Menu Close

Nấc – Chất sắt – Béo phì

Xin bác sĩ giải thích tại sao ta hay bị nấc và đó có thể là dấu hiệu của bệnh gì và làm gì để hết nấc. Xin cảm ơn bác sĩ. Dung Nguyễn.

Đáp

Thưa bà, Nấc không phải là một bệnh mà là dấu hiệu của một bệnh nào đó. Đây là một sự co của hoành cách mô ngoài vòng kiểm soát của não bộ. Sau mỗi lần cử động, dây thanh âm đóng rất nhanh và phát ra một tiếng kêu “hic” đặc biệt. Đây là dấu hiệu duy nhất của nấc. Đôi khi bệnh nhân cảm thấy một cảm giác siết chặt ở ngực, bụng, cuống họng trước khi âm thanh phát ra.

Nấc có thể gây ra do một số hoàn cảnh như sau một bữa ăn thịnh soạn, uống nhiều rượu hoặc sau một cơn xúc động mạnh. Trong một số trường hợp, nấc có thể là dấu hiệu của một số bệnh trong cơ thể như là bệnh tiểu đường, suy thận, viêm não, thương tích não bộ, tastroke, trào ngược thực quản hoặc do tác dụng của thuốc an thần, steroid…Nam giới thường hay nấc hơn nữ giới. Ngoài ra một số rủi ro gây ra nấc như là sau giải phẫu với gây mê tổng quát hoặc hậu giải phẫu các bộ phận trong vùng bụng.

Thường thường, nấc kéo dài chừng dăm ba phút, tuy nhiên trong một số rất ít trường hợp, nấc kéo dài cả nhiều tháng với hậu quả là suy dinh dưỡng cũng như kiệt sức.

Hậu quả của nấc bao gồm nói năng khó khăn, trở ngại trong việc ăn uống, rối loạn giấc ngủ, chậm lành các vết thương…

Nếu nấc kéo dài cả tháng, tình trạng sức khỏe sẽ suy yếu và bệnh nhân phải đi bác sĩ để được khám và xác định bệnh. Đôi khi, bệnh nhân phải tới các bác sĩ chuyên môn như về bệnh tiêu hóa, bệnh hệ thần kinh. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân các chi tiết như bệnh bắt đầu lâu chưa, các hoàn cảnh gây ra nấc, có gì làm giảm hoặc tăng nấc, đã dùng thuốc gì chưa cũng như là có đau trong họng, tai hay không. Với các chi tiết này, bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán rồi điều trị bệnh.

Thông thường, nấc tự hết mà không cần điều trị. Nếu nấc gây ra do một bệnh nào đó thì sau khi chữa hết bệnh này, nấc sẽ hết.

Để điều trị nấc, bác sĩ có thể cho uống các thuốc chống nôn, thuốc giúp thư giãn cơ bắp thậm chí chích thuốc là tê liệt dây thần kinh điều khiển hoành cách mô hoặc gắn dụng cụ điện tử kích thích thần kinh này.Châm cứu hoặc thôi miên hypnosis đôi khi cũng có thể làm giảm nấc.

Kinh nghiệm cho hay, có thể dứt nấc khi hít thở vào một túi giấy trong vài phút để thán khí tăng, làm giảm nấc hoặc nín thở vài giây, ngậm nước đá cục hoặc uống nước lạnh. Châm cứu, thôi miên hoặc bất chợt khiến ai đang nấc bị giật mình cũng dứt được nấc.

Để tránh nấc, không nên ăn uống quá no, không uống rượu, nước ngọt có nhiều gas…

Thưa bác sĩ. Tôi có một người bạn bán thực phẩm phụ supplement có chất sắt và muốn tôi mua. Tôi nghe nhiều người nói là sắt có thể gây rối loạn cho sức khỏe. Bác sĩ có ý kiến gì không và tôi có nên mua món hàng mà bạn tôi bán. Năm nay tôi 29 tuổi, tương đối khỏe mạnh, ăn ngủ tốt. Cảm ơn bác sĩ.

Đáp

Thưa cô, trước khi mua sản phẩm có khoáng chất sắt này, chúng tôi đề nghị cô thử coi lại xem hiện bây giờ có đang dùng thêm các viên vitamin khoáng chất hoặc món ăn điểm tâm như cereal, bánh khô… được tăng cường chất sắt nhé. Cô coi ở nhãn hiệu thực phẩm thì sẽ thấy, vì hiện nay nhiều thực phẩm, nước uống cũng đều được bổ sung chất sắt.

Ngoài ra, máu của phụ nữ thường cũng có ít sắt hơn là nam giới nhưng đó không phải là chuyện trầm trọng. Tuy nhiên nhiều người cũng e ngại và uống thêm sắt. Nếu uống thêm mà sắt trong máu lên  quá cao có thể đưa tới bệnh tim hoặc cao hơn nữa thì lại gây ra bệnh Tồn trữ sắt mà tiếng Anh gọi là Hemochromatosis và tăng hồng cầu polycethemia… Cho nên các bác sĩ khuyên là nên thử máu coi xem mức độ sắt trong máu có thấp lắm không, rồi hãy uống thêm sắt.

Tóm lại, không nên tự uống thêm sản phẩm có chất sắt ngoại trừ khi bác sĩ nói mình bị thiếu máu vì thiếu sắt.

Vợ chồng chúng tôi thường hay “bình luận” coi xem mấy đứa con, có đứa nào béo phì hay không. Tất nhiên là chỉ khi nào không có mặt các cháu. Xin bác sĩ cho biết thế nào là mập phì và tại sao, cũng như hậu quả lên sức khỏe vì mập phì và có nên đề cập chuyện này trước mặt các cháu.

Cảm ơn bác sĩ. Nhà báo N.H. và phu  nhân

Đáp

Chào ông bạn nhà báo, đây là một câu hỏi rất hấp dẫn và cũng rất tế nhị. Lý do là hiện nay số người mập phì cũng gia tăng, vì người ta ăn quá nhiều, nhất là những món fast food như hamburger, pizza, phở gà nước béo, bánh chưng bánh tét…

Tế nhị vì khi thấy ai “bồ sứt cạp”, không dám công khai “mao tôn cương”, vì sợ người ta chạnh lòng, buồn buồn. Nhất là nếu người đó là con cháu của mình. Vậy thì xin góp ý như sau.

Trước hết, cũng như nói tới mập phì thì ta phải nghĩ tới một con số nào đó, chẳng khác chi khi nói tới lượng rượu trong máu hoặc nói tới speed limit  trong thành phố hoặc ngoài xa lộ.

Về béo phì thì đa số các nhà chuyên môn y học ngày nay đều căn cứ vào một con số gọi tắt theo tiếng Anh là BMI, Body Mass Index tức là Chỉ số Khối Lượng Cơ Thể. Tiêu chuẩn này được một nhà toán học người Bỉ là Jaques Quetelet đưa ra vào đầu thế kỷ 19 để giúp chính quyền phân phối tài nguyên. Đây là sức nặng theo kg chia cho chiều cao theo mét vuông. Cách tính này hơi phức tạp đối với một số người, nhưng chỉ xin nhớ rằng khi BMI giữa 19-25 thì là bình thường, 25-29 là quá kí và trên 30 là béo phì.

BMI cũng không được y giới hoàn toàn đồng ý vì BMI chỉ căn cứ vào khối chất béo mà không kể tới khối thịt, xương, giống tính và chủng tộc…  

Tuy nhiên các cơ quan CDC và Viện Y Học NIH Hoa Kỳ đều cho rằng BMI là chỉ dấu tương đối đáng tin tưởng (reliable) về khối chất béo trong cơ thể.

Mà theo nhiều nhà chuyên môn y học, quá nhiều chất béo lại có ảnh hưởng không tốt cho tim mạch hoặc có thể đưa tới tiểu đường, cao huyết áp… Một số quan sát khác thấy nhiều người có BMI cao nhưng vẫn khỏe mạnh, sống lâu hoặc người có BMI thấp thì lại yếu và mất sớm.

Y khoa hiện nay đều quy tội cho sự tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, quá với nhu cầu cơ thể là rủi ro chính đưa tới mập phì. Vì thế cho nên mới có nhiều nhà chuyên môn về dinh dưỡng, hướng dẫn cách ăn uống cũng như đưa ra các bài thuốc “thần sầu”, giảm cân giảm béo trong mấy tuần hoặc thuốc “thoa đâu tiêu hao mỡ ở chỗ đó” vậy. Trong khi đó thì kinh nghiệm cổ nhân lại nói “người gầy là thầy cơm”, ăn nhiều mà chẳng thấy mập chút nào.

Tạng con người và di truyền cũng có ảnh hưởng tới béo phì chứ không phải chỉ do ẩm thực quá mức.

Tại Hoa Kỳ, bị nói là béo thì nhiều người cũng hơi nhạy cảm động lòng, cho là mình bị giễu… Cho nên không ít các bạn trẻ cũng có cùng tâm sự và bố mẹ cũng thường tránh né nói chuyện này trước mặt con cái.

Vả lại, nhiều người cho rằng chỉ số BMI cũng chỉ là một hướng dẫn tương đối về mập hoặc gầy mà thôi.

Hy vọng các góp ý trên đây có thể giúp giải tỏa một phần nào về thắc mắc của bạn.

Chúc nhà văn và phu nhân mạnh khỏe.

NYD