Nhà văn Thảo Trường trong truyện Đá Mục nhắc đi nhắc lại một câu nói xem như lời tâm niệm: “Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả”. Mặt khác, văn hào Ba Kim của Trung Hoa bị đọa đày và hạ nhục trong Cách Mạng Văn Hóa Đỏ lại dặn dò: “Không bao giờ được quên đi cái ác.” Có sự mâu thuẫn nào không trong phát biểu của hai nhà văn Việt Nam và Trung Quốc?
Ôi, 30 Tháng Tư về rồi đó. Vấn đề nhớ nhớ quên quên lại được đặt ra với chúng ta. Vậy, anh em chúng ta, bạn và tôi, nên ghi xương khắc cốt cái ngày khốc liệt đó hay quên phứt nó đi, loại ra khỏi sọ đầu cho nó nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng trước hết nên bàn luận đôi lời về câu nói của Thảo Trường và Ba Kim.
Thật ra, không có sự khác biệt hay mâu thuẫn sâu sắc giữa hai ý phát biểu. Thảo Trường cũng như Ba Kim đều đã kinh qua những biến động và nỗi đau nhục ghê gớm. Với 17 năm trong chiến tranh và 17 năm trong tù ngục Cộng Sản, thêm những năm u tối nhọc nhằn dưới xiềng đỏ… ôi, đá kia còn phải mục thay, lọ là con người ta. Cho nên Thảo Trường tự dặn lòng là hãy quên đi để còn được sống. Còn Ba Kim? Ông từng được xem là cây đại thụ của văn hóa Trung Quốc. Từ khởi đầu cho tới năm 1966, Ba Kim một lòng một dạ theo Đảng. Đùng một cái, Tháng 8 năm đó Ba Kim rơi xuống địa ngục. Ông tả lại: “… Tôi thật giống như một du hồn bị đưa đến ‘Thập điện Diêm Vương.’ Mỗi chuyện tôi làm trong quá khứ đều bị nêu ra, từng cái một, để bỏ tôi vào vạc dầu mà tra tấn, mà thay xương đổi thịt!” (Tùy Tưởng Lục – theo Vũ Thư Hiên).
Trong Tùy Tưởng Lục, sau khi trải qua những năm tháng bị dập vùi, ngẫm lại thân phận mình và thân phận đồng bào trong cái xã hội “không thể tưởng tượng nổi,” ông kêu gọi mọi người không được quên cái Ác và tội của nó. Quên là chết. “Nhớ thì đau đấy, khổ đấy, nhưng phải khắc cốt ghi xương, rằng nó đã có, cái Ác ấy, nó hằng có, lúc tiềm tàng, lúc hiện diện, cho nên phải luôn cảnh giác với nó, để mặc nó lộng hành thì con người không thể nào có được cuộc sống yên lành.”
Như vậy, Thảo Trường và Ba Kim cùng chung một kinh nghiệm: đã trải qua nỗi khổ và chạm trán với cái ác rồi thì không thể nào quên được. Chỉ có những người trẻ như nhà thơ Thận Nhiên của chúng ta là không bận tâm với nó. Thận Nhiên cũng nghĩ “Chiến tranh ám ảnh và đè nặng lên số phận mọi người. Tôi chứng kiến và tham dự, như nạn nhân, trong nhiều cuộc chết chóc và máu lửa từ những năm tiểu học.” Nhưng anh lại cho “Đó là chuyện khóc cười, là ân oán của các thế hệ đi trước mà tôi không tham dự, không có trách nhiệm. Tôi chỉ thấy buồn và buồn cười vì người ta hào hứng ăn mừng hay day dứt với một chuyện đã quá cũ, đã không còn sửa đổi được gì. Thái độ lau chùi các tấm huân chương và sướt mướt mân mê các vết sẹo chiến tích đều lạc hậu và bệnh hoạn như nhau.”
Thế nhưng, bạn và tôi đã từng trải qua cuộc chiến khốc liệt và chứng kiến sự tàn bạo của CS cũng như đã từng sống dưới ách của chúng, chúng ta có nên quên cái quá khứ ấy không? Chúng ta có là những con người “lạc hậu và bệnh hoạn” như Thận Nhiên nhận định?
Nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả Đêm Giữa Ban Ngày cũng nghĩ: “Những nghiên cứu khoa học cho ta biết trong trí nhớ của con người có một bộ lọc kỳ diệu. Nó thường xuyên giúp ta xóa đi những hình ảnh xấu, những kỷ niệm buồn. Không có cái bộ lọc ấy thì cuộc sống con người khốn nạn lắm. Thật vậy, tôi cũng thường quên những điều tồi tệ, chỉ những kỷ niệm đẹp mới được ghi lại… Không thế, không sống nổi.”
Chúng ta cũng biết vậy. Thảo Trường, như chúng ta đã nói ở trên, cũng dặn lòng là hãy quên đi. Nhưng khốn nỗi, đồng hồ sinh học của mỗi người chúng ta đã dừng lại ở ngày 30 Tháng Tư. Như nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác đã nhận định: “Đồng hồ cũng dừng lại đối với những người phải bỏ nước ra đi, sau khi ông Trần Mai Hạnh và bạn bè của ông (tức những người Cộng Sản. TN) vào Sài Gòn. Họ ra đi từng đợt: đợt di tản, đợt thuyền nhân, đợt đoàn tụ gia đình, đợt H.O. Mỗi đợt ra đi mang theo một loại quê hương, và trong hoài niệm, không ai muốn thay đổi hình ảnh thân yêu ấy. Bạn bè, nhà cửa, phố xá, tên đường tên đất, cả đến ngôn ngữ trao đổi thường ngày… giống như một cuốn phim đột ngột bị đứt, ngưng lại, thành tĩnh vật. Sửa đổi một chi tiết nhỏ trong bức tranh tĩnh vật ấy là xâm phạm lên cái gì thiêng liêng nhất của người lưu vong.”
Không, chúng ta không quên, cả con cháu chúng ta cũng sẽ nhớ cái ngày oan nghiệt ấy. Như anh bạn trẻ Phùng Trọng Kiệt mà Nguyễn đã có nói tới trong bài trước. Không, chúng ta không thể nào quên được. Cho nên trong ngày 30 Tháng Tư này, xin gởi đến bạn bè của tôi một bài thơ đã viết ngày nào.

Đinh Cường
Chiều qua ngõ blues
chiều. tháng tư
nắng
georgetown
chiều của mây biển. và những cánh bướm monarch.
bay về trong trí nhớ
cùng với đinh cường
đi qua ngõ blues & jazz alley. gõ nhịp tim trên đá
nhìn vệt nắng rơi
chiếc khăn bỏ quên. từ mùa cũ
tôi muốn nói. tôi muốn nói. với người nhạc công da đen. đến từ new orleans
hãy thổi lên
trên chiếc kèn đồng
đóa hoa loa kèn màu đỏ
một tấu khúc
cho quê hương tôi một ngày của tháng tư
của đoạ đày
nước mắt
của những tàn phai
người không dám nói với người
tiếng hàng cây. kêu. bóng quạ
lũ chó hoang. chạy cụp đuôi. trên đường phố
rạng đông. mặt trời bị treo cổ.
trên bức tường nhà hát lớn
người ca sỹ bỏ đi
người thi sỹ bỏ đi
vỉa hè đầy lá rụng
hãy tấu lên
khúc ly biệt
cho những người không về
giờ này
khóc trong quán cà phê la ruche
trên cầu longfellow
ở quảng trường times square
điệu kèn. của khúc elegy
cho tôi. cho nhiều người
chiều qua ngõ blues. hồn xanh xao