Menu Close

Tháng Tư những cánh chim bạt gió

Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn ca đến lạc loài

Tháng Tư. Tự dưng lại nhớ lời đề từ ca khúc Đàn Chim Việt của Văn Cao. Phải, Tháng Tư về rồi. Đôi khi lái xe trên xa lộ chợt thấy lưng trời lảo đảo những cánh chim. Mùa gió đã về nơi đây cũng như ở quê nhà. Ngọn gió Santa Ana cũng như gió từ Mễ Tây Cơ thổi bạt những cánh chim. Đời ta như cánh chim chiều bạt gió, phải vậy chăng hỡi bạn hiền đã cùng tôi vượt qua rừng và biển khơi, đi qua những cây cầu thiên niên kỷ, tới những bến bờ xa thẳm ngoài mọi trí tưởng.

alt

Vâng. Có bao giờ bạn nghe trong gió lời ai hỏi vì đâu ta tới nơi này không? Nhiều người đã tự hỏi như thế rồi đấy. Thảo An, Hà Thúc Sinh, Huy Phương, Tưởng Năng Tiến, Hà Thượng Nhân… Vâng, nếu như đời mãi bình yên, nếu như  không có cơn gió dữ bất thường, thì bạn và tôi không tới nơi này làm chi. Mới đó mà ly hương đã có dư vài chục niên rồi đấy. Cây mận mẹ trồng ở sau vườn nhà Munchen giờ đã lớn để Thái Kim Lan từng mùa qua ngồi ngắm những bông hoa trắng mà nhớ tới người mẹ đã khuất núi và nơi mình đã khóc đã cười hồn nhiên thời thơ dại. Và cây cam Thảo Mi trồng ngày nào ở Tallahassee bây giờ mỗi mùa đều cho hoa cho trái mà người đi biền biệt không về. Riêng Nguyễn tôi cũng có sau vườn nhà hai cây lựu và những cây chuối ra bông đỏ thỉnh thoảng ngồi nhớ màu nắng của một câu thơ nào đã viết khi còn ở Vương phủ ngày nào.

Ai ra đi mà quên thề xưa được sao. Câu ca gợi bóng một ngày về. Nhưng với Nguyễn và một số đông bằng hữu thì vấn nạn đã được đặt ra: Có thể nào về lại được không? Cho dù có vài kẻ đã về và ở lại luôn bên ấy. Mà những người trở về này được biết đến nhiều nhất là giới ca sĩ. Có lẽ họ nghĩ rằng là chim thì hót ở đâu cũng được -Đông hay Đoài thì cũng rứa rứa xêm xêm. Đã không biết ấm lạnh thì thôi, mặc kệ họ thôi.

Riêng Nguyễn tôi và các bạn thì e rằng không thể nào về lại được, khi trên tiền trường sân khấu còn bóng ác quỷ. Thân xác không thể trở về nhưng hồn mộng đêm đêm vẫn tìm bếp lửa ngày xưa. Trong tập tạp bút Nắng & Hoa, Cao Huy Thuần có thuật một câu chuyện khá cảm động: Chị bạn của Thuần tên Hà (tên này do Nguyễn đặt ra, không phải tên Bùi Bích Hà đâu nha, tiểu muội!). Chị Hà ở Mỹ, anh của chị ở Pháp, một cô em gái ở Đức, một cô em nữa ở Đan Mạch. Hằng năm, họ lấy ngày giỗ cha để họp mặt anh chị em. Chị Hà kể: “Anh em gặp nhau vui quá, nhưng nhìn mười đứa nhỏ chơi với nhau, đứa thì tiếng Mỹ, đứa tiếng Pháp, đứa tiếng Đức, đứa líu nhíu tiếng Đan Mạch, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt với đứa nào, tôi tự hỏi không biết hương hồn ông nội ông ngoại chúng nó có buồn không. Tứ chiếng giang hồ, đúng là gia đình chúng tôi giang hồ tứ chiếng!” Rồi chị Hà nói tiếp, vẫn giọng nói dễ thương: “Nói gì thì nói, nhưng ví thử tôi chết đi, xuống địa ngục, Diêm Vương nó hỏi tôi muốn đầu thai thành người gì, tôi sẽ móc túi đút cho nó năm bảy cây để năn nỉ xin làm lại người Việt Nam. Tôi mà đi giữa đường đụng xe, nhắm mắt một cái là hồn bay một mạch về Huế liền.” Gặp nhau ở sân bay sửa soạn về Mỹ, chị Hà ký một tấm check đưa Cao Huy Thuần nhờ chuyển về giúp Huế. Thuần cám ơn và hứa sẽ mua cái gì đó thật xứng đáng với trái tim của chị Hà. Chị nói chính chị phải cám ơn Huế vì nếu không có Huế để chị nghĩ tới thì chị đâu còn biết mình là cái gì. Riêng Cao Huy Thuần, trong những chuyến về thăm nhà, biết được ga Huế đang cần một cái đồng hồ cho khách đi tàu (bọn cán bộ nay đã giàu sụ, giàu một cách mất dạy vô liêm sỉ, đâu cần nghĩ tới cái đồng hồ cho một nhà ga quê nhà). Chị Hà thì nay không còn nữa (chị chết vì ung thư) nhưng trái tim chị đã biến thành cái đồng hồ điểm thời gian trên sân ga Huế.

Chị Hà là di dân. Chúng ta cũng là di dân. Là di dân, thì ai cũng mong một ngày về. Cách đây ít lâu, Nguyễn tôi có đọc một bài trên tờ Dallas Morning News, nói về những di dân Mễ Tây Cơ trở về cố quận rồi lại dứt áo ra đi lần nữa. Như cô Yolanda Arzola. Không chịu đựng nổi cách đối xử của chính quyền nước Mỹ đối với những người nhập cư bất hợp pháp (như cô), Arzola đã mang các con (sinh đẻ ở Mỹ) về lại Mexico. Cô về và tính ở lại luôn. “Giây phút vừa mới đặt chân trở về, nỗi xúc động dâng lên ngập lòng cho đến nỗi bạn nghĩ rằng mọi sự đều dễ dàng, có thể thực hiện được.” Arzola phát biểu trong căn nhà thời thơ ấu chỉ có hai cái giường, khi em gái cô đang giặt quần áo dưới suối, dùng một hòn đá để chà chiếc áo sơ mi. “Và rồi thực tế làm bạn thức tỉnh, và tự hỏi chính mình, hỏi đất nước Mexico, rằng tương lai ở nơi đâu.” Do đó, Arzola quyết định một lần nữa từ giã người bà 97 tuổi, từ giã anh chị em và quay trở lại Texas, sau đó đi Florida.

Arzola là một trong hàng trăm ngàn trường hợp. Khắp vùng thôn dã Guanajuato và những vùng lân cận, bản serenade cuối cùng cho những người di dân trở về cố quận đã vang lên và lịm tắt trong đêm. Thế rồi những ngày nghỉ lễ qua đi, đồng tiền dành dụm tiêu hết, vả lại không có việc gì làm, những người trở về lại thấy lòng dạ bồn chồn, nghĩ đến những chân trời khác. Arzola nói trước khi lên đường về lại Texas: “Có cái gì đó trong ngụm nước uống ở Mỹ. Mỗi khi bạn đã nếm thử vị của nó là bạn nhớ nó mãi. Nhớ mãi không rời xa được.”

Cùng là di dân, chúng ta có thể chia sẻ một vài tâm tình với Arzola, người con gái của vùng Guanajuato nước Mễ. Nhưng hoàn cảnh chúng ta rất khác: Chúng ta ra đi vì bị vây khổn, bức hại, tới bước đường cùng phải nói lời giã biệt. Chính quyền trong nước vẫn coi chúng ta là “những kẻ  phản bội” mặc dù họ đang tìm cách ve vãn với Nghị Quyết 36. Vậy thì làm sao về. Và về rồi làm sao để sống trong một chế độ còn ác hơn hổ dữ, giữa những con người u mê hãnh tiến?

Tháng Tư lại về. Các bạn và Nguyễn tôi và hàng triệu người Việt tha hương khác vẫn là những cánh chim trời bạt gió.

TN