Menu Close

Pháp trị

Mấy tuần nay, bên Việt Nam và trên mạng, xôn xao chuyện xử án “tướng cướp” Hồ Duy Trúc. Một số báo  chí khi đưa tin gọi Trúc là “tướng cướp” (không bỏ trong ngoặc kép) cho… oai. Thực sự, Trúc chỉ cầm đầu một băng khoảng bốn, năm tên chuyên đi… chém dạo ngoài đường để cướp của. Nạn nhân thường bị chém “phủ đầu” rồi bị cướp. Thủ đoạn “mới lạ” của băng cướp này khiến không chỉ nạn nhân lúc ấy mà dân chúng sau đó còn kinh hoàng. Thành ra, khi nghe tuyên án Trúc bị tử hình, rất nhiều người (dân) đồng lòng ủng hộ. Họ nghĩ như lối phán xét của chính quyền, là hành động của Trúc quá dã man, cần phải tử hình để răn đe.

Việc dùng luật pháp để răn đe hoặc khuyến khích người dân là vai trò và trách nhiệm của các nhà lập pháp. Bên tư pháp chỉ lo làm sao luật pháp được (bảo đảm) hành xử công minh. Nếu tư pháp, lập pháp, và hành pháp giẫm đạp lên nhau thì nhà nước mất đi tính pháp trị. Trong vụ án băng cướp Hồ Duy Trúc, tòa án chỉ nên căn cứ theo luật định mà xử. Trúc phạm tội cả thảy 17 lần thì cứ xử từng tội rồi cộng lại. Nếu không lần nào đáng tội tử hình thì án tối đa (cộng lại) cùng lắm là chung thân. Nếu luật không ghi rõ là tử hình mà khi xử thấy bị cáo “dã man quá” nên cho… chết luôn  thì pháp trị còn đâu nữa? Ngược lại, tội theo luật ghi đáng bị tử hình mà xét hoàn cảnh thế này thế nọ để giảm án thì tính pháp trị cũng giảm đi. Thậm chí, ở Việt Nam lâu nay còn có cái màn gia đình hoặc bản thân từng “có công với cách mạng” thì tội nặng cũng được giảm nhẹ! Dĩ nhiên cái màn đó là “sáng kiến” của tòa án chứ không phải của người dân. Dầu sao, trong dân chúng, nhiều người vẫn chưa ý thức được tính pháp trị cần phải có nên nghe chính quyền nói cần phải “xử nghiêm” thì… hoan hô! “Xử nghiêm” đối với chính quyền hiện hành là xử… nặng, chứ không phải xử nghiêm… túc đúng theo quy định của luật pháp.

Lối “xử nghiêm” này thực ra có từ thời ông Hồ Chí Minh mới làm chủ tịch nước. Trong vụ xử bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ đóng góp rất nhiều tiền bạc và giúp đỡ cán bộ cao cấp của Việt Minh, chính ông Hồ vẫn để cho bà Năm… chết vì bà thuộc hàng đại địa chủ cần phải “xử nghiêm”. Chứ hồi đó ông Hồ áp dụng cái màn “có công với cách mạng” thì bà Năm nhiều khi còn sống thọ hơn ông Hồ nữa. Dù sao, đem chuyện của cái thời “Đảng ta” còn… man rợ, chưa được “tiến hóa” để bàn chuyện thời nay e không hợp. Một vụ án khác cũng đang làm xôn xao dư luận hiện nay càng cho thấy rõ tính… phi pháp (trị) của nền tư pháp ở Việt Nam. Anh Ngô Thanh Kiều bị công an thành phố Tuy Hòa nghi có can dự vào một vụ trộm cắp. Tuy nhiên, vì nghi mà chưa có chứng cớ gì nên Phó công an của thành phố “chỉ đạo… miệng” với thuộc cấp “mời” anh Kiều đến “làm việc”. Mấy ông thuộc cấp đến nhà anh Kiều “mời” bằng còng số 8 chứ không có bất cứ giấy tờ gì từ phía chính quyền. Sau hơn nửa ngày “làm việc” tại trụ sở công an thì anh Kiều… chết vì chấn thương sọ não cùng với nhiều thương tích khác trên người. Năm sĩ quan công an “làm việc” với anh Kiều được đưa ra tòa xử với tội “dùng nhục hình” trong khi điều tra tội phạm. Theo luật hiện hành, thuật ngữ “dùng nhục hình” chỉ để áp dụng đối với những người đã bị khởi tố. Anh Kiều chỉ bị công an nghi, chứ chưa bị khởi tố. Thành ra, mấy nhân viên công an làm anh Kiều chết phải bị xử với tội giết người. Có lẽ vì thấy mấy ông công an trẻ này chưa có công trạng gì lớn đối với “cách mạng” nên tòa “sáng kiến cải tiến” qua tội “dùng nhục hình” cho nhẹ. Xét ra, mấy công an “dùng nhục hình” còn dã man hơn Hồ Duy Trúc. Các nạn nhân của Trúc, về lý thuyết mà nói, còn có cơ hội (và tự do) đánh lại để tự vệ. Chứ những người “làm việc” với công an bằng… nhục hình, thì bị khóa tay! Giả sử không bị khóa tay và dám đánh lại để tự vệ thì càng bị gán cho tội “đánh công an” rồi cũng chết. Sự dã man (giết người) đã phổ biến ở các phòng “làm việc” của công an lâu nay rồi. Thành ra, để “răn đe”,  tòa xử mức án cao nhất trong vụ này là… 5 năm tù! Viên công an lãnh mức án cao nhất này, dường như đã biết trước, vẫn cười tươi trước tòa và bình thản ngồi đọc báo trong giờ tòa nghỉ giải lao.

Thực ra, nếu chính quyền Cộng sản xây dựng nền tảng pháp trị là tự xây… mồ cho mình. Chính quyền của họ có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ không có nền pháp trị. Ngày nay vì phải hòa nhập vào thế giới hiện đại nên họ phải bày đặt ra luật này luật kia. Chứ khi áp dụng thì chúng vẫn mang tính rừng rú, vẻ man rợ của thời… Hồ Chí Minh. Cho nên, chính quyền hiện nay gọi thời bây giờ là “thời đại Hồ Chí Minh” cũng đúng… thôi!

alt

Nụ cười của tên sát nhân trước tòa án