Menu Close

Sưng nhiếp tuyến – Dầu olive – Nhiễm trùng móng

Chồng con năm nay 55 tuổi cao 5ft2 nặng 100 lbs. Anh bị nhiều bệnh lắm, nào là bao tử, trĩ, nhưng bị nặng nhất là 1-2 tiếng là đi tiểu, ban ngày cũng như ban đêm nên không ngủ được. Anh uống rất nhiều thuốc như cô Vân thuốc nghệ, Dương Lai Cảnh và nhiều bác sĩ những vẫn không hết, sau cùng anh đi siêu âm bác sĩ nói hẹp đường tiết niệu phải đi mổ. Thưa bác sĩ nếu chồng con mổ có an toàn không và có tốn nhiều tiền không, vì chồng đi làm $22,000/năm. Xin bác sĩ cho con một lời khuyên. Con ở Seattle. Yến Thi Nguyễn

Đáp

Chào bà Yến

Email của bà nói nhiều tới chuyện tiểu tiện, đái đêm rồi lại đi siêu âm bác sĩ nói bị hẹp đường tiết niệu, phải đi mổ, cho nên tôi “đoán mò” rằng ông xã có thể bị sưng nhiếp tuyến. Vậy xin góp ý kiến như sau.

Năm nay ông ấy 55 tuổi thì đúng là tuổi mà nhiếp tuyến bắt đầu sưng to lên. Nhiếp tuyến nằm dưới bọng đái, ôm lấy ống dẫn nước tiểu ra ngoài. Khi tuyến sưng thì nó sẽ đè ép vào ống dẫn nước tiểu, khiến cho đi tiểu nhiều lần, nhất là ban đêm.

Bác sĩ bảo phải mổ, thì tôi không biết bác sĩ nói mổ cái gì. Cắt bỏ nhiếp tuyến hay là mổ để giải tỏa hẹp ống tiểu. Bà nói với ông nhà hỏi bác sĩ cho rõ ràng nhé.

Nếu là mổ để cắt bỏ nhiếp tuyến thì có nhiều cách: rạch đường mổ phía bụng dưới, sau xương mu hoặc rạch vết mổ ở giữa bìu dái và hậu môn, rồi lấy toàn bộ nhiếp tuyến ra. Bây giờ, các bác sĩ có thể mổ nội soi, khoan một lỗ nhỏ trên bụng rồi đưa một ống nội soi vào cắt bỏ nhiếp tuyến. Giải phẫu như vậy giải quyết được vấn nạn tắc tiểu tiện, nhưng có thể gây ra hậu quả không tốt là có thể chạm vào dây thần kinh điều khiển sự cương cứng của dương vật và bệnh nhân không làm tình được. Vấn đề chi phí thì tôi nghĩ cũng khá tốn kém đấy. Bà nên hỏi bác sĩ đang chữa bệnh cho ông nhà, coi xem tốn kém như thế nào. Bên Mỹ là bệnh nhân có quyền hỏi thẳng bác sĩ về chi phí khám chữa bệnh trước, vì như vậy thì có thể mất lòng trước nhưng được lòng sau và cũng tránh được trường hợp khám chữa xong, tranh cãi về tiền nong phí tổn, rồi lại mang nhau ra trước tòa án…

Các loại “thuốc” mà bà kể có thể là dược thảo, tôi không biết nhiều lắm về chúng và cũng ít có kinh nghiệm. Nghệ dường như giúp cho bao tử thì phải.

Tôi nghĩ tình trạng như của ông nhà thì nên đến bác sĩ gia đình để được khám kỹ, chụp hình, thử nghiệm máu trước khi chữa. Như vậy an toàn và có công hiệu hơn.
Chúc ông bà được luôn luôn vui mạnh.

Thưa bác sĩ, tôi nghe nói dầu olive rất tốt cho sức khỏe, nhưng không biết nó tốt như thế nào. Xin bác sĩ vui lòng cho tôi biết nhé và cũng xin cho biết dầu này có đắt không, và mua ở đâu.
Cảm ơn bác sĩ. Tấn Chung- OKC

Đáp

Dầu olive đã được người dân các nước Ý và Hy Lạp dùng từ nhiều thế kỷ với số lượng lớn, và họ có một sức khỏe tốt và tuổi thọ cao. Họ thường ăn dầu này chung với hạt đậu, hải sản, trái cây, rau và uống rượu vang.

Một thìa olive có 14gr chất béo và cung cấp 126 calori.

Dầu olive là loại dầu duy nhất được ép ra từ trái olive chín trên cây, rồi vô chai ngay chứ không qua các thủ tục tinh chế. Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất dầu này nhiều nhất trên thế giới.

 Dầu olive có thể dùng để xào nấu hoặc trộn xà lách. Hương vị, màu sắc, cấu trúc của dầu tốt xấu tùy theo địa phương và cách trồng olive.

Có nhiều loại dầu olive, tùy theo mức độ chua nhiều hay ít.

 Loại ngon nhất và đắt tiền nhất là nước chiết đầu tiên của trái olive, được ép bằng máy, có dưới 1% acid linoleic, (dầu extra-virgin). Màu của dầu này có thể xanh đậm hoặc trong nhạt như rượu sâm banh. Loại này dùng tốt nhất là để ăn với salade, vì khi nấu hơi nóng làm giảm phẩm chất của dầu.

Tiếp theo là dầu virgin có từ 1- 3% acid linoleic. Loại kém nhất là olive lấy từ bã của các dầu trên (dầu Fino).

Cất giữ trong chỗ mát, không có ánh sáng, dầu olive có thể để dành được tới nửa năm. Nếu để trong tủ lạnh thì một năm sau vẫn còn tốt.

Ngoài công dụng dinh dưỡng, dầu còn được dùng trong y học.

Hippocrates đã từng chữa bệnh loét bao tử, dịch tả, đau bắp thịt bằng dầu olive.

Nhiều người tin là dầu cũng ổn định suy tâm thần của tuổi già, bớt phong thấp khớp, giảm LDL, tăng HDL, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, làm máu loãng và ngăn ngừa ung thư vú.

Bạn có thể mua dầu olive ở các tiệm bán thực phẩm. Còn về giá cả thì tùy theo loại dầu tinh chất nước nhất thì vài ba chục đô một chai còn loại dầu đã lấy ra nhiều thì rẻ hơn và cũng ít chất dinh dưỡng hơn. Tiền nào của nấy mà bạn.

Chúc bạn và gia đình bình an.

Chào bác sĩ

Tôi thường hay đi tiệm nail để chăm sóc móng tay móng chân. Xin bác sĩ cho biết liệu ở tiệm có bị nhiễm trùng móng hay không, vì bây giờ có tuổi làm móng ở nhà vất vả quá.

Cảm ơn bác sĩ. Vân Lê

Đáp

Thưa bà,

Dù là làm ở tiệm hay ở nhà, móng có thể bị nhiễm độc vì vi khuẩn, siêu vi khuẩn hoặc nấm độc, nhất là khi gắn móng giả.

Dấu hiệu của nhiễm độc là da sưng đỏ, ngứa, đau, mưng mủ. Một va chạm vào móng giả có thể làm móng cong và tạo ra khoảng trống giữa móng giả, móng thật và bụi bặm sẽ bám vào. Nếu gắn keo móng đó lại mà không khử trùng cẩn thận thì vi khuẩn sẽ ăn hư móng tự nhiên.

Khi móng tự nhiên mọc dài, sẽ có một khoảng cách giữa móng này và móng giả. Nếu khoảng cách không được lấp kín, vi khuẩn sẽ xâm nhập và gây bệnh.

Chất acrylic nail để lâu quá, hơi ẩm sẽ đọng lại và là môi trường tốt cho nấm độc phát sinh. Dùng chung dụng cụ cho nhiều khách, nhiễm độc cũng có thể xảy ra.

Biểu bì là phần da bao che quanh chân móng. Nếu cắt nó quá sâu thì tác nhân gây nhiễm cũng dễ xâm nhập, vì thế các bác sĩ ngoài da khuyên không nên đụng tới biểu bì.

Khi móng giả mà bị nhiễm thì phải tháo bỏ và khử trùng móng tự nhiên.

Chúng tôi sẽ có bài viết về các rủi ro cho sức khỏe vì làm móng ở tiệm.

Chúc bà và gia đình bình an.

NYD