Thời gian này gợi chúng ta nghĩ đến những chiến sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ của đời mình cho đất nước, đã ngã xuống hoặc tuẫn tiết trong ngày đen tối của lịch sử cách đây gần 40 năm, và tất cả những người lính đã xông pha chiến trận từ đầu thế kỷ vừa qua cho tới ngày hôm nay và biết bao người tiếp tục hy sinh trên vùng chiến địa Iraq, Afghanistan.
Ôi, có biết bao mẩu chuyện về sự hy sinh và lòng dũng cảm. Sau đây là một câu chuyện khác về gian khổ đời lính và tấm lòng người mẹ ở nhà ngày đêm hướng về người con thân yêu của mình. Một chuyện cảm động và nhiều ý nghĩa.

Đinh Cường
Gia đình tôi luôn gắn bó với nhau, mà trung tâm điểm chính là bà tôi. Mặc dầu là người kỷ cương chặt chẽ, bà đã nuôi dạy con và cháu bằng tình thương yêu. Chúng tôi không bao giờ nghi ngờ tình yêu của bà, ngay cả khi bà răn dạy nghiêm khắc.
Đó là thời gian sôi động của Thế Chiến II khi con trai út của bà là chú Raymond tròn 19 tuổi. Vừa qua sinh nhật là chú đã thấy mình trên đất Ý, đang hành quân mở đường tới Bá Linh. Vốn từ bé sống ở nông trại, chú chưa bao giờ ngủ một đêm xa nhà cho tới khi chú bước lên tàu tới trung tâm huấn luyện. Vừa nhớ nhà vừa sợ hãi, chú trườn mình qua các thành phố, ruộng nho, những cánh rừng, không nguôi nghĩ về quê nhà và gia đình.
Tôi còn nhớ cái ngày khủng khiếp ấy khi xe quân bưu chạy tới đỗ ngay trước nhà và một người đàn ông bước xuống. Tới khi người bưu tá bước chân trên vỉa hè thì lũ trẻ chúng tôi đã tiến ra cổng, yên lặng đứng chờ bức điện tín. Bà rên lên nho nhỏ, không khóc, nhưng tỏ vẻ kinh hoàng. Ông đứng ngay cạnh bà, nét mặt nghiêm trọng. Bà cầm chiếc phong bì, hai tay run bần bật, rồi bà xé thư ra đọc. Thật là cả một sự đợi chờ như bất tận. Thế rồi một nụ cười nở rộng trên khuôn mặt bà và bà nắm lấy bàn tay ông tôi. “Nó còn sống. Raymond bị thương và sẽ được về nhà, nhưng nó còn sống!” Bà khóc nức lên. Rồi tất cả cùng bật khóc, ôm nhau nhảy múa và reo hò.
Ngày trở về, chú Raymond của chúng tôi trông xanh xao và mệt mỏi. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm chú xỉu mất vì sự tiếp đón. Chú hơi bị lảng tai và đau đớn vì những vết thương, nhưng chú đã trở về nguyên vẹn với chúng tôi. Chúng tôi kéo chú vào trong nhà và ngồi quanh chú, nghe chú kể lại cái ngày chú bị thương.
“Đơn vị chú chiến đấu liên tục trong nhiều ngày và đã nhích lên được phía trước, mệt nhọc, lạnh giá và sợ hãi, nhưng vui mừng vì đã tiến được gần biên giới của nước Đức.” Chú mở đầu câu chuyện. “Trời đã về chiều và tuyết phủ dày trên mặt đất. Chú đang đi trên con đường bùn lầy và băng giá thì bỗng một chiến xa của địch chạy ngang qua. Chú và một số bạn nhào lên xe thì bỗng một trái đạn pháo nổ ầm vang.
“Điều kế tiếp mà chú còn nhớ được là lời của mẹ chú la lên, kêu chú hãy đứng dậy. ‘Raymond, hãy đứng lên! Đứng lên ngay!’
“Đầu tiên, chú nghĩ là mình đang ở nhà và mẹ chú gọi chú dậy đi học. Thế rồi chú mở mắt và biết rằng mình đang ở nước Ý. Chung quanh hoàn toàn yên lặng. Cứ tưởng là chú bị điếc rồi. Thế rồi chú nhìn thấy máu trên bàn tay mình, máu chảy từ trên đầu xuống.
“Chú sợ hãi và hoang mang. Chung quanh chú đồng đội và kẻ thù nằm chết la liệt. Quả thật là kinh hoàng. Đầu óc chú quay cuồng, mất phương hướng, không biết là mình đang ở đâu. Đêm bắt đầu xuống, bóng tối phủ đầy và trời không một ánh sao. Tai chú điếc, không còn nghe thấy gì nữa. Chú cảm thấy hoàn toàn bất lực.
“Thế rồi chú nghe tiếng mẹ chú vang lên, ‘Raymond, đi về phía có đốm sáng ngay!’ Tiếng của mẹ nghe rõ như thể bà đang đứng bên chú. Thế là chú bước loạng quạng xuống đường lộ, đầu nhức như búa bổ, cực kỳ hoang mang, chẳng biết cái đốm sáng mình nhìn thấy kia là vật gì. Chú nhảy lò cò quanh trên đường và rồi cuối cùng rơi vào vòng tay một nhân viên cứu thương.
“Chú được đưa về một bệnh viện dã chiến. Nhân viên cứu thương bảo rằng chú quả là may mắn. Họ tới di tản những thương binh còn sống, sau đó mới tới tìm những người chết. Nếu chú không hồi tỉnh thì đã chết vì vết thương chảy hết máu.”
Chú Raymond ngừng nói, rồi chú và bà ngồi sững nhìn nhau. Không ai nói một lời. Bỗng ông lên tiếng, “Này Raymond, con muốn nghe chuyện gì xảy ra ở đây đêm hôm đó không?” Chú Raymond gật đầu, và ông bắt đầu kể.
“Đêm ấy, cha và mẹ đang ngủ say. Bỗng mẹ giật mình thức dậy vì một cơn ác mộng và mẹ đánh thức cha dậy. “Alston ông ơi, có chuyện không hay xảy ra cho con trai chúng ta rồi. Tôi mơ thấy con kêu cứu mình. Tôi có cảm tưởng như con hãy còn bé và đang gào khóc, do đó tôi kêu nó đứng lên và đi về phía chỗ sáng để tôi nhìn xem chuyện gì xảy ra.”
“Thế là mẹ thức luôn, không ngủ lại nữa. Suốt ngày hôm ấy và những ngày kế tiếp, mẹ ngồi tựa cửa chờ bưu tín viên đem điện tín tới mà mẹ biết chắc thế nào cũng có.”
Cả bọn chúng tôi nhìn sững bà nhưng bà như chẳng để ý. Bà và chú Raymond tiếp tục im lặng nhìn nhau, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt.
Sau chiến tranh, chú Raymond phục hồi dần thính giác, lập gia đình và sống hạnh phúc. Năm tháng trôi qua, tôi vẫn nghe chú kể chuyện về bà và đốm sáng trong đêm hôm ấy. Chú thường kết thúc câu chuyện kể: “Qua những năm tháng kinh hoàng trên chiến trường nước Ý, chú luôn nghe tiếng của bà. Bà và đốm sáng đã cứu đời chú.”