Chuyến bay hãng hàng không Mã Lai “Flight 370” mất tích nay đã tròn một tháng. Flight 370 biến mất khỏi màn radar sáng sớm 8-3-2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) bay lên Beijing (Hoa Lục). Các nỗ lực dò tìm trên một vùng biển rộng 98,000 dặm vuông (khoảng 255,000 cây số vuông, chừng 75% diện tích cả nước Việt Nam) giữa Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ Tây Úc Châu.
Ảnh đồ họa cho thấy tầm… quét đáy đại dương của các con tàu cứu hộ.
Thông tin cuối cùng vào rạng sáng Thứ Bảy cuối tuần, một chiếc tàu cứu hộ Hoa Lục đã dò được tín hiệu trên làn sóng 37.5 kHz, là làn sóng tiêu chuẩn dành cho các chiếc hộp đen. Khi Trẻ tuần này đến tay độc giả, có thể đã rõ liệu đây là tín hiệu chính xác hay cũng như nhiều vụ… báo động sớm trước đây.
Một thiết bị dò tìm hộp đen chuẩn bị đưa lên tàu Ocean Shield của HảI Quân Úc. Ảnh AP
Một điều chắc chắn là cuộc truy tìm chuyến bay MH370 sẽ được liệt vào hàng tốn kém tài chánh nhất. Hãng hàng không Malaysia Airlines đã trả cho từng gia đình của 227 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh số tiền tượng trưng $5,000 giúp họ trang trải chi phí phòng trọ và ăn uống trong thời gian chờ đợi tin tức người thân.
Nỗ lực dò tìm đến nay bao gồm 26 quốc gia, hơn xa tầm vóc cuộc truy tìm “Flight 447” của Air France đã rơi xuống đáy Đại Tây Dương năm 2009. Đã có ít nhất 42 tàu thuyền và 39 phi cơ/trực thăng trợ giúp tìm kiếm. Chi phí tốn kém bao gồm xăng dầu, nước ngọt, thực phẩm, thuốc men, cũng như tiền lương lẫn phụ trội cho nhân viên cứu nạn.
Một nhóm quân nhân trong chiến dịch tìm kiếm MH 370
Ước tính tổng chi phí đến nay dễ dàng vượt quá $100 triệu. Chi phí này hoàn toàn chưa tính đến các tốn kém cao hơn nhiều phần khi đã tìm ra phi cơ lâm nạn. Trước khi có thể trục vớt, người ta sẽ phải tức tốc trực thăng vận người của Boeing và Rolls-Royce (nhà sản xuất máy động cơ) đến kiểm tra và vấn kế phương cách trục vớt tối ưu để tránh gây thêm hư hại cho phi cơ. Sau đó là sự xuất hiện của hằng trăm kỹ sư, các nhà nhân chủng học, chuyên viên xét nghiệm vân tay, v.v… Đây là những người sẽ giúp tìm ra nguyên do chính xác vì sao MH 370 lâm nạn.
Một nghi thức Phật Giáo cầu chúc bình an cho “Flight 370) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh NSTP/Farizul Hafiz Awang
Trong số những quốc gia góp vai trò chánh yếu trong cuộc tìm kiếm, không có gì ngạc nhiên khi có mặt Hoa Kỳ. Hải Quân Hoa Kỳ chi viện hai chiến hạm tối tân nhất, có trang bị trực thăng, phi cơ tuần tiễu để quan sát bề mặt Ấn Độ Dương. Hạm Đội Thái Bình Dương đã công bố hai chiến hạm và các trực thăng vận hành tốn kém mỗi ngày $100,000. Hai phi cơ tuần tiễu một chiếc tốn $77,000 và chiếc kia $43,000 cho mỗi ngày bay. Chưa kể Hoa Kỳ cũng cung cấp các máy móc lặn xuống đáy biển để dò tìm tín hiệu của chiếc hộp đen. Tính chung cả chiến dịch tìm kiếm này, Hoa Kỳ chuẩn bị ngân sách $4 triệu.
Trong khi đó, một cách tự nhiên, Hoa Lục là quốc gia chịu liên đới nhiều nhất vì có đến 153 hành khách trên chuyến bay “Flight 370” là người Hoa. Có những lúc Hoa Lục đã gởi 10 tàu, 3 phi cơ và 3 trực thăng. Tuy nhiên, khác Hoa Kỳ minh bạch sổ sách, Bắc Kinh kín như bưng, không cung cấp thông tin, nên người ta chỉ có thể đoán mỗi chiếc tàu tốn kém khoảng $100,000 cho mỗi ngày tìm kiếm. Hai chiếc phi cơ Il-76 chi phí mỗi giờ bay là $10,000. Sau 3 tuần tìm kiếm, chi phí có thể dễ dàng vượt mức $3 triệu. Chưa kể họ còn tận dụng 21 vệ tinh chụp hình ảnh với chi phí có thể lên đến $16 triệu.
Tàu Ocean Shield của Úc Châu chuẩn bị ra khơi tìm kiếm. Ảnh AAP/Tim Clarke
Ngoài Hoa Kỳ và Trung Hoa còn có nhiều nước khác nổi bật trong nỗ lực tìm kiếm “Flight 370”. Nước chủ nhà Malaysia tung ra 6 tàu, 3 trực thăng, và 2 phi cơ. Úc Châu góp 5 tàu và nhiều phi cơ của Không lực Hoàng Gia Úc. Trong khi thẩm quyền Mã Lai xuống uy tín, vai trò của Úc ngày càng rõ và được khen ngợi nhiều hơn. Các quốc gia Anh, Ấn Độ, New Zealand, Nam Hàn, v.v… cũng đều tự nguyện gởi một số tàu chiến và phi cơ / trực thăng giúp nỗ lực tìm kiếm.
Bằng mọi cách người ta phải tìm cho ra chiếc hộp đen, vì nó có thể giải mã nguồn cơn tai nạn. Mối quan ngại lớn hiện nay là “sức khỏe” chiếc hộp đen lưu giữ thông tin giờ chót của chuyến bay. (Mặc dù gọi là “hộp đen” nhưng thường thường chúng có màu cam giúp dễ nhận diện). Bình điện của nó chỉ thiết kế hoạt động trong 30 ngày. Sau khi hết bình, hộp đen không còn phát tín hiệu nữa. Hộp đen có mặt từ cuối thập niên 1950, để chứa thu âm và các số liệu kỹ thuật của chuyến bay. Chỉ riêng phần số liệu kỹ thuật, hộp đen lưu giữ 88 loại thông tin khác nhau, từ giờ giấc, độ cao, tốc độ, lộ trình, v.v… Trở lại với chuyến bay Flight 447 của Air France rớt Tháng Sáu 2009. Lần đó, hai nước Pháp và Brazil cùng tốn kém $40 triệu và 2 năm làm việc không ngưng nghỉ để tìm ra chiếc hộp đen.
Hình mẫu một chiếc hộp đen mà người ta đang cố tìm cho bằng được. Ảnh AvgeekJoe/Flickr, CC BY-SA
Mất công và tốn kém quá nhiều vì chiếc hộp đen được thiết kế để lưu giữ, không phải để truyền tải. Trong những năm qua, với kỹ thuật ngày càng phát triển, đã có nhiều thử nghiệm chuyển lập tức “Live Stream” thông tin từ chiếc hộp đen trên phi cơ xuống đất chỉ tốn $5 đến $7 mỗi phút. Nếu chiếc hộp đen có trang bị kỹ thuật này thì trong mấy tuần qua, chỉ cần $3,000 để nắm hết thông tin bên trong giữa thời điểm 7 tiếng đồng hồ sau khi phi cơ mất liên lạc. Một trong những trở lực chống lại việc áp dụng kỹ thuật mới với chiếc hộp đen là đến từ phía các hãng phi cơ. Kỹ nghệ hàng không ăn lời tốt thiểu. Họ thu lợi từ mỗi hành khách chỉ $4 / người sau khi đã trừ hết mọi chi phí (tiền thuế, tiền xăng, tiền lương, tiền bảo trì phi cơ, v.v…) Chính vì điều này kỹ nghệ hàng không thường rất dè dặt, không muốn mở hầu bao, mỗi khi có đề nghị thay đổi về các quy định an toàn không lưu, trong đó có thiết kế của chiếc hộp đen,
Chuyến bay MH 370 lâm nạn, tốn kém tài chánh cho công việc truy tìm đã đành, mà kinh tế tài chánh của chính nước Malaysia, cách riêng là với kỹ nghệ du lịch đột nhiên thưa thớt du khách thấy rõ. Đa phần khách du lịch đến Malaysia lại là người Hoa, nay trong cơn bí bách, bực dọc, có rất nhiều cơ sở du lịch đã ngừng quảng bá và bán vé đi du lịch Malaysia. Số liệu năm 2012, kỹ nghệ du lịch chiếm 16% trong tổng sản lượng quốc gia (GDP) và đóng góp 14% nhân công tính chung cả nước. Cũng trong thế khó này, nhiều công ty lớn của Mã Lai có liên hệ đến kỹ nghệ hàng không cũng sẽ không thoát nạn, chẳng hạn như Malaysian Airline System, AirAsia và Malaysian Airport Holdings… Những thiệt hại bao quát này khó tính chính xác, nhưng các con số có thể không nhỏ.
Bộ Trưởng Giao Thông Mã Lai Hishammuddin Hussein (trái) bị báo giới chiếu cố tận tình trong vụ tìm kiếm MH 370. Ảnh Reuters
TD