Menu Close

Những người nhặt rác

Đi xe trên xa lộ hay trong khu dân cư thành phố thỉnh thoảng ta thấy những bảng cảnh báo “Do not Litter” hay “No Littering” hoặc “Don’t Mess with Texas”. Và cũng có những bảng báo mang tính chất quy định “Keep Texas Clean”, Keep Texas Beautiful”

 

alt

Hê bồ, nhặt được mấy bao rác rồi để tôi ghi vào sổ.

Nước Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, xả rác vứt rác bừa bãi ra đường vẫn là vấn đề vệ sinh môi trường muôn thuở. Nhưng người vứt rác nơi công cộng có phải là người thiếu ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường hay do trình độ dân trí thấp và đó có phải là một thói quen khó chữa. Có người xả rác nên khắp nơi đều có người nhặt rác.

Ăn cơm nhà vác ngà voi

Khu phố tôi cư ngụ có một bà cụ cứ trời ấm áp là thong dong đi bộ khắp các con đường quanh xóm. Ban đầu tôi nghĩ bà cụ đi bộ tập thể dục nên khen thầm bà cụ có tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện thể lực sống lâu sống khỏe. Thế nhưng tôi lại thấy tay trái bà cầm chiếc bao nylon to, tay phải cầm chiếc gậy nhặt rác, vừa đi vừa tạt vào góc này góc kia nhặt lên những mảnh rác vụn. Mà đâu phải chỉ có mình bà “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Ở khu phố kế bên, có hai ông bà cụ, cũng sinh hoạt như vậy. Ông nhặt rác bà nhặt rác cười nói vui vẻ, coi như chuyện bình thường ở huyện.

 

alt

Cả nhà cùng nhặt rác

Trên xa lộ 35 đi Denton, vào những sáng Chủ Nhật lại thấy ông cụ da trắng dong dỏng cao, dừng xe bên lề xa lộ. Xe chạy vùn vụt, nguy hiểm như thế mà ông cụ vẫn say mê đi nhặt rác. Thậm chí có lần tôi thấy ông băng qua đường nhặt rác trong bãi cỏ dải phân cách xa lộ. Lại thêm một người ‘“ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”. Và tôi chắc rằng, bạn cũng như tôi không hiếm bắt gặp những hình ảnh như thế trên các xa lộ hay trong khu dân cư mình ở.

Đó là hình ảnh nhặt rác đơn lẻ của những người tự nguyện. Có thể bản thân họ ý thức môi trường vệ sinh quá cao hay thấm nhuần những phong trào kêu gọi của chính quyền hoặc các tổ chức phi lợi nhuận “Keep Texas Clean”, “Keep Texas Beautiful”. Họ nhặt rác như một thói quen. Họ nghĩ đến lợi ích cho cả xã hội, cộng đồng. Trong khi một số ít người khác quên đi những người đang sống xung quanh và tệ hại hơn là họ quên đi cái môi trường mà hàng ngày họ đang sống, đang hít thở không khí từ môi trường ấy.

Những người “ăn cơm nhà thổi tù và” làm chuyện bao đồng, làm chuyện thiên hạ trên, khiến tôi nhớ tới một Facebook về chuyện có hai người Nhật nhặt rác ở Hồ Gươm Hà Nội. Nick name Hoàng Vy Oanh chia sẻ: “Thật buồn khi những người khách lại dọn dẹp nhà cho chủ nhà. Nhìn những hành động này thật xấu hổ. Người Việt vốn có tính xả rác bừa bãi từ xưa rồi”. Nick name Thúy Hạnh lên tiếng: “Người Việt sẽ phải xấu hổ khi những hình ảnh này được đăng lên các trang mạng xã hội. Chúng ta nên ý thức đừng có thêm thói quen xấu xí nào nữa. Mình thấy xấu hổ quá!”.

Nhiều dân mạng tự hỏi, liệu người Việt có thấy tự ái và xấu hổ hay không khi những người nước ngoài đang dọn dẹp nhà cửa cho mình? Họ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy bức ảnh trên. Đó là những câu hỏi đắng lòng mà chẳng bao giờ có một câu trả lời rõ ràng. Môi trường là nơi mọi người sinh sống, cùng làm việc và mọi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường sống chung. Hiện tượng vứt rác ra ngoài đường hay nơi công cộng làm mất mỹ quan ảnh hưởng đến cuộc sống chung của mọi người.

Ở một đất nước tiên tiến văn minh như Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng đều có tình trạng xả rác ngoài phố, nơi công cộng tồn tại ít hay nhiều. Rất dễ để tìm thấy nhiều mảnh rác dọc theo hai bên tuyến đường xa lộ; rất dễ để chứng kiến cảnh người ngồi trong xe hạ cửa xuống vứt giấy gói thức ăn hay ly giấy họ mới vừa uống cho gió cuốn đi. Bạn đừng tưởng rác bên bờ cỏ xa lộ là ít. Nhiều lần tôi thấy những đoàn người nhặt rác “lao động công ích”. Và tôi thật rỗi hơi khi đếm con số bao nylon họ nhặt đặt trên lề xa lộ chờ xe đến lấy. Mỗi bên hơn cả trăm bao chỉ trên một đoạn xa lộ ngắn.

 

alt

Tham gia ngày làm sạch phố

Xả rác phạt rất nặng

Chúng ta biết, nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, Singapore đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Không chỉ vậy, các vấn đề về môi trường cũng được đặt lên hàng đầu với các hình phạt nặng nề đối với việc xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 – 5.000 đôla và phải lao động công ích. Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự việc. Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của hành vi trên chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.

 

alt

Sinh viên đại học nhặt rác tại Galveston

Còn luật Mỹ thì sao? Phạt nặng không thua Singapore. Ở tiểu bang Texas tội xả rác lần đầu bị phạt 500 đô, tái phạm phạt 2,000 đô và có thể 180 ngày ở tù. Anh B.V cư dân thành phố Irving kể lại một chuyện nhớ đời. “Có lần trên xa lộ, tôi phì phà điếu thuốc, nhìn kính chiếu hậu thấy xe cảnh sát sau lưng. Đang hút thuốc ngon lành, nhưng cảnh sát theo đuôi làm tôi phải bỏ điếu thuốc, cầm lái hai tay cho an toàn. Hạ cửa xuống chút, thả đót thuốc lá ra ngoài cho yên tâm. Tự dưng xe cảnh sát quay đèn. Tôi tấp vào lề. Dừng xe một hồi, viên cảnh sát bước ra hỏi bằng lái và bảo hiểm. Tôi ngạc nhiên có thể lầm lẫn gì chăng vì mình không hề vi phạm an toàn giao thông. Người cảnh sát ghi giấy phạt tội xả rác nơi công cộng. Tôi cự lại, tôi không có xả rác. Viên cảnh sát đưa tôi xem chiếc đầu lọc hỏi gói thuốc lá trên xe tôi nhãn hiệu gì và anh ta thấy tôi ném điếu thuốc đang hút ra cửa sổ. Gió mang chiếc đầu lọc đập đúng vào kính xe cảnh sát và mắc kẹt lại chỗ cần gạt nước. Nhân chứng, tang vật rành rành. Đành chịu!”.

Trong bài học An toàn giao thông Texas (Driver Defensive), đúng là có khoảng không nên ăn uống, vứt rác hay bỏ điếu thuốc đang hút ra đường. Những thứ này có thể bay đập vào kính xe chạy phía sau, gây mất an toàn cho mình và cho người khác. Và nó có thể thành tội vứt rác nơi công cộng. Cụm từ “Don’t Mess with Texas”” đã trở thành điệp ngữ trên các bảng thông tin điện tử bên xa lộ. Chúng ta có thể bắt gặp chúng đâu đó ở các ngã tư, các panô lớn có mang dòng chữ này. Nhiều người cho rằng, hành động xả rác đã trở thành thói quen, rất khó thay đổi. Thiết nghĩ, thói quen được chủ động hình thành trong mỗi người. Từ lúc bắt đầu đi học ở trường mẫu giáo, các em học sinh đã được cô giáo dạy giữ gìn vệ sinh cá nhân, để vật dụng ngăn nắp, bỏ rác vào thùng rác, v.v. Chúng ta có thấy cảm phục hay thậm chí xấu hổ khi thấy một đứa bé 4 tuổi loay hoay tìm giỏ rác để vứt giấy gói quà?

Tuy nhiên, thói quen này lại dần mất đi khi các em lớn. Tại sao? Vì thầy cô giáo không còn đề cập sát sao vấn đề này nữa ở các lớp cao hơn. Thêm vào đó, các em thấy người lớn “không tuân thủ” nên làm theo. Hơn nữa, vứt rác cũng tiện lợi hơn là phải đi tìm và bỏ vào thùng rác. Đây là thời điểm để một thói quen khác dần hình thành. Do đó nhiều nhà trường các cấp ở Mỹ vẫn thường xuyên tổ chức những “chiến dịch” làm sạch đường phố yêu cầu các em học sinh các cấp tham gia xuống phố nhặt rác. Và cả những khu phố đều có sinh hoạt định kỳ kêu gọi cư dân tham gia dọn sạch rác rưởi trong khu dân cư mình ở cho đẹp mắt.

 

alt

Nhặt rác là thói quen của nhiều người

 

Cụm từ “Don’t Mess with Texas” là tên chính thức và cũng là khẩu hiệu của Tổ chức phi lợi nhuận thuộc Texas Department of Transportation (Bộ Giao Thông Texas) ra đời năm 1986 trong chiến dịch quảng cáo “Nhặt rác đường phố”. Cho đến nay nhiều tổ chức, cơ quan, dân chúng tiếp tục tham gia phong trào giữ gìn môi trường vệ sinh cảnh quan sạch sẽ. Ngày 22/3 vừa qua, Great American Cleanup tổ chức ngày Green Starts “Làm sạch đường phố” hàng năm lần thứ 29 tại Cowtown, Fort Worth. Hơn 5,000 người ghi tên tham dự. Trong số đó nhiều nhất là học sinh các cấp cùng cha mẹ tham gia nhặt rác khắp nơi trong thành phố.

 

alt

Ngày làm sạch đường phố của các em học sinh ở Cowtown, Fort Worth

TN