Menu Close

Ra trường không việc làm

Chỉ còn hai tháng nữa, học sinh Trung học Việt Nam sẽ bước vào kỳ thi tú tài. Nếu đậu thì thi tiếp đại học và hết bốn năm, ra cử nhân. Chưa kiếm được việc làm thì sẽ học tiếp thạc sĩ. Ra thạc sĩ, vẫn chưa kiếm được việc làm, sẽ học tiếp tiến sĩ. Nếu vẫn chưa kiếm được việc làm, sẽ lùi xuống, học… trung cấp nghề.

alt

Nghề phát phiếu điều tra, thăm dò thị trường, rất được sinh viên, thậm chí cử nhân, ưa thích (200,000đồng/ngày)

Chuyện ngược đời này không phải là sản phẩm của làng tiếu lâm, mà đang là chuyện thực trăm phần trăm ở Việt Nam dựa theo con số thống kê 72,000 thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Nói cho ngay, việc làm không phải không có, nhưng thất nghiệp là không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Trò chuyện với người viết bài, ông Hướng Lộc, đại diện công ty quảng cáo Huê P. cho biết, nhiều thí sinh hồ sơ rất chuẩn, bằng cấp cao nhưng trước đề bài “đánh máy tại chỗ một giấy báo nợ cho công ty bằng tiếng Anh” hầu hết đều ‘khóc ngoài quan ải’. Một người làm việc tại xí nghiệp chế biến hải sản Hùng Vượng kể rằng năm năm liền anh phụ trách tuyển người cho công ty tại “Ngày hội việc làm”, “ Hội chợ lao động”  nhưng sau khi đọc ‘một tấn hồ sơ’ của hơn 400 ứng viên, chỉ lựa ra được 50 người. Tất cả 50 người này thì không ai đứng máy được ngay mà đều phải đào tạo lại. Một người nữa, bà Lí Mẩy (Lệ Mỹ), đại diện doanh nghiệp may túi xách Đài Loan cho biết số công nhân có bằng cử nhân trong phân xưởng may của bà không dưới 20%.  Điều này không đem chút lợi ích nào vì công ty cần tay nghề cao, sản phẩm tốt trong khi các ‘thợ cử nhân’ không dai sức, đã chậm chạp vụng về lại hay tự ái, lý sự. Người nước ngoài như bà Lí Mẩy có thể lấy làm lạ,  “Tôi hỏi họ học Đại học Dầu khí, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình, sao không làm đúng nghề mà làm thợ may, vừa uổng cho họ, vừa mệt cho công ty. Họ nói người nước ngoài không hiểu đâu. Vậy là sao?”

alt

Trò chuyện với người viết bài, ông Phan A. một nhà nghiên cứu văn hóa Sài Gòn, hay được mời thỉnh giảng tại Đại học XH&NV cho biết, học viên ‘cứng tuổi’ các khoa Sử, Đông Phương, Xã hội, Triết, Ngữ văn- Báo chí… thường là người đang chức. Do yêu cầu cơ quan bắt buộc phải có bằng tiến sĩ mới được làm giám đốc, phải có thạc sĩ mới được làm trưởng phòng, được giảng dạy… họ đành phải nộp đơn xin học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ trong khi chữ nghĩa từ lâu đã ‘nấu canh chua hết ráo’. Học viên này rất ‘vua’ vì chi phí học hành đều do cơ quan chịu hết. Đi học bằng xe công, khi đi học sẽ có người gánh thay công việc. Bản thân họ, chỉ lo học sao cho có bằng để hợp thức hóa chiếc ghế của mình. Rốt lại, ba năm học Thạc sĩ, đối với các Bùi Kiệm chỉ là ba năm lễ bái. Lễ đúng chỗ, lễ siêng, lễ khéo thì hai trăm triệu là có bằng. Những trường nước ngoài, sẽ phải thêm một con số zero nữa phía sau con số hai trăm triệu.

alt

Nghề ‘chống thất nghiệp’ của các sinh viên khoa Văn có hoa tay

Làm việc lâu năm trong hệ thống Đại học Sài Gòn, mắt thấy tai nghe nhiều điều, thầy Trần Đ. chán nản thở dài, “Bộ quy định thạc sĩ, chí ít phải dùng computer thành thạo, có khả năng nghe đọc nói viết một ngoại ngữ, có ba bài nghiên cứu được đăng trên tập san chuyên ngành. Nhưng họ ‘chạy’ chứng chỉ, ngoại ngữ ở ngoài mang vào trường nộp. Bài viết trên chuyên san thì cũng thuê ‘bồi bút’ luôn.” 

alt

Một cử nhân thất nghiệp, nhận vai người mẫu thời trang quái dị

Một cô sinh viên xong bốn năm đại học, giờ cam phận bán hàng trả góp. Bạn cô thì toàn những Cử nhân Tài chính, Ngân hàng. Trong đó anh Trung, quê Đà Nẵng, cha mẹ bán nhà cho vào Sài Gòn ăn học, hy vọng xong cử nhân, cuối cùng trụ lại với nghề sửa xe.
Jenny, một chuyên gia ngành giáo dục cộng đồng, từng làm việc ở Ấn Độ, Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Nhận xét về truyền thống giáo dục Việt Nam đã tỏ ra am hiểu. Chị nói các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan,Việt Nam đều có chung tâm lý trọng học, trọng bằng cấp. Thông thường, trẻ ba tuổi được cha mẹ cho học mẫu giáo ba năm liền. Sau đó chính thức vào cấp 1. Nếu học thẳng một lèo, không ở lại, không thi lại thì hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 là 12 năm. Cấp 4 (đại học) 4 năm. Cấp 5 (thạc sĩ) 3 năm. Cấp 6 (tiến sĩ) 4 năm. Tổng cộng 26 năm. Trong 26 năm này, không ít sinh viên, học viên Việt Nam sở hữu hai ba bằng đại học, kèm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Chị Jenny kể khi shopping, du lịch, làm từ thiện, chị thấy người bán thuốc tây đọc toa thuốc bằng tiếng Anh rất chuẩn, người bán vải vừa mời khách vừa đọc vè dí dỏm, người bán đồ thờ vừa chỉ các tượng Phật vừa giải thích rành rẽ tên hiệu, công hạnh từng vị, kèm cách thiết bàn thờ, cúng lễ… Hỏi chuyện mới biết họ đều tốt nghiệp đại học ngành Anh ngữ, Ngữ văn. Và chị Jenny thừa nhận chuyện trí thức thất nghiệp hoặc mất việc do suy thoái kinh tế không phải là tình trạng riêng của Việt Nam. Chị nói, “Phải chi Bộ Giáo dục của các bạn dự báo chính xác, kịp thời về nhu cầu ngành nghề trong xã hội cho người học biết về nội dung học hành, thi cử. Như vậy mới mong đường phố bớt trí thức sửa xe, bán quần áo sida, thu mua phế liệu. Và thói chuộng hư danh sẽ dần bớt, cổng trường đại học bớt ‘chợ búa’. 72,000 người có học vị, dẫu lâm cảnh thất nghiệp, cũng thất nghiệp có tư cách hơn…”

Tiếc thay, sự nhận xét này lại là của một người nước ngoài! 

alt

Một sinh viên tốt nghiệp khoa Địa lý, kiếm sống bằng nghề mát xa chân trong khu suối nước nóng Bình Châu

XH