Menu Close

Một chút tình quê – Kỳ 1

Mùa Cua Ốc

Ở đồng ruộng miền Tây nơi nào cũng có cua và ốc. Cua thì dân quê gọi là cua đồng để phân biệt với cua biển; còn ốc thì căn cứ vào vỏ ốc mà có tên khác nhau. Với ốc vỏ dày và đít bằng thì gọi là ốc lác; ngược lại vỏ ốc mỏng và đít nhọn thì đặt tên là ốc bươu.
Nơi sinh sống của hai loại ốc lác và ốc bươu dĩ nhiên là sống trong nước, nơi các lung vũng hoặc hầm hố nhiều rong hoặc nhiều cỏ, trấp. Chúng bám theo các về cỏ ấy mà sanh sản. Nhưng vào những ngày mùa cắt gặt xong, trời tháng hai tháng ba nắng nóng, cả hai loại ốc này số nào sống gần lung vũng thì theo lung vũng đìa bàu mà sinh sống; bằng không thì chúng vùi mình trong đất để tránh nắng nóng và rồi khi có những cơn mưa đầu mùa vào tháng ba, tháng tư âm lịch chúng lại từ trong đất chuyển mình bò ra hứng mưa và men theo các đường nước kiếm tìm lại các lung vũng ngày nào bị khô và nay đã có nước mưa ngập đầy lung để thong dong tắm mát. Chính vì sống một thời gian dài trong đất như vậy không biết có phải vì ở trong đất được hấp thụ chất ngọt của đất nên ốc mùa mưa đầu mùa rất mập, ruột trắng phau chăng? Còn cua đồng tháng nắng cũng đào hang khá sâu trong đất và chúng sống trong hang gần như suốt mùa hè. Dấu hiệu để biết hang nào là hang cua đang ở thì thường thường các hang ấy có lớp bùn non còn ướt che kín ở miệng hang; đến khi có mưa tưới ướt mặt đất là chúng rủ nhau bò khỏi các hang sâu và men theo các đường nước bò xuống các lung vũng gần đó…

alt

Ảnh Hà Viết Hải. NGUỒN: FLICKR.COM

Ở miệt ruộng dân quê biết được đặc tính của hai loài cua ốc này như vậy nên hễ có mưa là người ta túa nhau ra đồng xách thùng thiếc lượm cua ốc. Hồi đời trước cách nay sáu bảy chục năm cua ốc nhiều lắm, nên người ta có thể xách thùng đi lòng vòng năm ba vũng nước, vài vạt mương là bắt được đầy cả thùng cua ốc. Mùa mưa tháng ba tháng tư là mùa bắt cua ốc chính trong năm. Hồi đời trước cá tôm nhiều nên cua ốc được dân quê bắt về để ăn cũng có, nhưng thường thường cũng để bằm ra làm thức ăn cho các loài cá mè vinh, cá he nuôi trong ao hồ sau nhà hoặc làm mồi đặt trúm, đặt lọp tép.

Ngoài mùa bắt cua ốc tháng ba, tháng tư âm lịch, tới tháng bảy tháng tám vì nước trên đồng ngập sâu rồi nên việc bắt cua thường qua các mùa đặt lờ, đặt lọp. Lờ thì có lờ tôm cua mới vô vì trong lờ tôm có treo miếng mồi dừa trắng rất hấp dẫn nên tôm thích dừa mà cua cũng rất thích mồi dừa. Còn lọp thì có lọp bửng, lọp đường ven là những cách bắt cá tôm không cần mồi, chỉ ngăn đường đi của cá tôm rồi xây rọ dụ cá tôm vô rọ, rồi vô lọp là chánh; đối với cua cũng vậy, trên đường đi từ nơi này qua nơi khác, cua gặp đăng bửng không dội ngược trở lại mà rồi cũng bò cặp theo đường đăng để tìm lỗ trống rồi vào rọ, vào lọp và vô đầy cả lọp. Nhứt là lọp đường ven có khi đường đăng dài khoảng năm bảy trăm thước đăng ngang qua một vạt đất dài qua nhiều lung vũng cá tôm cua ốc không cách nào băng qua bên kia cánh đồng được nên hết thảy đều phải lội lòng vòng rồi chun vô mấy cửa rọ dọc theo đường ven ráo trọi. Vì thế cứ mỗi cữ thăm lọp ngoài cá tôm là chánh còn có lươn, rắn, rùa và cua ốc nhiều lắm. Tóm lại cua mùa này là mùa nước ngập nên thường mập nước nhưng cua tối trời gạch nhiều hơn cua mùa trăng sáng và cua vô lờ tôm thì ngày nào cua cũng béo vì cua ăn mồi dừa. Thế nên người nhà quê ăn cua vào mùa này thường ăn cua đặt lờ tôm hơn các loại cua bắt bằng lọp bửng hoặc lọp đường ven…

Ốc vô lọp như vừa nói cũng chỉ là số ít vì ốc không đi ngầm như cua, họa hoằn lắm ốc mới vô lọp hoặc vô lờ tôm như vừa kể vì môi trường thiên nhiên thích hợp cho ốc là các vạt đất dầy đặc rong đuôi chồn, những vạt mã đề, những lung trấp nhiều cỏ và những cánh đồng đầy loại cây gạc nai, củ co, cù nèo, bông sen, bông súng thì ốc mê những loài rong cỏ thiên nhiên ấy lắm. Do đó, tới mùa nước ngập tháng tám, tháng chín âm lịch, dân ruộng thường chống xuồng lên các vạt đất như vừa kể mà bắt ốc. Ốc sống trên rong trên cỏ phất phơ trên mặt nước nhiều lắm. Người ta dùng xuồng chống dạt qua bên này, dạt qua bên kia, rong cỏ bị xuồng đè xuống và ốc buông mình nổi trên mặt nước, người ngồi trên xuồng chỉ thò tay xuống nước lượm ốc bỏ vô xuồng. Và cứ thế bắt ốc hết vạt lung này qua vạt rong khác có khi đầy khoang xuồng lúc nào không hay, ham lắm. Bắt ốc bằng cách này còn gọi là cán ốc, tức là dùng xuồng làm cho rong cỏ chìm xuống và ốc nổi lên mà bắt. Hồi đời trước, khoảng năm 1950-1960, có khi đi chừng nửa ngày hoặc một buổi là có cả mấy khoang xuồng đầy nhóc ốc bươu, ốc lác.

alt

ẢNH BEO BAO. NGUỒN: FLICKR.COM

Còn cách bắt cua ốc nữa là ủ mô xúc lươn vào mùa nước ngập. Vào tháng tám, tháng chín và qua tháng mười âm lịch, nước trên đồng mênh mông như biển, dân ruộng mới nghĩ ra cách bắt lươn bằng cách cắt cỏ gom lại độn mô dọc theo các bờ kinh, bờ vườn hoặc dọc theo các giồng ranh giữa hai miếng ruộng có nhiều cỏ để làm chỗ cho lươn vô trú ngụ. Rồi người ta mới dùng rổ xúc miệng lớn đan bằng tre hoặc lúc sau này dùng lưới nilon loại lưới dày thay cho tre để xúc lươn. Vì mô cỏ càng lớn lươn mới vô ở nhiều nên cách xúc lươn cũng phải cần tới hai người, một ngồi trên xuồng, một người lội xuống nước. Người lội xuống nước hai tay cầm miệng rổ, chân bước rất nhẹ cố làm sao cho nước đừng xao động quá làm cho lươn hoảng hốt bỏ lội ra ngoài mô cỏ, rồi hai tay đẩy miệng rổ rất lẹ xúc trọn mô cỏ vào rổ; người ngồi trên xuồng vói tay nắm tiếp miệng rổ xúc nâng lên khỏi mặt nước và giũ cỏ bỏ ra ngoài. Thế là có bao nhiêu cá lươn cua ốc đều ở trọn trong rổ xúc. Người ngồi trên xuồng chỉ cần trút lươn vô xuồng và lựa cua ốc bỏ riêng một khoang, cá tép cũng để một khoang riêng. Cách bắt lươn bằng cách độn mô cũng giúp bắt cua ốc rất nhiều vì nước ngập những mô lươn cũng là những nơi cua ốc nương dựa vào mùa nước ngập linh binh như vừa kể.

Thế nhưng, dân ruộng cũng biết ốc rất thích đeo bám vào các thân cây đu đủ nằm dưới nước, nên ở miệt nhà quê, miệt ruộng dân quê còn bắt ốc bằng cách lấy các cây đu đủ già không còn trổ bông đậu trái nữa hoặc các cây đu đủ bị dông gió làm gãy đổ rồi chặt ra từng khúc dài chừng một hai thước, kế tiếp chẻ ra làm hai và thả xuống các ao hồ lung vũng. Ở những nơi ấy có bao nhiêu ốc, chúng đều bám hết vào các thân đu đủ chẻ hai này. Cứ thế người ta cứ chống xuồng theo các ao hồ lung vũng này mà lượm ốc bỏ vô xuồng.

HT