Thế giới suốt tuần qua xôn xao tin tức vụ chiếc phi cơ Boeing 777 khổng lồ của hãng hàng không Malaysia Airlines, chuyến bay “Flight 370” thình lình mất tích trên Vịnh Thái Lan. Sự kiện này hoàn toàn lấn át sự chú ý đối với các biến động chánh trị đang diễn ra tại Ukraine.
Quang cảnh họp báo tại Bắc Kinh sau khi “Flight 370” mất tích sáng sớm ngày 8-3-2014. Ảnh ChinaFotoPress/Getty Images
Lần cuối cùng “Flight 370” liên lạc với đài không lưu trên mặt đất là đêm Thứ Sáu, rạng sáng Thứ Bảy 7-3-2014, chỉ chừng một giờ sau khi cất cánh rời thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trực chỉ Bắc Kinh (Beijing), Hoa Lục. Chuyến bay chở 239 người, bao gồm 227 hành khách và 12 phi hành đoàn. Vào thời điểm mất liên lạc, “Flight 370” đang trên vùng biển đâu đó giữa Malaysia và Việt Nam.
Nếu không có vụ trục trặc này, “Flight 370” theo lịch trình sẽ hạ cánh xuống Bắc Kinh trong khoảng 6 tiếng, sau hành trình bay chừng 2,700 mile (4,350 cây số). Malaysia Airlines là hãng hàng không kỳ cựu trong vùng, sở trường các tuyến bay trong vùng Ðông Nam Á, Ðông Á, và Nam Á. Viên phi công chánh, người Mã Lai, của “Flight 370” cũng giàu kinh nghiệm: 53 tuổi, bay cho Malaysia Airlines từ năm 1981, và có tổng cộng 18,365 giờ bay.
Trong lịch sử tai nạn hàng không thế giới, đã có những lần phi cơ bị rớt mà ít thiệt hại. Trong ảnh: Một chiếc Curtiss C-46 rơi gần Churchill, Manitoba, Canada, khi còn cách phi trường không xa. Tất cả hành khách sống sót. Ảnh: Dietmar Eckell
Vậy mà, đến hết ngày Thứ Sáu 14-3-2013, gần tròn tuần lễ sau khi vụ mất tích xảy ra, vẫn chưa thấy tung tích chuyến bay “370”, cùng lúc nảy sinh vô số giả thuyết, hồ nghi quanh việc chuyến bay mất tích. Các nỗ lực truy tìm phủ trùm diện tích 27,000 dặm vuông. Trong khi đa phần các tai nạn hàng không, sau vài ngày, cuộc tìm kiếm càng lúc thu hẹp, tập trung vào các địa điểm nghi vấn chánh yếu, thì nay vùng liên đới dò tìm “Flight 370” lại mở rộng hơn nữa. Ngày Thứ Sáu đã có ít nhất 57 tàu thuyền và 48 trực thăng hoặc phi cơ các loại của 13 quốc gia hợp lực tìm kiếm. Hoa Kỳ cũng vừa gởi chiến hạm USS Kidd tiến vào Ấn Ðộ Dương yểm trợ cuộc cứu nạn.
Theo các số liệu an toàn hàng không, vào thời điểm mất tích, “Flight 370” đang bước vào khoảng phi hành an toàn nhất, và phi công có thể để bay tự động. Tính từ thời điểm tín hiệu liên lạc sau cùng với đất liền, chuyến bay này còn đủ xăng để bay thêm 7.5 tiếng nữa. Ðiều kiện thời tiết hoàn toàn thuận lợi, trời trong, gió nhẹ, vùng Vịnh Thái Lan mà “Flight 370” đang đi qua mặt biển yên ắng. Ðây cũng là vùng biển khá cạn với độ sâu trung bình 150 feet (45 m), nơi sâu nhất chỉ đến 260 feet (80 m). Ðể so sánh, chỉ riêng chiều dài hai sải cánh của chiếc Boeing 777 đã ngoài 200 feet (60 m). Lúc đó, phi cơ đang bay ở cao độ 35,000 feet (10,668 m). Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, khi cả hai động cơ của máy bay đều hư hại, trong điều kiện thời tiết đẹp, với một phi công tỉnh táo và dày dạn, chiếc Boeing 777 hoàn toàn có thể bay lượn, từ từ hạ cánh qua một đoạn đường dài đến 120 dặm.
Một yếu tố đáng kể là chiếc Boeing 777-200 xưa nay rất đáng tin cậy, độ an toàn cực cao. Chiếc phi cơ này từng bị hư hại nhẹ phần cánh, đã được hãng Boeing tu sửa và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ðây là một chiếc phản lực cơ khổng lồ, nặng 650,000 pound, với sải cánh rộng như bên trên đã đề cập. Với kích cỡ như vậy, nhiều người hồ nghi “Flight 370” có thể lâm nạn, hoặc hạ cánh khẩn cấp, mà không một nhân chứng nào chứng kiến.
Ðến nay, một tấm màn bí ẩn khổng lồ bao trùm vụ phi cơ mất tích này. Một thông tin chắc chắn và rõ ràng nhất là các phi công không hề (hoặc không kịp) phát một tín hiệu báo động nào. Qua các tín hiệu radar khám phá sau này, có lúc nhà đương cuộc Mã Lai phỏng đoán “Flight 370” có thể tìm cách quay trở lại Kuala Lumpur. Nhưng vẫn không ai lý giải được vì sao, và các phi công cũng chẳng nói gì.
Sinh viên trường quốc tế ở phía đông Trung Quốc cầu nguyện cho các hành khách trên chuyến bay MH370. nguồn ChinaFotoPress / Getty Images
Một trong những lý do giải thích việc liên lạc giữa phi cơ và đài không lưu bị cắt đứt thình lình là trục trặc kỹ thuật toàn phần, khiến các phi công không thể báo cáo về mặt đất. Boeing 777-200 cũng là một trong những phi cơ tối tân nhất thế giới, phụ thuộc nhiều vào hệ thống điện, với hệ thống dây điện chằng chịt có thể trải dài nhiều dặm đường. Nếu hệ thống điện bị cắt từ đầu nguồn thì cả phi cơ ngưng hoạt động. Dù vậy, việc liên lạc giữa phi cơ với mặt đất lại rất tối tân, hữu hiệu, được bảo đảm với nhiều hệ thống truyền tín hiệu khác nhau. Mặc dù lý thuyết có thể xảy ra, trên thực tế hầu như bất khả xảy ra chuyện một ai đó hiểu tường tận thiết kế phi cơ và biết cách tắt mọi thiết bị điện tử cùng một lúc.
Rất có thể số phận và vụ mất tích bí ẩn của “Flight 370” chỉ sáng tỏ một khi người ta tìm ra chiếc hộp đen. Ðây là một thiết bị điện tử đặc biệt, chẳng những tự động ghi âm các đối thoại của phi công, mà còn ghi chép lại trên 1,000 loại thông tin khác nhau về chuyến bay, bao gồm độ cao cuối cùng, tốc độ, hướng đến, v.v… Mặc dù còn khá mới mẻ, đã có không ít người so sánh vụ mất tích của “Flight 370” hãng hàng không Mã Lai với vụ tai nạn rơi phi cơ Air France Flight 447 năm 2009 khi trên đường bay từ Brazil đến Paris, Pháp Quốc. Lần đó, tất cả 228 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng khi phi cơ đi vào tâm bão, bị rơi xuống biển. Sau năm ngày tìm kiếm cật lực, đã tìm ra mảnh vỡ đầu tiên trôi trên biển. Tuy nhiên, phải mất gần 2 năm sau, người ta mới phát giác vị trí cuối cùng của phi cơ (đã vỡ thành hằng ngàn mảnh), ở độ sâu 12,000 feet (3,657 m) dưới đáy Ðại Tây Dương.
Trục vớt một phần của Air France Flight 447 sau chuyến bay định mệnh năm 2009. Ảnh: airfacts journal
Một trong những giả thuyết mới nhất dựa trên tiết lộ của Không Quân Mã Lai là chuyến bay “370” có thể vẫn còn phát một tín hiệu đơn giản mà hiệu quả, giúp định vị khoảng 70 phút sau khi mất liên lạc với đất liền. Tuy nhiên, phát giác này không làm giảm bớt nghi vấn. Nếu đúng, thì “Flight 370” vì một lý do nào đó đã quay ngoắt 90 độ, thay vì bay hướng bắc lên Bắc Kinh, lại đi sang hướng đông về phía Ấn Ðộ. Xác suất gần zero, nhưng trên lý thuyết, chiếc Boeing 777 có thể bị không tặc cướp rồi buộc hạ cánh đâu đó trên các hải đảo giữa Ấn Ðộ Dương.
Hai ngày trước, Trung cộng gây đình đám với tin vệ tinh của họ “phát hiện” các vật thể trôi trên biển, có kích thước 13 x 18 m (43 x 59 feet), 14 x 19 m (46 x 62 feet), và 24 x 22 m (79 feet x 72 feet). Tuy nhiên, thông tin này hoàn toàn sai. Giới am hiểu tai nạn hàng không trên biển lập tức chỉ ra nếu một phi cơ khổng lồ như Boeing 777-200 đâm xuống biển, thì các phần lớn nhất đều đã chìm dưới đáy biển. Phần trôi nổi chỉ là những vật thể nhẹ như ghế ngồi hoặc hành lý hành khách, v.v…
Ban đầu cuộc tìm kiếm, nhà chức trách và Interpol cũng chú trọng đến yếu tố khủng bố khi có phát giác ít nhất 2 hành khách lên phi cơ sử dụng hộ chiếu giả. Sau điều tra, người ta tạm kết luận đây chỉ là hai thanh niên Iran (18 tuổi và 29 tuổi), xuất thân lương thiện, đang tìm đường vượt biên sang Ðức Quốc làm lại cuộc đời. Lâu nay, những vụ người di dân giả mạo giấy tờ thông hành, hộ chiếu để được nhập cảnh thế giới Tây Phương xảy ra khá thường xuyên. Ðến nay, cũng chưa thấy tổ chức hay nhóm khủng bố nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ vẫn chưa chịu khép hẳn giả thuyết có khủng bố.
Hiện trường sau vụ một phi cơ của Caspian Airlines rơi ở bắc Iran hôm 15-7-2009, giết hại toàn bộ 168 người.
Sự nghi ngại của CIA đưa ta đến một bí ẩn khác – liệu Hoa Kỳ biết rõ như thế nào về số phận “Flight 370”. Trên thế giới có hằng ngàn vệ tinh bay vòng quanh địa cầu, trên cao độ từ 300 km đến 1,500 km (185 đến 930 dặm) do hằng chục quốc gia khác nhau sử dụng. Trong số này có các vệ tinh cấp báo… trật lất của Trung cộng. Tuy nhiên, chánh phủ Hoa Kỳ còn có các vệ tinh siêu bí mật bay cách bề mặt trái đất đến 22,000 mile. Các vệ tinh này ngày đêm quan sát mọi động tĩnh trên toàn thế giới và có thể chụp hình với độ siêu nét. Sứ mạng của chúng là phát giác các hoả tiễn mang đầu đạn hạch tâm, nhất là khi chúng hướng vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Hệ thống này có thể nhìn thấy một vật thể lớn như chiếc Boeing 777, tuy nhiên, vì các lý do bảo mật mà người ta chưa công bố. Trong khi cuộc tìm kiếm “Flight 370” tiếp tục, cả thế giới vẫn còn hy vọng vào một phép nhiệm mầu.
TD