Ivy League, hệ thống đại học tư thục danh giá và lâu đời của Hoa Kỳ với 8 đại học tên tuổi như Yale, Princeton, Harvard, Dartmouth, Brown, Columbia, Cornell và University of Pennsylvania là nơi xuất thân của nhiều chính khách cùng các nhà lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn tư nhân cho đến những khoa học gia, lý thuyết gia lỗi lạc trên toàn thế giới. Được thu nhận theo học tại một trong những đại học được xem là hàng đầu thế giới này là mơ ước và mục tiêu của hàng triệu gia đình khắp thế giới. Những tiêu chuẩn gì và tiến trình nộp đơn, được phỏng vấn như thế nào để một học sinh được thu nhận vào hệ thống này, bài viết trên chuyên mục tuần này hy vọng mang đến các bậc phụ huynh vài thông tin tham khảo và mang tính khái niệm chung.
Hồi tuần trước, hầu hết tám trường đại học trong hệ thống Ivy League đã gởi thư chấp thuận và chúc mừng đến các học sinh đã nộp đơn xin theo học trong niên học tới. Trong số 253,472 bộ hồ sơ gởi về, hệ thống đại học Ivy League chấp nhận 22,624 học sinh, tính ra tỉ lệ xấp xỉ 9%, trong đó tỉ lệ được nhận vào Harvard hay Yale chỉ trên dưới 6%. Những học sinh này như thế nào mà đạt được kết quả đó và sẽ theo học tại một trong các đại học mà đã có 14 đời Tổng thống Hoa Kỳ và hơn nửa các Thẩm phán đã phục vụ trong Tối Cao Pháp Viện từng theo học, không kể hàng trăm khoa học gia đạt giải Nobel, các tỉ phú cùng nhiều Nguyên thủ quốc gia khắp thế giới (chỉ riêng đại học Columbia đã từng đào tạo 29 Tổng thống và Thủ Tướng cho các quốc gia khắp thế giới)?
Hãy xét riêng trường hợp của Kwasi Enin tại New York, một học sinh được cả tám đại học Ivy League gởi thư chấp thuận như một trường hợp hy hữu trong năm nay, không kể thêm bốn đại học khác không thuộc Ivy League cũng chấp thuận đơn của em.
Kwasi Enin được cả tám đại học Ivy gởi thư chấp thuận – nguồn nydailynews.com
Enin, 17 tuổi, là một học sinh gốc Phi Châu, sinh ra trong gia đình có cha mẹ là những di dân từ Ghana và cùng là y tá. Enin là một học sinh xuất sắc khi xếp hạng 11 trên tổng số 647 học sinh trường trung học William Floyd và có số điểm SAT là 2,250 (trên 2,400), cũng như hoàn tất tổng cộng 11 môn học theo chương trình AP cho đến khi tốt nghiệp năm nay. Nhưng có lẽ cộng thêm các hoạt động ngoại khóa khác đã giúp cho Enin đạt đến kết quả tuyệt đối này, khi em có thể chơi đến ba nhạc cụ, nằm trong ban ca kịch của trường, nằm trong đội điền kinh thi đấu thể thao, thuộc ban điều hành hội học sinh của trường, và tất nhiên, tham gia thiện nguyện tại một bịnh viện địa phương vì có ý định theo đuổi lãnh vực y khoa. Nộp đơn cả 8 trường Ivy League không phải là điều nhiều học sinh làm và nên làm, nhưng việc đơn của Enin được cả 8 trường chấp thuận có thể cho thấy một khuôn mẫu chuẩn mực cho tất cả học sinh và phụ huynh đang nhắm đến, nếu mang mục tiêu được theo học hệ thống đại học Ivy League trong tương lai.
Như vậy tiêu chuẩn đầu tiên để một hồ sơ lọt vào vòng sơ tuyển của Ivy League là một thành tích học tập và điểm số SAT cao, vì các sinh viên Ivy League tương lai sẽ phải đủ sức theo học một chương trình học đầy thử thách và trong môi trường cạnh tranh cao với các sinh viên xuất sắc từ khắp thế giới. Các cố vấn về SAT khuyên rằng, các học sinh không nên thi quá 3 lần SAT cho đến khi có được điểm cao, thay vì chuẩn bị thật tốt để có được điểm cao trong vài kỳ thi SAT mà thôi. Với thành tích học vấn, các học sinh cần chuẩn bị từ khi bước vào trung học thay vì đợi đến năm cuối cùng, vì hồ sơ sẽ được đánh giá trong suốt thời gian dài. Các học sinh giỏi cũng nên ghi tên theo học các chương trình nâng cao như AP (Advanced Placement) và IB (International Baccalaureate) để chứng tỏ khả năng học vấn vượt trội của mình. Với Yale, đại học được xem là tuyển sinh viên khó khăn nhất trong hệ thống Ivy League, các SV tương lai tối thiểu phải có điểm SAT từ 700 mỗi môn thi trở lên (trên 800), dù trên thực tế thì phần lớn SV được chấp thuận đều có điểm SAT cao đến 780-800 và điểm học GPA xấp xỉ 4.0 hay hơn, ngoại trừ một số ít những biệt lệ. Yale cũng lưu ý rằng họ đặt nặng quá trình học tập lâu dài hơn là điểm thi, vì họ có thể thu nhận những học sinh có cả quá trình học xuất sắc nhưng điểm SAT phải chăng, mà không có trường hợp ngược lại. Tuy nhiên, tất cả những tiêu chuẩn về học vấn này, thậm chí với một ngôi vị Thủ Khoa hay Á Khoa trung học cũng chỉ giúp học sinh được lọt vào vòng sơ tuyển mà không bảo đảm một cơ hội được thu nhận, vì Ivy League mong muốn các sinh viên của mình có một khả năng toàn diện và tư chất của những người lãnh đạo tương lai, thay vì chỉ là các con mọt sách.
Để có thêm những thông tin về ứng viên, các đại học Ivy League xem xét cẩn thận các thư tiến cử của những thầy cô giáo về trí tuệ, sự đam mê trong học thuật, sự năng động và sáng tạo, mối quan hệ cùng tầm ảnh hưởng với bạn học và môi trường chung quanh. Muốn có một lá thư nồng nhiệt và tạo ảnh hưởng, học sinh nên chọn những thầy cô giáo hiểu về mình và có sự cảm kích vì mình đã từng phụ giúp đắc lực cho họ, thay vì chọn thầy cô giáo của môn học mà mình xuất sắc nhất và sẽ chỉ cho nhận xét về học vấn. Về các hoạt động ngoại khóa và thiện nguyện, Ivy League không đặt nặng vào bất cứ lãnh vực nào mà chỉ mong muốn các ứng viên chứng tỏ những khả năng và đam mê về điều gì đó, có thể làm đời sống chính mình và người khác thăng hoa. Âm nhạc, thể thao, thi ca, kịch nghệ, báo chí, hướng đạo, kỹ năng lãnh đạo… đều có những giá trị riêng và Ivy League mong muốn có một sự hội tụ tài năng đa dạng về đại học của mình. Dù vậy các cố vấn cũng khuyên rằng các hoạt động thiện nguyện cần thể hiện ý hướng và mối quan tâm đến cộng đồng và xã hội, thay vì một sự chuẩn bị có sắp xếp để ghi vào hồ sơ. Một năm trời phụ giúp cho nhà thờ của mình sẽ không được đánh giá cao bằng một tháng hè sang Châu Phi, Châu Á làm thiện nguyện, giúp xây nhà cho dân nghèo hay dạy học cho trẻ em ở đó, việc mà các trải nghiệm quý giá này cũng có thể được làm phong phú các luận văn đệ trình, một chuẩn mực bắt buộc quan trọng khác.
Hội đồng tuyển chọn phỏng vấn một ứng viên – nguồn interview.ivyleagueconnection.org
Bên cạnh hồ sơ về học vấn, khả năng cùng các hoạt động xã hội và thiện nguyện nói trên, các ứng viên sẽ nộp đến hai luận văn tự chọn, thể hiện đúng nhất suy nghĩ và con người thật của mình về bất cứ điều gì. Yale cho biết họ đọc rất kỹ các bài luận văn này và khuyên rằng các ứng viên đừng lừa dối mình bằng các ngôn từ hay suy nghĩ của người khác mà hãy viết bằng tiếng nói của chính con người mình. Một Giám Đốc phòng Học Vụ của Yale cho biết qua các bài luận văn, họ nhận biết những học sinh nào đã biết tận dụng hết các cơ hội đã đến, có những đam mê mạnh mẽ và óc cầu tiến như thế nào. Họ đã từng đánh rớt nhiều bài luận văn mang tính lý thuyết, lạ lẫm và “dao to búa lớn” nhưng khá ngớ ngẩn và chấm điểm cao những bài luận văn sâu sắc, đầy suy tưởng chỉ về một đề tài rất bình dị. Nói một cách khác, thông điệp gởi đến các ứng viên tương lai là kinh nghiệm sống có thể được cảm nhận và nhận thức từ bất cứ ai, về bất cứ điều gì.
Giai đoạn cuối cùng sau khi Ivy League “hài lòng” về một ứng viên qua bộ hồ sơ đã được thận trọng sàng lọc, là cuộc phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh hội đồng tuyển chọn sinh viên, một số ĐH như Yale đã sử dụng các sinh viên sắp ra trường của mình – những sinh viên cũng đã được tuyển chọn và huấn luyện để làm công việc phỏng vấn này, hay trong một số trường hợp, có thể nhờ các cựu sinh viên có mối quan hệ gần gũi với trường và đang làm việc ngay tại địa phương các ứng viên cư ngụ để phỏng vấn. Những người này sẽ đưa ra bảng đánh giá và nhận xét đến hội đồng tuyển chọn. Các cuộc phỏng vấn này mang tính thân thiện và tự nhiên, không phải là các câu hỏi “đúng-sai” để các ứng viên “học tủ” trước, mà để thẩm định lại tính cách ứng viên cùng các điều đã được đưa vào hồ sơ.
Hãy phân tích cặn kẽ hơn về tỉ lệ 6 hay 9% được thu nhận vào hệ thống đại học Ivy League không bằng phép tính đơn giản rằng, cứ mỗi 100 học sinh nộp đơn sẽ có 6 hay 9 em được chấp thuận, mà cần nhìn nhận rằng các học sinh tài năng và may mắn được thu nhận này đã phải cạnh tranh và vượt qua hàng trăm ngàn học sinh xuất sắc khác, để được thu nhận và đào tạo trở thành một lớp trí thức đầy ảnh hưởng trong mọi lãnh vực khác nhau cho khắp thế giới. Chính vì vậy nếu bảo rằng hệ thống Ivy League là cái nôi của tài năng thế giới quả cũng không quá lời. Xin chúc mừng những học sinh gốc Việt đã được nhận vào hệ thống Ivy League trong mùa học tới.
Nguyễn Diệu Liên – 22 tuổi – được Đại Học Yale chấp nhận thẳng vào ban Tiến Sĩ
ĐYT