Kinh kệ, niềm tin tôn giáo và các chứng tích khảo cổ không mấy khi đi chung đường; đôi khi còn đối chỏi nhau. Mới đây, Giáo Sư Erez Ben-Yosef và Giáo Sư Lidar Sapir-Hen, chuyên viên khảo cổ tại Tel Aviv University, Do Thái (Israel), đã công bố kết quả cuộc khảo cứu của họ về mấy bộ xương lạc đà tìm thấy tại Aravah Valley, vùng thung lũng nằm giữa Israel và bán đảo Ả Rập, nơi các chuyên gia cho rằng lạc đà được đưa vào địa phương ấy. Xương cốt lạc đà cổ xưa nhất tìm thấy tại Israel được định tuổi là 940 năm trước Tây Lịch, nghĩa là khoảng 3,000 năm nay.
Bài tường trình của hai nhà khảo cổ chú trọng đến việc định tuổi lạc đà, tìm hiểu nếp sống của người xưa, lạc đà dùng vào những việc gì, giá trị ra sao… dựa trên các di tích tìm thấy. Chỉ có thế. Nhưng sóng gió lại nổi lên ầm ầm. Tại sao? Chẳng là theo Cựu Ước (the Old Testament, Kinh thánh của Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo), cụ tổ Abraham khi đến Ai Cập đã được Pharaoh tặng bao nhiêu món quý giá như cừu và lạc đà để đổi lấy bà vợ Sarah vì đại đế tưởng (lầm) rằng cụ tổ Abraham và Sarah là anh em. Chi tiết này cho ta thấy rằng thủa xa xưa ấy, người ta dùng gia súc, những thứ có giá trị để đổi lấy phụ nữ (mua làm vợ, làm nàng hầu…). Và lạc đà là món quý giá; sự hiện diện của loài vật này được ghi chép trong Cựu Ước là từ thời tổ phụ Abraham, 2,000 – 1,500 năm trước Tây Lịch hay 3,500 – 4,000 năm trước đây.
Lạc đà là loài thú chân bốn ngón, thuộc chi Camelus, lưng có bướu mỡ (hump). Hai giống lạc đà tồn tại đến ngày nay là loại một bướu (hay dromedary, one-humped, C. dromedarius); sinh sống tại vùng Trung Đông và the Horn of Africa. Loại thứ nhì có hai bướu trên lưng (hay bactrian, two-humped, C. bactrianus), sinh sống trong vùng Trung Á. Cả hai giống lạc đà này đã được thuần hóa, nuôi dưỡng như gia súc để lấy sữa, thịt, và lông hoặc để làm công việc chuyển vận như lừa ngựa.
Chữ “camel” có gốc Latin và Hy Lạp (camelus và kamèlos) xuất phát từ chữ Hebrew (chữ viết của người Do Thái) hay Phoenician gàmàl, có nghĩa là “mang” “khiêng” (hiểu rộng là “vận chuyển”). Ý nghĩa từ chữ gốc Hebrew có phần đặc biệt hơn: gàmàl là “chịu đựng” hoặc “đền trả”; lạc đà có khả năng chịu đói khát rất dai và chịu làm việc cực nhọc nếu con vật được nuôi dưỡng tử tế, đầy đủ.
Chữ “Camel” cũng được dùng để chỉ các giống vật trong họ Camelidae: hai loại lạc đà “thật”, dromedary và bactrian, và bốn loài thú từa tựa lạc đà (camelid) sinh sống trong vùng Nam Mỹ: llama, alpaca được gọi là “lạc đà Tân Thế Giới” trong khi giống guanaco và vicuña được gọi là “lạc đà Nam Mỹ”.
Tuổi thọ trung bình của lạc đà là 40 – 50 năm. Con lạc đà đủ tuổi khôn lớn vai cao khoảng 1.85 thước (6 bộ Anh) và chiều cao đến bướu khoảng 2.15 thước (7 bộ Anh). Giống vật này có thể chạy khá nhanh khi cần thiết ở vận tốc cỡ 65 cây số / giờ (40 mph) và chạy đường trường ở vận tốc 40 cây số / giờ. Giống lạc đà Bactrian nặng từ 300-1,000 ký lô trong khi giống dromedary nhỏ hơn, nặng khoảng 300-600 ký.
Lạc đà đực có cái túi trong cổ họng, dulla; khi cần dương oai hoặc dụ dỗ con cái, nó thổi phồng cái túi, đưa ra khỏi miệng; như thể con vật đang thè lưỡi đỏ hồng ra ngoài miệng.
Cái bướu trên lưng lạc đà tưởng như để trữ nước nhưng thực ra lại là nơi mỡ tích tụ. Thay vì mỡ đọng khắp thân thể, mỡ lạc đà tích tụ tại bướu, do đó khắp cơ thể con vật không có lớp mỡ bao bọc, giúp lạc đà chịu được hơi nóng. Lông lạc đà khá dày, giúp con vật thích nghi với thời tiết, khí hậu sa mạc.
Ngoài bướu mỡ, cơ thể lạc đà có một số khả năng khác giúp con vật chịu đựng đói khát một thời gian khá dài. Hồng cầu của lạc đà có dạng bầu dục (thay vì hình cầu) giúp máu lưu thông dễ dàng trong lúc cơ thể khô nước và giúp lạc đà chịu đựng được sự thay đổi áp suất (osmotic pressure) tại tế bào khi con vật uống một lượng nước lớn rất nhanh; con lạc đà nặng 600 ký lô có thể uống một mạch 200 lít nước trong vòng 3 phút ngắn ngủi!
Lạc đà cũng có thể thích nghi với sự thay đổi thời tiết nhanh chóng, cơ thể chịu được độ nóng 34°C (93°F) lúc mờ sáng, gia tăng đến 40°C (104°F) vào lúc hoàng hôn và sau đó từ từ “nguội” dần vào lúc đêm tối.
Con vật dường như không đổ mồ hôi, ngay cả khi trời nóng đến 49°C (120°F), lạc đà mất nước ở da, mồ hôi không bốc hơi ở lông, và có thể mất đến 25% trọng lượng cơ thể qua mồ hôi trong khi các loài vật khác chỉ có thể chịu đựng sự khô nước ở mức 12–14% trọng lượng cơ thể.
Với khả năng thích nghi với thời tiết và môi sinh sa mạc đặc biệt như thế, ta có thể đoán rằng lạc đà là giống vật sinh trưởng ở những vùng khí hậu khô và nóng–lạnh thất thường. Lạc đà ngày nay hầu hết đã được thuần hóa qua nhiều thế hệ. Riêng loại lạc đà hoang, sống trong thiên nhiên, là giống Bactrian, chỉ hiện diện tại vùng Gobi Desert.
Theo lễ nghi tôn giáo, tín đồ Do Thái không ăn thịt lạc đà vì giáo luật cho rằng lạc đà là con vật không sạch sẽ (?); tín đồ Hồi Giáo không ăn thịt lạc đà dù giáo luật không cấm. Nôm na là tại vùng Trung Đông, cư dân không ăn thịt lạc đà, nhưng nuôi để lấy sữa, lấy lông và dùng làm phương tiện di chuyển.
Trở lại với bài tường trình về sự hiện diện của lạc đà, ngoài các bộ xương được thử nghiệm, các chuyên gia khảo cổ còn dựa trên các di tích khác như hình vẽ trên vách hang động như hình người cưỡi lạc đà được định tuổi là từ thế kỷ thứ VIII-IX trước Tây Lịch và trong văn tự từ thế kỷ thứ IX ghi chép việc vua Gindibu, Ả Rập, gửi 1,000 “camelry” (đội quân cưỡi lạc đà) đến mặt trận the Battle of Qarqar… Các chi tiết này cho thấy sự hiện diện của lạc đà vào khoảng thời gian 3,000 năm trước đây, tương đương với kết quả định tuổi từ xương cốt.
Các chuyên gia này kết luận rằng sự thu dụng lạc đà và thuần hóa giống vật này cho phép người đương thời làm những chuyến đi xa, từ Lavant, Israel đến tận Ấn Độ. Khi sự tiếp xúc giữa các chủng tộc khác nhau diễn ra, ta có sự giao thương buôn bán, trao đổi về văn hóa, nếp sống, thức ăn, thói quen…
Trước đó, người đương thời dùng lừa ngựa, và giống vật ấy không thể đi đường trường mà không có nước uống. Nhờ lạc đà con người có thể mở đường buôn bán khắp nơi!
Thánh kinh Cựu Ước, không biết rõ là được ghi chép từ bao giờ và do ai là tác giả, nói về tổ phụ Abraham với gia súc…, lạc đà được đề cập đến nhiều lần, từ việc định lượng tài sản của tổ phụ Abraham đến việc Rebecca (con dâu cụ tổ) cho lạc đà uống nước.
Dựa trên các chi tiết từ Cựu Ước và đối chứng với tài liệu do Giáo Sư Erez Ben-Yosef công bố thì sự khác biệt về sự hiện diện của lạc đà khá xa, cỡ 500-1,000 năm! Thế rồi nhiều câu hỏi nảy sinh từ tài liệu khảo cổ kia: lạc đà thực sự hiện diện trong thời tổ phụ Abraham hay là con vật nào khác bị gọi là “lạc đà”? Lạc đà thực sự hiện diện về sau thì chuyện tổ phụ Abraham chỉ là huyền thoại? Tác giả chuyện tổ phụ Abraham thêm “mắm muối” dựa theo cái nhìn của cụ ấy [sinh sống vào thời đã có lạc đà] và nhân sinh quan đương thời? [việc làm mà các sử gia ngày nay gọi là “anachronism”, dùng cái nhìn đương thời để giải thích, luận đoán việc ngày trước]. Do đó các chi tiết chung quanh những yếu tố chính có thể sai lạc và ảnh hưởng đến sự khả tín của các yếu tố chính.
Người đồng ý cũng như kẻ phản đối kết luận của bài tường trình kể trên phê bình phê lọ khá nhiều nhưng không tác giả nào muốn đề cập đến sự chính xác của các chi tiết trong Thánh kinh (hay tôn giáo). Tất nhiên chẳng ai muốn đề cập đến chuyện tôn giáo với các chi tiết lịch sử “thật” / “giả” ra sao vì lập luận hay quan điểm của họ có thể bị xem như sự “thách thức” niềm tin. Tìm hiểu hay chứng minh các đề tài “tâm linh” không phải là mục đích khảo cứu của khoa học; khoa học gia chỉ có thể kết luận về một số chi tiết dựa trên kết quả nghiên cứu của họ.
Bài tường trình của Giáo Sư Erez Ben-Yosef cũng không ngoại lệ, ông ấy và đồng sự cũng chỉ kết luận rằng lạc đà hiện diện tại Israel khoảng 3,000 năm nay; tổ phụ Abraham có thể hiện diện trước đó cả ngàn năm; các câu chuyện về gia súc, tài sản có thể hiểu rộng ra là các con vật đắt giá, những món quý hiếm trong thời đại ấy!
Riêng Dế Mèn thì không thắc mắc cho lắm về chuyện tổ phụ Abraham của người Do Thái cũng như các câu chuyện kể trong giáo lý đạo Thiên Chúa. Truyền thuyết về các thời đại trước khi có chữ viết thì làm sao tiền nhân ghi chép cho chính xác được? Họ dùng hình vẽ, các câu chuyện truyền khẩu để dạy con cháu. Và khi con người có chữ viết thì bá tánh mới bắt đầu ghi chép từ trí nhớ, từ lời kể của các vị tu sĩ, người truyền giáo. Chuyện kể thì tránh sao khỏi việc tam sao thất bản? Chưa nói đến việc tác giả ghi chép theo sự hiểu biết của mình thì chủ quan là điều khá chắc chắn. Việc ghi chép theo lời truyền khẩu kinh sách của bất cứ tôn giáo hay lịch sử của bất cứ triều đại nào tất nhiên chứa chất ít nhiều sự chủ quan, ý kiến của sử gia và do đó không hoàn toàn chính xác?

Hình minh họa trận “the Battle of Qarqar”