Menu Close

Ngọn đèn cạn dầu

Người đàn ông nằm đó, lúc mê lúc tỉnh cả mươi ngày nay. Ông ta không còn trẻ nhưng cũng chưa già lắm, ở số tuổi mà người Âu Mỹ cho rằng chưa đủ để xã hội chấm dứt các món tiền bạc đầu tư vào sức khỏe. Không như ở Anh và một số quốc gia Âu Châu khác nơi chính sách y tế được kê khai chi tiết và rõ ràng, bệnh gì trong trường hợp nào thì được điều trị vì ngân sách quốc gia có giới hạn, chính phủ không thể trang trải tất cả mọi chi phí cho mọi công dân đau ốm. Và họ có quốc sách về các điều khoản y tế nọ. Nhưng ở Huê Kỳ hiện nay, người bệnh vẫn được chữa trị đầy đủ, bác sĩ đi theo cho đến hết con đường. Và người đàn ông kia đang mê man thức ngủ theo chu kỳ của gần chục loại thuốc men đưa vào cơ thể.

Hai lá phổi đã ruỗng mục, hậu quả của mấy chục năm đốt khói thuốc liên miên. Ở đó, dưỡng khí và thán khí không còn thẩm thấu, luân chuyển một cách hiệu quả qua các mạch máu li ti tại phế nang. Lúc nào ông cũng cảm thấy ngộp thở, phải dùng thêm dưỡng khí để có thể di chuyển chậm chạp từ cái ghế bành sang phòng vệ sinh. Các mạch máu xơ cứng đóng vữa khắp nơi khiến dòng máu chảy uể oải mệt mỏi. Hai cẳng chân ông trương to, lạnh ngắt, lắm lúc tê dại, đau đớn như đạp phải một mớ gai. Rồi cơn đau tim cấp tính đưa ông đến đây.Tim nghẽn máu. Cục máu đông nhỏ xíu chạy đến óc thì ngừng ở đó khiến cơ thể bại xuội.

 

alt

Thắm Nguyễn

 

Ông hé mắt nhìn chung quanh, đèn sáng trưng trong phòng, máy móc cái lớn cái nhỏ thi nhau báo hiệu bíp bíp, đèn đỏ chớp tắt không ngừng. Tiếng người xôn xao chung quanh, ông nhận ra khuôn mặt bà vợ người sống với ông mấy chục năm trường.

Thân thể rã rời, ông cố gắng cử động, xoay chuyển nhưng hình như chân tay đã biến mất, không biết chúng đi đâu? Ông gọi vợ, đôi môi rung động mấp máy. Không có âm thanh nào thoát ra từ cổ họng kia.Tia mắt ông chạm vào mắt vợ. Ông chớp mắt gọi em ơi, nhưng lạ quá, bà ngó đi chỗ khác, tránh tia nhìn cầu khẩn của ông.

Ông thấy mình mòn mỏi, sức cùng lực kiệt và muốn buông xuôi. Thần chết như quanh quẩn đâu đây. Ông nhìn quanh van vỉ, cho tôi đi, cho tôi đi… Không ai nghe lời cầu khẩn ấy. Nước mắt ông ứa ra từ hai hốc mắt khô cạn. Dòng nước mắt chảy ngang, thấm vào gối nằm.

Ông nghe loáng thoáng tiếng người, đầu óc ông đông cứng trì trệ, người bác sĩ điều trị đang nói chuyện với vợ ông, giải thích bệnh trạng và thảo luận ca bệnh phức tạp, bộ phận nào cũng không chịu hoạt động bình thường nữa. Phổi. Tim. Não bộ. Tất cả đều ngưng làm việc, thuốc men, máy móc đang làm giúp các công việc thiết yếu để duy trì nhịp tim, nhịp thở. Hai quả thận cũng đang tuột dốc, không muốn lọc máu nữa… Bà vợ buông lời chắc nịch, quả quyết “Tôi muốn bác sĩ làm tất cả mọi việc để cứu chồng tôi”. Mắt bà ráo hoảnh.

Ông muốn gào lên… Ngưng, ngưng ngay mọi thứ… nhưng cổ họng tắc nghẹn.

o O o

Bà vợ gục gặc đầu rồi đưa tay ký tên, mấy chữ ngòng ngoèo trên tờ giấy chi chít chữ. Bà thoáng nhìn ông rồi bước ra ngoài.

Cô nhẹ chân theo bà vợ ra hành lang, xin phép được hỏi chuyện bà vợ ngoài vườn hoa trong khuôn viên bệnh viện. Bà vợ tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn gật đầu đồng ý. Gặp gỡ nói chuyện với bà vợ cả tuần lễ nay nhưng có lẽ đã đến lúc cô cần giải thích rõ ràng chi tiết để có thể xác nhận với chính mình là bà vợ hiểu rõ tình trạng của người chồng và đã lựa chọn theo sự hiểu biết ấy.

Họ ngừng chân tại một chiếc ghế đá và câu chuyện bắt đầu. Không biết bà vợ hiểu rõ đến đâu tình trạng sức khỏe của người chồng nên cô thăm dò:

– “Bà hẳn là mệt mỏi lắm suốt cả tuần nay”. Tiếng gió xào xạc trong khu vườn vắng lặng, cô nghe cả hơi thở của mình.

– …

– “Tôi rất tiếc là không có tin vui về tình trạng của ông nhà. Như lúc nãy chúng ta thảo luận, ông có dấu hiệu của thận suy, không còn lọc máu hữu hiệu nữa và nước trong cơ thể đang ứ đọng quanh phổi. Bước kế tiếp là lọc máu, nhưng đó chỉ là tạm thời. Ta không thể làm cho phổi hoạt động được nữa nên ông vẫn cần các máy móc. Tôi không thể đoan chắc là ta có thể kéo dài tình trạng này bao lâu nữa.” Cô cố gắng lựa chọn từng chữ trong câu đối thoại.

– Tôi biết (I know). Ông ấy bệnh rề rề cả mấy năm nay rồi. Dùng Oxygen ở nhà. Đi đứng, tắm rửa phải có người giúp. Trụy tim, trụy mạch. Bây giờ mê man luôn.

– Trong tình trạng này, có lẽ ông nhà sẽ không thể về nhà nữa.

– Tôi biết.

– Bà vẫn muốn tiếp tục dùng máy móc, lọc máu cho ông nhà?

– U huh!

– …? Cô nén tiếng thở dài, tiếp tục:

– Nếu có thể tự quyết định thì ông nhà sẽ lựa chọn ra sao?

– Ah, ah, ông ấy sẽ yêu cầu các bác sĩ rút dây nhợ, tắt máy móc!

– …? Im lặng rất lâu, rồi cô đánh bạo hỏi tiếp:

– Bà vẫn muốn tiếp tục dù biết rằng ông không muốn chữa trị nữa?

– Không có ‘living will’ nên tôi là người quyết định việc tiếp tục chữa trị hay ngưng. Người đàn bà nhìn thẳng, thách thức.

– Tôi chưa hiểu rõ quyết định của bà?

– “Why? why?” Người đàn bà gằn giọng, nói qua hai hàm răng nghiến chặt. “The SOB beat me, raped me, treated me as a piece of meat… Now, pay-back time, I want him to suffer for all the things he has done to me… Keep him alive…”

Cô đi như chạy về văn phòng, lòng dạ nôn nao khó chịu. Sự căm hờn, thù hận khiến cô kinh hoảng. Chỉ kịp rẽ vào nhà vệ sinh, vừa khép cánh cửa, cô khuỵu xuống trước bồn cầu ói thốc tháo.

Cô không hiểu sợi xích nào đã cột chặt họ suốt mấy chục năm? Có khi nào người ta tha thứ cho nhau?

Ngọn đèn đã cạn dầu nhưng người ta vẫn muốn đốt cho tàn cọng bấc.

TLL