Menu Close

Lững thững giữa đời – Lê Thiệp

Mới nhìn thấy bốn chữ “Lững Thững Giữa Đời” in trên bìa sách, người ta đã hình dung ra một con người nhàn hạ, không cố ý đi một nơi nào đó và nếu có đến cũng chỉ xem như sự tình cờ, được hay không được vẫn lững thững (chớ sao!) Nhà văn Lê Thiệp đã “lững thững” đi như vậy, để rồi khi những bước chân gần như là định mệnh ấy dẫn ông đến với nghiệp dĩ làm báo, ông đã “lững thững” viết về những gì cũng “lững thững” xuất hiện giữa đời thường. Một “Làng Báo Sài Gòn Thiếu Chân Chạy,”(trang 51) hay “Từ Văn Đô Đến Viễn Ấn,” (trang 65)  hay “Chuyện Cổ Tích Typo” (trang 99)… Chỉ cần đọc bấy nhiêu thôi, người ta đã có thể hình dung ra không gian làm báo của nhiều nhân vật và một công việc đầy nét đặc thù: Những người tay ngang, ngày này qua ngày khác thu lượm những sự kiện khác thường xảy ra tại địa phương viết thành mẩu tin gửi cho báo, lâu dần trở thành ký giả. Những hãng tin hay cá nhân chuyên lùng sục chuyện đời thường từ quê ra tỉnh, cũng để cung cấp cho báo. Những người thợ xếp chữ, hay nói theo cách gọi chuyên môn là thợ xếp typo, âm thầm cần mẫn tìm từng con chữ đặt trên bản kẽm, cho đến khi thành câu hết bài. Đa số thợ typo hồi đó đều là thanh niên, vì còn trẻ mới sáng mắt để xếp không sai chữ.  

Làm phóng viên viết bài tường thuật quen với châm ngôn: ngắn-gọn-rõ-đầy đủ nghĩa, chính vì thế văn phong của nhà văn Lê Thiệp nhẹ nhàng, dễ đọc và dễ cảm nghiệm. Hãy xem ông tả món  ăn “Kim Thiền Thoát Xác” những con ve trắng tinh rửa sạch để cho ráo, lấy giấy Bounty thấm cho thật khô, rồi mới deep fry như gà chiên Fried Chicken, “chiên phải ngập dầu, ngập bơ, lửa lớn…” Hay chia sẻ tâm tình khi cùng bạn ngồi xem “Trăng Đại Nội” trong ngày Trung Thu… “Nếu không có chiến tranh chắc tao sẽ là nông dân, vì tao yêu đồng ruộng, và chắc gì mày đã đi săn tin chiến sự ở cái xứ Huế này… Tao sẽ đưa mày ra cửa Ngọ Môn nhưng là cửa xép. Cửa chính ngày xưa chỉ mở khi có đại lễ. Tao nghĩ hai đứa mình tài cán gì mà dám nghênh ngang qua Ngọ Môn…” Hay trong “Nhớ Sư Ông Trí Hiền: …Tôi được tin Sư rời cõi trần mà lòng bâng khuâng khôn tả.”  Hoài niệm theo lời vãn sự của Lê Thiệp trở về:  “Sư dáng người nhỏ thó nhưng cung cách ăn nói và dáng điệu chững chạc khiến anh em đều kính trọng, dù ăn mặc như một nhà sư Nhật, ông vẫn thuộc Giáo Hội Tăng Già Việt Nam… Sư Trí Hiền du học Nhật và là một trong họa hiếm tăng lữ Việt Nam kham nổi đời sống tu hành tại đất Nhật, trong đó phải nhắc đến thầy Tâm Giác và thầy Thanh Kiểm là những người đã không hổ thẹn là những nhà sư Việt Nam…” Nhớ nhất là chữ “khắt khe” rõ ràng mạnh mẽ của ông, khi mô tả những vị sư đi tu ở Nhật: “Sư Trí Hiền du học Nhật và là một trong họa hiếm tăng lữ Việt Nam kham nổi đời sống tu hành tại đất Nhật, trong đó phải nhắc đến thầy Tâm Giác và thầy Thanh Kiểm là những người đã không hổ thẹn là những nhà sư Việt Nam…Phật Giáo Nhật phóng khoáng lắm nhưng cũng khắt khe lắm, phải ở trong mới biết, nhất là không thể nhìn họ bằng con mắt Việt Nam được.”

 

alt

Là tuyển tập gồm 23 bài viết theo thể ký sự, tùy bút, và phóng sự, “Lững Thững Giữa Đời” của nhà văn và cũng là nhà báo Lê Thiệp thu hút người đọc bằng những tựa đề độc đáo, như  “Nhà Báo Nông Dân, Phi Kiếm Hiệp Bất Thành Báo, Đảng Cây Da Xà Và Báo Sóng Thần, Hoa Báo Xuân, Một Thời Việt Nam Ký Sự, Con Chữ, Tâm Kinh, Nhớ Sư Ông Trí Hiền, Ngã Tư Xoài Đôi, Mưa Ở Mộc Hóa, Trăng Đại Nội…” Mỗi một câu chuyện là một giòng sống dù thăng trầm dù buồn vui, vẫn lững thững hiện diện bên cạnh tác giả và bên cạnh cuộc đời. Âm vang của những bước chân lững thững ấy như thế nào, vội vã hay thong thả, sinh động hay trầm lặng, lưu tâm hay hờ hững… tùy thuộc vào cảm nhận của từng người. Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận: Đó là văn phong nhẹ nhàng, dí dỏm, đôi khi bỡn cợt  của tác giả lại cung cấp cho người xem những chi tiết đắt giá về làng báo chí ngày xưa, về những góc cạnh bí ẩn của cuộc đời này, về những câu chuyện thời sự, về mặt trái của xã hội. Để rồi dựa vào những chứng tích sống thực ấy, cõi người ta có thể đánh giá đời sống, kinh tế, an ninh, văn hóa, chính trị, của một thời đã trôi xa trôi khuất vào quá khứ.

Nhà văn và cũng là  nhà báo Lê Thiệp sinh năm 1945 tại Sơn Tây Bắc Việt, qua đời ngày 5 tháng 7 năm 2013 tại Oakton-Virginia. Ông là thế hệ phóng viên báo chí đầu tiên được đào tạo từ trường lớp chính quy của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp Khóa 1 Báo Chí do cơ quan Việt Tấn Xã Sài Gòn tổ chức, cùng những nhà báo tên tuổi như Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ánh. Sau này khi định cư tại Virginia, nhà văn Lê Thiệp được mệnh danh là “Ông Phở 75” vì đã mở ra hệ thống “Phở 75 -Danh Bất Hư Truyền,” mang hương vị thơm ngon của món ăn quốc hồn quốc túy Việt Nam đến với người ngoại quốc. Ngoài tuyển tập “Lững Thững Giữa Đời,”  Lê Thiệp còn được biết qua các tác phẩm “Đỗ Lệnh Dũng, Chân Ướt Chân Ráo.” Ông đã đến và lững thững từ giã cõi người ta bằng lý tưởng riêng mang:  Đó là nói lên sự thật, bảo vệ sự thật, loan truyền sự thật, bằng ngòi bút của chính ông.

-HNP
4:13am Chủ Nhật ngày  30 tháng 3 năm 2014