Menu Close

Nhà thơ Chân Phương

Tên thật Phương Kiến Khánh

– Sinh năm 1951 tại Nam Vang.
– Học cử nhân và cao học Pháp văn tại đại học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975.
– Rời VN với gia đình năm 1986. – Tốt nghiệp cao học (M.Ed.), Lesley College, Cambridge, Massachusetts.
– Hiện sống và dạy học ở Boston.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Chú Thích cho Những Ngày Câm Nín (1989);
– Bản Án cho Các Vĩ Cầm (1992);
– Nghĩa Đen (1993);
– Bổ Túc Lý Lịch Cho Loài Di Dân (1994);
– Biển là Một Tờ Kinh (1996), trong tủ sách thơ Trình Bày do cố thi sĩ Diễm Châu chủ biên ở Strasbourg, Pháp.
– Thơ đăng trên các tạp chí nước ngoài: Văn Học, Văn Uyển, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Việt, Diễn Đàn (Paris), VietNam Forum (Đại Học Yale), Illuminations (Đại Học Charleston), Tribuna (Rumania)…
– Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, phê bình – biên khảo văn học, và  dịch thuật.

alt

Nhà thơ Chân Phương

Thơ Chân Phương

Cuộc đời là máy hát

máy hát cuộc đời tiếp tục xoay
nghêu ngao cột đèn hè phố
ú ớ góc bể chân mây
ghế bàn hàng quán ngâm ngợi:
bạn bè cũ bây giờ ra sao?
ai hồi hương?
ai lưu vong?
ai giàu sang?
ai ngục tù ?
*
tròn méo lũ đồng hồ trơ mặt
tro than suy tưởng rơi ngoài vật lý thời khắc
còi xe cùng chuông mõ gắng gượng đồng ca
*
máy hát cuộc đời tiếp tục xoay
lũ bần nông
nối đuôi nhau
học múa
vũ               
        điệu
                            toàn                  hóa
                                         cầu

Sinh nhật của tôi và gió

…scrivo il mio nome sul vento.
 Diego Valeri
cắn vỡ
hạt nắng muộn màng
nếm trên lưỡi
vị nhạt không gian
lắng nghe con tàu gió
rời mọi bến mây
chở sạch những mùa lá rụng
bây giờ
bánh sinh nhật là vầng trăng
nến cắm
rặng cây tuyết trắng
chẳng còn bãi bờ nào
mời gọi một chuyến lang thang
trời rộng biển xanh
cạn dần trong cái gạt tàn
nhặt mảnh vụn hoàng hôn châm điếu thuốc thu
nhấc chiếc bóng say đặt lên vai
áp môi rét buốt lần cuối lên mặt địa cầu
tặng lại tấm gương vài sợi khói
con đường xa hơn niềm tuyệt vọng rã cánh
con đường xa hơn sự vùi lấp tính danh
trong túi sẵn sàng
tấm vé một chiều
hành trình
về cõi lãng quên
hành trình
vắng dấu chân em
biển chỉ đường là mộ chí

Chân Phương: những suy nghĩ về ngày 30/4  

…Với cá nhân tôi, ngày 30-4-1975 mang ý nghĩa rất gần tôn giáo: đó là ngày PHÁN XÉT của lịch sử cho mọi người Việt có ý thức. Dân Nam phải suy nghĩ về sự Thất Bại Ô Nhục cũng như dân Bắc phải xét lại cuộc Chiến Thắng Oan Nghiệt! Đây là đề tài tôi đang đào sâu, nhưng chưa đủ chín để có thể công bố. Chỉ dám đưa ra vài ý kiến cho các bạn cùng suy luận. Có vài lý do chính giải thích sự sụp đổ của Tháng Tư Đen: miền Nam thua vì nền cộng hòa non ngày bị độc tài quân phiệt làm suy yếu, lại phải bám vào Hoa Kỳ để sống còn nên chủ quyền chính trị không được phân minh. (Có thể so sánh thảm kịch Sài Gòn với chế độ Karzai ở Afghanistan hôm nay trong cuộc đụng độ với Taliban; cái gì sẽ xảy đến khi quân đội Mỹ rút vào năm 2014?). Về phía miền Bắc, dù không có chính nghĩa, tập đoàn Ba Đình đã thắng trận nhờ biết khôn khéo lợi dụng sự viện trợ của cả hệ thống Cộng Sản và độc quyền lá cờ dân tộc chủ nghĩa để động viên một khối nông dân đông như kiến đã bị sách lược nhồi sọ ngu dân biến thành trâu ngựa bị che mắt, đặc biệt là bao triệu thanh thiếu niên con em của họ sẵn sàng “sinh Bắc tử Nam”. Tôi hình dung đó là một bầy khủng long bằng sắt thép đêm ngày dò dẫm khắp rừng núi Trường Sơn tiến về phương Nam; nhưng khi chiếm được Sài Gòn thì nhanh chóng diễn ra tuồng kịch bi-hài của bọn khủng long chỉ có bộ óc không to hơn bát gạo bao nhiêu!

Xin trở lại với ý nghĩa của ngày PHÁN XÉT: Cũng như đám người vây quanh mộ thân nhân vào giờ hạ huyệt, chúng ta cần gạt một bên các tiểu ngã nhiều bệnh hoạn đầy mặc cảm để thành tâm mặc niệm và suy xét về nỗi tang chung. Và mỗi trí thức Việt phải nói: Mea Culpa, Mea Culpa! May ra chúng ta sẽ nhận rõ các bộ mặt Tội Ác và hiểu sâu hơn về các điều Trừng Phạt, qua đó giúp cho các thế hệ trẻ đầu óc còn trong sáng có thể tìm hiểu một cách lành mạnh và thông minh về một giai đoạn quá khứ đầy máu lửa ngục tù.

Sáng kiến phỏng vấn của chị và hồi đáp của một số anh chị là điều bổ ích. (Tôi đã đọc và chia sẻ nhiều nhận định tâm tình trên các trang Tiền Vệ mấy ngày vừa qua.) Đây là ký ức và kinh nghiệm tập thể, như một mẫu số chung của đại bộ phận người Việt di dân. Nhưng nỗi nhục công dân thì mỗi người đều trải nghiệm khác nhau; kẻ ra đi trước 30-4 so với người ở lại sau đó làm boat people hoặc ra đi dạng H.O., O.D.P., … Cũng vậy đám di dân lưu vong đôi khi quy cố hương thăm nhà không thể nào thấm được cuộc sống từng ngày của dân chúng trong cái CHUỒNG NGƯỜI được quản chế tinh vi ở Việt Nam! Nỗi nhục công dân thật ra là chất vàng đen tinh luyện từ địa ngục – đó là bảo bối của nhận thức chính trị mà ít nhiều giới trí thức Việt đã có.

Cuối cùng, tôi không khi nào quên vị trí khiêm tốn của một ngòi bút lưu vong, không còn đồng cam cộng khổ bằng máu thịt cuộc sống chuồng trại cơ cực với đồng bào. Bởi vậy nhiều lúc tôi câm lặng không buồn đụng đến mớ bản thảo rối tung các cảm nghĩ thế sự của mình. Nhưng cơn hấp hối kéo dài của một dân tộc là điều tôi vẫn mở mắt nhìn ngắm từng ngày.

Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Thị Thanh Bình – Ngày 5-5-2012

NGUYỄN & BẠN HỮU