Menu Close

Nước Nga & Thế Giới trong vụ thôn tính bán đảo Crimea

Truyền thông thế giới đang dồn mọi chú ý vào vụ chuyến bay “Flight 370” của hãng hàng không Mã Lai mất tích một cách bí ẩn, đến Thứ Sáu cuối tuần vẫn chưa tìm ra tăm tích. Cùng lúc, xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều lần tại Âu Châu.

 

alt

Tổng thống Nga Vladimir Putin, giữa, ký luật sát nhập bán đảo Crimea vào nước Nga. Ảnh AFP

Các biến động chánh trị tại Ukraine, một xứ cộng hòa thuộc Nga sô cũ, không hề vơi sau khi Quốc Hội nước này bỏ phiếu phế truất cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych. Tân Thủ Tướng Arseniy Yatsenyuk liền thành lập một nội các mới, với nhiều nhân vật thân Tây Phương. Chiều gió rõ ràng lợi thế cho phe đối lập thân Tây Phương. Nhưng rắc rối lập tức xuất hiện bên kia biên giới với nước Nga. Từ Thứ Năm 27-2-2014, viện lý do giữ gìn an ninh cho dân chúng gốc Nga sanh sống tại Crimea, binh sĩ Nga mau lẹ tiến chiếm vùng này. Crimea là một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, nằm cách đô thành Kiev khoảng 10 tiếng lái xe.

Biến cố dồn dập nối tiếp biến cố. Trong khi Hoa Kỳ và Tây Phương mở nhiều cuộc vận động ngoại giao con thoi trên toàn thế giới, dân chúng Crimea, đa phần là người gốc Nga, tổ chức trưng cầu dân ý, đòi gia nhập nước Nga. Thừa cơ hội này, hôm Thứ Ba 18-3-2014, Tổng Thống Nga Vladimir Putin ban hành đạo luật sát nhập Crimea. Sang Thứ Năm giữa tuần, Hạ Viện Nga bỏ phiếu tán thành một cách tuyệt đối. Thượng Viện hầu như chắc chắn nối gót trong vài ngày tới.

Trên phương diện công pháp quốc tế, quyết định sát nhập Crimea vào Nga vi phạm không ít luật lệ. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm một quốc gia tự tiện “sát nhập” lãnh thổ của một quốc gia khác chỉ qua một cuộc trưng cầu dân ý. Hiệp ước song phương Ukraine-Nga với nước Nga bảo đảm tôn trọng quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đổi lấy việc Ukraine giải giới võ khí nguyên tử. Và mới nhất là bản hợp đồng vừa tái ký chưa lâu, cho phép Hạm Đội Hắc Hải của Nga thuê căn cứ tại hải cảng Sevastopol của Crimea, nhưng không được tăng thêm binh sĩ, và mọi sự chuyển binh phải có sự ưng thuận của chủ nhà Ukraine.

 

alt

Binh sĩ Nga (phải) bao vây một căn cứ của Ukraine tại Crimea, trong lúc quân lính đồn trú người Ukraine đứng nhìn (trái). Ảnh AP Photo/Darko Vojinovic

Tân chánh phủ Ukraine từ Kiev đã gọi việc sát nhập Crimea là hành động nước Nga “cướp đất”. Kiev lập tức động viên 40,000 quân nhân trừ bị, tăng cường ngân sách $600 triệu mua sắm võ khí và huấn luyện thêm binh sĩ. Hoa Kỳ và đồng minh NATO đều mau lẹ hứa quân viện cho Ukraine.

Sự kiện nước Nga thình lình sát nhập bán đảo Crimea đã kết liễu khoảng 1/4 thế kỷ quan hệ hữu hảo với Âu Châu cũng như Hoa Kỳ, từ sau khi Nga sô sụp đổ. Binh lính Nga đổ bộ và chiếm đóng Crimea có thể gọi là cuộc khủng hoảng đối đầu lớn nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết liễu.

 

alt

Sĩ quan Ukraine bị các tay súng thân Nga bắt giữ tại Crimea. Ảnh Alisa Borovikova/AFP/Getty Images

Có nhiều quan ngại tình hình có thể bùng vỡ lớn hơn. Truyền thông thế giới hay gọi vùng Trung Cận Đông là “lò lửa” của thế giới. Tuy nhiên, hòa bình tại Âu Châu cũng khá mong manh. Lịch sử Âu Châu nhiều bạo lực, với các giống dân mang dòng máu thích chinh phục. Đây cũng chính là nơi nổ ra hai cuộc Đại Chiến Thế Giới long trời lở đất trong thế kỷ 20.

Đến nay, tuy súng chưa nổ lan tràn, và binh sĩ Ukraine tỏ ra khá nhẫn nhịn, vẫn có thể thấy những dấu hiệu khiến người ta chột dạ mà nghĩ tới Thế Chiến Hai. Hitler bắt đầu khuếch trương bạo lực bằng các cuộc đốt sách, và nay đang có nhiều vụ đốt sách tiếng Ukraine. Đặc biệt tại Donetsk trung tâm kỹ nghệ mỏ than, có nhiều người gốc Nga cũng đang thúc đẩy việc ly khai khỏi Ukraine. Hành động Putin sát nhập Crimea không khác mấy việc Hitler thôn tính Áo Quốc 76 năm về trước (cũng viện dẫn kết quả trưng cầu dân ý). Hitler cũng từng viện lý do “bảo vệ dân chúng gốc Đức” để chiếm gọn vùng Wehrmacht của Czechoslovakia năm 1939.  

Những sự kiện lẻ tẻ cuối cùng dẫn đến cuộc chiến thế giới toàn phần. Không ít người lo ngại lịch sử đang lặp lại. Không ít chánh khách thế giới lẫn Hoa Kỳ đã đồng loạt lên tiếng. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry không úp mở liên tưởng tinh thần dân tộc Nga quá khích và vụ thôn tính Crimea với không khí Âu Châu thời tiền Thế Chiến Hai. Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) lẫn cựu Ngoại Trưởng/Thượng Nghị Sĩ/Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton thì thẳng thừng so sánh Tổng Thống Nga Vladimir Putin với nhà độc tài Đức Quốc Xã Adolf Hitler đã gây cảnh đao binh khắp Âu Châu trong 6-7 năm liền.

Nếu phát ngôn của Ngoại Trưởng Kerry phản ánh lập trường của chánh phủ Hoa Kỳ hiện tại, thì các tuyên bố của TNS Rubio lẫn cựu Ngoại Trưởng Clinton cũng không hề nhẹ ký. Họ là hai trong số những ứng cử viên nặng ký nhất có thể ra ứng cử Tổng Thống kỳ bầu cử 2016. Cách đánh giá của họ có thể ảnh hưởng quyết định đến đường hướng ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Nga trong tương lai một khi họ chiếm được Tòa Bạch Ốc.

 

alt

Phái bộ ngoại giao Ukraine và đại diện NATO hội đàm khẩn tại Stuttgart, Đức Quốc, hôm Thứ Hai 17-3-2014.

Một nhân vật đứng tâm điểm chú ý hiện thời là Tổng Thống nước Nga Vladimir Putin. Ông từng là trùm tình báo KGB vào thời điểm Nga sô tan rã. Trong hơn một thập kỷ qua, trên thượng đỉnh quyền lực, Putin khuyến khích đánh bóng lại hình ảnh Stalin, mở rộng ảnh hưởng Chánh Thống Giáo, khơi gợi hoài cảm về một thời “vinh quang” Nga sô cũ. Đây là thời điểm tinh thần dân tộc đang lên cao tại Nga, phản chiếu qua con số trên 70% dân chúng ưa thích Putin và hậu thuẫn việc sát nhập Crimea.

Và Crimea có thể chỉ là bước đi đầu tiên. Bộ Ngoại Giao Nga hôm Thứ Sáu cuối tuần trước đã chánh thức lên tiếng đòi hỏi tân chánh phủ Ukraine phải bảo đảm an ninh cho dân chúng gốc Nga hiện sanh sống tại Ukraine. Các cuộc xuống đường xô xát tại Donetsk giữa hai phe thân Tây Phương và thân Nga đã khiến hai người thiệt mạng. Nước Nga thẳng thừng công bố họ có “trách nhiệm bảo vệ” dân chúng Ukraine gốc Nga nếu xảy ra biến động. Sau Crimea có thể đến Donetsk và nhiều nơi khác của Ukraine chứng kiến cảnh binh sĩ Nga tràn ngập trong một sớm một chiều.

Một cái tên trọng yếu cần phải nhắc giữa chừng các vụ lộn xộn hiện thời là Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng Thống Bush “con” thời còn đương nhiệm đã đề nghị đưa Ukraine vào làm thành viên NATO. Lúc đó nước Nga phản ứng quyết liệt. Trong nội bộ NATO cũng không thống nhất, với Đức và Pháp có lập trường cho rằng chưa phải lúc thuận tiện. Nay Ukraine bơ vơ không thế lực yểm trợ.

Đương kim Tổng Thơ Ký NATO Anders Fogh Rasmussen vừa phán đoán nước Nga có thể không chịu dừng, và do đó NATO và Âu Châu phải thay đổi sách lược an ninh tại Âu Châu, đầu tư thêm cho quốc phòng. NATO cũng lập tức rà soát lại mọi công việc cộng tác với nước Nga. Phiên họp kế tiếp của NATO vào tháng tới đã lên nghị trình. Đề tài lớn nhất chính là Ukraine.

Từ khi vụ khủng hoảng Ukraine xảy ra, Hải Quân Hoa Kỳ hơn một lần mở cuộc tập trận trong vùng Hắc Hải. Không Lực Hoa Kỳ đã gởi thêm một phi đoàn 12 chiếc chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan. Thêm sáu chiếc F-15 và hai phi cơ tiếp xăng biệt phái sang Lithuania. Anh Quốc cũng tuyên bố sẽ gia tăng binh lực yểm trợ các xứ này. Các bước chuẩn bị quân sự chỉ mang tính cách biểu tượng, nhưng không thể hoàn toàn loại trừ việc NATO can thiệp bằng võ lực. Trên thực tế, NATO luôn luôn có ít nhất 14,000 binh sĩ trong lực lượng ứng chiến cấp thời, sẵn sàng hành quân nếu được tất cả 28 thành viên tổ chức này chấp thuận. Lần cuối cùng NATO can thiệp võ lực tại Âu Châu trong chiến trận Kosovo năm 1999, gọi đó là một “cuộc chiến nhân đạo” để cứu vớt hằng ngàn dân chúng nạn nhân Kosovo gốc người Albanian, bị binh sĩ người Serb tra tấn, giết hại, hãm hiếp…

Hiện nay, các quốc gia vùng Baltic tí hon như Estonia, Latvia, Lithuania… đang rất hồi hộp, liên tưởng không khí tinh thần dân tộc Nga quá khích tại Crimea với việc Stalin thôn tính xứ sở họ thời 1940. Khác Ukraine, trên lý thuyết các quốc gia này (đều có nét chung là có những cộng đồng người gốc Nga khá lớn) được NATO cam đoan bảo vệ với tư cách là quốc gia thành viên.

Nước cờ thôn tính Crimea bất chấp dư luận thế giới của Putin và nước Nga cũng có thể đẩy một Tây Âu nhiều do dự (có thể thấy qua việc từ khước can thiệp vào Syria và Libya gần đây) xích lại gần hơn với lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ. Giống như các thập niên Hậu Thế Chiến Hai, một lần nữa, có thể Âu Châu lại muốn cộng tác an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ để kềm chế nước Nga.

 

alt

Dân chúng Âu Châu chống Putin hôm 17-3-2014 trước tổng hành dinh của Liên Âu tại Brussels, Bỉ Quốc. Ảnh AFP PHOTO/JOHN THYS

 

Năm nay đánh dấu đúng 100 năm bùng nổ Thế Chiến I. Thời toàn cầu hóa hiện nay không phải không có những nét tương đồng với thế giới buổi bình minh thế kỷ 20 với sự thông thương hàng hải toàn cầu nối tiếp công cuộc thuộc địa hoàn tất trên toàn thế giới. Cũng có thể nước Nga của Putin không đủ thực lực lẫn tham vọng dấy binh lớn. Và vụ ngang nhiên thôn tính bán đảo Crimea chỉ là phương cách riêng của nước Nga để xác nhận “sân chơi” và vùng ảnh hưởng của mình trước thế giới.

Ảnh hưởng từ vụ này có thể không chỉ giới hạn tại Âu Châu. Cái cớ chiến thuật “bảo vệ con dân” sanh sống tại ngoại quốc để một nước cất quân xâm chiếm một nước khác đã được áp dụng nhiều lần trong quá khứ (như Hitler từng làm thời 1930 để chiếm Czechoslovakia, Ba Lan, Áo Quốc…). Phản ứng quyết đoán, mạnh mẽ, hay nhún nhường của Hoa Kỳ và thế giới có thể ngăn chận hoặc khuyến khích các nước cờ tương tự trong tương lai.

Vùng Biển Đông, nơi Trung cộng ngày càng ra thế lấn lướt, có các đồng minh của Hoa Kỳ. Liệu Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao trước một cuộc đổ bộ thình lình của Trung cộng. Vụ Crimea cũng có thể có ý nghĩa đặc biệt với người Việt, với vô số vùng gần như thành khu đặc trị của Trung cộng trên khắp lãnh thổ, và một nhà cầm quyền Hà Nội bị Bắc Kinh nắm thóp từ trên xuống dưới, có cách gì xoay trở khi Trung cộng phất cờ binh biến?

 

alt

Tàu Trung cộng trên Biển Đông.

TD