Menu Close

Những người Mỹ có lòng

Chị em tôi gồm có tám người, năm gái và ba trai; tôi là con gái thứ nhì trong gia đình. Lúc mới sang Mỹ, ba má tôi có 5 đứa cháu ngoại, con của chị tôi. Con số cháu ngoại và nội của ba má tôi dần tăng lên theo thời gian. Ba tôi mất năm 93. Từ đó, có lẽ chiêm niệm về sự chết trong tâm trí của má tôi nhiều hơn trước. Mỗi khi các cháu đi học về và thưa, “Thưa Bà con đi học về.” Bà thường nói với tôi, “Ước gì Má được sống đến khi nhìn thấy các cháu của Má học hành ra trường và thành đạt.”

Mùa Xuân năm 2007, con gái tôi ra trường luật ở Ann Arbor, Michigan. Năm đó Má tôi cũng đã 80 tuổi và đang ở với em trai tôi bên Cali. Tôi phôn cho Má tôi biết cháu ngoại của Bà ra trường và hỏi liệu Bà có đi được không để tôi lấy vé máy bay cho Bà. Má tôi trả lời giọng vui lắm, “Má đi được chứ!” Và Bà nói, “Sẵn dịp cháu ra trường, Má dự lễ ra trường của cháu xong thì Má muốn về bên con ở chơi với mấy cháu ít lâu rồi Má mới về Cali.” như thế tôi hiểu rằng phải mua 3 vé máy bay một chiều chứ không mua vé khứ hồi, và phải mua sớm để kiếm vé giảm giá (discount). Tôi hỏi cậu em thì cậu nói, “Việc trong hãng Em đang gấp nhưng em sẽ xin ông xếp làm thêm giờ tuần lễ trước tuần đó thì Em đi được; nhưng Chị đừng mua vé trước cho Em, gần đến ngày đó Em sẽ tự mua.” Vậy có nghĩa là Má tôi sẽ đi máy bay một mình. Tôi mua vé online và kèm chú thích là Má tôi không biết tiếng Anh cần người giúp đổi máy bay.

Tôi qua bên con gái tôi trước Má tôi một hôm, hôm sau tôi ra phi trường Detroit đón Bà. Vì không rành những khu vực đậu xe như ở sân bay Dallas, tôi quẹo vào khu vực không thuộc phạm vi tôi có thể đậu;  tôi phải trở ra ngoài xong mới quay vào sân bay lại. Trong khi tôi còn lúng túng tìm khu vực để đậu xe thì phôn của tôi reng mấy lần, tôi biết là cậu em tôi gọi vì cậu ấy nóng lòng muốn biết Má tôi đã đến chưa, sợ Bà đi lạc. Tôi thấy xe phía sau nhiều quá sợ làm tắc nghẽn giao thông nên tôi không trả lời phôn. Vừa bước vào trong nhà ga thì đã thấy 2 nhân viên hãng máy bay, một người đẩy cái ghế handicap Má tôi ngồi, một người mang cái túi xách và đẩy cái vali nhỏ của Bà. Một nhân viên tươi cười và hỏi tôi, “Đây có phải là người hành khách mà cô đang tìm không?” thì cũng vừa lúc cậu em tôi phôn nữa. Tôi đưa phôn cho Má tôi nói chuyện với cậu ấy luôn; tôi nghe Bà nói với cậu em, “Má đi đâu nhân viên hãng máy bay cũng đưa Má đi và bắt ngồi ghế handicap họ đẩy chứ không cho Má đi bộ, vậy Má đâu có lạc được; sao mà con phải lo.”  

Cậu em tôi thuê xe nên tôi không cần phải đón. Chuyến bay của cậu ấy đáp muộn. Lúc gặp tôi cậu ấy trách, “Em đã nói để em mua vé mà chị cứ vội mua, để Má đi máy bay một mình em không an tâm chút nào.” Má tôi bảo, “Con lo làm gì không biết; nhiều lần Má về Việt Nam thì cũng đi máy bay một mình đấy thôi.” rồi Bà lấy thẻ lên tàu (boarding pass) cho chúng tôi xem và nói, “Nhân viên ở quầy vé làm thẻ cho Má ngồi khoang hạng nhất đây này.” Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên, nhất là tôi, vì thẻ lên tàu của Má tôi ghi ghế số “1” – lúc mua vé tôi đã chọn số ghế cho Má tôi ngồi khoang giữa phía ngoài (aisle); thì ra: nhân viên ở quầy vé thấy Má tôi lớn tuổi và không nói được tiếng Anh nên ghi số ghế cho Má tôi ngồi ghế số 1 khoang hạng nhất. Má tôi kể thêm, “Lúc lên máy bay, nhân viên đưa Má lên trước nhất, khi máy bay đáp họ mang ghế handicap cho Má ngồi và đưa ra khỏi máy bay cũng trước nhất. Thật là mấy người Mỹ tử tế hết sức!”

Má tôi ở chơi nhà tôi mấy tuần. Hôm đưa má tôi ra phi trường về lại Cali, tôi và Má tôi đến trước quầy và chìa vé ra, ông nhân viên đưa tay nhận tấm vé trên tay tôi đồng thời ông nói, “Chuyến bay sắp cất cánh đông lắm, nhưng để tôi xem có thể tìm chỗ nào tốt nhất cho Bà Cụ.” Ông không nhìn thẻ lên tàu tôi vừa đưa cho ông; cùng lúc ông nói thì ông đã bấm vào computer gọi người mang ghế handicap đến để đưa Má tôi vào trong. Một nhân viên mang ghế handicap đến trong lúc ông còn đang dò số ghế để tìm cho Má tôi chỗ ngồi tốt hơn. Vừa in thẻ lên tàu có số ghế ông vừa chọn, ông vừa bảo tôi, “Cô muốn chờ máy bay cất cánh thì chờ, nếu như bận việc gì thì cứ về đi, từ đây đã có chúng tôi lo, cô an tâm.”

Tôi thông dịch cho Má tôi những diễn tiến và những gì các nhân viên nói thì Má tôi cứ kêu nói “Giêsu Ma! sao mà có những người tốt lành thế. Làm việc mà giúp mình hết lòng như thể mình là người nhà của họ vậy.” Má tôi có tật động một tí chuyện gì Bà cũng kêu “Giêsu Ma” mà tên Chúa thì Bà không kêu tắt, tên Đức Mẹ thì Bà chỉ kêu là “Ma.”

Một chuyện khác: Nhà tôi ở xa thỉnh thoảng cần mua thực phẩm tôi phải lên vùng Dallas/ Garland đi chợ Việt Nam.

Một lần trên xa lộ I-35 South, đi chợ về chưa đến Hillsboro, thì bánh xe trước bên phải của tôi bị nổ. Lúc bánh xe nổ thì xe tôi đang ở lane ngoài, xe bị chao và nghiêng một bên; tôi xi nhan xin qua mặt một xe truck chở hàng để tấp vào lề. Vừa bước ra khỏi xe, tôi thấy chiếc xe truck đã tấp vào lề và ông tài xế người Mỹ đang đi bộ ngược lại phía xe tôi. Ông hỏi tôi có bánh sơ cua không (spare wheel), tôi trả lời “có” và mở cốp lấy bánh sơ cua mang lại trong khi ông xem xét bánh xe bị nổ. Ông hỏi tôi có con đội không, tôi trả lời “không” thì ông bảo, “Xe nào cũng có con đội.” Tôi trả lời, “Nhưng xe tôi không có, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con đội trong cốp xe của tôi.” Ông Mỹ đến cốp xe tôi, lật thảm lên cũng không tìm thấy con đội; ông suy nghĩ và tiếp tục kiếm, cuối cùng ông kéo mép thảm một chỗ bên hông cốp xe thì có con đội (vết thảm cắt ở chỗ để con đội rất khít nên cả tôi và ông Mỹ không nhìn thấy).

Ông đang thay bánh xe tôi hỏi ông, “Tôi có thể trả công ông bao nhiêu?” Ông bảo, “Lúc cô signal xin qua mặt để vào lề tôi thấy xe cô bị nghiêng nên tôi dừng lại thay bánh xe giúp cô không lấy tiền.” Tôi cho ông biết tên thành phố tôi đang ở và hỏi, “Ông lái xe trên đường này thế ông có ở cùng thành phố với tôi không?” Ông Mỹ đoán biết ý tôi ngay, ông trả lời, “Nhà tôi ở xa hơn thành phố cô ở và đích đến của tôi cũng còn xa. Khi tôi nhìn thấy một chiếc xe như thế này bị chao nghiêng và tấp vào lề, tôi đã đoán rằng người lái xe này là đàn bà, và đàn bà thường không biết thay bánh xe nên tôi dừng lại giúp cô. Cô đừng nghĩ đến chuyện trả công tôi, chỉ cần nhớ là bánh sơ cua không chạy được lâu, về đến nhà cô nhớ đi thay bánh xe mới sớm nhé.”

Chuyện này xảy ra cách đây có hơn 10-15 năm rồi; thời gian đó tôi lái chiếc Volvo nên ông Mỹ nhìn chiếc xe đã đoán rằng người lái xe là đàn bà. Chiếc xe Volvo của tôi giờ đây đã rệp lắm rồi không chạy xa được nữa. Đôi lúc nhớ lại những người đã làm ơn cho mình mà không cần được trả ơn lòng tôi chợt băn khoăn… Một lần nữa, xin CẢM ƠN “U,” những người có lòng.

Minh Tuyết