Sau ba tháng xuống đường để đòi chính quyền thi hành những kế hoạch đưa Ukraine đến gần Liên Âu hơn, các đòi hỏi của người dân bị nhà cầm quyền bỏ lờ và thẳng tay đàn áp. Phong trào xuống đường rầm rộ, the Euromaidan, nổi lên dữ dội sau khi nhà cầm quyền Ukraine ban hành đạo luật “Cấm Biểu Tình” vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua. Người biểu tình chiếm ngụ các tòa nhà tại thủ đô Kiev kể cả bộ Tư Pháp, xô xát với cảnh sát và đã dùng bom xăng để chống lại các cuộc tấn công của cảnh sát. Có 98 người chết và số người bị thương lên đến mấy ngàn người cho cả hai phía.
Tổng Thống đương nhiệm Viktor Yanukovych bị truất phế vì không thi hành hiến pháp. Và ông Tổng Thống đào tẩu sang Nga Sô. Quân Nga có mặt tại Crimea, Hoa Kỳ và các nước Liên Âu lên tiếng… Đó là những gì đã xảy ra ở Ukraine. Chúng ta thử tìm hiểu về quốc gia này.
Ukraine là một quốc gia Đông Âu, giáp biên giới Nga Sô về phía đông và đông bắc; Belarus về phía tây bắc; Ba Lan, Slovakia và Hung về phía tây; Romania và Moldova về phía tây nam và Hắc Hải về phía nam. Với diện tích 603,628 cây số vuông (233,062 dặm vuông), Ukraine là quốc gia lớn nhất tại Âu Châu.
Trong thời Trung Cổ, lãnh thổ Ukraine, thủa ấy có tên Kievan Rus’, là trung tâm văn hóa của người East Slavic. Vào thế kỷ thứ XIII, lãnh thổ Ukraine bị xâu xé, sát nhập vào các quốc gia chung quanh cho đến khi thuộc về liên bang Xô Viết trong thế kỷ thứ XIX, và chỉ mới dành được độc lập vào năm 1991.
Bản đồ Ukraina
Đất đai Ukraine màu mỡ (nên lắm kẻ tranh giành), trồng trọt được nhiều thứ hoa màu. Tính đến năm 2011, quốc gia này đứng hàng thứ ba trên thế giới về mức sản xuất lúa mì.
Về mặt hành chánh, Ukraine bao gồm 24 tỉnh (oblasts), một vùng tự trị (Crimea) và hai thành phố đặc biệt: Kiev, thủ đô (cũng là thành phố lớn nhất) và Sevastopol nơi đoàn tàu Russian Black Sea Fleet trấn đóng theo một hiệp ước thuê mướn.
Ukraine là một quốc gia theo chính thể cộng hòa với 3 nhánh Tư Pháp, Lập Pháp và Hành Pháp. Dân số Ukraine là 44.6 triệu người, 77.8% là tộc Ukraine, 17% là người Nga và các sắc dân thiểu số khác như Belarus, Romania. Ngôn ngữ chính là tiếng Ukrainian, dùng chữ Cyrillic. Tiếng Nga cũng rất phổ thông, và rất gần gũi với tiếng Ukraine.
Dưới thời Xô Viết, kinh tế Ukraine khá phồn thịnh, đứng hạng nhì trong khối Xô Viết nhờ kỹ nghệ và nông nghiệp. Khi liên bang Xô Viết tan rã, Ukraine trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991 nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nga Sô.
Về mặt kinh tế, theo tài liệu của CIA, Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) năm 2010 là 305 tỷ, lợi tức trung bình mỗi đầu người là 6,700 mỹ kim hàng năm.
Hầu hết nhiên liệu sử dụng tại Ukraine do Nga Sô cung cấp, và ngược lại Nga Sô dùng lãnh thổ Ukraine để “qua đường”, buôn bán nhiên liệu với các quốc gia Âu Châu. Tạm hiểu là hai quốc gia này liên hệ rất mật thiết để buôn bán (Nga Sô) và để sinh tồn (Ukraine).
Lịch sử cận kim của Ukraine bắt đầu từ cuộc cách mạng Da Cam, Orange Revolution, năm 2004. Năm ấy, ông Viktor Yanukovych, Thủ Tướng, thắng cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống; cuộc đầu phiếu bị cho là gian lận theo Tối Cao Pháp Viện của quốc gia này. Ông Yanukovych thân Nga; người dân Ukraine cho rằng các chính trị gia thân Nga đã đánh cắp cuộc bỏ phiếu của họ và xoay ra ủng hộ đảng đối lập do ông Viktor Yushchenko lãnh đạo. Bị Nga cai trị khá lâu nên dân Ukraine muốn tự trị, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người khổng lồ láng giềng. Cuộc Cách Mạng Da Cam ra đời khi dân chúng biểu tình rầm rộ đòi tổng thống thoái vị, đưa ông Viktor Yushchenko và bà Yulia Tymoshenko lên cầm quyền, và ông Viktor Yanukovych trở thành kẻ đối lập
Ông Yanukovych trở lại nắm quyền Thủ Tướng vào năm 2006 cho đến khi bà Tymoshenko trở thành Thủ Tướng vào năm 2007. Kinh tế Ukraine vẫn không mấy sáng sủa và ông Viktor Yanukovych trở thành Tổng Thống Ukraine sau cuộc đầu phiếu năm 2010 với 48% số phiếu sau khi hứa hẹn sẽ phục hồi kinh tế. Vấn nạn kinh tế khá trầm trọng nên dân Ukraine bỏ phiếu cho ông này vì nhà cầm quyền lúc ấy không giải quyết được các khó khăn về tài chánh dù biết rõ ông Yanukovych thân Nga.
Sau khi lên cầm quyền, khuynh hướng theo Nga của nhà cầm quyền rõ rệt hơn chưa kể các vấn nạn tham nhũng xảy ra trầm trọng khiến dân chúng phẫn nộ; họ lo âu trước một viễn ảnh trở thành chư hầu của Nga Sô lần nữa nên đồng lòng xuống đường, chịu hy sinh xương máu để lật đổ chính phủ hầu duy trì nền độc lập.
Khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng Thống Nga lần đầu năm 2000, nhờ tài nguyên thiên nhiên, Nga Sô trở nên khá giả và chính ông Putin mở đầu chính sách “duy trì chư hầu” vì Ukraine nằm giữa Nga Sô và Âu Châu. Duy trì được ảnh hưởng tại Ukraine là Nga Sô có thể mở rộng vùng ảnh hưởng của họ, từ kinh tế đến chính trị và quân đội. Do đó, các hoạt động dẫn đến sự thân cận với Âu Châu, như xúc tiến việc gia nhập khối Liên Âu để lấy lại sự quân bình về chính trị & kinh tế, đều bị Nga Sô phá bĩnh.
Cuộc Cách Mang Da Cam tuy thành công về mặt chính trị nhưng không giải quyết được tình trạng kinh tế suy đồi của Ukraine.
Trong khi dân Ukraine tạm yên lòng vì họ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga Sô thì ông Putin lại cho rằng Âu Châu và Hoa Kỳ xía mũi vào chuyện “nội bộ” của Ukraine và rắp tâm mang quân đội vào “giải cứu”.
Lần này, cũng những người dân xuống đường biểu tình, truất phế nhà cầm quyền không thi hành theo hiến pháp, nhưng tình hình kinh tế lại sa sút hơn nữa. Ukraine cậy nhờ vào nguồn năng lượng [mua với 2/3 giá thị trường] từ Nga, và khi chính quyền Yanukovych sụp đổ thì món tiền vay mượn và các lời hứa hẹn giúp đỡ từ Nga Sô cũng không còn nữa.
Quân đội Nga tại thị trấn Crimea, ngày 01 tháng ba 2014 – nguồn Reuters / Baz Ratner
Nga Sô đang hầm hừ trong khi Liên Âu đang loay hoay với Eurozone, lại trông cậy vào Nga Sô là nguồn cung cấp nhiên liệu nên chẳng thể can thiệp vào chuyện Ukraine. Hoa Kỳ còn bận rộn với Syria và A Phú Hãn nên chỉ đứng vỗ về suông. Và dân Ukraine tranh đấu mình ên!
Sau nhiều cuộc xô xát đẫm máu, Quốc Hội Ukraine truất phế ông Yanukovych và thành lập một chính phủ lâm thời cho đến khi đầu phiếu. Cuối tuần qua, sau khi tổng thống đào tẩu, dinh tổng thống được mở cửa cho dân chúng vào xem. Người ta nhìn thấy các hào nhoáng xa xỉ của chính quyền Yanukovych qua các món tiền từ công quỹ và họ uất hận.
Trong khi chính phủ lâm thời tại Ukraine đang loay hoay giải quyết các vấn đề chính trị và tổ chức cuộc bầu cử thì tình trạng kinh tế của quốc gia đang hồi suy sụp. Món tiền 15 tỷ vay mượn của Nga Sô do ông Yanukovych thương lượng bị Nga Sô lắc đầu rút lại và Ukraine sắp sửa sập tiệm. Đồng hryvnia đang mất giá nhanh chóng và tín chỉ (bond) đang tuột dốc vì quốc gia này không thể vay mượn tiền bạc từ hệ thống tài chánh quốc tế mà trang trải nợ nần.
Hôm qua, ông bộ trưởng tài chánh lâm thời đã công bố rằng Ukraine cần 35 tỷ để có thể sống sót từ bây giờ đến cuối năm.
Các đại diện lâm thời đang ráo riết đi vay tiền từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để nuôi con tàu quốc gia. Ngân khố kiệt quệ, nếu không vay được tiền cấp cứu thì Ukraine không thể trả lương cho công chức nữa. Nghĩa là từ sự rối loạn chính trị đến rối loạn kinh tế đưa quốc gia này đến bên bờ vực thẳm. Người dân vừa trải qua một cuộc chiến đấu cam go để được tự trị bây giờ họ tiếp tục tranh đấu để vượt qua các khó khăn về kinh tế.
Người dân Ukraine đang trả một giá rất đắt cho nền độc lập của họ.
TLL