Menu Close

Bóng Đè – Tuổi cao

Tôi có vài câu hỏi về triệu chứng bóng đè mà tôi và một số người bạn thường bị. Khi bị triệu chứng bóng đè trong lúc ngủ, tôi cố vùng vẫy để thóat ra cảnh này và cố hét lên để có người nghe và đánh thức vì tôi biết rằng lúc này chỉ cần người khác đụng vào mình là tôi có thể thoát ra được cảnh này. Lúc bị bóng đè là lúc tôi nằm ngửa và tôi có thể nghe được tiếng ú ớ của mình trong cổ họng. Sau khi thức dậy thì mình mẩy toát mồ hôi tưởng chừng như vừa qua một cơn vật lộn rất ư là vất vả.

1. Yếu tố nào gây nên triệu chứng bóng đè

2. Triệu chứng bóng đè ảnh hưởng đến tim và áp huyết thế nào? Tôi bị áp huyết cao và uống thuốc thường xuyên.

3. Tôi phải  làm gì để tránh bị bóng đè? Tôi tập thể dục thường xuyên, giữ trọng lượng cơ thể quân bình, và ăn uống khá cẩn thận. Xin cám ơn Bác sĩ. – Diệp

Đáp

Chào ông Diệp

Hiện tượng Bóng Đè mà ông nói tiếng Anh gọi là Sleep Paralysis là cảm giác con người vẫn tỉnh thức trong khi ngủ nhưng không cử động được trong vài giây tới vài chục phút trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Chẳng hạn họ không cử động được thân mình và không nói được. Một số người cũng cảm thấy nặng ngực như nghẹn thở. Đây là trường hợp mà 40% con người bị ít nhất một vài lần trong đời người. Ông đã diễn tả rất rõ ràng các dấu hiệu triệu chứng của bệnh cũng như hoàn cảnh bóng đè xảy ra. Chúng tôi xin trả lời các câu hỏi của ông như sau:

1. Có nhiều yếu tố có thể gây ra Bóng Đè. Có người mê tín dị đoan cho rằng đây là trường hợp ma làm, quỷ ám. Các nhà tâm lý thì cho rằng Bóng Đè là do căng thẳng tinh thần trong các sinh hoạt hàng ngày. Cũng có người cho rằng mới hồi phục sau trọng bệnh, cơ thể suy yếu thì hay bị bóng đè. Cũng có ý kiến cho rằng một số các chất kích thích thần kinh như rượu, thuốc lá hoặc hóa chất cũng là yếu tố gây ra bóng đè. Nói chung, nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Có người cho hay khi nằm ngủ ở vị thế nằm ngửa mà lại để tay lên ngực, như trường hợp của ông, cũng hay bị Bóng Đè.

2. Hậu quả của bóng đè: Vì người bị bóng đè rơi vào tình trạng ú ớ sợ hãi, cho nên tuần hoàn hô hấp của họ bị rối loạn.Nhịp tim nhanh, hồi hộp, huyết áp tăng cao, hơi thở hổn hển, tâm trạng nửa tỉnh nửa mơ. Khi tỉnh giấc họ sẽ rất sợ hãi…

Nếu ông đang có bệnh tim và cao huyết áp thì tôi nghĩ rằng Bóng Đè sẽ có ảnh hưởng lên các bệnh này và bệnh sẽ trầm trọng hơn.

Khi bóng đè thường xuyên xảy ra, ông nên cho bác sĩ gia đình hay để tìm hiểu thêm về sức khỏe và đưa ra lời khuyên cần thiết để bệnh tim mạch và cao huyết áp không bị ảnh hưởng.

3. Xin ông tiếp tục sống như ông đang làm, như thể dục thể thao, giữ đời sống tinh thần thoải mái, dinh dưỡng cân bằng vừa đủ. Và cần ngủ nghỉ có giờ giấc cũng như khi lên giường ngủ buổi tối, tạo ra sự bình an, để giấc ngủ được ngon. Và không bao giờ bị Bóng Đè.

Chào bác sĩ Ý Đức

Tôi thấy một số người tới tuổi cao thường hay than thân, trách phận, không tham gia các hoạt động ngoài đời. Xin bác sĩ cho vài ý kiến về chuyện này… Lan Nguyễn.

Đáp

Thưa bà

Đọc câu hỏi của bà thì chúng tôi nhớ tới lời nói đại khái như sau của triết gia Hy Lạp Ciceron thuở xưa:  “Tuổi già chỉ được kính nể khi nó tự tranh đấu, duy trì cái tư cách của mình, tránh bị lệ thuộc, và quyết tâm lãnh quyền kiểm soát cái vị trí của mình trong xã hội cho tới phút chót của cuộc đời. Bởi vì cũng như tôi thích ở người trẻ có phảng phất một vài nét già dặn, thì tôi đồng ý ở người già cũng nên mang một chút trẻ trung.”

Cho nên chúng tôi rất đồng ý với lời nói này. Và có mang ra bàn luận với một số thân hữu đồng niên đồng tuế.

Các vị đó góp ý kiến rằng, thường thường, khi đã sống tới tuổi 60 thì sẽ có nhiều triển vọng là sẽ kéo dài tuổi thọ tới ngoài 80- 90 tuổi. Và giai đoạn tuổi già có thể là khoảng thời gian lâu hơn tuổi trung niên hoặc thiếu niên. Theo các vị này, quan niệm của mỗi người về tuổi già có nhiều ảnh hưởng tới sự lão hóa, chẳng khác chi sự liên hệ chặt chẽ giữa tinh thần và thể xác, cảm xúc và sức khoẻ, bệnh tật.

Sau mấy giờ nói chuyện thì các vị đó đưa ra một số gợi ý như sau:           

1. Đừng quan trọng hóa số tuổi. Ðó chỉ là một con số ngoài tầm kiểm soát của ta, chẳng khác chi màu tóc, tên của cha mẹ. Hãy sống và tận hưởng thời gian của mỗi ngày. Ðừng nhìn về quá khứ để mà tiếc nuối.

2. Giữ phần tự kiểm soát cuộc đời mình để tỏ ra mình còn hữu dụng, còn khả năng, không cần phụ thuộc vào ai. Làm được như vậy thì ta sẽ vượt qua được những chông gai trên đoạn đường còn lại của cuộc đời.

3. Tiếp tục học hỏi, theo dõi thời sự, như các cụ ta thường nói ông bảy mươi học ông bảy mốt. Đừng để khả năng học hỏi cùn dần với thời gian. Có người đã ví bộ óc như một Trương mục đầu tư. Càng dùng thì nó càng sinh lợi cho ta, ta càng giàu thêm kiến thức mới.

4. Luôn luôn giữ bề ngoài cho tươm tất, chải chuốt. Nữ giới thọ hơn nam giới, một phần có lẽ vì lúc nào quý bà quý cô cũng mặc đẹp đẽ, trang điểm như sắp đi dự dạ hội. Chả bù với nhiều vị nam thì mặc sao cũng được, lơ là chăm sóc cả cái răng cái tóc là gốc con người. Nom nó GIÀ con người đi.

5. Đừng để mình bị cô đơn, lẻ loi. Hãy ráng gần gũi với người này người khác.

6. Hãy trở thành cần thiết và sẵn sàng làm những việc lớn, nhỏ cho mọi người.

7. Đừng phí thì giờ nghĩ rằng mình đã quá già để làm việc. Tiếp tục các việc trước đây đã làm. Tham gia các công tác tự nguyện, nhân đạo giúp đỡ người bất hạnh hơn mình, các sinh hoạt tương trợ, cộng đồng, lễ nghi tôn giáo, cầu nguyện, dạy kèm các môn học mà mình khá.

8. Kiếm một việc làm mà ta thích, nhưng là bán thời gian, mươi giờ một tuần, vào thời gian thuận lợi cho mình. Như vậy ta sẽ bớt “nhàn cư” mà cũng có thêm chút lợi tức để chi phí cho vài tiết mục không dự trù. Mỗi ngày làm một điều mới lạ.

9. Chăm sóc sức khỏe, giữ trí óc tinh tường.

10. Bớt tư dục, kiềm chế phẫn nộ, gạt bỏ tâm tư xấu, ngăn ngừa căng thẳng thần kinh, tránh tranh chấp mà nên nhượng bộ.

Hy vọng những ý kiến này có thể góp phần hữu ích nào đó đối với một số không ít quý vị cao niên.

Chúc bà và gia đình luôn luôn vui mạnh.

NYD