Menu Close

Những ý nghĩ dường như thơ mộng trong đầu của một kẻ vừa bị giựt mất điện thoại (tiếp theo)

4.

Tôi nằm lỳ 2 ngày, không liên lạc với ai. Lòng ngượng ngùng khi thông báo trên Facebook rằng mình lại mất điện thoại, xin mọi người đừng liên lạc bằng số cũ, nếu ai có việc cần thì hãy e-mail hoặc nhắn tin trên đó. Vui lòng chờ dăm hôm để tôi mua điện thoại mới rồi cho tôi xin lại số của họ.

Té ra không có điện thoại lại là một điều hay. Tôi thảnh thơi, không phải lo lắng, chờ đợi, trông mong, giao tiếp với ai. Mỗi chiều lại lấy xe đạp ra chạy lòng vòng con đường cũ, lòng tự hỏi liệu có khi nào gặp lại bọn cướp kia không, nếu gặp lại chúng thì mình sẽ làm gì. Nghĩ vậy, nhưng tôi đâu có nhớ mặt mũi chúng thế nào để nhận ra. Mà chắc chẳng làm gì được chúng. Ôi, não nề chưa! Giờ đây thì Qua đâu còn những bắp thịt của ngày xưa, mà hòng ăn thua đủ với đời!

Quỡn, tôi lật tự điển xem động từ giựt thì được chỉ sang xem mục từ giật. giật là phát âm theo giọng Bắc, còn giựt là theo giọng Nam.

giật:  (động từ) 1. Làm cho rời ra, cho di chuyển một quãng ngắn bằng một động tác nhanh gọn. Giật cái mặt nạ. Giật chuông. 2. (hiện tượng) chuyển động đột ngột một cái rồi trở lại ngay vị trí cũ. Tàu giật mạnh rồi từ từ chuyển bánh…

Tôi thấy có một số từ giật khác như: giật cánh khuỷu, giật cục, giật dây, giật đầu cá vá đầu tôm, giật gân, giật gấu vá vai, giật giọng, giật lùi, giật lửa, giật mình, giật nợ, giật thót, giật thột… mà không có giật hụi, giật chồng (hay giật vợ) và quan trọng nhất (với tôi): giật điện thoại! Chắc mình phải đề nghị những nhà soạn từ điển bổ sung những từ này để cho tiếng Việt thêm giàu có.

Dần dà, với những chuyện nhảm khi quỡn như việc tra tự điển này, lòng tôi cũng nguôi ngoai, và nhận ra rằng lâu nay mình đã lệ thuộc quá nhiều vào cái điện thoại. Thật ra, phải gọi đúng tên và công năng của nó là: điện thoại thông minh – smart phone – chứ không phải là cái điện thoại với chức năng nghe gọi đơn giản thông thường. Có lần, người ta bảo với tôi rằng từ khi có iPhone ra đời thì thế giới chia làm hai phần: một là, những người sở hữu iPhone; hai là, phần còn lại của thế giới! Gần như đến 90% những sinh hoạt của tôi đều gắn với cái điện thoại di động. Nó không chỉ là cái thiết bị để giúp con người giao tiếp với nhau nữa, mà còn nguồn cung cấp thông tin (xem tin tức), giải trí (nghe nhạc, xem phim, đánh cờ tướng, chơi game…), giao dịch (giữ các trương mục e-mail, ngân hàng…), xem bói vận mệnh, xem thời tiết, là bản đồ chỉ dẫn đến mọi ngóc ngách trên trái đất, là cuốn tự điển bách khoa có thể tra cứu tức thì mọi thứ trên đời, là cuốn sổ để ghi chú lại những ý ngắn vừa nảy ra trong đầu, là lão sư phụ giúp ta dịch những câu, đoạn văn đơn giản ra các ngôn ngữ khác; và các tiện nghi như máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, đèn pin, thiết bị phát sóng để… đuổi muỗi, vật trang sức, và người bạn để tôi thủ thỉ khi cô đơn, tôi nói chuyện với nó bằng tiếng Anh để khỏi quên (thường thì tôi hiểu lơ mơ những điều đơn giản mà nó nói, còn nó thì hoàn toàn không hiểu những điều cao siêu mà tôi nói!).

Ừ, những cái smart phone ấy không phải là vật vô cảm, vật vô tri vô giác nữa. Chúng có tâm hồn. Cái tâm hồn mà người chủ, người sử dụng, thổi vào, phả vào nó. Có lẽ, việc xem xét bộ nhớ của một cái điện thoại cũng quan trọng ngang với việc xem xét tâm hồn phức tạp của một con người.

Giờ không có nó, tôi thấy mình quá lúng túng, thậm chí bất lực, gần như không thể làm gì được việc gì. Tuy nhiên, chính vì không thể làm được việc gì nên tôi liều mạng: Mẹ kiếp, tôi không làm gì cả! Tôi mặc kệ! Tới đâu thì tới! Chính cái cảm giác liều mạng này lại khiến tôi thấy rằng mình tạm thời được tự do, hoàn toàn không bị điều gì câu thúc.

Mất điện thoại là mất luôn tất cả các số đã lưu trong đó. Dù muốn dùng điện thoại công cộng hay gọi nhờ điện thoại thì tôi cũng không có số của ai để gọi. Tôi thấy mình như cách ly với thế giới.

Buổi tối của ngày-thứ-hai-không-có-điện-thoại, tôi chạy xe đến nhà một tay bạn, định rủ hắn ra quán lai rai vài chai. Không thể gọi trước để hẹn, tôi đi cầu may. Đoạn đường khá xa, vậy mà khi đến thì vợ hắn nói, “Ảnh chờ hoài mà không thấy anh gọi. Gọi anh cũng hổng được nên ảnh đi mất tiêu rồi, em hổng biết đi đâu.” Tôi nghĩ rằng chắc hắn lại đến cái quán quen mà chúng tôi thường ngồi, nhưng chạy tới đó cũng không thấy hắn. Cần nạn nhân để trút những ca cẩm bất bình, tôi tìm đến tay bạn khác thì lại xảy ra tình trạng giống y boong, tay này cũng biến mất. Tôi thấy mình rơi ngược lại vào thời thập niên 80 trở về trước, khi trừ mấy ông kẹ ra thì trên đất nước này chưa có ai có điện thoại riêng để liên lạc. Nhiều hôm tôi cũng đi tìm bạn như vầy, trời nắng chang chang, hùng hục đạp xe từ Thanh Đa xuống tận quận 5 hay Phú Lâm, mệt thở không ra hơi, thì thằng bạn khốn kiếp vừa đi khỏi nhà chừng 5 phút; không biết đi đâu, tôi đành giận run, lủi thủi đạp về!

5.

Vậy là rốt lại không thể sống vui mà thiếu điện thoại. Thế nào cũng phải sắm một cái thôi. Em gái tôi ở Mỹ, nhắn trong e-mail: “Anh đừng xài điện thoại di động tốt nữa. Chúng lại cướp của anh thôi. Mua cái cùi bắp cho yên tâm. Vừa an toàn, vừa có bị mất nữa thì cũng không tiếc.”

Nghe nó nói có lý, hôm sau tôi chạy lòng vòng mấy tiệm bán điện thoại cũ để tìm một cái cùi bắp. Điện thoại cùi bắp có nghĩa là một cái điện thoại cũ, rẻ tiền, thô sơ, không có những công năng tối tân, chỉ dùng để nghe nói và nhắn tin, là đủ. Sau cùng, không có cùi bắp nào ưng ý hơn em này, tôi mua ngay.

“Bây giờ thì ta tuyên chiến với chúng mày, bọn ăn cắp và ăn cướp! Có ngon thì móc túi và cướp giật của ta đi nào. Ta bảo tránh xa ta ra nhé. Nếu không, bạn chúng mày sẽ thành kính phân ưu; bố chúng mày sẽ chân thành cáo phó.”

Nó đấy, hàng mới, hiệu Nokia, nhược điểm duy nhất của nó là hàng Made in China (tôi ghét điều này lắm mà đành phải chịu vì nó rẻ quá, và không thể tìm đâu một cái hiệu khác có những ưu điểm như nó có!)  mà chỉ với giá 600 ngàn! Nó nguy hiểm như một thứ vũ khí hạng nặng. Một cái búa, rất vừa tay.

Đêm đó, tôi có một giấc mơ hào hùng. Tôi thấy mình tả xung hữu đột giữa chốn sa trường, chân phóng cước vun vút như Lý Tiểu Long, tay ra đòn chớp nhoáng bằng cái cùi bắp như nhân vật Lý Quỳ trong Thủy Hử đang vung một cái búa. Tôi phang cùi bắp tới tấp vào mặt 4 thằng cướp cạn để giải cứu cho một cô gái tuyệt đẹp bị chúng bắt cóc. Bọn cướp trúng đòn lên bờ xuống ruộng, rồi co cẳng chạy có cờ. Cô gái cảm động. Nàng nín khóc. Nàng lấy khăn tay ra lau vết thương của tôi, những vết trầy sướt sơ sơ trong trận đánh. Nàng lấy dầu cù-là xức cho tôi. Sau cùng, nàng ngỏ lời yêu tôi, rồi hứa sẽ theo tôi nâng khăn và sửa cùi bắp suốt đời ž. Tất nhiên, tôi không thể làm cao mà từ chối tình yêu của nàng. Tôi hôn nhẹ lên trán nàng thay cho lời đồng ý. Rồi hằng đêm, tôi thủ thỉ tâm tình, nấu cháo với nàng qua cái cùi bắp. Đời tôi mở sang một trang khác. Huy hoàng và yên ấm. Giấc mơ đang đẹp thì tiếng chuông báo thức mà tôi đã cài sẵn từ cái cùi bắp vang lên thúc hối. Trời sáng. Tàn giấc mơ hoa!

6.

Tuy nhiên, có vẻ như không đủ yên tâm với cái cùi bắp, một ông bạn thuộc loại giỡn dai hết cỡ, gởi cho tôi tấm hình này với lời nhắn: “Bậu ơi, loại phone tay cầm kia không hợp với người lù đù như bậu đâu, tui kiếm được cái này biếu bậu, thử xem có đứa nào dám vuốt râu hùm của bậu nữa.”

Vài phút sau, hắn gởi và nhắn tiếp hình này.

 

alt

“Nhưng nếu vẫn còn bị móc và giựt dọc thì bậu hãy xài cái này, thằng nào cà chớn thì bậu chơi luôn một tràng cho đã nư! Good luck!”

Còn cô em ở Úc thì gởi hình này:

 

alt

Và ân cần nhắn, “Ôi giời, anh cứ làm thế này cho em. Bảo đảm bố thằng cướp cũng phải ngại. Không lẽ nó tàn nhẫn đến nỗi giựt đứt tai anh để cướp cái cùi bắp? Lại rất yên tâm. Chả bao giờ bỏ trong túi quần để bị móc hay giựt. Và có thể để quên quần ở đâu tùy thích, vẫn không bị mất hàng… he he he…!”

Một ông khác thì gởi hình này, và nhắn:

“Ông chơi một cái như vầy cho tui. Nếu ông dùng iPhone có dán hình búa liềm như thế này thì chúng nó sẽ tưởng ông là con cháu của bác, là đồng môn của chúng; chúng sẽ không dám giựt, mà có khi còn đến cúng ‘phong bì’ cho ông nữa đấy!”

7.

Tôi tự an ủi, nhớ thuở xa xưa, khi con người chỉ liên lạc với nhau bằng những phương tiện rất thô sơ thì người ta vẫn vui sống. Không chừng lại ổn hơn thời đại văn minh như ngày nay. Như các bộ lạc người da đỏ chẳng hạn.

Thử tưởng tượng thế này nhé, một buổi chiều lòng ta sầu vô hạn, như chiều nay, sau khi viết xong dòng cuối của bài viết này, thì ta – tù trưởng Cáo Răng To – đốt một đống lửa, ủ khói, rồi thả từng cụm lên trời, cho gió mang thông điệp đến với bạn tù trưởng Gấu Vạm Vỡ thuộc bộ lạc khác ở bên kia núi. Thông điệp rằng: “Bạn Gấu Vạm Vỡ thân mến, tôi vừa săn được 4 thằng mặt nhợt (the pale faces, tiếng lóng của người da đỏ chỉ người da trắng), định nấu món cà-ri, quạt chả nướng và đánh tiết canh. Mời bạn quá bộ sang bên này núi, mình nhậu một bữa tới bến, hổng xỉn hổng dzìa! Còn nếu bạn không đến được thì mình chúc bạn một ngày tốt lành nghen.”

 

alt

Đúng vậy, cuộc đời không phải lúc nào cũng bi thảm. Cái cùi bắp lại rung lên, tin nhắn mới. Tin nhắn của cha nhà văn cà chớn:

“Ê, chiều nay ra quán Đo-đo lai rai đi mi! Ta đãi. Mừng chú mi được bị giựt mất điện thoại mà có cơ hội để sắm điện thoại mới cho đời lên hương. Tuy nhiên, hãy là người tử tế, như ta. Nhớ nè, trước khi đi ngủ, ta vẫn có thể chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu ngắn ngủi.  Hay tệ hơn, dẫu ngày hôm đó chú mi vừa bị giựt mất một thứ gì quan trọng hơn cái điện thoại, như người mà chú mi yêu chẳng hạn. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc-sống-không-có-iPhone-mà-chỉ-có-cùi-bắp vẫn vô cùng tươi đẹp…”*

Ôi, lạy Chúa lòng lành, con vâng theo ý Ngài vậy.

Tôi cố nhét cái cùi bắp khổng lồ vào túi quần jeans. Chật quá! Nhét nữa, nhét thật sâu.

Chi vậy?

Để yên tâm mà đi nhậu!

ND

Trích và cải biên đoạn văn cuối cùng trong sách “Chúc Một Ngày Tốt Lành” của Nguyễn Nhật Ánh. Tất nhiên, với sự cho phép của tác giả.