Sinh năm 1940 tại Phan Thiết. Quê nhà: Lagi, Hàm Tân. Bình Thuận. Tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn (1969). Bác sĩ chuyên khoa Nhi. Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) & Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997). Hiện làm việc tại Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn.
Đã cộng tác với các báo: Bách khoa, Mai, Văn, Ý thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng…,
Tác phẩm
1. Tạp văn, tùy bút: Gió heo may đã về (1997). Già ơi… Chào bạn! (1999). Nghĩ từ trái tim (2003). Những người trẻ lạ lùng (2001). Thầy thuốc & Bệnh nhân (2001). Như ngàn thang thuốc bổ (2001). Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003). Thư gởi người bận rộn (2005). Khi người ta lớn (2007). Như thị (2007). Chẳng cũng khoái ru? (2008). Gươm báu trao tay (2008). Nhớ đến một người (2011). Thư gởi người bận rộn 2 (2011).
2. Thơ: Tình Người (1967). Thơ Đỗ Nghê (1973). Giữa hoàng hôn xưa (1993). Vòng quanh (1997). Biển của một thời (in chung, 1999). Sương mù một thuở (in chung, 2001). Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010).
Mới chế tạo được người máy Asimo, con người đã mừng húm, tự hào đã tạo ra được một người máy thông minh nhất thế giới, mang đi trình diễn khắp nơi: nào đến Thái Lan bắt tay Thủ tướng, rồi đến Úc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Mỹ, Canada và bây giờ là… Việt Nam. Không chừng sắp tới có thể còn đến Hỏa tinh nữa! Mừng húm cũng phải vì phải mất hơn 14 năm, cải tiến qua nhiều thế hệ, đến nay loài người mới có được Asimo – có nghĩa là nguyên thủy… Asimo, người máy nguyên thủy thông minh nhất thế giới này trang phục như một nhà du hành vũ trụ, đi những bước đi tự nhiên kèm tiếng vo vo của các bánh răng cưa, biết bước chéo, nhảy múa, leo cầu thang, đứng một chân… gọi là “bước đi đa dạng”; Asimo còn biết chào, biết nói (biết nói cả tiếng Việt ), biết xưng tên “Tôi là Asimo”, biết bye bye và biết cả… khóc cười, tức giận, mừng vui, ngạc nhiên, khoái trá…! Asimo có con mắt màu mini-cam, có bàn tay… 5 ngón, nặng 52 ký và cao 1,2m, đủ để với tới công tắc đèn, khoá cửa, lau chùi bàn ghế…
Asimo giao tiếp với khán giả Việt – nguồn genknews.vcmedia.vn
Mới chế tạo được Asimo mà con người đã mừng húm đến vậy, tưởng tượng khi Thượng đế tạo ra con người… nguyên thủy thứ thiệt, Ngài đã mừng húm đến cỡ nào! Con người nguyên thủy cao lớn, vạm vỡ, đẹp… trai hơn Asimo, làn da tươi mát, mềm mại, co dãn, mắt sáng rực, tai thính, mũi phập phồng, răng trắng nhỡn, ngực nở nang, rắn rỏi không thua anh Vọi, bụng thon nhỏ với những cơ bắp cuồn cuộn không thua… Lý Đức; leo trèo, nhảy nhót, lăng ba vi bộ hơn hẳn Đoàn Dự… Về ngôn ngữ, về cảm xúc, về trí thông minh… đều tuyệt vời, “đa dạng” hơn hẳn Asimo. Thế nhưng hình như Thượng đế không mừng mấy chút, trái lại Ngài lo nhiều hơn. Chuyện phải lo đầu tiên là phải kiếm ngay cho chàng một người bạn… gái (Asimo không rõ giới tính, trông hùng dũng giống trai, mà tiếng nói thánh thót như gái, thân hình lại giống trẻ con, có vẻ còn thiếu thiếu một thứ gì!). Nghe nói lúc tạo người bạn gái cho người nguyên thủy, Thượng đế mới giật mình thấy thiếu… nguyên liệu, bèn lấy một chút mặt trời nóng bỏng, một chút mặt trăng dịu mát, một chút tinh tú nhấp nhánh… rồi một chút sông ngòi quanh co, một chút biển cả bát ngát, rồi hoa thơm cỏ lạ, trái ngọt cây lành, sắc màu đủ điệu… để tạo ra nàng. Mới có ba ngày, chàng đã giận dỗi, đem nàng trả lại cho Thượng đế. Ngài mỉm cười không nói năng chi. Ba ngày sau, chàng lại hớt hơ hớt hải tìm tới, van nài cho nhận lại người bạn kỳ diệu mà kỳ quặc đó. Thượng đế lại mỉm cười, vui vẻ ban cho. Hình như Ngài lo nhiều hơn mừng, chưa hề nói đó là loài sinh vật thông minh nhất trên cõi đời, cũng chẳng hề có ý định đưa đi trình diễn ở hành tinh này hay hành tinh khác. Trái lại, hình như Ngài còn ân cần dặn dò không được nghe những lời dụ dỗ, không được ăn trái cấm… Kết quả là nó ăn ngay trái cấm, nghe ngay lời dụ dỗ và nhờ đó…mà bây giờ mới nào sinh sản vô tính, nhân giống đơn dòng và… Asimo! Điều tệ hại có lẽ là nó không hề biết công ơn của Thượng đế, không hề biết trân trọng chính bản thân mình, những kỳ diệu, những phép lạ ngay trong bản thân mình mà cứ mày mò tìm kiếm đâu đâu. Có lẽ vì thế Ngài cho nó có khả năng chế tạo… người máy, để biết thế nào là những khó khăn trong từng chi tiết nhỏ. Một cái nhướng mắt, một cái nhếch môi đâu phải dễ dàng. Chỉ mỗi nụ cười đã có hằng trăm thứ (gọi là cười… đa dạng), chỉ mỗi bước đi, cả trăm điệu (bước đi đa dạng…) và còn hằng triệu triệu những đa dạng trong cảm xúc, trong suy tư không sao nói hết. Hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục, tham sân si… đủ cả. Asimo còn phải nạp năng lượng phức tạp chớ con người biết tự tạo năng lượng từ thức ăn, hơi thở, từ các bộ máy hô hấp, tiêu hoá, tuần hoàn gắn sẵn bên trong, tự nạp năng lượng năm bảy chục năm xài vẫn còn tốt!…
Nghe nói người máy được cho thuê làm nhiệm vụ lễ tân giá rất cao mà chỉ cần con số lẻ đó thôi, ta có thể kiếm vài người… mẫu, cao ráo, xinh đẹp, dịu dàng, tươi mát, biết nheo mắt, mỉm cười, biết mặc thời trang đủ loại, biết múa hát, đàn ca, biết giận hờn đủ kiểu, dĩ nhiên là có thể nói nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt để làm lễ tân.
Một anh bạn nói nhờ Asimo, nghĩ lại thấy cũng được an ủi phần nào: anh cao hơn 1,6m, nặng 60kg, biết tắt mở đèn, TV, tủ lạnh, quạt máy, biết khoá cửa, rửa chén, ủi đồ, lau bàn ghế, còn biết đọc báo, biết cười khóc, giận hờn, cãi nhau…; bước đi đa dạng mà không bị kêu vo vo, chỉ có lúc ngủ kêu khò khò tí chút…
Tóm lại, cảm ơn Asimo. Nhờ Asimo mà ta sực nhớ những Asimos -số nhiều- tuyệt vời ở quanh mình, và cũng nhờ Asimo mà ta nhận ra Asimota- chính ta- cũng là cả một sự kỳ diệu Thượng đế đã trao tặng mà nhiều khi ta chẳng hay! Cảm ơn Asimo.
Lãng mạn xưa và nay
Hữu ngạn sông Đồng Nai, cách Vườn Cò mấy dặm, trên những ngọn đồi chập chùng, bên những rặng tre già ven bờ sông rì rào sóng vỗ, dưới những tán cây cao rợp mát, có một ngôi chùa cổ và một lối đi ngoằn ngoèo thăm thẳm dẫn vào một quán “lương đình” như một bức tranh thủy mạc đượm nét hoang sơ. Ở đó, bên cạnh những ông già bà lão đi chùa cúng kiến là dập dìu những nam thanh nữ tú tìm về một nơi bình yên, vắng vẻ, xa chốn phồn hoa đô hội để mặc sức tự tình… Trời ạ, cả bốn bức tường của quán lương đình dầy đặc, chen chúc những thơ là thơ, được viết bằng mọi thứ gạch ngói, đất đá, viết chì, viết bi, đủ kiểu, đủ loại! Đó là những bài thơ không viết cho mọi người, mà viết chỉ riêng cho một người, của những nhà thơ – những thi sĩ vô danh – tràn trề hạnh phúc, thỉnh thoảng cao hứng còn minh họa bằng những đường nét thô sơ mà tượng hình như trong các thạch động thời tiền sử. Đa số không ghi tên tác giả, có chăng chỉ đôi ngày tháng ngao du. Ở đó, bên cạnh những bài thơ cháy bỏng còn có những bài thơ mang một thứ triết lý về tình yêu thời đại, một thứ lãng mạn hôm nay, khác với thứ lãng mạn của ngày xưa, không xa lắm! Chẳng hạn một cô gái viết đại ý: Em chỉ có một trái tim duy nhất, xin tặng anh một nửa, còn một nửa để dành, lỡ mai kia mốt nọ, tình anh gây sóng gió thì với nửa trái tim này em sẽ làm lại cuộc đời! Thì ra đó là một người tình… tiết kiệm, nói cách nào đó là người biết “nói không” khi cần thiết.
Nhớ lại ngày xưa:
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh trao em cùng với một tờ thư
Em không nhận nghĩa là tình anh mất
Tình đã trao không lấy lại bao giờ
Xuân Diệu
Bên cạnh cô gái là bài thơ của một chàng trai:
Tình bạn là tô hủ tiếu
Tình yêu là tô bún riêu
Sống ở đời không thể thiếu
Hủ tiếu và bún riêu
Hủ tiếu và bún riêu.
Chắc phải có một tình huống gay cấn chi đây giữa hủ tiếu và bún riêu khiến nhà thơ buộc phải khẳng định, phải rạch ròi như thế. Rõ ràng hủ tiếu thì dai, đa dạng, phong phú, còn bún riêu thì bở, nhưng đặc thù, chuyên biệt, đằm thắm, mặn mòi… Cái nào ra cái đó! Triết lý ẩn tàng thì đã rõ: Có thực mới vực được đạo.
Thật khác với ngày xưa, nhà thơ thường lúng túng khi cắt nghĩa tình yêu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
Xuân Diệu
Bây giờ thì không mây không gió, không nhè nhẹ hiu hiu chi nữa cà, chỉ xì xụp hít hà thôi.
Cũng chẳng chiếm hồn ta làm chi cho đau khổ, chiếm ngay cái bao tử cho chắc ăn!
Không xa lắm, một nhà thơ lãng mạn nói với người yêu của mình:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển
Nguyên Sa
Ta thấy nhà thơ gọi hẳn tên người yêu của mình ra, không ỡm ờ em này em nọ dễ gây hiểu lầm. Nhưng bên cạnh đó nào chó, nào mèo, nào cá ươn… làm sao mà người yêu của nhà thơ không rúng động chết đi được! Anh mà là nước biển thì em đâu có đến nỗi…ươn lên như thế!
Lãng mạn xưa và nay có khác nhau đôi chút đó, nhưng dù thế nào, nó cũng là lãng mạn thứ thiệt, không phải là thứ lãng mạn catalogue mà các sách dạy “kỹ năng sống” gần đây hay bày vẽ vậy!
ĐHN