi nó chỉ vì sự rồ dại của tuổi trẻ.
Cơm tối xong, tôi hỏi chuyện Lisa, mới biết con bé có bạn trai và đang có thai. Tôi nhìn hai đứa con gái của mình, tôi chỉ còn biết cảm ơn Thượng Đế đã che chở. Làm sao ngăn cản được tình yêu của tuổi trẻ, khi nó nảy nở và chín muồi nhanh chóng ở xã hội Tây phương này? Lisa kể, mẹ nó bắt bỏ đứa bé, nó không chịu, nên bỏ nhà đi. Tôi hỏi về bạn trai của nó, đôi má thơ ngây chợt ửng hồng, Lisa nhìn tôi ngập ngừng: yes, he said he love me. Chúng nó còn quá trẻ cho một gia đình với trách nhiệm làm cha làm mẹ. Tôi không biết tính cách nào. Hai con tôi và Lisa ôm nhau khóc và một mực xin tôi giúp để giữ đứa bé. Tôi cũng muốn như vậy. Một sinh linh được thành hình thật thiêng liêng, không thể phá bỏ. Nhưng tôi biết trăm ngàn khó khăn đang chờ đợi.
Tôi quyết định gặp mẹ của Lisa. Chúng tôi hẹn nhau ở quán Café trên phố sau giờ làm việc. Vừa gặp tôi, bà đã nói không thể chấp nhận đứa bé. Tương lai của Lisa còn dài, nó phải đi học, phải ra trường, vì bốn đứa em đang trông vào nó. Hơn nữa bà không biết đứa con trai kia như thế nào, rồi bà khóc…
Tôi cũng là mẹ, tôi hiểu tôi sẽ có thái độ như bà ấy. Nhưng không hiểu sao, tôi lại nói với bà ấy về những đứa bé bị bỏ đi lúc mới được hai, ba tháng tuổi, mà tôi gặp trong bệnh viện. Tôi bảo đó là những bào thai vắn số tội nghiệp, nếu được sinh ra, nó cũng sẽ là những đứa trẻ xinh xắn dễ thương như con của chúng ta lúc nhỏ. Tôi kể cho bà ấy nghe những nguy hiểm khi phá thai, không chỉ là những vết sẹo trong cơ thể khiến khó có con sau này mà còn là những chấn thương về đạo đức nữa. Tôi cũng kể về những đứa trẻ khi sinh ra không được cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng, chúng cô đơn tội trong những viện mồ côi. Tôi xin bà ấy hãy kết hợp cho Lisa và bạn trai của nó, để đứa bé được sinh ra và có cha mẹ ông bà đầy đủ. Tôi cũng hứa sẽ cùng bà lo cho Lisa, vì cuối cùng hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của mình, dù nó đến không đúng như dự định.
Sau đó đám cưới được cử hành, đơn sơ nhưng đẹp và hạnh phúc. Tôi cảm nhận được điều này trong đôi mắt chàng trai trẻ, nhẫn nại, đắm đuối….bất giác tôi nhớ đến đôi mắt tôi đã từng có, nhưng đã về trời từ lâu…
Sau chuyện của Lisa, tình thương các con tôi dành cho tôi vẫn như cũ, nhưng dạn dĩ hơn, gần gũi hơn, và tin tưởng hơn. Tôi được chia sẻ những rắc rối tình cảm giữa chúng và các bạn trai gái cùng trang lứa. Tôi được chọn làm chuyên gia gỡ rối tâm tình cho nhóm bạn thân của các con.
o O o
Andrew và Brig là đôi bạn thân của Bi từ năm lớp 8.
Andrew có năng khiếu về âm nhạc. Tôi nhớ thằng bé Andrew cao gầy, mái tóc quăn vàng tự nhiên để dài đến cổ, đôi mắt nâu hiền lành, môi đỏ chót và nụ cười rộng mở, và thích món chả giò chấm nước mắm của tôi. Andrew tốt nghiệp Âm nhạc. Brig ra trường Sư phạm. Trước và sau khi lấy nhau, hai đứa đã từng là thân chủ thường trực của tôi!
Là giảng sư vĩ cầm, Andrew làm việc với nhiều dàn nhạc hoà tấu của Âu Châu, nên hai vợ chồng sống hẳn ở Pháp, cho đến cách nay hai tháng, tôi gặp lại Andrew và Brig trong một buổi hòa nhạc, mới biết hai đứa đã trở về Úc ba năm nay.
Gặp lại tôi, Andrew mừng lắm. Nó nhắc tôi ngày trước, mỗi lần đến sinh nhật, nó nhất định đòi tôi làm chả giò chấm nước mắm chua ngọt. Bây giờ nó vẫn thèm, dù đã ăn chả giò ở nhiều nơi, nhưng không đâu làm ngon bằng tôi cả. Andrew vẫn rất hiền, có thêm bộ râu quai nón, nom trí thức và nghệ sĩ. Brig vẫn đơn sơ sang trọng, tóc vẫn cột đuôi phía sau. Tôi hỏi hai đứa đã sẵn sàng có con chưa? Brig nhìn chồng, rồi nhìn tôi, đôi mắt long lanh: “Ồ, chúng con đã chờ đợi em bé từ lâu rồi!” Bi bấm tay tôi, nói xen vào: “Mẹ, Andrew và Brig mới về, đang ổn định đời sống, sau đó sẽ có em bé!” Theo kiểu Việt Nam, tôi chúc hai đứa có thật nhiều con để bõ công mong đợi. Bi lại bấm tay tôi lần nữa. Tôi im luôn.
Về đến nhà, Bi kể:
“Mẹ, hai đứa thèm em bé từ hồi chưa cưới. Brig là cô giáo và rất thương trẻ nhỏ. Nếu cần chọn một mẫu người mẹ tuyệt vời của thế giới thì người đó phải là Brig. Brig là con út trong gia đình bốn anh chị em. Các anh chị của Brig đều lập gia đình và có nhiều con. Từ hồi còn nhỏ, Brig trông coi các cháu giúp đỡ anh chị, từ bế em bé lúc mới đẻ, cho em bé bú sữa, đến lớn rồi dắt đi học, kèm ở nhà…cháu của Brig có đứa đang học đại học. Các cháu của Brig thương Brig hơn mẹ ruột nữa.
Còn Andrew là con trai út trong gia đình có bốn chị gái. Các chị của Andrew đều lập gia đình và có nhiều con. Thành ra khi hai đứa yêu nhau, gia đình với nhiều con đã là hình ảnh quen thuộc, và cũng là mơ ước của Andrew và Brig. Nhưng tội lắm, hai đứa try từ hồi ở bên Pháp, nhưng vẫn không có em bé. Brig nói với con chắc Andrew bận công việc, hai đứa di chuyển hoài, cuộc sống không ổn định, nên mới quyết định trở về Úc. Hiện tại, đời sống rất tốt, chỉ cần có em bé là đầy đủ. Nhưng ba năm rồi, vẫn không có em bé.
Hôm kia, Bi điện thoại báo tin Brig lại sẩy thai. Bi thở dài:
– Con thấy không fair chút nào, có nhiều người không muốn có con, thì lại có và có thiệt dễ. Hồi con về Việt Nam, thấy mấy em ăn xin ngồi ở lề đường, có đứa bế em bé mới biết đi, hỏi ra mới biết đó là hai mẹ con. Con thương muốn khóc luôn, muốn đem cả hai mẹ con về với con luôn. Tới lúc đó con mới thật sự tin những bài báo mà mẹ đọc cho con nghe về tình trạng mấy đứa con gái trẻ phá thai ở Việt Nam. Chúng chưa đủ trí khôn để biết được trách nhiệm của người mẹ và tình mẫu tử thiêng liêng. Sao vậy mẹ, trong lúc người thèm em bé, có đủ điều kiện để nuôi em bé, lại không được.?
Tôi triết lý an ủi Bi:
– Thường là như vậy con ạ. Mẹ nghĩ từng người có duyên nợ với nhau từ nhiều kiếp trước, sẽ gặp lại nhau trong một gia đình hoặc đại gia đình ở nhiều thứ bậc như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, cháu chắt…Và tùy theo đó là duyên hay nợ và nhiều hay ít, mọi người sẽ đến với nhau như thế nào và ở với nhau lâu hay không. Mẹ cũng thương vợ chồng Brig lắm, từ hôm biết chuyện của chúng nó, mẹ luôn cầu xin cho nó có em bé.
Bi ngậm ngùi:
– Mẹ biết không, tội Andrew lắm, he nói nếu God không cho em bé, thì Andrew và Brig vẫn thương nhau và sẽ lo cho con cháu của các anh chị, rồi giúp mấy em bé nghèo khác.
Tôi chêm vào:
– Thôi vậy cũng tốt, mẹ cầu cho hai đứa luôn được hạnh phúc.
Bi chợt ngắt lời tôi:
– Mẹ, Brig nói nếu con có em bé, Brig sẽ là God mother.
Bi đem tôi về thực tại:
– Ừ, vợ chồng con nữa, bao giờ thì có em bé đây!
Giọng Bi trầm trầm:
– Mẹ, con đang try very hard!
Tim tôi thắt lại.
– Mẹ cầu nguyện cho các con.
Bi nói nhỏ:
– Dạ, cái lớp của con, đứa nào cũng muốn có em bé, mà em bé …lỳ quá…không chịu tới. Con buồn em bé quá!
Tôi nói theo:
– Ừ mẹ sẽ xin Trời Phật gửi nhiều Thiên thần đến cho các con!
Tôi cúp điện thoại, mường tượng đến đám trẻ tốt lành, tôi mong một ngày thật gần tôi sẽ nhận được tin vui tất cả chúng nó sắp có con.
PDH – 2/14