Mỗi khi tôi nói tiếng Việt, thì mọi người rất là ngạc nhiên và nói với tôi rằng: Con là Mỹ hay là Việt Nam? Sao con nói được tiếng Việt giỏi vậy? Thật ra ba tôi là người Mỹ gốc Viêt, chắc vì lẽ đó mà tôi cũng phần nào nhìn giống người Mỹ nên mọi người thường nghĩ rằng tôi không biết tiếng việt. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, mẹ hay nhắc nhở tôi rằng phải cố gắng học tiếng Việt vì mình là người Việt Nam, dù đi đâu hay ở đâu cũng phải luôn luôn nhớ và nói tiếng mẹ đẻ của mình. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã được mẹ đưa đến sinh hoạt ở chùa . Đi học ở trường Việt ngữ và tụng kinh mỗi tuần đã giúp tôi biết đọc và nói tiếng Việt. Sống bên Mỹ, tôi thấy trẻ em sinh ra và lớn lên ở đây ít ai có thể đọc hay viết tiếng Việt. Tôi đã từng nghĩ rằng, bên Mỹ thì chỉ cần biết tiếng Anh thôi, biết tiếng Việt thì có ích gì? Nhưng bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, biết và đọc được tiếng Việt đó là một điều rất tốt, tôi tự hào nói với mọi người rằng tôi là người Việt Nam.

Lần đầu tiên đến chùa, bước chân vào lớp Việt ngữ, tôi giống như một đứa học sinh mẫu giáo. Tôi không biết đọc hay viết một chữ nào. Lúc đó tôi có một em bà con bạn dì đã giúp tôi làm bài. Khi viết bài chính tả, tôi thường hay chép bài của em ấy. Chính vì vậy, mà tôi không học được gì cả. Và khi tụng kinh, tôi chỉ lép nhép cái miệng để mọi người nghĩ rằng tôi biết tụng kinh. Nhưng thật ra tôi chỉ nhép miêng mà thôi. Một năm trôi qua, tôi đã dần dần biết nhiều hơn trước. Trong vòng hai năm, ngồi nghe tụng kinh riết tôi cũng đã thuộc hết những bài kinh và cũng đã không chép bài của em mình nữa. Vào năm thứ ba thì tôi cũng đã nói, viết và đọc thông thạo. Ít lâu sau, trường Việt ngữ đã đóng cửa vì không còn ai chịu đi học. Tôi rất buồn khi biết trường đã đóng cửa vì ít nhiều gì tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ ngôi trường thứ hai này, ở đây chúng tôi không những học tiếng Việt không thôi mà còn học được cách ứng xử với người và sự việc nữa. Cảm ơn ngôi trường thứ hai của tôi.
Tuy trường Việt Ngữ đã đóng cửa, nhưng tôi vẫn đi chùa mỗi tuần. Tôi đã rất mến cái chùa này và mọi người ở đó, họ rất vui vẻ và gần gũi. Khu nhà của tôi ở có rất nhiều người Việt lớn tuổi không biết tiếng Anh cho nên mọi người hay nhờ tôi giúp họ về việc thông dịch. Khi giúp được mọi người thì tôi cảm thấy rất là tự hào với bản thân mình. Biết được hai thứ tiếng không chỉ giúp được cho bản thân mình, mà còn giúp được cho người khác. Vì vậy, khi lên đại học, tôi đã đăng ký vào lớp Tiếng Việt tại trường University of Georgia (UGA). Mặc dù tôi đã biết tiếng Việt, nhưng mà tôi vẫn muốn tiếp tục học vì còn nhiều từ ngữ và văn hóa của Việt Nam mà tôi chưa bao giờ biết đến.

Khi lên đại học, tôi đã ít đi chùa vì trường đại học rất xa. Có khi hai ba tuần mới có dịp về nhà, lúc đó tôi dành một ít thời gian để đến chùa. Mặc dù không đi chùa thường xuyên như trước, ít giao tiếp với nhiều người Việt Nam hơn, tuy nhiên tôi vẫn và đang cố gắng trao dồi thêm kiến thức tiếng Việt của mình bằng cách giao tiếp nhiều với những người bạn Việt tại trường. Đến UGA thì tôi đã tham gia vào nhóm Vietnamese Student Association (VSA). Trong nhóm này, tôi đã gặp được những người bạn Việt Nam và tham gia trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Georgia. Còn trong lớp tiếng Việt, cô giáo dạy cách nói và viết cũng như thành ngữ. Vào dịp Tết, chúng tôi còn học về tập quán và món ăn Việt. Cô Giáo không chỉ muốn chúng tôi biết ngôn ngữ, mà còn muốn chúng tôi phải biết học hỏi về những ngày lễ truyền thống và phong tục của Việt Nam. Như vậy chúng tôi mới hiểu được văn hóa của Việt Nam phong phú như thế nào.
Tôi thấy mình rất là may mắn, điều đầu tiên là tôi có cơ hôi được đến Chùa học tiếng Việt từ nhỏ. Điều may mắn thứ hai là sau khi chuyển đến học tại UGA thì tôi lại có cơ hội học tập thêm tiếng Việt tại trường. Bây giờ điều mà tôi phải cố gắng đó là học xong bằng cử nhân, ra trường, kiếm việc làm và báo hiếu lại cho cha mẹ. Và tôi cũng mong rằng, những ai là người Việt Nam sinh ra hay lớn lên tại Mỹ, thì hãy cố gắng học hỏi thêm tiếng mẹ đẻ của mình. “Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
