Menu Close

Những ý nghĩ dường như thơ mộng trong đầu của một kẻ vừa bị giựt mất điện thoại

1.    

“Chúc Một Ngày Tốt Lành” là cuốn sách tôi vừa đọc xong sáng nay. Tôi được tác giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tặng với lời chúc kèm theo sách. Ông nói, “Mỗi sáng, cậu hãy ngó cái tựa đề này một cái nhé, nó là lời chúc của tôi gởi đến cho mọi ngày còn lại trong đời cậu!” Khác với thường khi, tôi thường lãnh đạn lúc ông nhậu đã đời rồi phang vung trời, thì lần này tôi tin rằng ông chúc tôi thật lòng. Với lời chúc như thế thì tôi có thể yên tâm rằng từ đây tới cuối đời mình sẽ sống trong bình yên và tốt đẹp. Vậy là buổi sáng hôm đó lòng tôi vui phơi phới.

2.

Hết buổi sáng tôi nằm nhà cày cuốc, buổi trưa cũng trôi qua nhẹ nhàng. Vậy là chỉ tiêu một ngày tốt lành sắp hoàn tất mỹ mãn, chỉ còn buổi chiều và buổi tối.

Buổi chiều, trời xanh nhạt nắng, tạm xong công việc, tôi dắt xe đạp ra làm một vòng. Tôi vừa mua chiếc xe đạp cũ, quyết tâm mỗi ngày sẽ bỏ ra chừng một giờ đạp xe để tập thể dục. Lâu lâu cũng nên cho mình thưởng thức thú vui lành mạnh chứ. Tôi mặc áo thun, quần short. Cẩn thận nhét cái iPhone vào sâu trong túi quần, nối dây tai nghe vào máy rồi nhét tai nghe lên tai. Được nghe nhạc hòa tấu du dương trong lúc tà tà đạp xe trên đường thì thật là tuyệt!

Tôi đạp xe thong thả ra đại lộ bên ngoài khu chung cư. Một bên là làn đường vắng xe, thỉnh thoảng một chiếc gắn máy chạy vù qua rồi mất hút, một bên là những ao cá và cánh đồng lồng lộng gió mát. Tôi hít thở nhẹ nhàng cho đầy 2 lá phổi không khí trong lành. Có khi đời tươi đẹp giản dị như thế đấy.

Bum! Tôi không kịp nhận biết chuyện gì vừa xảy ra. Chiếc xe đạp bị tông mạnh từ phía sau, loạng choạng. Tôi cố giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Một cánh tay vung lên, cú đấm mạnh sượt qua bên hông trái. Chiếc iPhone bay tung ra khỏi túi quần, nằm gọn trong tay kẻ vừa giựt nó. Khi tôi định thần thì chiếc gắn máy đã trờ đi khỏi chừng 5 mét. A, mình bị giựt điện thoại! Hai thằng thanh niên đèo nhau trên chiếc Suzuki là kẻ thủ ác. Chúng không phải tăng ga chạy nhanh, có lẽ nghĩ rằng tôi không thể nào đuổi kịp bằng xe đạp. Tôi la lên, “Cướp, cướp, cướp…” Hình như thằng ngồi sau ngoái đầu lại nhìn tôi, tôi thấy nó cười. Một chiếc xe gắn máy thứ hai chạy trờ lên, cũng chở hai thanh niên. Tôi vung tay chỉ chiếc xe hai thằng cướp chạy đằng trước, bảo họ, “Bắt nó… bắt tụi nó giùm tôi… Nó giựt điện thoại…” Hai gã thanh niên nghe nhưng không tỏ vẻ gì cả, chúng cố tình chạy chậm lại, gần như song song với tôi, thằng cầm lái quay sang nhìn tôi nheo mắt, chậm rãi lắc đầu, rồi rú ga phóng theo chiếc xe kia. Cả hai chiếc vượt qua cây cầu trước mặt rồi từ từ biến mất khỏi tầm mắt. Tôi đạp dấn theo chừng 50 mét, đuối sức, nhận ra rằng việc mình bị cướp là chuyện hiển nhiên, chuyện đã rồi, và mình không thể làm gì khác để xoay chuyển tình thế. Tôi hiểu ra: 2 xe, 4 thằng. Chúng là một bọn, 2 thằng chạy sau có nhiệm vụ bọc lót cho 2 thằng chạy trước, nếu cú giật không ngọt hay nạn nhân kháng cự thì bọn chúng sẽ ra tay. Mình có đuổi kịp thì cũng không thể chơi nhau lại với 4 thằng thanh niên, và chắc chắn chúng có vũ khí. Vài chiếc xe khác chạy lên, chắc người ta cũng thấy tôi có vẻ bất thường, nhưng không ai tỏ vẻ quan tâm.

Tôi đạp chậm lại tốc độ bình thường, rồi tấp xe vào lề. Bây giờ mình nên làm gì đây? Về nhà? Đến đồn công an cách đây chừng 2 cây số để khai báo? Hẳn là hoàn toàn không có chút hy vọng gì ngoài việc làm giấy khai báo rồi nhận vài lời an ủi. Thôi, tiếp tục cuộc đi dạo, tôi quyết định như vậy. Không còn tiếng nhạc réo rắt, du dương. Chỉ còn sự giận dữ và cảm giác bất lực sôi lên trong lòng. Không dưng, tôi nhớ lại ông bạn nhà văn và lời chúc của ông. Lời chúc trớt quớt! Một ngày chẳng tốt lành gì cả! Phải bắt thường cha nội này một chai mới đặng. Tôi bật cười, thấy nguôi cơn bực giận.

 

alt

Bảo Huân

3.

Về Mỹ vài tháng, khi quay lại VN là tôi trở nên lù đù, chậm lụt và dễ dàng trở thành nạn nhân trong mọi tình huống. Chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng, tôi bị mất 2 cái điện thoại. Tháng trước, tôi bị móc túi mất một cái iPhone 4 cũ, mọi người gọi nó là củ chuối khi vừa xuống bến xe Cần Thơ. Tôi cũng nhét nó sâu trong túi quần Jeans. Bến xe đông, có mấy người xô vào chen lấn. Tôi chỉ kịp cảm nhận sự đụng chạm thật nhanh ở đùi, rồi cái túi nhẹ hổng. Củ chuối biến mất.

Mấy hôm sau, tôi phải lên e-bay canh mua cái iPhone cũ khác, lần này nâng cấp lên cái iPhone 4S để thấy đời lên hương. Khi mua được, nhờ cô em trả tiền giúp, rồi họ gởi về địa chỉ ở Texas, rồi cô ấy mang về Sài Gòn giùm khi về thăm nhà. Chưa kịp làm quen với những công năng của cái iPhone 4S để khoe làng xóm thì lại bị giựt mất. Việc mất của chỉ làm tôi tức một phần, phần còn lại là bị ức chế tâm lý, cái này thì nghiêm trọng hơn.

Khi nghe thuật lại, cô em họ nói, “Anh phải xem xét lại mình đi, anh có vấn đề rồi!” Nghe nó nói vậy, tôi vào nhà tắm, đứng trước gương ngó một hồi xem mặt mũi mình có đần độn, và vulnerable tới cỡ nào.

Trời đất, nó ám chỉ vấn đề là vấn đề gì đây? Hay nó có ý bảo mình bị tâm thần? Thiệt tình, tôi chỉ muốn gào lên, “Không, tôi không có vấn đề gì cả để cô phải cảnh báo! Cái có vấn đề là cái xã hội này, cái môi trường mà chúng ta đang sống. Nó đang loạn lên kia kìa!”

Một gã bạn không những đã không chia sẻ nỗi đau của tôi mà còn nghi ngờ, gã nói đùa, nhưng cái giọng rất đểu, “Chắc là cậu bỏ cái di động trong túi quần, mà cái quần thì treo nơi khác chứ không có ở trên người nên bị chúng lấy mất chứ gì? Tôi rành cậu quá!” Tôi chỉ muốn nện cho gã một đấm.

Cô em khác thì lên Facebook chọc quê, “Khỉ thật, em cũng phải nhìn cái hình trên avatar để xem lại nhan sắc anh. Nhìn đi nhìn lại, thấy ngớ ngẩn ngây ngô thì chửa đến ngưỡng, mà vỏ ngoài đại gia thì hoàn toàn chả phải. Thôi, coi như trong hai tháng thì anh làm phước cho chúng sinh hai lần anh ạ. Thật là đức độ :)))!”

Rồi một gã trời đánh khác triết lý vặt thế này, “Vật chất không mất đi cũng không tự sinh ra. Nó chỉ chuyển đổi từ tay người này qua tay người khác. Ông bà ta có câu rằng, ‘Ở đời muôn sự của chung…’, do đó, đừng buồn nữa ông ạ! Cái di động nó cũng có phần số của nó!” Cái thằng này thì tôi rành nó quá. Nó keo tới mức không ai moi được nó một hào mà giờ đây giảng giải lẽ đời muôn sự của chung. Mày liệu hồn mà tránh tao ra đấy!

Một bạn trên Facebook bảo, “Anh đang sống trong THỜI LOẠN. Ai có thân người ấy lo, cẩn thận không bao giờ thừa!”

Trời, đất nước thanh bình, không còn chiến tranh đã hơn 30 năm nay mà bạn ấy bảo là THỜI LOẠN! Còn cái vụ dặn nhau cẩn thận thì như thế nào mới là cẩn thận, lo thân thì thế nào mới là lo thân?

Một gã khác thì bảo, “Cậu bị chúng giựt mất điện thoại là đúng rồi. Cậu để ý xem, đâu có ai ra đường, đạp xe đạp mà đeo tai nghe nghe nhạc bao giờ. Làm vậy chẳng khác nào mời bọn cướp nó ra tay. Chúng tài lắm. Chỉ một cú một là nó giựt bay biến ngay, quá dễ dàng! Đừng bao giờ nghĩ rằng cái gì nằm trong túi của ta là của ta! Thời này, ở nước này, ngoài những bộ phận đang dính trên thân thể của cậu ra, thì những thứ còn lại đều có thể trở thành CỦA CHÚNG NÓ cả. Mà dính trên thân cũng chưa chắc ăn đâu. Lạng quạng cũng bị chúng xẻo mất đấy! Cậu không thấy thiên hạ bỏ tiền vào nhà băng, ngỡ rằng an toàn hơn mọi thứ két sắt, mà cũng bị chúng thay trắng đổi đen, cướp trắng trợn, cướp sạch ráo không còn một xu, nữa sao?” Gã nói đúng, quá đúng. Quả thật vậy, tôi chạy xe trên đường, để ý nhìn mà không thấy ai vừa đạp xe vừa đeo tai nghe nhạc cả. Họ có thể nghe nhạc khi đi bộ, hoặc khi ngồi chờ xe buýt ở trạm, khi hoàn toàn có thể phản ứng lại một cách hiệu quả nếu xảy ra việc. Còn cái vụ gởi tiền vào nhà băng, rồi nhà băng xù, bảo rằng tìm đứa nhân viên thụt két mà đòi, thì vừa mới đây, ai cũng biết. Vậy đó, những điều đúng đắn nào mà tôi học được thì đều quá muộn màng.

“Con ơi, chúng đều là hổ báo lang sói hết chứ có phải là người đâu! Làm sao mà phòng ngừa cho hết được. Mày không lo ăn ở cho hiền lành, không lo tu thân tích đức, thì tai nạn cứ đến rần rần, con à! May mà chúng giựt được cái phôn rồi chạy mất, chứ mà chúng giựt hổng được, mày mà chống trả, là chúng lụi cho một dao tiêu mạng rồi.” Bà dì tôi nghe chuyện, bèn phán như vậy. Thiệt tình, tuy là bực vì bà luôn xem tôi là đứa con nít như mấy chục năm trước, nhưng tôi không dám cãi.

“Thời này là thời của bọn ăn cướp, bọn giết người! Nó cướp từ ngoài biển cho tới trên núi. Tới cả cái đất nước này thì tụi Khựa nó cũng lăm le cướp sạch chứ sá gì một cái điện thoại, hả cháu!” Dượng tôi góp lời với dì.

Sau cùng, một tay bạn khác cho tôi phát súng ân huệ ngay màng tang, “Đạp xe thể dục nhé! Nghe nhạc trữ tình nhé! Này, tôi bảo cho mà biết, cậu dại lắm. Cái tinh thần ở bên Tây không mang về xài được ở bên ta đâu! Cậu không được quyền hưởng thụ cuộc đời một cách thong dong, lành mạnh như thế trong lúc mọi người chạy bấn càng lên vì áo cơm, vì quyền chức, vì bằng cấp, vì tiền bạc, vì nhà cửa, vì của cải, vì gái gú… Sao cậu không đi mát-xa, đi bia ôm… như mọi người đàn ông bình thường trong thành phố này, trên đất nước này, để giải khuây khi rỗi? Cậu lấy quyền gì mà chọn những thứ thú vui tao nhã như đạp xe, nghe nhạc? Cậu ngỡ rằng cậu đang sống ở đâu? Cậu đang ở Việt Nam! Ở Việt Nam, hiểu chửa?”

(Còn tiếp)