Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, mới đó mà đã 5 năm. Trở lại mùa xuân 5 năm trước, cái ngày đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ hồi hộp, đợi chờ. Tôi đã đón nhận bao kỷ niệm đẹp, là sự cưu mang với bao tấm lòng nhân ái, không phân biệt sắc tộc, màu da.
Sau nhiều lần phỏng vấn tại Lãnh Sự Quán Mỹ ở Việt Nam, những tờ giấy xanh đòi hỏi bằng chứng hôn nhân là sự thật, vợ chồng tôi dường như mệt mỏi, nghĩ rằng chúng tôi khó có con đường đoàn tụ. Kể từ ngày cưới nhau, tôi về sống bên nhà chồng và chăm sóc mẹ chồng già yếu và cứ mỗi mùa xuân chồng tôi lại về thăm mẹ và tôi. Sau hơn 3 năm chờ đợi, tôi quyết định mang thai và đó cũng là điều chứng minh với phái đoàn tình yêu vợ chồng tôi là thật. Nhưng không may, tất cả đều sụp đổ, tôi bị tai nạn xe, tôi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Mặc dù hết sức cố gắng, bác sĩ chỉ có thể giữ được mạng sống cho tôi. Điều kinh khủng nhất mà tôi phải lắng nghe là đứa con tôi mang trong bụng không còn nữa. Tôi không thể thốt nên lời, trái tim tôi hình như ngừng đập, tôi chìm trong đau khổ và tuyệt vọng, tôi không còn nước mắt để khóc.
Tình yêu của chồng là niềm an ủi và cho tôi nghị lực sống, dù hoàn cảnh nào đi nữa phải cố gắng đứng dậy, tất cả sẽ qua đi, không có gì hoàn thiện và tồn tại mãi mãi. Niềm tin một ngày mai sau cơn mưa trời lại sáng. Giấc mơ đến Mỹ ai cũng nghĩ đó là thiên đường nhưng có đôi khi cũng là cạm bẫy cho người ta ngỡ mình rớt xuống vực thẳm và có thể trốn chạy để tìm cho mình sự bình thản.
Những bằng chứng lần lượt gửi đến Lãnh Sự Quán chờ cứu xét, nhưng thư hồi báo là không đủ bằng chứng thuyết phục…..
Cho đến một ngày, đứa con riêng của chồng tôi gửi một lá thư từ Mỹ đến phái đoàn, xin xem xét hồ sơ, và tha thiết mong phái đoàn xét duyệt cho trường hợp của tôi. Thì tôi nhận được điện báo mời phỏng vấn đặc biệt tại phòng số 4 Lãnh Sự Quán. Khoảng 2 giờ chiều ngày hẹn, tôi được tiếp xúc với một nhân viên người Mỹ. Ông ấy không cao lắm, nước da trắng hồng, và nụ cười rất hiền. Khi xem xét toàn bộ hồ sơ của tôi, tuy không hiểu nhiều tôi nói gì, nhưng hình như ông ấy đọc được nỗi lòng khi nhìn tôi nghẹn ngào, ràn rụa nước mắt. Người đàn bà yếu đuối, mong chồng, mất con, đang cần sự chăm sóc. Ông ấy đứng dậy kéo ghế đi vào phía trong khoảng 10 phút rồi trở ra bắt tay tôi và bảo:” Hãy ra về và chúc tôi một ngày may mắn”.
Một tuần sau tôi nhận được giấy mời khám sức khoẻ, tiếp theo đó là tờ giấy hồng của phái đoàn chấp thuận cho tôi được định cư với chồng theo diện đoàn tụ. Tôi vui sướng liên lạc cho những người thân yêu. Và người đầu tiên tôi cám ơn là đứa con trai của chồng tôi hiện đang định cư tại Mỹ, và kế đến là người bạn Mỹ nhân hậu, đã giúp tôi thành công trong buổi phỏng vấn. Cho tôi sức mạnh hồi sinh trong niềm vui trọn vẹn.
Tôi đáp chuyến bay đến Mỹ vào mùa xuân năm 2009, trên chuyến bay ấy rất ít người Việt Nam, xung quanh những hàng ghế mọi người rất hoà đồng trò chuyện. Tôi và vài người Việt Nam nữa, chỉ dùng tay múa máy để diễn tả ngôn ngữ của mình, nhưng ai nấy cũng hân hoan, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi hết lòng trên chuyến bay đường dài. Khi máy bay đáp xuống phi trường Dallas, những người bạn ấy lại một lần nữa hướng dẫn đoàn người Việt đi đến lối dành cho người đầu tiên đến Mỹ. Và họ đã dùng điện thoại của mình liên lạc với từng người thân chúng tôi, thông báo rằng mọi người vẫn bình an và đang đợi đón rước.
Họ vẫy tay chào chúng tôi lần cuối, rồi khuất dần trong đoàn người háo hức. Ôi!!! đẹp thay tấm lòng luôn nở nụ cười thân thiện dù rằng không cùng chung ngôn ngữ. Lần lượt xếp hàng, mọi người được hướng dẫn làm mọi thủ tục còn lại, công việc thật nhanh chóng và suôn sẻ. Mỗi người vội vã tất bật, chia theo mỗi hướng. Tôi như con búp bê lạc giữa sa mạc, cứ đi mãi mà không biết lối ra vì không nói được rành tiếng Anh và cũng không có điện thoại, sự lo lắng, hoang mang làm tôi bật khóc. Ôi mà may thay! tôi thấy một người Mỹ màu da sậm cao to đang đi dọc hành lang, ông ấy bước chậm rãi đến gần cười nhẹ nhàng hỏi tôi rằng có cần ông ấy giúp gì không? Tôi tức tưởi khóc chỉ về phía những cánh cửa đang im lìm đóng kín. Bỗng ông ấy phát lên một tiếng ”ồ” rồi bật cười để lộ hai hàm răng trắng muốt, tôi ngơ ngác nhìn, ông ấy vội nắm lấy tay tôi, kéo hộ hành lý và đi thật nhanh về phía cánh cửa có chữ EXIT màu đỏ. Như một phép lạ, cánh cửa mở tung, À!!! thì ra cửa tự động, vừa mắc cỡ, vừa nực cười cho sự ngây ngô của mình. Ông ấy cúi gập người vẫy tay ra dấu cho tôi bước ra tôi nhanh nhẩu phóng như bay và không quên nói lời ”Thank you”. Cánh cửa từ từ đóng lại, ông Mỹ vẫn đứng vẫy tay chào nheo mắt cười hồn nhiên tiễn chân tôi.
Ôi tuyệt vời, nước Mỹ rộng mênh mông, không khí lành lạnh đang áp vào má tôi, tôi như bay bổng lên không trung hoà mình theo những con đại bàng đang sải cánh bay trên bầu trời tự do, tôi hít thở thật sâu, một cảm giác khoan khoái khó tả, một ngày mới bắt đầu…
Chồng tôi mừng rỡ vội vã chạy đến, chúng tôi ôm nhau khóc trong niềm vui mừng ngày hội ngộ, cứ tưởng rằng như trong chiêm bao, chúng tôi siết tay nhau, không phải là mơ mà là thật, tôi hét thật to ” tôi hạnh phúc” và đây là lần đầu tiên tôi được khóc thỏa thích trong niềm vui sướng…
Tôi huyên thuyên kể cho chồng nghe về chuyến bay dài với những người bạn Mỹ nhân hậu luôn nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ những người bạn da màu Việt Nam.
Hiện tại vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc, tôi sinh được một bé trai và đặt tên con là Harrison. Hôm nay đúng vào ngày sinh cháu tròn 3 tuổi, tôi đã viết lại câu chuyện này như một món quà nhỏ tặng cho con trai. Tôi đã dạy con tiếng Việt, và cháu bắt đầu vào đời với 2 ngôn ngữ vì cháu có bà ngoại nuôi người Mỹ. Buổi sáng trước khi đi làm, vợ chồng tôi đưa con đến cho bà trông cháu, chiều lại đón con về, cháu bi bô nói rằng ”I love Nanny, I love ngoại”. Thỉnh thoảng trong công việc, tôi thường kể với bạn bè về kỷ niệm lần đầu tiên tôi đến nơi đây, và các bạn luôn thân thiết. Nước Mỹ đã cưu mang mẹ, con, gia đình tôi. Dù thời tiết đôi khi thay đổi, nóng lạnh bất thường nhưng tôi cảm nhận trái tim của những người bạn rất ấm áp sẵn sàng giúp đỡ người Việt Nam mọi lúc mọi nơi.
Năm nay đón mùa xuân thứ 5 định cư tại Mỹ tôi luôn nhớ về ký ức và thắp sáng lại kỷ niệm đẹp khó quên và luôn mong ước được sống trong đất nước hoà bình và làm tất cả với những gì có thể đóng góp cho quê hương thứ hai và dạy các con luôn sống tốt đẹp và yêu hai quê hương như chính bản thân mình. Và mãi mãi luôn nhớ ơn những người bạn Mỹ ngày nào chưa một lần biết tên đã chắp cánh cho tôi trong tình yêu thương hạnh phúc.
Cám ơn các bạn và mãi mãi cám ơn (U)