Đã hơn một lần, trong những bài Tản Mạn, Nguyễn viết về tác phẩm Kẻ Săn Diều (The Kite Runner) của Khaled Hosseini, nhà văn Afghanistan lưu vong. Điều làm cho lòng này thích thú và xúc động là tình bạn của Amir và Hassan với những cuộc săn diều dưới bầu trời Kabul và cuộc sống ở thành phố tươi đẹp này trước khi Cộng Sản đến. Cũng như chúng ta, tác giả phải bỏ nước ra đi, và trong cuộc sống trên đất Mỹ vẫn tưởng nhớ vùng trời yêu dấu ngày xưa. Sắp tới ngày 30 Tháng Tư với cuộc chia ly lớn đã diễn ra, xin các bạn cùng kẻ này đọc lại đoạn văn sau đây của Hosseini:
“Giấc mơ của Hassan, mơ thấy những đóa hoa Lawla sẽ nở lại trên những đường phố, nhạc Rahab sẽ trổi lên nhộn nhịp trong mỗi căn nhà và những cánh diều sẽ bay trên nền trời Kabul trong khi chờ đợi người bạn thơ ấu trở về. Amir, Sohrab (con trai của Hassan) và Soraya (vợ của Amir) tìm lại được hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng Fremont ở Florida của nước Mỹ. Amir chạy theo cánh diều trên quê hương mới, tưởng như sống lại thời trẻ của mình”… Ôi, Nguyễn cũng đã từng có cảm xúc như thế khi nhìn những cánh diều bay trên bãi biển Galveston và Destin.

Khaled Hosseini
Ngoài tác phẩm The Kite Runner, Khaled Hosseini còn cuốn A Thousand Splendid Suns (Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ). Cuốn gần đây nhất, Và Những Ngọn Núi Âm Vang (And the Mountains Echoed), là tác phẩm best-seller của năm 2013 và – theo hợp đồng đã ký kết – đang đến với người đọc ở 80 quốc gia.
Và Những Ngọn Núi Âm Vang càng khiến chúng ta nghĩ đến đất nước đã bỏ lại đằng sau lưng của mình. Truyện diễn ra từ đầu thập niên 1950 tại Afghanistan, khi ba bố con dắt díu nhau rời làng quê nghèo khó đến thủ đô Kabul để bán đứa con gái 3 tuổi là Pari cho một cặp vợ chồng giàu có nhưng vô sinh. Giữa hai anh em vốn có sự gắn bó thân tình và cảm động – Abdullha chăm sóc em từ tấm bé mà nay phải chia tay hỏi sao không đau lòng đứt ruột. Đến hơn nửa thế kỷ sau đó, trải qua bối cảnh của nhiều nước khác nhau, người anh trai mới gặp lại em gái mình ở quê người, khi cả hai đều già nua bệnh tật.
Từ âm vang của những ngọn núi đơn lẻ, tác giả đã kết hợp lại thành câu chuyện kể chung quanh hai nhân vật chính. Thay vì niềm vui tái ngộ là bao đớn đau, mất mát từng nếm trải: thương tích đã mang, phản trắc đã có, nhưng vẫn còn đó lòng thương yêu, quý trọng lẫn nhau. Những chặng đường đời trầm luân của hai anh em đưa độc giả đến gặp nhiều người, trong đó có nhà phẫu thuật Hy Lạp, có cô nữ y tá người Bosnia trong bệnh viện chăm sóc những đứa trẻ dính bom đạn, có nữ thi sĩ mang dòng máu lai, có nhà chỉ huy chiến binh rời trận địa trở về và lóng ngóng trước cuộc sống hòa bình…
Những con người chung hoặc khác sắc tộc nhưng – bằng cách này cách khác – đều có liên quan đến lịch sử Afghanistan. Một phương Tây duy lý gặp một phương Đông duy cảm, và trong sương mù hư cấu có sự diệu kỳ của hiện thực.
Tác phẩm này mang nhiều kỷ niệm của thời gian cùng gia đình sống tha hương và kỷ niệm với trẻ em nơi cố hương, trong đó hết số phận này sang số phận khác được miêu tả cảm động chính là hệ quả của chuyến trở về Afghanistan năm 2007 của tác giả – với tư cách phái viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, được mắt thấy tai nghe chuyện trẻ em chết đói chết rét và nhiều ông bố bà mẹ đã phải gả bán đứa con rứt ruột đẻ ra để mong sống sót.

Bìa sách “Và Những Ngọn Núi Âm Vang”
Trong Và Những Ngọn Núi…, tác giả đã dùng một bút pháp khác hẳn hai tác phẩm trước: nâng đề tài quen thuộc lên một cấp độ văn chương mới, tạo được sự cân đối giữa chất dân gian rực rỡ sắc màu với chất hiện thực đen – trắng.
Cuốn sách mang âm điệu buồn thương – ôi sao nó gợi mình nhớ tới đất nước mình thế! Không ít độc giả thú nhận đọc đến trang 20 đã phải khóc, đọc hết thì nức nở – nhưng vẫn thấy rạng ngời một tấm tình thấm đẫm trong tất cả các mối quan hệ vốn rất thiết thân với con người: tình anh em, tình bằng hữu, tình chủ tớ, nó gợi lên rất nhiều suy nghĩ, quá nhiều cảm xúc, nó rất chi tiết mà cũng rất khái quát.
Tác giả chứng tỏ không chỉ giỏi xây dựng những cốt truyện giàu kịch tính, mà sở hữu cả một tài văn điêu luyện, chỉ phác ra đôi ba nhân vật đã làm toát lên cả một bối cảnh…
Đi sâu vào niềm vui, nỗi buồn và sự phản trắc hằng xây đắp và cũng phá vỡ những mối liên hệ gia đình, qua câu chuyện về năm thế hệ của một dòng họ ly tán, lấy một Afghanistan làm trung tâm, tiểu thuyết của Khaled Hosseini bao trùm một địa lý rộng lớn hơn, bung ra toàn thế giới.
Chỉ sống ở Afghanistan mươi năm thơ ấu, rồi theo cha – một nhà ngoại giao – sống lần lượt ở Iran, Pháp và định cư tại Mỹ, trở thành tiến sĩ dược học trước khi viết văn, được đại diện Liên Hiệp Quốc khi nổi tiếng, Khaled Hosseini làm nên hiện tượng văn học bằng những chất liệu sống – trực tiếp và gián tiếp – hút được từ cội rễ của mình.
Tìm hiểu tác phẩm Và Những Ngọn Núi Âm Vang, người viết bài này ngoài nỗi lòng tư hương sống dậy da diết, còn nghĩ tới những nhà văn của chúng ta trên nước Mỹ, với ước vọng rồi đây chúng ta cũng sẽ có những tác phẩm sâu sắc, tầm vóc và thành công vẻ vang như thế. 30 Tháng Tư về rồi đó. Bạn tôi Nguyễn Thị Thảo An nghĩ sao? Trần Vũ nghĩ sao?