Sáng ngày 18 tháng 3 năm 2014, hàng ngàn đồng bào người dân tộc H’Mong đã kéo đến tòa án huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang để đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua, bị xét xử theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự với nội dung: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Đoàn người H’Mong này đến đòi công lý cho anh em họ.
4 người H’Mong đã bị bắt theo điều luật này. Họ đã làm đơn kiến nghị tập thể đề nghị không đập phá nhà giữ đồ tang lễ của người H’Mong. Ngày 14 tháng 3, tòa án huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã xử ông Hoàng Văn Sang 18 tháng tù. Ngày 20 tháng 3 tòa xử ông Lý Văn Dinh 1 năm 3 tháng, và Dương Văn Tu 1 năm 9 tháng.
Còn trong buổi sáng 18 tháng 3, phiên tòa xử ông Thào Quán Mua đã bị hoãn. Dự kiến lịch xét xử mới sẽ là ngày 27/03/2014.
Đồng bào H’Mong đến phiên tòa xử 2 ông Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu
Tôi nghĩ, phiên tòa bị hoãn trước áp lực của hàng ngàn người là điều không mấy bất ngờ, nhưng nó bị hoãn với lý do thật kỳ dị, thậm chí rất buồn cười: vị thẩm phán của phiên tòa bị “đau bụng bất ngờ”.
Tôi xem trên các trang mạng và facebook thấy có những lời bình đáng chú ý về sự kiện này như sau:
FB Phạm Thành:
Người H’Mong là một sắc dân thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam. Họ từ trước tới nay có một hủ tục về mai táng. Người chết trong gia đình không được chôn cất ngay mà phải chờ bà con dòng họ về đủ mặt. Những ngày chờ đợi bà con đủ mặt ấy thường là không ngắn ngủi, xác chết vẫn phải bón cơm cho ăn từng bữa và mọi ngươì ăn uống ngay trong căn nhà để xác. Hủ tục người chết phải được mổ heo mổ bò… rất tốn kém. Thời gian gần đây có một số người đem tín lý Tin Lành / Thiên chúa giáo đến với cộng đồng dân tộc H’Mong, loại dần những hủ tục. Phía nhà cầm quyền vốn rất sợ các giáo phái Tin Lành nên đàn áp rất dữ dội. Đây là cuộc biểu tình của hàng ngàn đồng bào H’Mong, kéo đến một tòa án để phản đối việc bắt giam (và đem ra xét xử) một người đồng đạo của họ, ông Thào Quán Mua.
– Đừng ảo tưởng muốn “bắt nạt” ai cũng được đâu. Ở đâu cũng thế thôi, chiếc lò xo càng bị nén thì lực bật sẽ càng mạnh!
– Thật xúc động trước tinh thần đoàn kết của đồng bào H’Mong 4 tỉnh phía bắc. Đoàn kết! Chúng ta là sức mạnh.
– 27 tháng 3 không khéo thẩm phán lại cảm cúm.
– Người H’Mong sống ngay thật và giản dị, nhưng quan trọng nhất: họ hành động.
Khi biết được lý do mà phiên tòa bị hoãn, thì tôi hình dung khung cảnh ấy như thế này: phiên tòa đang diễn ra trang trọng thì bỗng nhiên vị thẩm phán gõ búa ra hiệu cho mọi người chú ý, rồi một tay vẫn cầm búa, tay kia ông ôm bụng, mặt nhăn nhó đau khổ, mà rằng: “Tôi… tôi… đau bụng quá…! Tôi không thể tiếp tục điều khiển phiên tòa! Tôi tuyên bố hoãn phiên tòa hôm nay và dời lại vào thời điểm thích hợp khi tôi không còn… đau bụng…!”
o O o
Ngày hôm sau, 19/3/2014, tòa án Hà Nội tại số 42 Hai Bà Trưng mở phiên sơ thẩm xét xử ông Phạm Viết Đào với cùng tội danh như đã buộc với ông Thào Quán Mua: vi phạm điều 258. Phiên tòa này được cho là phiên tòa xét xử công khai.
Ông Phạm Viết Đào là người thứ ba trong 3 blogger bị bắt giữ trong năm 2013. Hai người kia đã bị xử là blogger Đinh Nhật Uy bị án 15 tháng tù treo, và blogger Trương Duy Nhất bị án 2 năm tù ở.
Ông Phạm Viết Đào, 62 tuổi, từng là nhân viên của Bộ Văn Hóa, đảng viên Đảng CSVN, hội viên Hội Nhà Văn VN, là dịch giả có uy tín. Ông có người em trai hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam – Trung Quốc vào năm 1979. Trên blog của ông có nhiều bài viết về cuộc chiến này.
Phiên tòa xử ông Phạm Viết Đào
Theo những tin trên mạng thì trước cổng tòa án bị chặn, căng dây, có biển cấm, và lực lượng an ninh được huy động đông đảo. Có nhận xét rằng có vẻ yên ắng so với các phiên tòa xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến khác.
Phiên xử kéo dài 2 giờ đồng hồ, ông Phạm Viết Đào bị tuyên án 15 tháng tù.
Trên mạng có rất nhiều thông tin và sự quan tâm về số phận của ông Phạm Viết Đào trước khi phiên tòa xảy ra. Người ta bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ và quan tâm bằng nhiều hình thức: viết bài trên blog, trên facebook, và đặc biệt là làm thơ tặng, thơ vịnh.
Những bài thơ trong dịp như thế này thường na ná giống nhau:
1/ Nhắc lại những kỷ niệm giữa tác giả và người bị hoạn nạn; thống thiết, chứa chan, đồng cảm, chia sẻ với người ấy;
2/ Hài hước một cách cay đắng với sự bất công của xã hội, của nhân tình thế thái;
3/ Không quên cám cảnh cho tình cảnh chim lồng cá chậu của chính mình, không khác chi tình cảnh của nạn nhân.
o O o
Vì sao ông tòa này đau bụng mà ông tòa kia không đau bụng?
Hai phiên tòa diễn ra trong hai ngày kề nhau, cùng một tội danh như nhau, nhưng chúng có những diễn biến khác nhau: một phiên bị hoãn lại, một phiên kết thúc nhanh chóng, gọn gàng.
Vì sao ông thẩm phán trong phiên xử ông Thào Quán Mua bị đau bụng bất ngờ?
Vì sao hệ tiêu hóa và cơ quan bài tiết của ông thẩm phán trong phiên xử ông Phạm Viết Đào lại vẫn hoạt động rất tốt, hay ít ra không có vấn đề gì trong khi ông ấy ngồi xử án?
Nghĩ mãi, rồi tôi tự trả lời như sau:
Cơn đau bụng bất ngờ của ông thẩm phán đó có liên quan với sự kiện hàng ngàn người H’Mong vây quanh tòa án, chắc chắn là vậy!
Còn ông kia không đau bụng hẳn là do tình cờ đọc những bài thơ được tặng cho bị cáo trong phiên xử của mình, đọc xong thì rất an tâm. Hẳn là những bài thơ này có công dụng hiệu quả ngang với các loại thuốc trị các chứng đường ruột và tiêu hóa.
Người H’Mong không mần thơ, không lên mạng rị mọ vần vè như những thi văn nhân lắm chữ dưới xuôi.
Thay vì vậy, họ đồng lòng rủ nhau đến đòi công lý cho anh em bằng chính đôi chân của mình.
Những biểu ngữ được viết tay trên giấy chứ không in ra như các cuộc biểu tình lâu nay của người Kinh. Có lẽ những người H’Mong này không biết sử dụng máy vi tính, hay thậm chí không có ý niệm gì về việc thế giới đã thay đổi như thế nào ở lãnh vực công nghệ thông tin.