Loạt bút ký về một miền đất mang tên Africa.Kinh ngạc. Mới lạ. Bất thường. Mê hoặc. Nơi thách thức sự sống của bầy thú rừng hoang dã. Và mang đến làn gió cho sự tưởng tượng của ống kính. Điện thoại không sóng. Internet không tồn tại. Và thế giới hiện đại chỉ bắt đầu trên bốn chiếc bánh xe off road dọc ngang giữa bạt ngàn…

Chân dung đầu tiên chụp với chiếc “Bốn nhân Bốn” trước khi lên đường tác nghiệp.
Bụi trong gió
Chiếc máy bay chong chóng ngộp ngạt như cái hộp giấy, nhỏ như cánh chiêm bao chập chùng, trồi lên hụp xuống giữa những lớp mây trắng. Rừng xơ xác, trần trụi từ cao độ. Cái sắc xanh xám khói chẳng nhẩn nha đằm mộng như trong sự miên tưởng của tôi về xứ sở Phi Châu. Một lục địa rộng lớn. Hãy tưởng tượng, đến những diện tích của các quốc gia lớn nhất thế giới vẫn chừng như lọt thỏm, tựa những mảnh ghép trong bảng địa đồ của lục địa đen mênh mông này.
45 phút đường bay còn lại, để đưa tôi đến những cánh rừng hoang. Nơi thách thức sự sống của bầy thú rừng hoang dã. Và mang đến làn gió cho sự tưởng tượng của ống kính… Hơn hai chục giờ miệt mài đường bay, cơn ứ mệt đến mụ mị cảm giác. Tôi bật tiếng than thân. Đã mặc định với cuộc phiêu lưu, hoặc táo bạo, hoặc chẳng ra gì cả! Dẫu vậy, tôi chỉ muốn lột đi những cơn mỏi mệt ra khỏi lớp da ngày.
Cánh máy bay mỏng như con chuồn chuồn đang dần ma sát với “phi đạo” đất đỏ. Thoáng xa, bầy hươu cao cổ chuyển động mập mờ qua khuôn cửa kiếng. Đã tới rừng rồi, tôi nghe mình thở dốc.

“Phi đạo” đất đỏ của xứ sở Phi Châu
Phi đạo thốc bụi đỏ. Thứ bụi đặc thù của xứ sở Africa đã bắt đầu lưu cửu trong tôi một dấu ấn. Dust In The Wind- Bụi Trong Gió.
“Ta chợt nhận ra ta cũng như những hạt bụi trong gió. Những hạt bụi bé nhỏ bị cuốn đi bởi những cơn gió. Cuộc sống đang dần trôi, con người ngày càng già cỗi. Và những giấc mơ cũng dần tan biến…” âm cảm của Kansas, bất giác như một sự đồng cảm về những cuộc rong ruổi vô định.
Xốc lại hai cái balô, trọng lượng xấp xỉ gần 30 lbs trên cánh vai bải hoải; tôi bước liêu xiêu về hướng chiếc xe 4×4. Gã tài xế “made in Africa”, màu da tựa dòng hắc ín đổ lên một khuôn dáng thẳng thuột như cây sậy gỗ mun. Sắc trắng của hàm cười, màu đỏ của sắc phục thổ dân- tôi bất chợt thú vị với ý nghĩ so sánh đầy tương phản của sắc thể. Tôi lại chẳng thể cưỡng được những cái trộm nhìn trên những chiếc vòng trang sức sắc màu đỏm đáng. Và cả cái cây đao ngắn giắt hông của gã thổ dân Phi Châu, cũng gần với liên tưởng đến những khẩu súng lục giắt lưng của những tay cao bồi miền Tây hoang dã.

30 Lbs. giới hạn trọng lượng. Hai cái ba lô thường trực đày ải trên cánh vai. Cái balô đen cồng kềnh là dàn đồ nghề tác nghiệp của phó nhòm.
Điện thoại không sóng. Internet không tồn tại. Và thế giới hiện đại chỉ bắt đầu trên bốn chiếc bánh xe off road dọc ngang giữa bạt ngàn. Cơn nóng của Africa giữa trưa, gắt gỏng như mụ đàn bà đang kỳ tiền mãn kinh. Xe không cửa sổ, hoang hoác lùa gió rừng, “Không khí đứng yên thì chẳng có giá trị chút nào cả, nhưng chỉ cần chuyển động- lập tức nó lên giá!” Cái lối ví von của gã tài xế thổ dân làm rộ lên những tràng cười. Tôi cố ghi nhận mấy cái tên vào bộ nhớ, “Elizabeth, Scott, Yohan, Danny, Kaju” -toàn là những cao thủ chuyên ngành Nhiếp ảnh thú hoang dã.
Từ “phi trường” về trại, tôi nhẩm thêm vài tiếng đường rừng. Cú nhấn tê người của những cơn vồng xóc còn đầy “ấn tượng” hơn đàn hươu đang nghểnh cổ đớp lá rừng hay nền da hắc ín của những gã thổ dân xứ Phi. Mới nửa đoạn đường rừng, chiếc off road “bốn nhân bốn” bị lún lầy. Chiếc xe như con thú bị mắc bẫy. Tiếng xoáy bánh, động cơ gầm rú. Bùn nhão bắn tung toé như bọt rượu từ chai sâm banh. Bùn lên tóc, lên mặt, lên mí mắt. Gã tài xế thổ dân có cái tên gọi Domi, bắt đầu rủa bằng tràng Anh ngữ còn nặng thổ âm Swahili, “Mưa, những trận mưa rừng mấy ngày qua đã tích lũy thêm những vũng đọng sình lầy đốn mạt này.” Đời sống, có phải là lòng sông ngấu bùn sâu hút? Tôi bất chợt thả rong những ý nghĩ rời.

Selfie với Andy Nguyễn
Chai sâm banh lại bật nắp, tung bọt đen. Và rồi cái cú nhấn ga cuối cùng đã cứu rỗi con thú bị sa lầy. Tôi thở phào. Cũng mới chỉ là “ khởi động”, như gã tài xế Domi đã lém lỉnh cảnh báo. Ôi Africa, chưa chi đã đầy những cơ man khốn khổ!
Chiếc Bốn nhân Bốn lại ruổi với gió bụi. Tôi nửa nôn nao, nửa ngầy ngật cơn mỏi mệt đường dài. “Chỉ như hoang mạc,” tôi buột miệng khi tầm mắt chẳng rời một bóng cây mopane đơn độc giữa hoang khê. Sự câm lặng của một thế giới tách biệt vẫn đầy hạnh phúc. Có lẽ, thượng đế đã ban xưng cho họ một vùng đất trù phú thiên nhiên hoang dã đầy mơ ước. Thế nên gã thổ dân của bộ tộc Sho, nhân vật chính của bộ phim The God Must Be Crazy- Đến Thượng Đế Cũng Phải Điên… tiết; thì với bất kỳ giá nào, cũng phải đem trả lại cho thế giới hiện đại một cái chai Coca-cola. Một “tặng phẩm của trời” (hay đúng hơn) là của một tên hành khách bất cẩn nào đó trên máy bay đã ‘”ném lộn” vào ngay bộ lạc của ông. Một ẩn dụ về sự chối bỏ một cách tự nhiên của thiên nhiên và con người với thế giới hiện đại, có phải vậy?

Lều giữa rừng. Chốn về mỗi khuya để nằm nghe sư tử gầm trong bóng đêm.
Vài giờ vồng xóc với đường rừng. Rồi cũng về đến trại. “Trại”, là những căn lều căng vải bố, lúp xúp giữa những bụi cây rừng như thứ rào cản thiên nhiên ngăn thú dữ. Tôi đầy cảm giác bất an khi than phiền về một cái restroom giữa chơ vơ, vừa thiếu tiện nghi, vừa nguy hiểm… Bà Elizabeth phẳng lờ, “Người Ănglê chúng tôi chỉ yêu chuộng bờ bụi và thiên nhiên nguyên thủy trong những cuộc lưu dã ở Africa. Quá tiện nghi như những cái resort giữa rừng của mấy cái công ty du lịch, tôi thà tự đào cho mình một cái hố xí!”
Bữa tối đầu tiên, hàm nhai thử nghiệm với món thịt rừng. Vị thịt tanh, thiếu gia vị đến khó thuyết phục cái vị giác. Khuya, bầy côn trùng “cánh côn” túa về như lớp sương mỏng, đốt mình trong thứ ánh sáng tù mù của ngọn đèn măng- xông treo đơn độc trên vách lều. Tôi nén tràng ngáp. Cơn buồn ngủ mỗi lúc một sa sầm như đám mây nặng hơi nước. Gã thổ dân dẫn đường về lều rồi dặn dò rằng nhớ cẩn trọng “khoá cửa” lều, và tránh ra ngoài trong đêm tối. Hẳn nhiên, câu hỏi mang “đặc quyền” của cá nhân tôi cũng chỉ là điều cần sử dụng cái restroom ngoài lều.

“Chúng tôi sẽ luôn túc trực canh gác suốt đêm khi bà cần đến.” Lưỡi mác dài của gã vệ sĩ đem lại chút hơi hớm bình yên. Tôi chỉ hơi thừa lời chúc gã gác rừng “ngủ ngon”. Tay Andy cà rỡn, “tưởng mấy gã thổ dân Phi Châu này nấu nước sôi chờ mình tới để… luộc!”
Cái tổng số của 26 giờ đồng hồ, 4 chuyến bay; rồi chỉ công bình bằng một chiếc giường để thẳng lưng. Chính sự màu mè học đòi về tinh thần, đôi khi đã khiến tôi lầm tưởng rằng mình có thể thiếu tiền mà vẫn hạnh phúc! Tôi lục tìm vài vật dụng cá nhân trong cái ba lô nhỏ và vẫn đầy hậm hực, bất mãn với cái trọng lượng giới hạn 30 bls cho mỗi đầu người. Hai cái ba lô đày ải trên cánh vai, cái cồng kềnh với dàn đồ nghề máy ảnh luôn ưu thế với trọng lượng; cái còn lại chỉ đủ bỏ vào vài bộ quần áo gọn nhẹ và ít đồ dùng phải “rất mực” cần thiết. Và cái áo tác nghiệp của tay phó nhòm Andy bỗng dưng biến thành một cái tủ di động. Tiện dụng đến mức, cả cái bàn chải, tuýt kem đánh răng và “tủ thuốc gia đình” cũng có mặt trong mấy cái ngăn túi của chàng.
Bên ngoài căn lều là thế giới của đêm hoang. Tiếng động của sự sống hoang vu như dấy động bởi những quãng thanh âm gầm gừ của bầy sư tử, hơi thở khò khè của những con hải mã ở mé sông, giọng tru theo điệu thứ rền rĩ của bầy Linh cẩu Đốm…
Đêm ném tôi xuống giường và lịm đi trong nỗi uể oải đến kiệt quệ…

Không cửa sổ… an toàn. Chỉ có xe tác nghiệp của những tay Wildlife photographer.