Menu Close

Thăm Long Hải

Rảnh được vài ngày, tôi xách xe gắn máy chạy trốn cái nóng của Sài Gòn. Trước hết là về Xuân Lộc – Long Khánh thăm mộ mẹ tôi, rồi từ đó chạy qua Bà Rịa.

Tôi mệt nhoài sau khi lái gần 70 km, Xuân Lộc qua Bà Rịa, rồi vào đây, thị trấn Long Hải, khoảng 2 giờ chiều. Nhiều lần tôi đi Vũng Tàu, ngang qua Bà Rịa, đều có ý muốn vào thăm Long Hải, nhưng rồi lại không đi. Nói là vào thăm lại vì đó là nơi mà gần 30 năm trước tôi đã có lần về nằm chờ vượt biên.  Chuyến vượt biên tổ chức không suôn sẻ, chưa xuống bãi thì bị bể ổ, tôi chỉ ở lại 2 đêm rồi xách gói chuồn về Sài Gòn, may mà không bị bắt.

 

alt

Trái cây nhà vườn

Bụng đói, phải kiếm gì ăn đỡ rồi tính chuyện thuê phòng trọ sau. Tôi tấp xe vào một căn nhà nhỏ, lợp tole, nằm trên trục lộ chính của thị trấn, bên ngoài có bảng ghi “Canh bún – Bún riêu”.

Quá rẻ, nếu so với Sài Gòn! Tô canh bún khá ngon mà chỉ có 15 ngàn. Ở Sài Gòn thì tô như vầy giá chót cũng 25 ngàn trở lên.

“Sao bún ngon mà rẻ vậy chị?”

“Ừa, ngon hả, ăn thêm tô nữa đi chú.”

“Ngon, nhưng mà no quá rồi. Giờ phải tìm chỗ nghỉ.”

“Chú ra phía kia kìa… Chạy hết đường này là tới Dinh Cô. Ở đó có nhiều nhà nghỉ, khách sạn cạnh biển, mát lắm.”

“Ở đây có ai cho thuê nhà không chị?”

“Thuê tháng hả? Trời, chú mà tới sớm thì tui cho thuê căn này. Tui mới hứa cho người ta thuê rồi. 50 mét vuông, tháng có 600 ngàn.”

 

alt

Bắp nếp rất dẻo và thơm. 2,500 đồng/trái

Rẻ thật, nguyên căn nhà thuê cả tháng mà chưa bằng giá phòng khách sạn một đêm. Có khi về đây thuê một căn để sống như an dưỡng, nhẹ nhàng và lành mạnh. Nghĩ vậy nhưng tôi biết chẳng bao giờ tôi có thể làm được chuyện đó vì còn ham chơi quá.

Tôi gởi chiếc xe lại quán, đi bộ qua chợ chụp ảnh.

Tôi không thấy một tiệm sách nào trong vùng. Mùa nắng nhưng vắng khách du lịch, không đông như Vũng Tàu. Tối, chừng 9 giờ quán xá đóng cửa, chỉ có khu chợ xép bán hàng ăn bên Dinh Cô là còn khách lai rai. Người dân ở đây cũng khác với dân Vũng Tàu và những nơi du lịch khác, họ có vẻ hồn hậu, hiền lành hơn. Phần đông đàn ông làm nghề biển, đánh bắt gần bờ những loại cá, mực và hải sản khác. Vùng này người vượt biên khá nhiều, phần lớn ở Mỹ và Úc. Qua quê mới nhiều người vẫn giữ nghề đánh cá như ngày xưa. Tôi thuê phòng nằm sát biển, không nhận ra nơi mình từng ở lại hồi 30 năm trước. Sáng hôm sau tôi thăm Dinh Cô.

 

alt

Dinh Cô ngày nay

Ngày xưa, Dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp lá đơn sơ, được lập nên để thờ cô Lê Thị Hồng, còn gọi là Thị Cách.

Tương truyền, cô Nguyễn Thị Hồng là con ông Nguyễn Văn Khương và bà Thạch Thị Hà, quê ở Tam Quan, Bình Định. Năm 16 tuổi, cô theo cha mẹ vào Nam buôn bán. Trên đường về quê, họ neo thuyền tại vùng Mù U để nghỉ ngơi. Thấy cảnh thanh vắng, hữu tình, cô muốn sống ẩn dật nơi đây, nên xin cha được ở lại. Trong một lần đi biển, cô bị lâm nạn và sóng đánh xác cô trôi vào Hòn Hang. Ngư dân Long Hải phát hiện, đưa đi an táng trên đồi Cô Sơn, gọi là khu Mộ Cô; và lập miếu thờ cô bên bãi biển này.

Người ta thường thấy cô xuất hiện thấp thoáng trên biển trong những đêm cô tịch. Trong thời gian đó, làng có dịch bệnh và người dân lập đàn cầu khẩn. Cô cho dân nằm mộng thấy điềm lành và giúp dân diệt trừ dịch bệnh. Qua cơn khốn khó, dân làng lập miếu thờ cô và phong tặng danh hiệu: “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”. Năm 1930, ngư dân Long Hải đã dời miếu thờ lên đồi Kỳ Vân cho đến ngày nay. Năm 1987, Dinh Cô được xây dựng và trùng tu sau khi bị hỏa hoạn. Năm 2006 – 2007, Dinh Cô lại được trùng tu lần nữa.

 

alt

Chính điện

Dinh Cô có diện tích trên 1,000 m2. Cổng Tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân, hai bên có đặt tượng rồng và cọp. Phía trên mái có gắn “lưỡng long chầu nguyệt” và “song phụng chầu”. Lối lên các điện thờ là 37 bậc tam cấp.

Trong chính điện bài trí 7 bàn thờ. Giữa là bàn thờ Bà Cô Lê Thị Hồng, bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5 m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến, đội mão gắn ngọc rực rỡ.

 

alt

Nhìn ra biển

Hằng năm, vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 Âm lịch, dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô, còn gọi là Vía Cô, rất long trọng để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Tôi thuê chiếc ghế bố, thưởng cho mình một chầu đặc sản địa phương của người đàn bà gánh hàng đi ngoài trưa nắng chang chang: bạch tuộc, mực nướng, và lon bia lạnh, chờ trời dịu nắng thì lái về Sài Gòn.

80 km không phải quá xa, nhưng cái lưng đã già của tôi e sắp kham không nổi những chuyến du hành thế này.

Chớp mắt, mà đã 30 năm, thời gian trôi vèo một giấc ngủ trưa Long Hải!

 

alt

Tảo tần

ND