Menu Close

Con cò bay ngang

Chuyện đã lâu rồi, một buổi sáng tháng Hai năm 2009. Lúc ấy tôi còn ở Bình Triệu. Lan Phương, một cô bạn, gọi rủ tôi đi cà phê ở bờ sông Vàm Thuật, nơi tôi chưa đến bao giờ. Quán, nơi hẹn, là một trong dãy quán cà phê xập xệ nằm ven theo bờ sông.

Theo lời Phương chỉ, tôi chạy xe gắn máy qua cầu Bình Lợi về phía Gò Vấp. Cầu Bình Lợi là một cây cầu sắt có đường ray tàu chạy trên đó. Khi nhắc tới cây cầu này, ai ở Sài Gòn đủ lâu đều biết rằng cây cầu này nổi tiếng là nơi có nhiều người đến đó nhảy sông tự tử. Mỗi lần qua cầu tôi thường nghĩ đến điều này, như một nỗi ám ảnh. Không dưng tôi linh cảm có một điều gì bất thường sắp xảy ra, một cảm giác bồn chồn, bất an mà không biết rõ là điều gì.

Chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế bố sờn rách, ngó ra dòng sông hẹp, nước xuống cạn, bốc mùi bùn rác. Vài con cò bay la đà sát mặt nước tìm mồi. Sau bụi cây dọc theo bờ, có người ngồi đây đó câu cá. Bên kia sông thấp thoáng những căn nhà cấp 4 lợp tôn, chen chúc nhau.

Chúng tôi trò chuyện bâng quơ đến trưa, rồi Phương về. Nắng đã lên cao, nóng hầm hập mặt đường. Tôi mua một phần cơm mang về ăn trưa để khỏi phải nấu.

Ăn trưa xong, tôi mở laptop xem mail một lát rồi bấm qua xem tin tức. Một mẩu tin nhỏ hiện lên trong mục thời sự của VNExpress, của phóng viên An Nhơn

Phát hiện thi thể mẹ địu con trôi trên sông Sài Gòn

6h sáng nay, xác một phụ nữ địu bé gái trôi dạt trên sông Sài Gòn đã được người dân phát hiện ở đoạn dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Cả hai thi thể đã trương phình và trôi từ hướng cầu Sài Gòn về cầu Bình Lợi. Người phụ nữ khoảng 25 tuổi, mặc quần đen, áo thun trắng, mặt úp xuống, trước ngực buộc chặt bằng sợi dây đai thun một bé gái khoảng một tuổi.

Ông Nguyễn Văn Chúc, 52 tuổi, người phát hiện hai thi thể trên, đã kéo cả hai lên bãi đất trống phía bên kia cầu.

Công an thành phố đến khám nghiệm tử thi và không phát hiện giấy tờ tùy thân nào của người xấu số. Trên người của phụ nữ và đứa bé vẫn còn đôi bông tai.

Theo ông Chúc, khoảng 23h ngày 8/2, ông nghe có người nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Tuy nhiên khi bơi ra để cứu người thì ông không tìm kiếm được nhưng phát hiện một đôi dép nữ còn lại trên cầu.

Ông Chúc là người sống dưới cầu Bình Lợi, nổi tiếng trong việc cứu những người đến khu vực này tự tử và vớt xác trôi trên sông mấy chục năm qua.

Đến 9h30, thi thể 2 mẹ con đã được đưa đi mai táng. An Nhơn

Đọc xong mẩu tin, tôi hiểu ngay rằng điều gì đã làm cho mình bồn chồn trong buổi sáng ấy. Những dòng chữ hiện dần ra trong trí.

Con cò bay ngang

tôi đi cà phê
chọn đường ngắn nhất
để đến bờ Vàm Thuật
qua cầu Bình Lợi
ngó xuống lòng sông
bèo trôi từng dề thuyền ghe xuôi ngược
đi ngang nhà thờ Bàu Cát
Đức Mẹ Vô Nhiễm uy nghiêm
áo Mẹ trắng toát
đường mười giờ nắng rọi
một người đàn bà quỳ khóc trong sân
tôi ngồi cà phê ở đoạn sông này
có thể là nơi xác người trôi ngang
báo nói áo em màu trắng
lòng sông cạn trơ bùn đen
để lại trên bờ đôi dép
phận người mãi mãi vô danh
mẹ con sấp mặt xuống nước
nhà ai đốt rác khói lên
giữa dòng loá nắng
con cò bay ngang mặt sông
thành hai thân cò in bóng

 

alt

photo bảo huân

SG, 12/2/09

Bài thơ nhỏ hiện ra. Buổi sáng ở 4 năm trước hiện ra. Dòng sông cạn hiện ra. Đôi dép cũ đã để lại trên bờ hiện ra. Cánh cò sà sát mặt nước ngầu bùn hiện ra. Nỗi bồn chồn, bất an ập về.

Tôi tự hỏi, nếu có một nơi nào đó ngoài cõi đời này, thì hai linh hồn ấy đã trôi dạt về đâu.

Hôm nay là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu tử nạn trên thánh giá để cứu chuộc loài người. Tôi đọc được một đoạn văn như thế này: “Thiên Chúa có một tình thương đặc biệt cho những ai bị hằn sâu trong đau khổ, bị tổn thương, Người sẽ chạm đến họ. Đức Giêsu cũng đoan chắc với chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa có thể đi qua các cánh cửa đóng kín và vào trong các tâm hồn tan vỡ, giải thoát họ khỏi vòng kiềm tỏa, giúp họ những gì mà chúng ta không còn giúp được. Thiên Chúa không khóa trái nơi chúng ta ở. Ngài có thể xuyên qua nó.”

Bất giác tôi thầm nguyện, “Lạy Chúa, con không dám trả treo, lý sự. Con được dạy rằng: con người không được hủy hoại sự sống mà Chúa đã tạo ra, nhưng hai linh hồn đau khổ, thương tổn và nghèo hèn đó, xin Người đoái thương lấy chúng.”

ND – SG, mùa Phục Sinh 2014