
Trẻ em chống bè đi tắm suối
Mùa hè năm nay, các tỉnh Đông Nam Bộ nhiệt độ luôn duy trì ở mức 36, 37 độ. Miền Tây mát hơn, cũng 34, 35 độ. Công sở trường học mở máy lạnh, quạt máy suốt ngày. Thứ Bảy, Chủ Nhật Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên, hồ bơi Kỳ Đồng… đen đặc đầu người. Nhưng đó là nội thành, còn ngoại thành và vùng nông thôn không có cà phê máy lạnh, hồ bơi tiện nghi, người dân, nhất là trẻ nhỏ lại có cách giải nhiệt khác: Tắm sông. Khi cha mẹ bận đi làm, chúng túm năm tụm ba chơi tha thẩn với nhau bên bờ ao, bờ mương. Nóng, nhảy ùm xuống nước, tắm táp, bơi lội, đùa cười nắc nẻ. Chuyện bơi giỏi thường không do người lớn dạy, mà do học lẫn nhau.
Anh Tác, công nhân nhà máy điện Thủ Đức nhớ lại năm sáu tuổi đã ôm cây chuối tập lội trong mương vườn. Mười tuổi đứng trên bờ sông Đồng Nai cho mấy anh lớn ẵm quăng ra xa như quăng con nhái. Mười ba mười bốn tuổi đã dám nín hơi, thở ống đu đủ, lặn kình (đua) từ bờ ra giữa cồn Rùa. Cứ thế, trong tâm trí trẻ thơ, bơi lội không bao giờ là một hiểm họa, mà chỉ là thú vui. Cho tới khi có đứa bị ‘ma da bắt mạng’, đem lên bờ, người tái xám, hết thở…

Cầu Đồng Nai (bắc qua cù lao Phố) nơi tắm sông và bị ‘ma da bắt’ của nhiều thế hệ thanh thiếu nhi Biên Hòa
Là một người mẹ có con bị chết đuối, chị Út Ten, người Cái Bè – Tiền Giang khóc đau khổ vì ‘Ai ngờ nó chết dễ vậy. Buổi sáng mò hến cho mẹ bán. Tới trưa không thấy về. Mượn ông Hai hàng xóm lặn tìm…’. Những câu chuyện như vậy, không hề là cá biệt. Người dân Đất Đỏ – Vũng Tàu, còn nhớ như in cái chết của hai anh em ruột họ Bạch. Anh 13 tuổi, em 7 tuổi. Mẹ bỏ đi lấy chồng khác, cha một mình làm thuê nuôi con. Hai anh em nương nhờ nhà nội. Học một buổi, mò cua bắt cá một buổi. Tưởng như vậy đã đủ khổ. Nào ngờ, từ công trường xây dựng, anh Bạch nhận điện thoại gọi về gấp. Chưa vào tới ngõ, đã nghe tin hai đứa con đi mò cua, chết đuối cả hai. Nhân đây nói thêm, đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có bờ biển dài, bãi tắm nhiều, chuyện bị chết đuối hầu như thường xuyên.
Tỉnh Đồng Nai, với con sông Đồng Nai dài, hình thành nhiều cù lao, nhiều bãi khai thác cát, cảnh chết đuối của thanh thiếu niên tắm sông, bơi đua, mò vớt phế liệu, cổ vật…cũng không phải hiếm hoi. Đem chuyện hỏi cảnh sát đường sông và phòng “quản lý tài nguyên môi trường”, kẻ viết bài được một vị ‘bạn dân’ tên Nguyễn Văn Sóc kể lể: ‘Rình hoài mà đâu xuể! Tụi đào đãi lậu toàn làm ban đêm. Chỗ tụi nó đào, đa phần hẻo lánh, giáp ranh với huyện bạn, xã bạn để bên này ‘dí’ thì nó tẩu qua bên kia. Lực lượng mình mỏng, muốn bắt phải làm công văn, xin hợp đồng với bạn, rất nhiêu khê. Mà bắt xong, phạt, thả ra, đâu lại hoàn đó. Như cóc bỏ dĩa’.

Làng bè sông La Ngà (Đồng Nai) nơi nguy cơ chết đuối luôn rình rập trẻ em
Cảnh chết đuối mùa hè càng về miền sông nước Tây Nam Bộ càng lắm nỗi. Chú Sáu, người Vĩnh Long, có mặt trong đám ma một đứa cháu họ bực bội nói ‘Mùa mưa lũ mênh mông, không phân biệt chỗ nào đường, chỗ nào mương vũng, hầm hố, té lọt xuống chết, không nói. Đằng này, mùa khô mà vẫn chết đuối, mới lạ!’. Trên di ảnh, đứa cháu trai khôi ngô, mười ba tuổi, học lớp tám, câm lặng nhìn chú. Em không còn nói được. Chứ nếu nói được, em sẽ cho chú biết, thủ phạm gây ra cái chết của mình không phải là sông nước mà là… bạn gái. Kể về cái chết của cháu trai chú Sáu, một nhân chứng cho biết, ‘Năm đứa, nghỉ hai giờ cuối, không về nhà, rủ nhau đi tắm hầm. Hầm, theo cách gọi của các em, là một cái đầm hoang um tùm lau sậy. Hai thằng con trai cởi áo, bơi đua. Hai đứa con gái men bờ hái hoa súng. Một đứa trượt chân. Đứa trên bờ kéo. Trượt theo, chới với, la thất thanh, rồi chìm hút. Đang ngồi trông đồ cho các bạn, cháu trai chị Tư lao vội xuống. Rốt cuộc chỉ cứu được một cô bạn. Bản thân cậu bé, bị cô bạn còn lại ôm cứng, không giẫy ra được, đành chết cả đôi. Sau cái chết thương tâm này, nhà trường đã họp, cấm học sinh đi bơi những điểm vắng vẻ, không có người lớn trông coi…
Và để hạn chế những cái chết thương tâm không đáng có, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, nơi khai thác cát hoành hành dữ dội khiến sông ngòi thay đổi dòng chảy, tạo các vực sâu, xoáy nước nguy hiểm… thì nên ngăn cấm dứt khoát, phát hiện ‘hố tử thần’, kịp thời cắm biển báo. Hy vọng những cách làm này lâu dần sẽ giúp Việt Nam không còn ‘bị tôn vinh’ là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số trẻ chết đuối như hiện tại.

Khu vực ‘cát tặc’ làm ăn đêm ngày, công khai trên sông Đồng Nai, thuộc huyện Tân Uyên- nguyên nhân hình thành xoáy nước, vực sâu, dễ gây chết đuối