Menu Close

Cảm nhận về Phục Sinh

Rất nhiều khi chỉ cần xem một cuộc triển lãm tranh hay nghe một chương trình âm nhạc giao hưởng, người ta bỗng thấy lòng xao xuyến tưởng như khung cảnh cũ huyền thoại xưa từ quá khứ trở về, gợi nhớ những điều có liên quan đến di sản văn hóa của nhân loại. Tôi đang sống trong cảm giác này, khi thinh lặng để lòng hòa nhập vào giai điệu đầy tình mến của những bài thánh ca truyền thống “Chúa Đã Sống Lại! He Is Risen!” “Chúa Nhật Phục Sinh – Easter Sunday,” “Pipe Organ, Christ The Lord Is Risen Today”… Thánh Ca thật đúng như tên gọi, từng nốt từng lời mang âm hưởng độc huyền của giòng suối êm mơ chảy vào đáy sâu nội ngã, mời gọi tôi cảm nhận những trải nghiệm đã trở thành chân lý, đã trở thành kinh ngọc của cuộc đời. Chẳng phải riêng tôi mà bất cứ ai cũng thế, không cần biết đời thường chúng ta có quan niệm sống như thế nào, nhưng mỗi khi lắng nghe giòng thánh nhạc tự nhiên thấy cả xác hồn thấm nhuần ơn trìu mến, thấm nhuần dấu tích tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Tưởng như chỉ cần tháo bỏ những bao phục mang trên thân thể, chỉ cần khiêm tốn nhận ra mình là cát bụi – như dấu tro bụi những người Kitô Hữu lãnh nhận trong ngày Thứ Tư Lễ Tro – người ta đã trở nên cao thượng, đã dư đầy ân sủng thiên lý của Thiên Chúa, đã có thể đem tình yêu cao vời khôn ví ấy vui với ai mừng vui khóc với ai đang khổ sầu, đã có thể rao giảng Tin Mừng cho trần thế bằng chính hành động “bẻ bánh” chia sẻ với cả tâm tình. Chợt nhớ nhà thơ Tagore từng nói: “Người đã đặt lên môi tôi cái chén của sự chết, và đổ đầy vào đó sự bất tử – The cup of death to my lips, filling with life from your own.”[1] Cảm nhận này của Tagore, phải chăng bắt nguồn từ giòng thánh nhạc uyên nguyên vang giữa đường về thượng trí.

Trong nắng trong gió con đường trải dài đưa người ta đến chân trời góc bể như thế nào, tâm tình hiến dâng cao thượng cũng dẫn người ta đến tuyệt đỉnh tinh thần y như vậy. Ở tận cõi bao la mênh mông nhất ấy, âm nhạc là khí cụ tao nhã giúp người ta nhận ra khuôn mặt đích thực và tính bản thiện của chính mình. Từng âm tiết thăng trầm của những nốt đen tròn luyến láy mặc nhiên gột rửa cát bụi ven đường, mặc nhiên gột rửa những âm mưu bất chính, để người ta được thánh tẩy trong bí tích tình yêu bất tử – sự bất tử mà Tagore từng cảm nhận. Đi qua những truông dài có nhiều lối mòn, nhiều ngả rẽ, nhiều đường cong quá lâu rồi. Giờ đây đứng trước cõi bao la mênh mông của tuyệt đỉnh tinh thần, nghe giòng nhạc bất tử âm vang, phải chăng bất cứ ai cũng có thể nói như Hàn Mặc Tử: “Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ. Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.” [1] Hàn Mặc Tử tỉnh trong điên điên trong tỉnh, nhưng chắc chắn một điều thơ của ông rất thật, thật đến nỗi dù có yêu Đức Mẹ Chúa Trời hay không, cõi người ta vẫn nghe triều âm sóng ngân vang khi nhớ từng câu chữ nạm vàng dát ngọc của ông: “Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý. Trượng phu lời và tông đồ triết lý. Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh. Là nguồn đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.” [1] Con đường trùng khởi quan san, qua sông sóng vỗ bạt ngàn lau thưa. Bến đời bào ảnh cũng vừa, trăng trầm ảnh thủy đò đưa nhớ người. Phải lên đến tuyệt đỉnh tinh thần, phải chấp nhận uống hết cái chén của sự chết, Hàn Mặc Tử mới có thể bất tử trong giòng thơ một cõi riêng ngồi của chính ông – một sự bất tử mà ai trong cõi người ta cũng đều khao khát.

Giữa giòng thánh nhạc du dương, những quả trứng sơn đủ màu đỏ vàng xanh trắng, óng ánh kim tuyến tuyệt đẹp, gợi nhớ những truyền thuyết xa xưa vẫn được thực hiện trong Mùa Lễ Phục Sinh. Chữ Easter có nguồn gốc từ chữ Eastre còn gọi là Eostre, tên nữ thần mùa xuân của giống dân Teutonic – gồm có các dân tộc Anh, Đức, Na Uy. Nữ thần Eastre được thờ phượng và tôn kính vào đầu mùa xuân, khoảng Tháng Tư Dương Lịch, có nhiệm vụ phục hồi sinh lực cho đất đai thổ nhưỡng sau mùa đông giá lạnh. Nữ thần Eastre cũng được xem là bà tiên nhân ái, ban phước cho vạn vật sinh sôi nảy nở tốt lành. Huyền thoại cho rằng nữ thần Eastre thường xuất hiện trong hình dáng của con thỏ; vì thế một nàng thỏ xinh đẹp luôn được dùng làm biểu tượng cho nữ thần khi tế cúng. Phẩm vật tiến dâng là những quả trứng gà luộc chín –  tượng trưng cho quả trứng sáng tạo ra vũ trụ và sự tái sinh của vạn vật –  cùng hoa trái đầu mùa. Eastre là nguồn gốc khai sinh ra “Easter Bunny – Thỏ Phục Sinh,” và “Easter Eggs – Trứng Phục Sinh.” Danh xưng Eastre đến từ Phương Đông, nên Eastre còn được xem là Nữ Thần Bình Minh. Không chỉ riêng các quốc gia Anh, Đức hay Na Uy, nhiều dân tộc trên thế giới cũng cho rằng trời đất được tạo thành từ một quả trứng; đối với họ trứng còn là hình ảnh của sự tái sinh. Những người Kitô Hữu tiên khởi lấy quả trứng, làm biểu tượng cho sự sống lại từ cõi chết của Chúa Jésus. Chính vì thế trứng và thỏ là hai hình ảnh không thể thiếu trong mùa Phục Sinh. Tại thành phố Weimar  ở Đức – có một phong tục gợi nhớ đến đại thi hào Johann Wolfgang Von Goethe, người từng sống hàng chục năm ở đấy. Sinh thời năm nào thi hào Goethe cũng mời trẻ em đến vườn nhà ông, vào ngày Thứ Năm trước Phục Sinh. Trong vườn ông giấu sẵn trứng, để chúng đi tìm. Thành phố Weimar duy trì truyền thống này, mời trẻ em tham gia trò chơi “Tìm trứng thỏ” trong công viên bên dòng sông Ilm, nơi còn đó ngôi nhà của Goethe.

Không cần biết đời thường chúng ta có quan niệm sống như thế nào, nhưng chỉ cần lắng nghe giòng thánh nhạc tự nhiên thấy cả xác hồn thấm nhuần ơn trìu mến, thấm nhuần dấu tích tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Giữa giòng thánh nhạc du dương, những quả trứng sơn đủ màu đỏ vàng xanh trắng, óng ánh kim tuyến tuyệt đẹp, gợi nhớ những truyền thuyết xa xưa vẫn được thực hiện trong Mùa Lễ Phục Sinh. Nguyện chúc chúng ta và tôi luôn an vui sống, vì được thừa hưởng những di sản văn hóa đạo đức bất tử có trong cõi người ta.

alt

HV
2:02am Thứ Hai ngày 14 tháng 4 năm 2014
[1]. Trích từ “Lover’s Gift XLIII: Dying, You Have Left Behind.” Thơ Rabindranath Tagore
[2]. “Ave Maria.” Thơ Hàn Mặc Tử.