Biết rõ lý tưởng cả đời chỉ còn là hư ảo; biết rõ chính đảng một thời trưng bày khẩu hiệu hết lòng vì dân vì nước đã biến chất; Vũ Cao Quận một người bộ đội hôm xưa từng hào hãnh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai.” [1] giờ đây nhắc lại câu “đệ nhất sĩ tử của Mác” là Lênin từng nói“Chính quyền của giai cấp vô sản không dùng và không dựa vào bất cứ pháp luật của chính quyền cũ mà chỉ hành động vì lợi ích của cách mạng, của giai cấp vô sản”… và ‘Hãy đẩy sự việc đến chỗ cực kỳ phi lý thì sẽ nảy ra cái hữu lý’ ?…” [2]. Ông ngậm ngùi kết luận: “Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được chính quyền, lập ra nhà nước có hiến pháp pháp luật hẳn hoi nhưng tuân theo lời dạy của Lê-Nin nên các sĩ tử Mác-Lê của Việt Nam tuần tự theo nhau vào tù như: Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu kéo một vệt đến Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiên Giang… và đến vị xếp chót là viện sĩ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, và liệu Nguyễn Thanh Giang đã là người cuối cùng chưa? Cứ tống giam lặng lẽ hoặc “xử chui” lấy lệ, nghĩa là ‘đẩy sự việc đến chỗ cực kỳ phi lý’ là cho các vị vào tù sẽ ‘nẩy ra cái hữu lý’ là ‘giữ trong sáng chủ nghĩa Mác…’ Sau gần 40 năm trong số tù đày cũng đã có nhiều người về chầu tiên tổ đành ngậm oan nơi chín suối. Người sống thì đơn từ khiếu oan chất cao tầy núi mà vẫn vô vọng làm Tễu tôi vừa thương cảm, vừa cười thầm các sĩ tử Mác-Lê lẩm cẩm quá rồi. Toàn là giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng về “Mác học” lại chả lẽ không nhớ là chính quyền của giai cấp vô sản bắt bớ, giam cầm cần quái gì đến hiến pháp và pháp luật .” [2]
Theo nhận xét của ông Vũ Cao Quận, “cần quái gì đến hiến pháp và pháp luật” là chủ trương hiện nay của nhà nước Việt Nam. Mạnh tay “đẩy sự việc đến chỗ cực kỳ phi lý” là những vị sĩ tử Mác-Lê đã đang hay chuẩn bị ở tù, sẽ “ngộ” ra chân lý. Rừng vàng biển bạc đi đâu về đâu, để đoàn quân của “bên thắng cuộc” sau hòa bình phải đói rách lầm than đến như vậy. Nhìn quanh chốn phồn hoa đô hội chỉ thấy dinh thự, đền đài, khách sạn, hộp đêm “cùng cái xô bồ, nhốn nháo của sự giàu sang hợm hĩnh đến tột đỉnh, và sự đói nghèo vật vờ tận đáy xã hội đan xen nhau.” [2].
Nhìn quanh chỉ còn lại những
“… ‘pô-ti-li-xiêng’ rởm cùng một lũ ‘phi-lô-dốp’ cao đạo với những ngôn từ đang tân trang xã hội như ở các mỹ viện người ta nâng vú, sửa ngực, xăm lông mày, hút mỡ bụng… để sửa sang diện mạo biến những bọn hãnh tiến, trọc phú hiện đại thành những vĩ nhân anh hùng, sơn phết cái xã hội tụt hậu, đói nghèo thành một nước G7+VN trong hoang tưởng.” [1]
Dựa trên những chi tiết có trong bài viết “Chuyện Đau Lòng Về Một Cuốn Sách” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận quê ở Hải Phòng, theo chị gái nhập ngũ từ năm mười sáu tuổi. “Năm 1948 ông chính thức trở thành Vệ Quốc Quân. Năm 1954 tham gia tấn công Điện Biên Phủ. Năm 1964 chỉ huy một đơn vị pháo binh hành quân dọc Trường Sơn vào chiến đấu tận Tây Nguyên. Về già ông ngồi ngơ ngẩn buồn bên cái “Miếu thiêng đã trót thờ rồi! Giờ hương khói lạnh đành thôi…tiếc gì!” [3] Ở tuổi bảy mươi ông rời bỏ “cái miếu thiêng” đáng sợ, chợt rùng mình vì đảng quả nhiên đã cho ông “sáng mắt sáng lòng,” khi chứng kiến “những người lính không mũ, không quân hàm, nét mặt nhăn nhúm tưởng như không có tuổi, từng tốp… từng tốp chờ đợi người đến thuê làm, bên những chiếc xe thồ gầy guộc cùng đống quang sọt lam lũ …” [2] Ông viết “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” nói lên sự đau đớn của ông và đồng đội – những người cả tin đã đánh mất tất cả khi đem cuộc đời đặt vào canh bạc gian lận của đảng và nhà nước cộng sản. Ông “ngậm ngùi nghĩ về cái giá quá đắt đã phải trả cho sự ‘thí nghiệm’ một học thuyết, trên thân thể dân tộc Việt Nam tàn hại đến xác xơ.” [2]
Không một nhà xuất bản nào trong nước dám in “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, Vũ Cao Quận bỏ tiền thuê đánh máy chữ, photocopy thành một số bản gửi tặng thân hữu. Không đành nhìn tâm sự của ông Vũ Cao Quận bị rẻ rúng coi thường, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang nhờ họa sĩ vẽ và in bìa. Quyển sách dày 382 trang tuy hình thức vẫn chỉ là photocopy, nhưng đã có dáng vẻ đĩnh đạc, xứng đáng với tấm lòng của những người bị bỏ quên dù đã cống hiến trọn đời cho “lý tưởng đại đồng” của giai cấp vô sản. Ngày 11 tháng 4 năm 2005 khi đi lấy sách, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang bị công an vây bắt. “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” của người Vệ Quốc Quân năm nào bị xếp vào loại sách nguy hiểm, bị chính những người đồng đội của ông thu hồi và tiêu hủy.
“Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” là tiếng nói gửi gắm tâm sự của ông khi vỡ mộng về thiên đường cộng sản.
HNP
[2]. Trích từ “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi.” Của Vũ Cao Quận.
[3]. Trích từ “Chuyện Đau Lòng Về Một Cuốn Sách” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang.