Dư luận người Việt khắp nơi xôn xao không ít với tin mới đây ngày 7-4-2014 Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã rời nhà tù quốc nội, cùng vợ bay thẳng sang… Hoa Thịnh Đốn. Ông bị giam cầm 3 năm qua sau nhiều lần bày tỏ bất đồng chính kiến với Hà Nội.
Hoàng Đế Duy Tân (giữa) và triều thần Huế đầu thế kỷ 20.
Xung quanh nhân vật này, đang có không ít dư luận trái chiều. Cha ông, thi sĩ Huy Cận tài hoa thời tiền chiến, là người từng góp công tạo dựng hệ thống cai trị độc tôn của đảng cộng sản hiện tại trên quê hương Việt Nam. Để TS Hà Vũ sang Hoa Kỳ cũng có thể là kế điệu hổ ly sơn, cách ly những phần tử người Việt cấp tiến, thân Tây Phương, khỏi phong trào dân chủ tại quốc nội — phương cách từng được Hà Nội áp dụng nhiều lần với nhiều người với không ít kết quả như ý. Trên phương diện ngoại giao, phía Hoa Kỳ ‘hoan nghênh việc ông được tự do’. Về phần TS Hà Vũ xác quyết chỉ ra đi để chữa bịnh, rồi sẽ trở về.
TS Cù Huy Hà Vũ (trái), cùng vợ Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà, và người nữ chuyên viên (phải) đặc trách nhân quyền của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại phi trường Dulles International Airport (Washington DC) ngày 7-4-2014.
Nếu xem vụ TS Hà Vũ ra đi là bị Hà Nội trục xuất, là lưu đày biệt xứ, thì thế giới cũng từng thấy lặp đi lặp lại nhiều lần. Trên tầm vóc quốc gia dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử, hằng triệu người Việt chọn đời sống lưu vong sau biến cố Sài Gòn thất thủ 30-4-1975. Năm 1959, sau khi các tay súng cộng sản tiến chiếm Cuba, trên 1 triệu trong dân số 6.5 triệu người Cuba đã tự lưu vong sang Hoa Kỳ. Trong Anh ngữ có hẳn một thuật ngữ “Diaspora” để chỉ cả cộng đồng dân tộc khổng lồ phải sống đời lưu vong.
Gần 6 thế kỷ trước Công Nguyên, hằng ngàn người Do Thái đã bị lưu đày sang đất Babylon. Rồi đến năm 70 sau Công Nguyên, một lần nữa dân tộc Do Thái tản mác khắp thế giới sau lần thứ hai Thánh Địa Jerusalem bị tàn phá. Thời Thế Chiến Hai, có hẳn chánh phủ Ba Lan lưu vong với quân lực hoạt động bên ngoài lãnh thổ, chống lại phe Đức Quốc Xã. Tương tự cũng có chánh phủ Pháp lưu vong và quân lực người Pháp tự do dưới quyền Tướng quân Charles De Gaulle hợp tác với phe Đồng Minh chống lại Hitler. Vị lãnh tụ tinh thần được nể trọng bậc nhất thế giới ngày nay, Đức Dalai Lama, cũng là người đứng đầu chánh phủ người Tây Tạng lưu vong từ nửa thế kỷ qua.
Trong giới hạn của trang báo này, chúng tôi thử điểm lại một số trường hợp cá nhân từng sống đời lưu đày biệt xứ. Bên Trung Hoa thời Xuân Thu, khoảng 500 năm trước Công Nguyên, Đức Khổng Tử từng phải lưu vong khỏi quê nhà nước Lỗ. Đến tuổi trung niên, ông quy cố hương, làm đến quan to, để rồi bị thất sủng, lại phải lưu lạc khắp nơi. Mãi đến gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, Khổng Tử mới bình yên trở về nước Lỗ, mở trường dạy học và viết sách.
Bên Âu Châu đầu thế kỷ 19 có Hoàng Đế Pháp Napoleon Bonaparte làm mưa làm gió khiến 3.5 triệu người thiệt mạng. Sau khi thất bại trước cửa ngõ Mạc Tư Khoa năm 1812, Napoleon mất ngôi, bị đi đày, nhưng lại trốn thoát, gây chinh chiến hoang tàn cả Âu Châu một lần nữa, nhưng kết cuộc cũng chiến bại tại trận Waterloo lừng danh. Người Anh chán ngấy ông nên đày Napoleon biệt xứ đến hoang đảo St. Helena, cheo leo giữa Nam Đại Tây Dương, nơi vị cựu Hoàng chết vì ngộ độc ở tuổi mới ngoài 50.
Sang đầu thế kỷ 20, phong trào cộng sản quốc tế có một nhân vật khá độc đáo tên Leon Trotsky. Ông là đệ nhất công thần Bolshevik, là thành viên Trung Ương Chánh Trị Bộ đầu tiên của Nga sô sau khi Vladimir Lenin lập nhà nước chuyên chính vô sản. Tuy nhiên, chỉ mấy năm sau khi Lenin chết, Trotsky phải làm thân lưu vong sau các đụng độ với ông sếp đảng độc tài Joseph Stalin (người mà thi sĩ Tố Hữu từng than khóc “Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông thương mười”). Đầu Thế Chiến Hai, Trotsky thành lập phong trào Đệ Tứ Cộng Sản để cạnh tranh với các đồng chí trung thành với Stalin, nhưng đúng 2 năm sau Trotsky bị mưu sát qua đời tại Mexico.
Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của phong trào cộng sản thế giới là Tướng quân Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek), lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Sau khi hồng quân của Mao Trạch Đông tiếm quyền tại Hoa Lục năm 1949, Tưởng Giới Thạch cầm đầu người Hoa quốc gia chạy ra đảo Đài Loan, lập chánh phủ lưu vong, rồi giữ bằng được quốc gia Trung Hoa Dân Quốc cho đến ngày nay. Họ Tưởng là người có không ít cảm tình đối với nỗ lực kháng cộng của người Việt quốc gia thời chiến cuộc Việt Nam. Đài Loan cũng chính là chặng dừng chân đầu tiên của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trên bước đường lưu vong, sau khi quốc gia Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ Tháng Tư 1975.
Cũng trên trang báo này cách đây không lâu, chúng tôi đã có đề cập đến trường hợp ông Thaksin Shinawatra – một chánh trị gia người Thái láng giềng với Việt Nam, từng làm đến chức Thủ Tướng của xứ sở, nhưng bị quân đội đảo chánh, từ 2006 phải chạy sang Anh Quốc sống đời lưu vong. Vài thập niên trước, có nhân vật ở một lãnh vực hoàn toàn khác cũng từng gây xôn xao dư luận thế giới. Năm 1988, Văn sĩ Salman Rushdie người Iran xuất bản tiểu thuyết Những Vần Thơ Quỷ Satan (The Satanic Verses), bị lãnh tụ Hồi Giáo cực đoan Iran ban lịnh tử hình. Ông phải lưu đày biệt xứ, trong nhiều năm đi đứng ngủ nghỉ đều trong sự bảo vệ của chánh phủ Anh Quốc.
Cách đây chưa lâu, đã từng có nhiều người Việt bị kế “điệu hổ ly sơn”, đặc biệt là trường hợp các Hoàng đế Nguyễn Triều tham gia phong trào khởi nghĩa chống lại nền đô hộ thực dân của người Pháp buổi giao thời thế kỷ 19-20.
Hàm Nghi là vị Hoàng Đế thứ 8 của triều đại này, năm 1884 được phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Một năm sau, nhà vua phất cờ binh biến đánh Pháp nhưng bại trận phải rời bỏ kinh thành Huế, lập nên phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ người Việt cùng giúp vua. Đánh giặc đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt và bị chánh quyền thực dân đưa đi… an trí tận xứ Algérie bên Phi Châu, rồi nằm xuống trên đất khách năm 1943.
Vua Thành Thái là vị Hoàng Đế thứ 10, lên ngôi mới 10 tuổi. Ông nổi tiếng bình dị, gần gũi với dân chúng. Thành Thái rất cấp tiến, thạo chữ Nho lẫn tiếng Pháp, cắt tóc ngắn, vận âu phục, có thể tự lái ca nô, xe hơi, thậm chí đánh trống tuồng, v.v… Vì nặng lòng ái quốc và ý thức chống Pháp từ rất sớm, ông bị đày ra đảo Réunion giữa Ấn Độ Dương. Con trai ông là Hoàng Đế Duy Tân cũng bị đi đày ở đây sau khi bất hợp tác với chánh quyền thuộc địa, bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa. Năm 1945, Vua Duy Tân mất trong một vụ tai nạn phi cơ ở Trung Phi.
Gần đây nhất, đầu tháng 2-2014, một người con khác của vua Thành Thái là Hoàng tử Vĩnh Giêu, vừa qua đời tại Hoa Kỳ, thọ 90 tuổi. Tuy khác thời đại, và hoàn cảnh Hoàng tử Vĩnh Giêu không phải bị lưu đày biệt xứ như vua cha, cái chết của ông cũng đánh dấu sự ra đi của vị Hoàng tử cuối cùng của một dòng họ hiển hách từng có 13 đời vua ghi danh trong sử Việt (1802-1945).
Quanh sự kiện TS Cù Huy Hà Vũ, cũng có dư luận cho là sự kết thúc vì tiếng nói đối kháng không còn nhiều ảnh hưởng khi đã rời quốc nội. Tuy nhiên, lịch sử từng chứng kiến không ít chuyện lưu đày biệt xứ mà không nhất thiết phải “xong phim”, thậm chí còn thành công lớn. Nhạc sĩ thiên tài Frederic Chopin phải rời Ba Lan đi lưu vong sang Paris thời 1830. Tại Ba Lê hoa lệ, ông từng mưu sinh bằng cách chơi nhạc dạo giải trí khách sang tại các “salon”, nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này, Chopin tiếp tục cho ra đời nhiều tuyệt tác âm nhạc khác. Ba thập niên sau Chopin, có văn hào lừng danh người Pháp Victor Hugo, vì bất đồng chánh kiến với triều đại Napoleon Đệ Tam, đã bị tống xuất khỏi Pháp Quốc, đi đày ra Guernsey ngoài eo biển English Channel. Tại đây, Victor Hugo hoàn tất bộ tiểu thuyết kinh điển Những Người Cùng Khổ (Les Miserables) năm 1862 lúc đã ngoài 50 tuổi. Một văn sĩ khác sống vào đầu thế kỷ 20 là Ernest Hemingway. Thời hậu Thế Chiến Nhất, ông dọn sang Paris ở, thuộc vào thế hệ tự lưu vong khỏi Hoa Kỳ mệnh danh là “Lost Generation”. Khung cảnh này tạo cảm hứng cho tiểu thuyết Mặt Trời Vẫn Mọc (The Sun Also Rises) xuất bản năm 1926. Vài tác phẩm khác của Hemingway rất quen thuộc với độc giả người Việt gồm có The Old Man and the Sea (Ông Già Và Biển Cả), For Whom the Bell Tolls (Chuông Nguyện Hồn Ai), A Farewell to Arms (Giã Từ Vũ Khí), v.v… Những năm tiền Thế Chiến Hai, nhà bác học Albert Einstein trốn thoát khỏi nước Đức Quốc Xã, chạy sang Hoa Kỳ. Chính ông sau này giúp Hoa Kỳ thiết lập chương trình võ khí nguyên tử và chế ra những trái bom hạch tâm đầu tiên trên thế giới. Sau Einstein vài năm, đến một tên tuổi khoa học gia Đức quốc khét tiếng khác là Sigmund Freud cũng chọn đời lưu vong thay vì sống chung với Hitler, đã cập bến London. Tại đây, Freud hoàn tất bộ sách tâm lý cổ điển “Phân Tâm Học Nhập Môn” ở tuổi 82.
Trong Anh ngữ có một thành ngữ đặc biệt “German Exilliteratur” để chỉ một thể loại văn chương Đức ngữ của các tác giả người Đức lưu vong những năm 1933-1945. Các trung tâm văn chương Đức lưu vong lớn gồm có tại Paris, Amsterdam, Zürich, London, và vượt cả đại dương, sang New York, Los Angeles, Mexico, v.v… “German Exilliteratur”, hay văn chương Đức lưu vong, viết về và hướng đến cộng đồng người Đức lưu vong nhưng cũng có không ít sách vở bí mật tìm đường về lại cố quốc trong những năm chiến tranh. Trong dòng văn chương đặc biệt này, có 2 tiểu thuyết gia rất quen thuộc với nhiều độc giả người Việt là Hermann Hesse và Erich Maria Remarque. Hermann Hesse là tác giả của những Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha), Đôi Bạn Chân Tình (Narcissus and Goldmund), Sói Đồng Hoang (Der Steppenwolf)… Còn Erich Maria Remarque nổi tiếng tinh tế và sắc sảo khi viết về thân phận con người bé mọn trong hoàn cảnh chiến tranh, loạn ly qua các tác phẩm: Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh (All Quiet on the Western Front), Chiến Hữu (Three Comrades), Khải Hoàn Môn (Arch of Triumph), Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết (A Time to Love and a Time to Die, 1954), Đêm Lisbon (The Night in Lisbon)…
Một cách nào đó, cũng có thể thấy phảng phất ít nhiều trong không khí người Việt ly hương của thế kỷ 21 những số phận lưu đày biệt xứ hay chuyện văn chương Đức lưu vong trước kia. Hãy cùng cầu chúc cho những cá nhân đang dấn thân tranh đấu vì một quê hương Việt Nam tự do, phi cộng sản được “chân cứng đá mềm”.
Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm công du Đài Loan năm 1960. Lãnh tụ Trung Hoa quốc gia Tưởng Giới Thạch (phải) rất thân thiết với VNCH.
TD