Menu Close

MẦU SẮC Cuộc chơi không đơn giản

Câu chuyện bắt đầu từ vỉa hè phố Hàng Bè, Hà Nội một ngày đầu Thu năm 2007, trong lúc ngồi uống ly chè xanh và đọc báo. Bấy giờ là 6 giờ sáng, ấm chè của bác Hoành chỉ có tôi và một bà khoảng 60 tuổi là khách, nhưng ấm chè của chị bên cạnh thì đông khách hơn, khoảng bốn, năm người còn trẻ độ trên dưới 30-40, đang vừa  uống chè vừa “tám” chuyện. Bỗng từ bên kia phố, một chị còn trẻ mặc đồ sì-pot Adidas, tay cầm mấy tờ giấy tiến đến một anh chàng trong số đó chìa ra mấy tờ quảng cáo có bảng màu sơn Nippon “Sơn đâu cũng đẹp”: “Này, xem đi! Chọn hộ cái xem, mầu nào thích hợp cho bên trong cửa hàng và mầu nào cho mặt tiền. Mà phải đẹp và sang hơn hai cái nhà bên cạnh đấy nhá!” Chị vừa nói như ra lệnh vừa chỉ về phía căn phố đang được nâng cấp bên kia đường. Mọi người tụm đầu vào mấy bảng mầu sơn nước đang trên tay anh chàng có vẻ như là chồng của chị ta và thế là một cuộc tranh luận về mầu sắc bắt đầu nổ ra càng lúc càng hăng, càng lúc càng gay cấn trên cái vỉa hè chỉ rộng hơn 1m.

Về mầu sắc mà đem đi hỏi chỗ đông người thì đúng là “chín người mười ý”. Ngay cả vợ chồng cũng khó có sự đồng thuận trong chọn mầu sắc cho một mục tiêu chung như nhà cửa, áo quần, hoa,… Có người chỉ thích toàn mầu đỏ cho các vật dụng trong nhà từ màn cửa, khăn trải giường, khăn trải bàn, thảm, bình hoa, áo quần, giầy dép. Có người lại chỉ thích dùng đồ tư thất toàn mầu trắng. Ở Mỹ có một đạo diễn nổi tiếng chuyên chơi tranh trừu tượng được vẽ toàn mầu trắng v.v… Khi một người chọn lựa mầu sắc cho mình là muốn được sống trong một thế giới của cá tính, của sở thích. Mầu sắc, từ lâu trên căn bản đã được định nghĩa bởi những nhà tâm lý học và dân gian, mặc dù trong thực tế và cả ý thức không phải như vậy. Mầu đen không hẳn là màu của u buồn tang tóc, mầu xanh không phải lúc nào cũng là mầu của hy vọng,… vì đã có nhiều nhà tạo mốt đã coi mầu đen là mầu sang trọng, lịch lãm bậc nhất cho những chiếc áo dạ hội; mầu tím là mầu của lãng mạn nhưng cũng là mầu dùng cho những vòng hoa cườm và bảng chữ phân ưu trong tang lễ; mầu đỏ nồng ấm, đầy nhiệt huyết, nhưng cũng có người không chịu nổi, thần kinh dễ bị căng thẳng, không bình an khi đối diện…

alt

Ngay đối với giới hoạ sĩ, mầu sắc cũng rất riêng, nó cho thấy khuynh hướng cá tính của người nghệ sĩ và chủ ý như một đặc thù cho tiếng nói nghệ thuật của tác giả. Trước khi mở ra trường phái hội hoạ Lập Thể, Picasso đã có hai thời kỳ vẽ tranh rất nổi tiếng, đã làm say mê nhân loại: Thời Xanh và Thời Hồng. Dù Xanh hay Hồng, tranh Picasso đều mang đậm nỗi buồn của phận người. Đây là các giai đoạn Picasso mang tư tưởng xã hội. Có một thời ở Sài Gòn trước năm 1975, những hoạ sĩ trẻ nào thường vẽ mầu xanh mơ mộng đều bị gán cho là chịu ảnh hưởng của nhà danh hoạ Marc Chagall, người đã dùng mầu xanh suốt cuộc đời ông qua hằng loạt các tác phẩm siêu thực trữ tình rất lãng mạn và hằng loạt tranh ông vẽ về kinh thánh. Một họa sĩ trừu tượng lừng danh khác, với Soulages, mầu đen là mầu chính của tranh ông. Người ta gọi ông là bậc thầy của mầu đen bởi không ai dám dùng nó rộng lớn đến như vậy và cũng không có ai tạo ra một mầu đen lạ như vậy. Thật ra, để có một mầu đen như vậy, Soulages đã yêu cầu một nhà hóa học chế tác cho riêng ông một mầu đen mà không ai bắt chước và cũng không có cửa hàng Art supply nào có để bán.

Trong nghệ thuật pha mầu, người họa sĩ có thể có cách riêng để tạo ra một mầu cho riêng mình bằng cách thêm và bớt một số mầu phụ sao cho ra một mầu có tính đặc trưng cho lối vẽ của mình. Và sử dụng nó như một “mầu mẹ” trong suốt thời kỳ hội họa của mình cho đến khi thấy cần phải kết thúc. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên và có tính quyết định cho sự bền vững của tác phẩm, người sử dụng mầu phải am tường về sự cấu tạo ra mầu vẽ.

Mầu vẽ phần lớn lấy từ khoáng chất trong thiên nhiên, các thành tố hóa chất được các nhà sản xuất tính toán cùng sự kết hợp một chất phụ gia và tinh dầu để tạo ra các mầu, vì thế tính chất độc hại và độ an toàn không có mầu nào giống mầu nào. Các nhà sản xuất thường có in hình ngôi sao trên nhãn mầu để chỉ các cấp độ độc hại và các ký tự để phân loại đẳng cấp tốt xấu của mầu. Và cũng để giúp người họa sĩ tránh việc pha nhầm mầu có chất hủy diệt khi gặp một acid không hợp với nó có trong một mầu khác như người ta không được phép trộn bất cứ mầu nào với mầu xanh cobalt chẳng hạn. Chất cobalt sẽ dần dần làm đục mầu pha chung với nó. Lỗi không biết giá trị  tính chất mầu và các mầu không nên hòa chung với nhau thường thấy ở các họa sĩ Việt, nhất là vào những thập niên 80-90, kể cả những họa sĩ nổi tiếng. Chính tác giả bài viết này đã thấy tận mắt nhiều họa sĩ đó vẽ bằng mầu dầu của Trung Quốc và Đài Loan là hai nơi sản xuất mầu dầu kém phẩm chất nhất. Đó là chưa đề cập đến lỗi trong cách dùng bố vẽ (canvas), nó rất quan trọng trong việc giữ mầu sơn dầu được bền lâu, không trở thành khô khốc, nứt nẻ. Hình như tại các trường dạy mỹ thuật không có môn dạy pha chế và sử dụng mầu vẽ, cũng như cách chuẩn bị cho một bố vẽ trước khi được dùng để bảo đảm mầu không bị hư và bố vẽ không bị tinh dầu trong mầu thấm làm hỏng bố vẽ.

alt

Soulages và tác phẩmNGUỒN VISITVANITAONLINE.FILES.WORDPRESS.COM

Sử dụng mầu sắc và bảo vệ mầu sắc là hai vấn đề đòi hỏi người chơi phải được học hành tử tế trước hoặc sau khi biết vẽ, như phải biết cơ bản cách chuyển đổi từ 3 mầu chính xanh, vàng, đỏ thành vô số mầu và sắc với sự đóng góp của đen và trắng; thành thạo trong mầu hòa hợp và mầu tương phản, thế nào là gam lạnh hay nóng; biết cách chế ngự khi phải dùng đến mầu sốc (không bao giờ được đứng cạnh nhau như xanh lá cây có tên “vert véronais” và đỏ tươi).

Như vậy, cuộc chơi mầu sắc không đơn giản như vẫn thường thấy xảy ra, mà câu chuyện cãi nhau về nó trên vỉa hè phố Hàng Bè, Hà Nội như trên là một ví dụ. Cuộc chơi mầu sắc này không chỉ dành cho những nhà chuyên môn như họa sĩ, các nhà trang trí nhà cửa, các kiến trúc sư, các đạo diễn phim và sân khấu, những nhà thiết kế thời trang mà còn rất nên tìm hiểu cho những người ngoại đạo để khi gặp các tình huống cần đến vốn kiến thức này sẽ thấy nó hữu ích cho cuộc sống đến như thế nào.

 TC– SG 11/2007