Công việc ngồi viết những bức thư trên giấy rồi nhờ bưu điện gửi đi, cái công việc của cảm xúc và lòng yêu mến ấy ngày càng trở nên thưa thớt và hiếm.
Nhưng, thử tưởng tượng cách đây hơn nửa thế kỷ. Một người con ở ngoài mặt trận nhận được thư mẹ từ quê nhà. Hay người yêu đang hành quân qua vùng địch chiếm vẫn giữ trong ba lô lá thư của người em gái nhỏ vừa nhận nhưng chưa kịp đọc. A, những lá thư của một thời. Ấm áp như những bàn tay, trìu mến như ánh mắt người yêu, và nồng nàn như hơi thở. Thế nhưng, câu chuyện kể sau đây không chỉ về những bức thư mà chủ yếu về người phụ nữ đầy lòng nhân ái tự nguyện viết thư cho những bà mẹ không biết chữ có con đi chiến trận miền xa…
Mời bạn đọc theo dõi.

Thắm Nguyễn
Những lá thư của má… Ôi, cho mãi tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ những lá thư của má. Khởi từ mùa đông năm ấy -năm 1941, thời điểm của những trận chiến như lửa cháy rừng lan khắp các vùng lục địa, má bắt đầu công việc viết thư của mình. Đêm nào cũng như đêm nào, má ngồi ở cái bàn lớn trong bếp cặm cụi viết một lá thư cho anh Johnny-anh được gọi vào quân ngũ hồi mùa hè và bặt tin từ sau trận chiến Trân Châu Cảng.
Đôi lúc tôi không hiểu tại sao má cứ tiếp tục viết thư trong khi anh Johnny không có một lời một chữ gởi về. Thực tình tôi không hiểu nổi má. Nhưng má chỉ âm thầm tiếp tục công việc của mình mỗi tối bên đèn. Hỏi, má chỉ nói: “Rồi con sẽ thấy, chúng ta sẽ nhận được một lá thư của anh Johnny cho mà xem.” Trong ý nghĩ của má, vẫn có một đường dây vô hình truyền từ bộ óc người viết thư tới lời được viết ra, mang sức mạnh của một thứ ánh sáng nhiệm mầu. Và má dựa vào ánh sáng của niềm tin ấy để tìm ra anh Johnny. Tôi đâu hiểu má nói ra là để làm cho má và ba yên tâm và cả cho chúng tôi nữa. Điều tôi biết chắc là lời của má đã kết hợp chúng tôi lại với nhau, và quả nhiên một hôm có một lá thư được gởi về. Anh Johnny vẫn còn sống ở đâu đó trong vùng Thái Bình Dương.
Má thường ký tên Cecilia Capuzzi dưới những bức thư. Tôi chọc má: “Tại sao má không ký là Mamma?” Tôi nào biết má luôn nghĩ mình là Cecilia Capuzzi. Chứ không phải chỉ Mamma đâu.
Má không trang điểm son phấn, và cũng không nữ trang. Tóc má đẹp, thẳng và đen, buộc thành một cuộn lớn, nhất định không cắt đi hay uốn quăn theo kiểu “Mỹ hóa”. Đôi kỉnh gọng bạc nhỏ xíu ngự trị trên sống mũi má.
Thường khi viết xong một lá thư, má đưa cho ba ra bưu điện gởi. Xong xuôi, má pha một bình cà phê và chúng tôi ngồi quanh bàn, nhắc lại những tháng năm hạnh phúc khi có đủ mười người quây quần bên nhau -ba, má và 8 đứa con, năm trai ba gái. Cứ y như là không có gì xảy ra, không có ai đi xa hoặc lên đường ra mặt trận hoặc lấy vợ lấy chồng.
Rồi mùa xuân đến. Má có thêm hai người con trai trong danh sách viết thư. Và mỗi đêm, má lại cặm cụi viết tới ba lá thư khác nhau rồi đưa cho ba và tôi để thêm ít lời thăm hỏi.
Ngày tháng trôi qua. Dần dần tin tức về những lá thư của má được truyền đi. Một sáng, có tiếng gõ cửa và một phụ nữ bé nhỏ có mái tóc bạc trắng xuất hiện. Người thiếu phụ cất giọng run run: “Dạ, có phải bà là người đã viết những bức thư vẫn được nhiều người nhắc đến không ạ?””
“Vâng. Tôi viết thư cho các con trai tôi.”
“Và thưa bà, bà cũng đọc thư nữa chứ ạ?”
“Có, có.”
Người phụ nữ bèn mở túi xách, lôi ra một bó thư. “Vậy thì, nhờ bà…, nhờ bà… đọc giùm những lá thư này cho tôi nghe với.”
Những bức thư người đàn bà nhờ má đọc là của con bà đang chiến đấu ở Âu Châu. Anh ta có mái tóc đỏ, má còn nhớ rõ, thường ngồi trên những bậc thềm với mấy ông anh của tôi. Má đọc hết lá thư này đến lá thư khác, và dịch ra tiếng Ý cho người đàn bà nghe. Đôi mắt của bà mờ sương và đôi lúc lóng lánh. “Bây giờ, tôi phải trả lời thư,” người đàn bà nói. “Nhưng tôi không biết phải dùng những lời nào đây?”
“Tavi ơi, con pha cà phê cho má nha.” Má bảo tôi, và nắm tay bà bạn dẫn vào bếp, tới một cái bàn. Má bảo người đàn bà ngồi xuống rồi lấy bút, mực và giấy viết thư ra, bắt đầu viết. Viết xong bức thư, má đọc cho bà bạn nghe.
Bà khách ngạc nhiên hỏi: “Làm sao bà biết tôi muốn nói những điều đó?”
“Tôi cũng như bà, thường chăm chú nhìn những bức thư của các con tôi và tự hỏi sẽ viết gì đây. Rồi tôi viết theo lời của trái tim mình.”
Chẳng bao lâu sau đó, người đàn bà trở lại cùng với một bà bạn khác, rồi một bà bạn khác nữa -tất cả đều cùng có con ra mặt trận, và đều cần viết thư cho con. Má trở thành người viết thư giùm người khác. Đôi khi, má cặm cụi ngồi viết suốt ngày.
Một chi tiết cần ghi nhận: Má đặc biệt quan tâm tới việc ký tên dưới các bức thư. Và người phụ nữ có mái tóc bạc trắng ngỏ ý muốn má dạy cho bà ấy. “Tôi muốn học viết tên tôi cho con trai tôi xem.” Và má cầm lấy tay bà bạn, đưa lên đưa xuống trên trang giấy, nhiều lần như thế, cho đến khi bà bạn tự mình viết được. Sau lần đó, mỗi khi má viết xong một lá thư cho bà bạn, bà ta tự mình ký tên và rồi nở một nụ cười.
Nhiều tháng trôi qua. Một hôm người phụ nữ tóc trắng tới nhà chúng tôi với một cái vẻ mà thoạt nhìn má đã hiểu việc gì đã xảy ra. Tất cả mọi hy vọng đều tắt trong đôi mắt bà ấy. Hai người ngồi bên nhau rất lâu, tay trong tay và hai trái tim hòa cùng một nhịp. Rồi má lên tiếng: “Chúng ta nên đi nhà thờ. Có những điều quá lớn con người chẳng thể nào hiểu nổi.” Trở về nhà, má bồi hồi nghĩ tới hình ảnh chàng trai tóc đỏ.
Sau chiến tranh, má dẹp hết giấy bút. “Finíto,” má nói. Thế là hết rồi. Nhưng má đã nhầm. Người phụ nữ có mái tóc bạc trắng ngày nào trở lại với những bức thư của thân nhân bà ở Ý, để nhờ má giúp đỡ họ viết đơn xin trở thành công dân Mỹ.
Một hôm, má thú nhận là đang tính viết một cuốn tiểu thuyết. “Ủa, tại sao không?” Tôi hỏi má.
Má nói: “Mỗi người đều có một mục đích trong đời. Nhưng hình như mục đích của đời má là làm người viết thư cho người khác.” Má hăng hái giải thích: “Lá thư đưa người ta đến gần nhau hơn bất cứ thứ gì khác. Nó làm cho người ta khóc hoặc reo mừng. Không có gì ve vuốt dịu dàng bằng một lá thư tình, vì nó làm cho thế giới này nhỏ bé lại, và người viết và người đọc là những chủ thể duy nhất. Con ạ, lá thư chính là đời sống.”
Tất cả những lá thư của má bây giờ không còn nữa. Thế nhưng, những người nhận thư đều nói về má, ấp ủ hồi ức về những bức thư của má trong tim mình.