Menu Close

Tê ngón tay – Dưa muối chua – Thế hệ X

Kính thưa bác sĩ,

Cháu năm nay 47 tuổi. Buổi tối gần đây, tối đang ngủ cháu hay bị tê mấy đầu ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ và giữa. Sau đó cháu bị đau nhức khuỷu tay trở xuống (có nghĩa là khi bị tê tay thì bị đau nhức nửa cánh tay luôn). Cơn đau này làm cho cháu bị mất ngủ và liên tục xảy ra ít nhất là hai lần một đêm. Cháu không nằm đè lên cánh tay khiến nó bị tê. Cháu xin bác sĩ xem đó là bệnh gì và có thuốc để trị không? Cảm ơn bác sĩ.

Đáp

Chào bà Phương Thảo, các chi tiết mà bà gửi cho chúng tôi hơi bị đơn giản cho nên chúng tôi không trả lời chính xác được.

Xin bà cho biết:

1. Hiện nay bà có đang điều trị một vài bệnh nào của cơ thể không, như là cao huyết áp, tiểu đường… Đây là những bệnh có thể gây ra biến chứng về sự lưu thông của máu và dẫn truyền thần kinh. Khi có các rối loạn này thì các đầu ngón tay ngón chân giảm máu lưu thông và kém cảm giác cho nên hay bị tê…

2. Có nhiều trường hợp thiếu các sinh tố nhóm B cũng gây ra rối loạn tê đau như vậy.

3. Ban đêm khi ngủ các bộ phận này coi như bất động, cho nên cơ bắp cũng im lìm nằm im và kéo dài thì cũng gây ra đau tê cứng các đầu ngón chân ngón tay vân vân…

Chúng tôi đề nghị với bà là nên đến bác sĩ gia đình để được bác sĩ hỏi thêm chi tiết về các cơn đau và nên ghi sẵn chi tiết bệnh với triệu chứng, tập trung vào điểm chính yếu, những thắc mắc muốn hỏi. Nếu có thể, ghi những bệnh quan trọng mà người thân trong gia đình đã, đang có. Mang tất cả các dược phẩm đang uống để bác sĩ coi, tránh trường hợp cho thuốc giống nhau. Có thân nhân đi cùng cũng tốt vì người này nhắc ta câu hỏi bị quên, hay nhắc lại cho ta lời chỉ dẫn của bác sĩ. Bà nên trình bày chính xác, rõ ràng về bệnh trạng của mình. Thí dụ đau, thì đau ở đâu, từ bao giờ, đau như thế nào, làm gì để bớt đau.

Đặt câu hỏi cho tới khi hiểu rõ bệnh trạng, cũng như trả lời câu hỏi đầy đủ.

Yêu cầu bác sĩ giải thích theo ngôn từ bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ.

Sự hài lòng với săn sóc y tế tùy thuộc phần lớn vào hiệu quả sự thông cảm, đối thoại giữa thầy thuốc và bệnh nhân đau tê này rồi điều trị.

Chúng tôi rất Sorry không trả lời câu hỏi của bà được đầy đủ.

Chúc bà và gia đình vui mạnh.

Thưa bác sĩ, lại 1 lần nữa tôi xin sự giúp đỡ của BS, tôi mới học được cách dưa muối chua:

– Hơn 1/2 gallon nước lạnh

– 1/2 chén giấm

– 2 muỗng canh đường

– 3 muỗng canh muối

Tôi đã làm, ăn rất ngon (ghiền luôn). Nhưng có người bảo như vậy không tốt, vì có giấm nên hại bao tử và như vậy những con men tốt trong bao tử, ruột bị giết hết. Kính thưa bác sĩ, điều này có đúng không? Gần 1 tháng nay tôi táo bón khủng khiếp, mặc dù vẫn ăn uống bình thường. Như vậy có phải tại dưa chua hay tại tôi già rồi? (60 tuổi)

Đáp

Chào bà Lan, Rau cải mà muối dưa để ăn là món ăn sở thích của người Việt mình trước đây cũng như bây giờ. Tôi nhớ khi còn bé, ông bà tôi ở nhà quê ngoài Bắc cũng rất hay muối dưa để gia đình cũng như người làm ăn với cơm. Cơm gạo đỏ mà ăn với dưa chua muối xổi phơi nắng cho mau ngấu và cá kho thì ngon tuyệt, nhất khi dưa còn hơi cay cay. Mà dưa cải không ăn hết có thể nén để dành cũng như để nấu canh chua với cá…

Ngày xưa tôi thấy các cụ muối dưa với một chút men bỗng hoặc một bát nước dưa chua cũ để làm mồi cho dưa mau lên men. Ngày nay, để tiện lợi nhiều người cũng dùng một chút sữa chua có chứa con men làm dưa chua, thậm chí còn dùng giấm cho dưa mau chua. Giấm là chất khá chua, nếu dùng nhiều thì cũng có thể gây rối loạn cho dịch vị bao tử. Nhưng nếu ăn một chút giấm thôi thì cũng không sao đâu. Vả lại, ngày nay thực phẩm nào cũng đều có hóa chất lẫn vào, chứ không lành mạnh như trước đây là người ta dùng phân bón hữu cơ chứ không dùng phân bón hóa chất hoặc chích hóa chất cho rau trái mau lớn và bắt mắt…

Thành ra, theo tôi ông bà cứ ăn dưa mà ông bà muối với nước lã, muối và giấm, nhất là khi thấy ngon miệng.

Chúc ông bà có sức khỏe tốt và sống nhiều chục năm bình an nữa. 

Thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Đọc báo tôi thấy cứ nói tới thế hệ X, Y…

Bác sĩ vui lòng cho độc giả Trẻ hay, tuổi đó là tuổi gì vậy và từ đâu mà có. Thank you bác sĩ – Vĩnh Đằng.

Đáp

Thưa ông, đây là tiếng để gọi lớp người ở các thời điểm khác nhau. Chẳng hạn tại các quốc gia Âu Mỹ, có 4 lớp thế hệ được nêu ra:

– Thế hệ cựu chiến binh sinh ra từ 1922-1943,  tôn trọng truyền thống và thích nghi với hậu quả của Thế chiến I.  

– Thế hệ trẻ em bùng phát, (babyboomers) nhiều lý tưởng, sanh từ 1946-1964

– Thế hệ X, tự lập, thành thạo kỹ thuật mới, rất linh động  sinh từ 1965-1979,

– Thế hệ Y, millennis ra đời trong thời gian 1980-1994 có thái độ lạc quan, tự tin, thực tế, đa dạng và nghĩ tới cá nhân nhiều hơn.

Mỗi thế hệ có độ tuổi khác nhau cũng như các suy tư khác nhau. Sử gia kiêm chính khách Pháp Alexis de Tocqueville (1805-1859) có nói: “Trong các quốc gia dân chủ, mỗi thế hệ là một bộ lạc mới (people)”.

Danh từ Generation Gap, Khoảng Cách Thế Hệ được dùng tại các xã hội Âu Mỹ vào thập niên 1960. Mỗi thế hệ cách nhau từ 20-30 năm là thời gian trung bình để trẻ em lớn lên và thành người lớn thực thụ.

Tự điển Oxford định nghĩa Generation Gap là sự khác biệt về “thái độ” (Attitude) giữa những người ở thế hệ khác nhau. Thái độ bao gồm sự suy nghĩ và thấy thế nào về một sự việc hoặc một người nào đó. Như là:

– Sự khác nhau trong quan niệm về nếp sống hoặc thiếu sự hiểu biết lẫn nhau giữa lớp thanh niên và lớp người già.

– Khác biệt tuổi tác, giữa những người ở giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

– Khác biệt thế hệ, giữa những người sinh trưởng trong  thời gian khác nhau, hình trong điều kiện xã hội khác nhau.

Khoảng cách tạo ra những khác biệt về tâm lý, hành động, và đối xử. Vì họ không hiểu nhau, có những không giống nhau về chính kiến, kinh nghiệm và bản chất.

Thực ra, chuyện này cũng chẳng có gì mới lạ. Nó đã hiện diện trong nếp sống con người từ lâu, nhưng rõ ràng hơn kể từ khi có những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật.

Đại ý thế hệ là như vậy. Hy vọng giải đáp được thắc mắc của ông cũng như của độc giả tuần báo Trẻ.

Chúc ông sức khỏe tốt.

NYD