Decibel (viết tắt là dB) là đơn vị dùng để đo cường độ của một âm thanh. Lỗ tai con người rất mực mẫn cảm, có thể nghe được bất cứ âm thanh nào, từ nhỏ như tiếng móng tay gãi nhẹ trên da cho đến tiếng ầm ĩ của máy bay phản lực.Về sức mạnh, tiếng phát ra từ máy bay phản lực mạnh gấp 1,000,000,000,000 lần âm thanh nhỏ nhất mà chúng ta có thể nghe được. Thật là một khoảng cách lớn lao.
Trên thang độ decibel, âm thanh nhỏ nhất có thể nghe được là 0 db (gần như hoàn toàn im lặng). Âm thanh nào mạnh hơn 10 lần là 10 dB. Âm thanh 100 lần mạnh hơn là 20 dB. Âm thanh 1 ngàn lần mạnh hơn là 30 dB. Dưới đây là một số âm thanh thông thường với thang độ decibel:
– Gần hoàn toàn im lặng: 0 dB
– Tiếng thì thầm: 15 dB
– Nói chuyện bình thường: 60 dB
– Tiếng máy cắt cỏ: 90 dB
– Tiếng còi xe hơi: 110 dB
– Tiếng máy bay phản lực hoặc buổi hòa nhạc rock: 120 dB
– Tiếng súng nổ hoặc tiếng pháo: 140dB
Tại sao hồ không có thủy triều như biển?
Có phải vì do mặt trăng, hoặc vì hồ không sâu đủ?
Thực ra hồ cũng có thủy triều (con nước) nhưng không lớn đủ để ta thấy được. Thủy triều làm thay đổi mực nước phần lớn vì sức hút do trọng lực của mặt trăng tác động lên trái đất. Khi mặt trăng kéo nước biển về phía nó tại một nơi trên trái đất, thì ở phía khác nước biển rút ra xa bờ. Do đó có sự thay đổi mực nước biển, và sự thay đổi này tùy thuộc vào cỡ lớn và vị trí của biển, độ sâu bao nhiêu và độ dốc của thềm đại dương vùng bờ biển ra sao.
Hồ cũng bị tác động do sức hút vì trọng lực như thế, nhưng vì nhỏ hơn rất nhiều so với biển, nên thủy triều của hồ cũng nhỏ hơn nhiều nên khó thấy được.
Thú vật nào “ầm ĩ” nhất?
Có phải gấu, hoặc sư tử đực? Còn tôm thì sao?
Đó là một loại tôm gọi là tiger pistol shrimp [tôm hùm (nổ như) súng lục]. Con tôm này có một chiếc càng lớn quá mức có thể mở bung ra được. Khi “bắn”, cái càng đó xịt ra một vòi nước với tốc độ có thể lên đến 60 mile/giờ (97 km/giờ), tạo ra một bong bong nước nổ lớn và xẹp ngay, với âm thanh có thể lên đến 218 decibels. Âm thanh này dùng để liên lạc với nhau, nhưng mục đích chính là như một thứ võ khí. Tiếng nổ lớn đến nỗi có thể làm cá choáng váng hoặc làm bể ly chén bằng thủy tinh. Vì có tần số rất cao, tiếng nổ này không truyền được xa. Thứ tiếng ấm ĩ nhất nhưng chỉ dùng để liên lạc với nhau là của loại cá voi xanh, khi phát ra có thể lên đến 188 decibels, nghe được ở khoảng cách xa cả 500 dặm (800 km)!
Dao, nĩa được sáng chế lúc nào?
Những lưỡi dao bằng đá đã xuất hiện cả 2 triệu rưỡi năm trước, trái ngược với nĩa, mãi lâu sau này mới có vào khoảng thời Hy Lạp cổ đại. Những con dao thời sơ khai có nhiều công dụng hơn, không chỉ dùng trong nhà bếp mà còn được coi như vũ khí, đồ dùng đa dụng, cũng như để xiên thực phẩm. Còn những chiếc nĩa lúc đầu là dùng để lấy thực phẩm từ trong chiếc nồi lớn đang sôi ra, chứ không phải để đưa đồ ăn vào miệng; thực hiện công việc này người ta thích dùng muỗng, dao hoặc tay hơn.
Cách dùng nĩa sớm nhất khi ăn uống mà ta biết được là ở Tuscany (nước Ý) vào thế kỷ 11, nhưng mãi đến giữa những năm 1600 thói quen này mới được cả Châu Âu áp dụng. Sau khi nĩa đã tìm được vị trí trên bàn ăn, các dao đi kèm không nhất thiết còn phải nhọn mũi như trước nữa.
Một con ong suốt đời làm được bao nhiêu mật?
1 gram, 10 gram, trên 100 gram?
Dưới 1 gram. Đa số ong thợ chỉ sống được khoảng 6 tuần trong mùa hè và chỉ có thể ra ngoài tìm mật hoa vào những ngày nhiệt độ trên 10 độ C (50 độ F). Một toán ong khoảng 12 con trong suốt cuộc đời chỉ sản xuất ra được chừng một muỗng cà phê mật. Ong dùng mật làm nguồn năng lượng cho cả tổ. Tùy theo thời tiết, một tổ có thể sử dụng tới trên 20 kg (44 pound) mật chỉ trong một mùa đông.