Các nhà nghiên cứu ở University of Basel, Thụy Sĩ, lần đầu tiên đã thực hiện thành công việc tái tạo mũi bằng chất sụn nuôi cấy từ trong phòng thí nghiệm. Điểm đặc biệt là sụn này được cấy từ những tế bào lấy từ chính bệnh nhân theo một tiến trình không cần phải qua giải phẫu. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp này trên 5 bệnh nhân có tuổi từ 76 tới 88 và đều thành công. Các bệnh nhân này trước đó đã từng trải qua giải phẫu điều trị ung thư da ở phần mũi, vì vậy phần sụn trên mũi bị biến dạng, nay cần phục hồi lại. Trong phương pháp này, người ta sẽ lấy tế bào sụn từ vách ngăn mũi của bệnh nhân, sau đó các tế bào này được tách ra và nhân lên. Kế tiếp, các tế bào mới hình thành sẽ được cấy lên một màng collagen và nuôi trong một thời gian chừng 2 tuần để có một miếng sụn lớn bằng 40 lần kích thước ban đầu. Phần này sẽ được định hình sao cho phù hợp với chỗ khiếm khuyết trên mũi của bệnh nhân. Một năm sau khi được ghép sụn mũi cho các bệnh nhân nói trên, không có bất cứ biến chứng hay phản ứng phụ nào xảy ra, và sụn mới cũng không gây trở ngại gì cho việc hô hấp. Các nhà nghiên cứu cho rằng kỹ thuật mới này giúp cho cơ thể chấp nhận các mô mới dễ dàng hơn và cải thiện sự ổn định cũng như hoạt động của mũi. Ngoài việc áp dụng cho điều trị mũi, phương pháp này có thể dùng điều trị cho các vùng sụn khác như đầu gối, tai,…
“Chip” gắn trên da theo dõi sức khỏe
Một nhóm kỹ sư thuộc University of Illinois ở Urbana Campaign và ở Northwestern University đã chế tạo được một loại miếng dán trên da để theo dõi sức khỏe. Trên miếng dán này là kết hợp những vi mạch điện tử và nhiều bộ cảm ứng có giá rẻ và thông dụng. Đặc biệt là miếng dán có thể được bẻ cong theo mọi hướng mà không hư hại. Dụng cụ này có 2 phần: một là phần cơ với một số chi tiết điện tử cùng với mạng lưới kết nối chúng với nhau và một phần là túi polymer chứa chất lỏng làm nền cho các hoạt động. Các chi tiết được nối kết nối vào phần đáy của các túi này bằng những ống hình trụ nhỏ. Kiểu thiết kế này giúp cho việc chế tạo ra những loại công cụ tích hợp sinh học để đo lường những hoạt động, nhiệt độ của cơ thể, …và truyền dữ liệu tới một điện thoại cầm tay hay một computer bằng đường truyền vô tuyến. Hiện các kỹ sư này đang sử dụng miếng dán để theo dõi một số yếu tố về sức khỏe như EKG và EEG (điện tim, điện não). Tính chất dễ sử dụng và sự mềm mại là một ưu điểm lớn cho những trường hợp cần theo dõi dài lâu như nghiên cứu giấc ngủ, hoặc những sinh hoạt cần có các cử động mới cho kết quả chính xác, hoặc cho trẻ em sanh non tháng khi da rất dễ bị tổn hại. Nếu có thể gắn nhiều miếng dán này lên da ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, kết quả theo dõi càng chính xác và đáng tin cậy hơn.