Người tài giỏi trong một lãnh vực hoặc nhiều lãnh vực xuất hiện khá nhiều trên thế giới. Họ là những người nổi tiếng được bá tánh biết và nhắc nhở về tài năng, từ khiếu âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh, điều hành, kiến thức và kỹ năng về khoa học, kỹ thuật… đến những thủ thuật lừa đảo tinh vi, kinh động thiên hạ. Điển hình là các tài tử nặng ký, gọi văn hoa là các “ngôi sao”, đi tới đâu người ái mộ đổ theo rần rần; các tay sếp lớn đăng đàn truyền bá kinh nghiệm quản trị, kinh doanh; các nhà khoa học lẫy lừng và cả những kẻ đại bịp như Bernie Madoff ôm bạc tỷ của dân đầu tư hay anh chàng Albert Gonzalez đạo tặc điện toán lẫy lừng ăn cắp dữ kiện cá nhân của mấy triệu người bán lấy tiền ăn hút!
Đây là những người tài giỏi, thành công và nổi tiếng nhưng họ không phải là vĩ nhân. Vĩ nhân là người thay đổi thế giới và hậu thế nhiều năm về sau còn nhắc nhở cũng như ghi nhớ công đức. Một trong những con người thay đổi thế giới kia là bà Kakenya Ntaiya.
Kakenya Ntaiya sanh năm 1978 trong làng Enoosaen, thuộc bộ tộc Maasai, tại Kenya, một quốc gia Phi Châu. Bà là một nhà giáo dục và hoạt động cho nhân quyền.

Kakenya Ntaiya – Ảnh: Philip Andrews, National Geographic
Là con đầu trong một gia đình tám người con, Kakenya giúp bà mẹ trông nom các em nhỏ. Năm lên 5 tuổi, cô bé bị cha mẹ hứa hôn để gả chồng khi đến tuổi 14. Theo tục lệ, những đứa bé gái ở các bộ tộc ấy không được đi học, nhưng Kakenya là một ngoại lệ, cô bé được đến trường.
Năm 13 tuổi, trước khi bị đem đi cắt bỏ âm hạch (clitoris) theo cổ tục dành cho phụ nữ trước khi lấy chồng, (nhiều bộ tộc tin rằng việc cắt bỏ âm hạch khiến người đàn bà không được trải qua sinh thú tình dục và do đó, chung thủy với chồng, chỉ biết làm bổn phận mang thai và sanh nở. Tính đến nay, khoảng 2 triệu phụ nữ đã chịu cuộc giải phẫu cắt bỏ âm hạch), cô bé mặc cả với người cha, chịu cắt bỏ âm hạch đổi lấy việc được tiếp tục đến trường, không bỏ học lấy chồng!
Sau khi người cha đồng ý, Kakenya theo một phụ nữ có tuổi vào chuồng bò nơi cuộc “giải phẫu” kia bắt đầu. Cô bé mô tả rằng bà lão dùng một con dao trong bếp và cắt cứa âm hộ cô ấy. Sự đau đớn quá độ khiến Kakenya bất tỉnh. Sau nhiều ngày nằm im một chỗ, cô bé đi lại được và tiếp tục đến trường.
Dù khác biệt với những đứa trẻ trong làng, nhưng không nản chí bỏ cuộc, Kakenya tốt nghiệp trung học với số điểm cao. Rồi cô bé muốn vào đại học, và đi học tại Hoa Kỳ. Ở đó, chưa có đứa bé gái nào làm công việc vĩ đại ấy. Kakenya tiếp tục thương lượng, lần này, cô mặc cả với các chức sắc trong làng. Nếu họ để cô đi du học, cô hứa sẽ trở về xây trường học và mở nhà thương phụ khoa!
Người làng đặt niềm tin vào cô bé khác thường kia. Các phụ nữ trong làng tom góp tiền bạc giúp Kakenya đi du học. Họ nhìn thấy rất rõ rằng thai nghén đồng nghĩa với chết chóc: Cứ 19 phụ nữ trong làng sanh nở là 1 người tử vong vì biến chứng. Dù không biết đó là tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới nhưng các phụ nữ trong làng đều dốc lòng dốc sức tìm cách thay đổi sự rủi ro khi mang thai này.
Thế là Kakenya Ntaiya được đi du học. Tháng Năm, năm 2004, cô tốt nghiệp Cử Nhân (Bachelor of Art) ngành International Studies and Political Science từ Randolph-Macon Woman’s College tại Lynchburg, Virginia. Kakenya là phụ nữ đầu tiên trong làng được đi học và tốt nghiệp đại học.
Cô sinh viên kia không ngừng ở đó, cô học tiếp và tốt nghiệp Tiến Sĩ Giáo Dục từ University of Pittsburgh, Pennsylvania.
Học xong, giữ đúng lời hứa, cô trở về quê nhà, vận động việc xây trường học tại địa phương và gây quỹ tại ngoại quốc để xây trường học trong làng.
Tại Kenya, dù luật pháp buộc cha mẹ cho con em đến trường nhưng theo lệ làng, những đứa bé gái vẫn phải chịu mù chữ; chỉ khoảng 11% những đứa bé gái tộc Maasai học hết tiểu học. Tiến Sĩ Ntaiya tin rằng thiếu hiểu biết, những bé gái kia không thể mơ ước gì nữa, chỉ còn mỗi con đường lấy chồng và sanh đẻ. Cô muốn trao cho những đứa bé gái kia các phương tiện để với tới giấc mơ của chúng. Năm 2009, ngôi trường Kakenya Center for Excellence hình thành tại Enoosaen, Kenya và hiện đang có trên 150 đứa bé gái từ bộ tộc Maasai theo học.
Thoạt tiên, Kakenya Center for Excellence là trường học theo truyền thống, trẻ em đến lớp học trong ngày nhưng hiện nay, ngôi trường kia bao gồm cả nội trú, trẻ được ăn ở và học tại trường, từ lớp 4 đến lớp 8.
Giúp trẻ em ăn học tại trường là một bước tiến khá xa. Chúng không còn phải đi bộ cả mấy dặm đường để đến trường, và tránh cho chúng cảnh bị đón đường hãm hiếp, một tệ nạn thường xảy ra tại miền quê Kenya; nhưng điều tốt đẹp nhất là các em không phải dùng mọi thời gian còn lại để làm việc nhà. Ở lại trường, chúng có thể chơi thể thao, học hỏi về nghệ thuật… và được làm trẻ thơ.
Tại Kakenya Center for Excellence, trẻ em được ăn ngày ba bữa, có quần áo đồng phục, sách vở. Lớp học tương đối nhỏ nên các em được thầy cô chú tâm đến nhiều hơn. Và các trẻ em này học hỏi nhanh chóng hơn, chúng dạn dĩ và tự tin hơn. Những giấc mơ đã bắt đầu thành hình, đứa mơ thành phi công, luật sư, bác sĩ … Và những người cha trong làng đã bắt đầu thay đổi ý nghĩ, con gái họ có thể thành công hơn những đứa bé trai!

Ntaiya và trẻ em tại Trung tâm Kakenya, một trường học do cô lập ở làng Maasai, Kenya, năm 2011- Ảnh: Philip Andrews, National Geographic
Kakenya Center for Excellence được tài trợ một phần bởi chính phủ Kenya nhưng phần lớn phí tổn được tài trợ bởi tổ chức không vụ lợi do Tiến Sĩ Ntaiya thành lập từ Hoa Kỳ. Gia đình các trẻ em góp phần trả chi phí, và trả bằng ngô hoặc đậu, các nông phẩm từ vườn ruộng. Những gia đình không thể cáng đáng chi phí, bà Ntaiya bỏ tiền riêng để đài thọ.
Mỗi năm, khoảng 100 trẻ em xin học, và trường chỉ nhận 30. Điều kiện nhập học khá kỳ lạ: Cha mẹ phải đồng ý là sẽ không ép buộc đứa bé gái phải chịu cắt âm hạch, hoặc lấy chồng sớm.
Để có thể xây trường, sau mấy năm thương lượng, Tiến Sĩ Ntaiya đã thuyết phục được thôn làng tặng đất, và được cả sự yểm trợ của Tộc Trưởng John Naleke. Năm 2006, ông ấy còn tuyên bố rằng các đứa trẻ gái không cần đi học nhưng đến năm 2009 thì ông Naleke đổi ý.
Sự bền bỉ, chịu đựng của bà Ntaiya là các yếu tố dẫn đến thành công, nhưng việc giữ đúng lời hứa trở về để xây dựng là lời thuyết phục hùng hồn nhất. Tộc Trưởng Naleke kể lại rằng trong làng cũng có những thanh niên đi du học, nhưng không ai trở về cả. Họ lấy vợ, sanh con và sống luôn ở ngoại quốc! Chỉ có cô bé Kakenya năm xưa trở về như lời hứa hẹn. Cô ấy thực sự muốn giúp đỡ những đứa bé gái khác!
Năm 2011, Tiến Sĩ Ntaiya dọn về Nairobi, thủ đô của Kenya cùng chồng và hai con trai. Bà tiếp tục trở về Enoosaen làm việc bán phần và theo dõi các tiến triển của ngôi trường.
Tiến Sĩ Ntaiya hy vọng rằng ngôi trường kể trên sẽ trở thành kiểu mẫu cho các trường học khác tại Phi Châu, tạo điều kiện cho các em gái được đi học và theo đuổi giấc mơ của chúng: Không đứa trẻ nào phải trải qua cuộc “thương lượng” như bà ấy đã trải qua trong tuổi thơ ấu!
Tấm gương của Tiến Sĩ Ntaiya sáng vằng vặc. Bà ấy không chỉ mặc cả cho chính mình, bà mặc cả giùm cho những đứa bé gái khác, những đứa trẻ kém may mắn sinh ra trong một thôn làng hẻo lánh với các hủ tục hành hạ phụ nữ. Phải bền bỉ quyết tâm lắm, Tiến Sĩ Ntaiya mới có thể chịu đựng nổi những cuộc thương thảo dai dẳng suốt mấy năm với các chức sắc trong làng.
Cứ tưởng tượng đến sự khác biệt trời vực giữa một phụ nữ có học thức, hấp thụ văn hóa, kiến thức Âu Mỹ và những người tồn cổ, suốt đời chưa ra khỏi thôn xóm, những người vẫn một mực tin rằng phải cắt bỏ âm hạch của trẻ em gái để chúng không biết gì về sinh thú tình dục mà theo khuôn phép, lấy chồng đẻ con, và nhất là phải để chúng mù chữ hầu dễ dạy! Dế Mèn toát mồ hôi kinh hoảng.
Tạ ơn Đời, thế giới có một phụ nữ can trường như bà Ntaiya Kakenya.