Menu Close

Tôi là ai?

Gia đình tôi đã rời quê hương Việt Nam để đến Hoa Kỳ từ những năm 1980 và lúc bấy giờ hành trang mang theo của tôi chỉ có những gì gọi là văn hóa Việt Nam. Dù ở Mỹ, những nét đặc trưng của gia đình, của quê hương đã nuôi lớn tôi. Xung quanh tôi là người Việt và như một lẽ tự nhiên, tôi nói tiếng Việt. Chính bởi điều đó mà những ngày đầu đi học của tôi là những chuỗi ngày khủng hoảng vô cùng. Ở trường, mọi người nói tiếng Anh, họ ăn mặc khác tôi và thậm chí cách họ tư duy cũng khác. Tôi bắt đầu thấy mình lạc lõng, bơ vơ như ở hành tinh nào rơi xuống. Và đó cũng là lúc tôi bắt đầu tách biệt bản thân mình với nguồn gốc.

alt

Hình gia đình tôi ở Việt Nam

Từ lúc nhận ra rằng mình “khác” với những đứa trẻ cùng trang lứa ở trường, tôi cũng dần bị đồng hóa và những gì tôi lo lắng trước kia đã từ từ trở nên “bình thường”, thậm chí tôi đã thay đổi một cách vô thức. Trong nhiều năm liền, tôi cố làm mọi thứ để kéo mình ra khỏi những gì được gọi là di sản củaViệt Nam. Dù có đôi lúc phải đấu tranh quyết liệt, song tôi đã làm rất “tốt”. Một ví dụ điển hình là khi còn nhỏ, tôi luôn ý thức về sự tồn tại của hai ngôn ngữ trong tôi. Tuy nhiên, vài năm sau đó tôi nhận ra rằng tôi càng ngày càng ít nói tiếng Việt, tôi chỉ nói tiếng Anh. Và rồi tôi không thể nói tiếngViệt thành lời nữa. Ba mẹ tôi rất buồn vì tôi đã dùng nhiều tiếng Anh hơn để trả lời. Sau đó, ba mẹ tôi nài nỉ tôi đến trường học tiếng Việt vào chủ nhật hàng tuần nhưng rất tiếc, tôi đã không hiểu tại sao họ lại thất vọng khi tôi không muốn học thứ ngôn ngữ “không cần thiết” mà những đứa trẻ Việt kia đang học.

Mãi cho đến khi tôi là sinh viên năm thứ hai trường đại học Georgia, tôi vẫn cố chối bỏ sự thật rằng tôi là người Việt Nam. Tính vào lúc đó thì khoảng thời gian tôi xa rời nguồn gốc người Việt của mình cũng khá lâu. Thậm chí nếu ai hỏi gì về tôi, tôi đều nhanh nhảu trả lời rằng ba mẹ tôi là người Việt Nam nhưng tôi được sinh ra ở Mỹ và cố gắng chứng tỏ rằng tôi không phải là người Việt Nam. Nhưng rồi tất cả đã thay đổi sau kỳ nghỉ hè thăm gia đình tại Việt Nam.

Khi mới nghe ba mẹ tôi nói về chuyến đi Việt Nam, tôi đã lập tức thấy sợ. Những năm qua tôi đã cố tránh bản thân mình nhưng một lần nữa, tôi bị buộc phải đối diện với nó. Suốt 25 giờ đồng hồ trên chuyến bay về Việt Nam, tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng chủ yếu là làm sao để vượt qua một tháng rưỡi ròng rã trên mãnh đất “nước ngoài” kia. Vậy mà cuối cùng thì  câu trả lời là tôi không cần phải vượt qua nó nữa vì nó đã trở thành một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời tôi.

alt

Vừa đặt chân xuống phi trường, tôi đã được người thân chào đón nồng nhiệt, từ những thành viên mà tôi chỉ biết qua lời kể chứ không biết nhiều về họ, tôi thậm chí không biết hết các thành viên trong gia đình. Ngược lại, họ đối với tôi như thể họ biết tôi từ thuở nào vậy và tôi thật bất ngờ. Cảm giác tình thân thật là ấm áp. Bức tường thép mà tôi đã đặt ra cho bản thân suốt những năm qua giờ đây tan biến nhanh chóng. Trong suốt 6 tuần trãi nghiệm, tôi có dịp tiếp xúc, gần gũi với người thân và bạn bè ở Việt nam, ngắm nhiều danh lam thắng cảnh và hiểu thêm về nét đẹp văn hóa Việt Nam. Khi ấy, tôi phát hiện ra rằng “bản thân tôi” như một người khác chứ không phải tôi, đang từng bước hòa nhập vào cuộc sống vui vẻ kia. Hơn nữa, tôi đã có dịp nói lại tiếngViệt của mình. Tôi đã may mắn có được cơ hội trải nghiệm những phong tục tập quán đáng quí của dân tộc, thứ mà tôi đã bỏ lỡ trong suốt nhiều năm qua và bỗng nhiên, tôi nhận ra chính tôi đã tạo nên sự bất công cho mình khi cố tình phủ nhận những thứ vốn có của bản thân. Chuyến đi nhanh chóng kết thúc, một cảm giác buồn rười rượi khi tôi quay về Mỹ, tôi đã xa ViệtNam lần nữa! Tôi cảm giác như mình vừa tìm thấy những thứ tuyệt diệu nhất nhưng lại rời bỏ nó. Thế nhưng sau vài tuần chán nản, tôi nhận ra rằng, tôi không hề mất đi những thứ tuyệt diệu đó bởi thực tế, những điều đẹp đẽ của Việt Nam luôn tồn tại trong tôi. Tôi mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa Việt

Thay vì trốn tránh, tôi một lần nữa muốn khẳng định lại bản thân rằng tôi là người Việt, và tôi đã quyết định học tiếng Việt để bắt đầu điều đó. Rất may mắn, trường UGA có chương trình Việt ngữ, trong lớp, chúng tôi không chỉ được học cách giao tiếp bằng tiếng Việt mà còn đọc sách báo, và thực tập viết văn cũng như nghiên cứu về văn hóa Việt. Đó cũng là cơ hội cho tôi có thể viết lên những suy nghĩ của mình bằng tiếng Việt. Mặc dù đã có vốn từ căn bản, nhưng tôi đã cố gắng hết sức học lại tiếng của mình để diễn tả cảm xúc trọn vẹn hơn vì biết rằng điều này không dễ chút nào. Giờ đây, tôi đang tiết kiệm tiền cho một chuyến đi Việt Nam trong hè này. Tôi biết rằng có những đứa trẻ đa văn hóa khác cũng lớn lên với những khủng hoảng như tôi trước kia và qua những lời chia sẻ kinh nghiệm bản thân này, tôi mong các bạn trẻ có cùng hoàn cảnh như tôi hãy tôn trọng nét riêng biệt của mình và không có gì là sai khi bản thân ta là biểu hiện của sự đa văn hóa.

Lớp Tiếng Việt của tôi