Menu Close

Đôi mắt người tù binh – Lê Đình Châu

Đầu thập niên 1971 hay vài chục năm về trước, thực trạng chiến tranh trên khắp mọi nẻo đường đất nước Việt Nam hình như người thành phố ít biết đến, hình như họ chỉ cảm nhận từ âm vang của những bài ca phản chiến: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy. Đại bác qua đây con thơ buồn tủi. Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi…. Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng. Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn. Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương có mẹ có em” [1] Hay trong những câu hát du ca: “Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm. Mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm. Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang. Trên đường đi vẫn đầy bóng tối tăm.”[2]  Thế thôi! Giòng sống như cơn gió vô tình, cuốn hút người ta vào những bến bờ khác biệt. Nên những địa danh “Khe Sanh, Đồi Tử Thần, Chiến Dịch Lam Sơn 719, Trận Hạ Lào…” ở chừng mực nào đó có âm hưởng tiểu thuyết sử thi, có âm hưởng của ca khúc trữ tình: “Ngày trở về, anh bước lê, trên quãng đường đê đến bên lũy tre. Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về. Mẹ lần mò, ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ. Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ.” [3] Người ta không biết nắng gió Hạ Lào đã biến thành biển lửa, để câu thơ “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân” [4] như tự tình khúc bi thương, khiến hồn non nước khóc thương những chàng trai biệt kích, mỗi khi trang sử quê hương ảo hóa hồn tử sĩ trong khói sương mờ.

Làm sao biết được “Căn Cứ 31” của mặt trận Hạ Lào 1971 chính thật là “Đồi Tử Thần” khi “…những đầu đạn thi nhau nổ trên đầu quân thù, chỉ thoáng qua 15 phút phù du, cảnh hỏa ngục xuất hiện…Chiến tranh là tàn nhẫn…,” [5] bom đạn không chỉ giết quân thù, bom đạn còn mang đi của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết bao chiến hữu. Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù nhất định không thể nào quên sự hy sinh của các đồng đội, mà trong đó có một tên tuổi đã trở thành bất tử “…Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương. Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu. Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau. Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi.” [6] Lời ca vang động núi rừng có nghĩa gì không, khi “…các chiến sĩ đã hy sinh vì nước, phải gửi xương thịt của mình trên một bãi tha ma, không có mộ bia, không có khói hương kèn trống, không được đưa tới nghĩa trang quân đội để nằm chung với chiến hữu của mình…” [7]

“Chết giữa chốn rừng hoang, trong lúc lòng còn mang nặng bao nhiêu hoài bão về quê hương…” [8] là định mệnh của người lính Biệt Kích Dù tại mặt trận Hạ Lào 1971 năm xưa. Tưởng như  sự mất mát chỉ gói tròn trong thân xác của những người nằm xuống. Nào ngờ tổn thất lớn lao trên Đồi Tử Thần, cũng chính là khởi điểm cởi áo lính mặc áo tù của những chiến sĩ Biệt Kích Dù bị thương, không thể di tản ra khỏi trận địa, để “ngã ba dân chủ, là khu vực giao liên của cộng sản, nằm trên mảnh đất Trường Sơn Tây…,”[9] trở thành bến phân ly đưa người lính biệt kích từ mảnh đất tự do dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, bước vào bức màn sắt của gông cùm cộng sản.

Lê Đình Châu là một trong số những tù binh bị việt cộng bắt, trong chiến dịch Lam Sơn năm 1971. Cùng với đồng đội, ông đã nằm trong “…những cái hầm nhốt tù, nằm ngầm dưới mặt đất, chung quanh xây bằng đá xi măng hình vuông góc, trên có một lỗ thông hơi hình chữ nhật, khổ bằng một viên gạch dài hơn một gang tay, dưới là một tấm phản gỗ dầy khoảng một tấc đóng chết cứng, sức người không thể di chuyển hoặc nhúc nhích nó…” [10] Suốt thời gian bị giam cầm, ông cảm nhận nỗi đau đớn cùng cực vì đòn thù của kẻ địch, vì phải đương đầu với muôn vạn kiểu tra tấn kinh hoàng của việt cộng.  Những hôm đi chân trần vào rừng chặt nứa, cái đói cái lạnh, cái hận cái oán hòa quyện trong từng giòng máu đỏ tuôn trào, vì mảnh nứa vô tình cứa trên thân thể, đã khiến Lê Đình Châu hiểu rõ cái giá phải trả của người thất trận. Là nam nhi chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao [11], nhưng Lê Đình Châu phải ngậm ngùi thương mình thương đồng đội, vì “trận đòn thù tập thể của những bóng ma cộng sản hút máu ban đêm.” [12]

“Đôi Mắt Người Tù Binh” là hồi ký viết về thuở thư sinh tay trắng mộng đầy của chàng sĩ quan hào hoa Biệt Kích Dù Lê Đình Châu,  viết về những bước vong thân của những người tù binh trên Đồi Tử Thần trong trận Hạ Lào ngày xưa. Và phải chăng hồn non nước vẫn cùng thao thức, cùng hồi tưởng tháng năm lưu đày trong ngục tối với Lê Đình Châu và các đồng đội của ông.

HNP3:25am
Chủ Nhật ngày 13 tháng 4 năm 2014

[1]. “Đại Bác Ru Đêm.” Nhạc Trịnh Công Sơn.
[2]. “Chuyện Quê Ta.” Nhạc Nguyễn Đức Quang.
[3]. “Ngày Trở Về.” Nhạc Phạm Duy.
[4]. Thơ của Người Lính Biệt Kích Dù Lữ Đoàn 81 đã qua đời
[6].“Anh Không Chết Đâu Anh.” Nhạc Trần Thiện Thanh
[11]. “Chinh Phụ Ngâm Khúc.” Đoàn Thị Điểm chuyển dịch
*. Trích trong “Đôi Mắt Người Tù Binh”
[7]. Trang 58
[8] &[9]. Trang 87
[10]. Trang 105
[12].Trang 157