Menu Close

Về soi bóng mình

Có lần tôi hỏi em. Em đã yêu ai bao giờ mà không dám nói? Em cười. Yêu hay không cũng nói để tránh những rắc rối về sau. Em nheo mắt nhìn tôi. Đôi mắt thông minh ánh lên một thoáng tinh nghịch. Tôi nghe nhói tim. Có thể em đang biết tôi thầm yêu em. Tôi nghĩ vậy. Vì, hình như tôi cố tránh ánh mắt đó bằng cách nhìn theo làn khói thuốc mỏng manh tôi đang thở hắt ra. Buổi chiều còn vướng vất chút nắng phiền muộn trên hàng cây phong trước mặt. Mùa xuân nhú lên những mầm xanh nõn.

Em đó. Nhỏ xíu và trẻ măng như một cô bé vừa tốt nghiệp trung học. Thoạt tiên, em đến tìm tôi để nhận việc. Tôi hơi ngạc nhiên:

“Cô muốn đến nhận công việc co-operative hả?”

Tôi nói tiếng Việt với cô bé. Nhìn khuôn mặt đó, tôi không thể nào không nói tiếng nước mình được. Cô bé nhìn tôi cười lém lỉnh:

“Sao chú biết cháu là người Việt Nam?”

“Đoán thế.”

“Nhỡ sai thì sao?”

“Thì nói lại. Nhưng tôi đoán có sai đâu?”

 

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

Cô bé cười. Tiếng cười pha chút trẻ thơ. Tôi hỏi:

“Ai bảo cô đến đây? Karen?”

“Không. Ông Tom.”

Tôi bật ra tiếng ngạc nhiên:

“Ông Tom? Sao ông ấy không nói cho tôi biết trước. Tôi cần người chứ đâu phải ông ấy?”

Cô bé nhẹ giọng:

“Chính vì thế, ông ấy mới bảo cháu đến đây tìm chú.”

Tôi hơi mắc cỡ khi thấy lòng dạ mình chật hẹp. Tôi và Tom vốn không mấy thích nhau lắm. Cũng chỉ là những đụng chạm nhỏ nhặt hàng ngày trong công việc. Tôi lảng sang chuyện khác:

“Karen đã làm xong thủ tục cho cô hết chưa? Khi nào cô có thể bắt đầu làm việc được?”

Cô bé cười hóm hỉnh:

“Ngay bây giờ. Cháu đã sẵn sàng.”

Tôi trêu:

“Thấy cô tự tin quá. Những sinh viên mới ra trường như cô phải làm tới ói mật xanh mật vàng trong hai ba năm đầu mới cảm thấy mình được ‘an toàn’ đó. Biết không?”

“Cháu không ngại khó, ngại khổ đâu.”

o O o

Buổi sáng đi làm, tôi đã cẩn thận mặc chiếc áo sơ mi dày một chút. Hơi lạnh từ chiếc máy trung ương, làm cho tôi có những cơn ho đột ngột. Tôi tự làm một ly cà phê mang vào phòng. Những cao ốc bên ngoài cửa kính của tầng thứ mười hai, từ góc nhìn của tôi, đang nhấp nháy phản chiếu chút ánh nắng ban mai. Tôi xoay ghế nhìn dải mây trời đang ôm kín những nóc cao ốc đủ kiểu. Sáng nào cũng vậy. Tôi thường ngồi trầm ngâm nhấm nháp cho xong ly cà phê, mới yên tâm làm việc được. Có thể vì thế mà tôi thường nhận dạng chú chim bồ câu có chiếc đuôi cụt kia mỗi sáng ưỡn mình trong nắng sớm. Trông chú xấu xí tệ. Nhưng, chú làm cho tôi để ý đến dáng thể kỳ quặc của chú. Thế mà chú vẫn yêu đời, tung tăng tìm thức ăn trên những nóc nhà. Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao chú không bay xuống đất để tranh ăn với bạn bè? Chính vì sự an phận và lạc quan của chú chim, làm tôi cảm mến nhiều hơn.

Cũng có thể chú làm tôi nhớ đến cái chân khập khễnh của mình mà bàng hoàng. Một bàn chân để lại trong cuộc chiến ở Việt Nam. Dạo ấy, tôi chỉ là một cậu học sinh vừa lìa ghế nhà trường được một năm. Muời chín tuổi, tôi biết gì đâu. Tôi thường tự so sánh mình với những cô cậu mười tám, muời chín ngày hôm nay – trên đất nước này – bỗng thấy tuổi trẻ của tôi chịu quá nhiều thiệt thòi. Rồi, lại tiếc nuối những chuỗi ngày cắp sách đến trường lạ lùng. Tiếc nuối thời trung học cùng những khuôn mặt lớn lên với nhau từng ngày. Nhiều khi nằm nhớ lạị, tôi chợt thấy thiếu vắng rất nhiều khuôn mặt bạn bè. Đứa, không biết nơi nào. Đứa bỏ xác trận địa. Đứa ngục tù bại vong. Đứa chìm trong lòng biển cả. Với tôi, tôi còn may mắn để khập khiễng bước qua Hoa Kỳ làm lại từ đầu. Tôi theo đuổi việc học hành trở lại. Ra trường, vì bị tàn tật nên tôi được cơ quan chính phủ nhận vào làm việc dễ dàng. Chính vì có khuyết tật nơi bàn chân, nên tôi được bạn đồng sự cùng cấp trên nâng đỡ mỗi khi có cơ hội – tôi sống với lòng thương người tàn tật của người ngoại quốc, khiến tôi rùng mình nhớ lại sự chế nhạo, kỳ thị của chính đồng bào mình trên quê hương tôi – Và, cũng chính vì khuyết tật đó, nên mãi đến bây giờ tôi vẫn âm thầm sống mình tôi.

Tôi không bị kỳ thị, ít ra trên phương diện xã hội, nhưng tôi bị kỳ thị trong vấn đề tình cảm. Tôi xót thương cho chú chim kia. Bởi lẽ chú giống tôi, vì khuyết tật cũng như vẻ lạc loài nơi chú. Còn một điều tôi không được như chú. Chú lạc quan quá, tự tin quá, khi mỗi sáng gù cánh trên mái lầu bên kia.

Nhờ chú chim, tôi chợt thấy trân quý đời mình. Buổi sáng lái xe trong down town để đến sở làm. Tôi đã thấy rất nhiều nơi, những người không nhà, ngủ dưới gầm cầu. Những người sinh ra và lớn lên trên chính đất nước này. Hàng hàng người đứng chờ xe “bốc” đi làm những công việc tạp nhạp trong ngày để chiều xuống họ lại bị trả về gầm cầu, sống chen chúc với chuột. Những con chuột của Mỹ, đen đủi, to lớn đến thô bạo.

Tôi đã bỏ lại một bàn chân trên quê hương mình, chỉ là một chuyện rất nhỏ ở trong cuộc chiến mà có người còn hy sinh cả mạng sống. Bây giờ, tôi còn có xe, có chỗ ở, để mỗi chiều quay về, ngồi trong nỗi riêng tư của mình. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Thật tình như vậy.

Cô bé bước vào phòng sau tiếng gõ cửa, nheo mắt:

“Good morning, chú. Chú cần cháu giúp gì không?”

Tôi xoay ghế lại, đặt ly cà phê xuống bàn”

“Cô hãy đọc kỹ những hồ sơ tôi đã giao cho quen việc. Không cần phải vội đâu?”

Cô bé dạ nhỏ rồi bước ra. Tôi gọi giật lại:

“À, này…, lần sau, nếu được, cô đừng gọi tôi bằng chú nữa. Thanks.”

Cô bé bước vội đi, nhưng tôi nhìn rõ là cô bé đang cười trộm tôi.

o O o

Tôi nhìn rõ là có người đang cười trộm tôi.

Tôi với mớ quần áo cũ trên tay, chạy khập khiễng. Công an đang rượt phía sau. Tôi bị bắt. Dĩ nhiên,vì tôi chạy không nhanh bằng họ. Nhưng người con gái vừa nhìn tôi cười cũng bị bắt. Đó là điều làm tôi “mát dạ”. Vì, “cười người chớ vội cười lâu,…”

Chúng tôi ngồi đối diện với nhau trong phòng phường đội. Trên chiếc băng ghế đã bị tróc đi lớp vẹc-ni, trông lởm chởm, ảm đạm thế nào. Người con gái mải miết nhìn chiếc dép lốp xe bị anh cán bộ bỏ rơi, nằm phơi những chiếc râu tua tủa. Chân anh đang chống trên mặt ghế. Miệng ngoác ra:

“Cô đừng tưởng cô giả có thai, độn cà phê vào là chúng tôi không khám phá ra được. Nói cho cô biết, chúng tôi đã theo dõi cô từ lúc cô bước xuống xe đò – người công an hạ thấp giọng, như tự hỏi chính mình – Không hiểu sao cô lại có thể lọt qua được mấy cái trạm kiểm soát?”

Cô gái im lặng. Hình như cô đang tìm mớ triết lý nào đó trên chiếc dép râu vẹt mòn một bên kia. Hay, cô đang tiếc rẻ món hàng đã cùng cô vượt qua chặng đường dài khó khăn với biết bao trạm kiểm soát từ Ban Mê Thuột về? Món hàng mà cô đã thận trọng o bế như đứa con bảy tháng trong bụng.

Còn tôi, hết xăm xoi nhìn cô gái, lại quay qua người công an đang hăm hở lục tung chiếc bao đựng áo quần cũ của tôi để tìm hàng lậu.

Cả tôi và cô gái cùng ngồi yên, bất động. Mặc cho người công an – như đang trả bài – thao thao kết tội chúng tôi. Nói mãi cũng chán. Họ thả chúng tôi ra cùng một lúc. Bước xuống đường. Tôi nhìn cô gái, hỏi:

“Lúc nãy chị cười cái gì? Chị cũng như tôi thôi.”

“Xin lỗi. Tôi không có ý. Nhưng thấy anh chạy như đóng phim, tôi không nhịn được cười.”

“Chị vui lắm sao? Mất hết rồi, còn cười.”

“Anh không thấy là chúng mình vừa trải qua những thước phim ‘noir’? Cả nước, cả nhà còn bị mất, nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ. Mai tôi đổi nghề khác.”

Tuần lễ sau. Tôi lại gặp người con gái đó. Lần này đúng là oan gia gặp mặt. Cô gái cũng mua bán áo quần cũ như tôi. Tôi chạy lại, hất hàm:

“Sao đi đâu cũng gặp chị hết vậy? Tưởng ngon. Ai ngờ lại đổi nghề cạnh tranh với tôi?”

“Anh nói lạ kỳ. Trăm người bán, vạn người mua mà anh.”

Tôi tức:

“Nhưng chân tôi cà thọt, chạy không bằng chị đâu.”

“Anh vẫn còn nhớ chuyện hôm trước? Tôi đã nói với anh, tôi không có ý cười đôi chân của anh mà.”

Tôi bỏ đi. Nhưng người con gái vẫn theo sau:

“Thôi chúng ta ‘làm ăn’ chung nghe? Thấy anh là đàn ông, tay chân, miệng mồm không lanh lẹ bằng tôi đâu. Coi như là tôi chịu thiệt thòi vậy.”

Một hôm, tôi đang ngã giá để mua chiếc quần xoa đen cũ của một người đàn bà mang đến. Chiếc quần đen nhìn vẫn còn tốt lắm. Tôi nghĩ, bán lại chắc sẽ có lời chút ít. Đang định trả tiền thì cô gái trờ tới, giật ngay chiếc quần trên tay tôi, miệng bai bải:

“Anh xem, chiếc quần trông như mới nhưng đã bị nhuộm lại. Nếu muốn mua quần, anh phải đưa lên ánh mặt trời soi, coi đít quần có bị mòn không?”

Vừa nói, cô gái vừa giăng chiếc quần lên mặt xem xét. Tôi cũng ghé đầu vào. Hai mông quần rõ ràng bị mặt trời soi rất rõ những chỗ mòn. Tự nhiên, tôi nghe tim mình nhói đau. Không phải vì tôi phải soi mặt vào đáy quần đen của đàn bà. (Thời thế. Thế thời. Thời phải thế). Mà, suýt chút nữa tôi bị gạt mất một số tiền.

Người đàn bà thấy chúng tôi chụm đầu vào nhau xăm xoi nhìn cái đáy quần, tức giận giật chiếc quần lại rồi nói:

“Không mua thì thôi, làm gì coi đến mòn quần của tui dzậy?”

Nói xong, bà le-te đi mất. Người con gái quay qua tôi, cười:

“Anh thấy đó? Không có tôi thì tối nay anh chỉ húp cháo. Bà ta cũng là tay buôn như mình thôi. Bả tệ thật, ai lại đi gạt ‘người mình’ chứ. Có gạt thì gạt tụi bộ đội trên rừng xuống kia kìa.”

Kể từ hôm đó, tôi mới có thiện cảm với Ngự. Hoàng Ngự. Phải rồi, chính Ngự đã nhấn mạnh hai chữ này với tôi. Ngự bảo. Anh biết Ngự Viên không? Chắc là biết rồi. Gốc gác của Ngự được nẩy ra từ đó. Tôi đùa. Không, tôi chỉ biết đậu ngự thôi. Nấu chè đậu ngự bằng đường phèn ăn mát lòng mát dạ. Ngự cười. Phải. Hoàng Ngự bây giờ biến thành hạt đậu ngự. Nhưng nấu bằng đường phèn đã đi vào thời quá vãng. Đường cát đen cũng phải chờ mua bằng tem phiếu, tiêu chuẩn. Cũng chẳng sao! Ngày xưa, nhà Ngự có người hầu, kẻ hạ, áo quần cũng có người giặt ủi. Đâu phải như bây giờ, phải soi từng cái đít quần đen của người ta. Nhiều khi Ngự thấy những tia mặt trời dọi xuyên qua đáy quần đen như những tia máu, ứa ra, loang loáng, dễ sợ. Tôi kêu lên. Tởm quá. Ngự nói nghe tởm. Ngự tỉnh không. Ngự nói thật. Trước đây, anh chưa bao giờ trùm đáy quần đen của đàn bà lên mặt phải không? Mà lại trùm giữa phố giữa phường, giữa ban ngày ban mặt. Ngự dám cá là anh còn chưa dám trùm trong… phòng tối nữa kìa.

Ngự phá lên cười hăng hắc. Cô gái này ăn nói thật ‘bạo’. Tôi nghĩ trong đầu. Ngự tiếp. Lúc nãy anh xăm xoi nhìn, Ngự thấy mặt anh đỏ như trai mới mất ‘tân’. Ngự biết là anh vừa được “soi gương” lần đầu. Không sao đâu. “lâu rồi đời mình cũng qua”. Thật tình, chuyện này không ai cưỡng bức mình hết. Tự mình trùm mặt mình mà anh. Anh không thấy khắp phố khắp phường, khuôn mặt ai cũng được trùm bằng một cái mặt nạ, xám xịt đó sao?

Tôi cười gượng gạo. Ít ra, Ngự còn có chút tự ái. Tôi không có. Bằng chứng là lúc nãy, tim tôi thóp lại, vì suýt chút nữa bị gạt tiền thôi, số vốn ít ỏi khi không lại bị hụt thêm một chút. Giống như bị người ta móc bóp và mình đã may mắn giữ lại được. Dầu sao tôi cũng đã từng đi lính. Đâu như Ngự tưởng tôi “còn tân”. Nhưng tôi không thèm (hay thật ra) tôi không dám nói cho Ngự biết. Nói với Ngự, hóa ra miếng cơm đối với tôi lớn hơn tự ái của mình sao? Không phải vậy. Có lẽ tôi cũng cố bào chữa cho mình. Tôi còn một mẹ già bệnh hoạn ở nhà chờ tôi mang gạo về.

Ngự “dạy” cho tôi rất nhiều trong việc buôn bán chợ trời. Ngự “dạy” cho tôi biết nhớ thương, biết đợi chờ. Ngự “dạy” cho tôi sự lạc quan. Anh cứ tưởng tượng những chiếc quần mình đang soi đít là quần trắng cho đỡ tởm. Hơn nữa cứ xem như là những lá cờ trắng của kẻ bại vong. Ngự còn ỉ ôi hát “Người về soi bóng mình, với… quần trắng lặng câm…”. Tôi cãi. Quần đen hay trắng cũng là quần, sao lại phân biệt. Anh ngốc quá. Khác chứ. Quần đen được giá hơn. Quần đen lại làm cho người ta nghĩ tới đàn bà lúc tới kỳ…. Tôi đỏ mặt. Tôi đâu có nghĩ như thế? Nhưng Ngự nghĩ thế. Bởi vì Ngự là đàn bà. Mỗi tháng đều phải mặc nó mấy ngày.

Ngày nào Ngự ra chợ trễ một chút là tôi cuống cuồng lên. Cuối cùng tôi cầm không được lòng mình. Tôi đã nói những điều đến bây giờ tôi cũng không hiểu lúc ấy tôi làm như vậy là đúng hay khờ khạo.

Tôi còn nhớ trước khi nói chuyện với Ngự. Tôi rất khổ sở. Như thể đang bị một vật gì nằm chắn ngang cuống họng. Tôi nhắm mắt uống một hơi cạn ly nước trà đá trước khi mở miệng:

“Ngự có ngại nghèo, ngại khổ không?”

“Cái gì Ngự cũng trải qua đủ. Sung sướng có. Đau khổ có. Giàu có. Khánh tận có. Cuối cùng Ngự mới chiêm nghiệm được một điều. Không có gì tồn tại mãi.”

“Vậy Ngự không ngại nghèo khổ, phải không?”

“Anh ngu bỏ xừ. Nói vậy mà cũng không hiểu.”

“Tôi muốn minh xác một điều.”

“Điều gì?”

“Là Ngự có rẻ khinh tôi không?”

“Tại sao lại khinh anh?”

“Tại tôi nghèo.”

“Nghèo đâu phải là cái tội. Ngự cũng nghèo vậy. Xã hội này, người dân phải vô sản mới sống được.”

“Mẹ tôi bệnh hoạn. Tôi lại tàn tật.”

“Anh tiểu thuyết hóa cuộc đời của anh.”

“Đó là sự thật.”

“Sự thật đáng sợ là có những người bị bệnh hoạn hoặc tàn tật tâm hồn mà thôi.”

“Như vậy Ngự không chê tôi?”

“Anh ngốc bỏ xừ.”

“Ừ, tôi ngốc. Tôi ngốc nên tôi mới không dám nói… yêu Ngự.”

“Anh vừa ngốc lại vừa ngu.”

“Tại sao?”

“Tại Ngự đã có gia đình rồi.”

Tôi ngớ người:

“Không thấy Ngự đeo nhẫn.”

“Chiếc nhẫn cưới đã bị Ngự tháo bán để lấy tiền thăm nuôi chồng rồi.”

Sau đó, tôi trốn Ngự. Tôi xấu hổ quá. Dù có đội đáy quần đi giữa đường tôi cũng không xấu hổ bằng. Tôi trốn Ngự, nhưng tôi vẫn muốn nghe về đời Ngự, về sinh hoạt của Ngự. Chồng Ngự là bác sĩ quân y đang bị học tập cải tạo. Biết thế, tôi càng quý trọng con người Ngự. Ngày xưa, Ngự sống trong nhung lụa. Bây giờ phải lăn xả vào đời, sống không một chút tự ti. Ngự am tường đời sống mới hơn tôi nhiều. Chính vì sự am tường đó, cho nên Ngự an phận, không một chút than van. Ngự sống rất lạc quan, sống trọn vẹn mỗi ngày. Dù đời có chật hẹp.

Tôi như kẻ trộm rình rập bên ngoài cuộc sống Ngự. Cứ như vậy. Tôi không dám tỏ tình với ai lần thứ hai. Cứ như vậy. Tôi mỗi đêm chợt nhận ra mình còn là con người trong xã hội mới, khi về soi bóng mình trên vách tôn rét rỉ, mà ngỡ là khoảng trắng mênh mông.

o O o

Tôi phát giác ra chú chim cụt đuôi đã chết. Tôi buồn như thể ngày xưa tôi mất mẹ. Có điều tôi không chảy nước mắt như ngày xưa mẹ tôi mất. Chú chim mang sự lạc quan của tôi đi mất. Như ngày nào Ngự cũng bỏ tôi đi không một lời từ giã. Ngự cũng mang sự lạc quan ra khỏi đời tôi. Tôi lại soi bóng mình mỗi chiều để thấy hoàng hôn nhuộm phai mái tóc.

Tôi không đủ can đảm để nói “tôi yêu em”, Miên ơi. Cô bé mới vào làm đã thông thạo công việc. “Nếu được, cô đừng gọi tôi bằng chú nữa.” Tôi nhớ như in lời nói của tôi đã làm cô bé cười trộm. Cũng may, tôi không còn khờ khạo để nói rõ lòng mình. Nếu không, tôi sẽ mất Miên, như mất một Hoàng Ngự dạo nào.

Công việc tạo cho chúng tôi thêm sức gắn bó. Miên lạc quan và tự tin từ trong ánh mắt. Cô bé lớn hơn tôi nghĩ nhiều. Đầu óc tinh tế. Tính tình bộc trực. Chính vì khám phá Miên có những lối suy nghĩ của một người trưởng thành, đã kéo tuổi tác của chúng tôi gần thêm chút nữa. Nhiều khi hai chúng tôi thường rủ nhau xuống phố ăn trưa và dạo bộ một vòng với những mẩu chuyện không đầu không đuôi. Nhưng tôi vui. Vui lắm. Tôi thường chần chờ trước bàn giấy của Miên để cùng nhau đứng chung trong thang máy mỗi khi tan sở. Như vậy là tôi có thể nói chuyện riêng với Miên được thêm vài phút nữa. Rồi đến bãi đậu xe. Đó là chưa kể tôi làm bộ đi thật chậm lại. Miên không biết đâu. Vì Miên hiểu chân tôi bị thương tật mà. Gần Miên, tôi như chú bồ câu được người chăm sóc, mọc ra chiếc đuôi đẹp đẽ. Tôi thường mơ thấy điều đó. Cũng như tôi cùng Miên chạy đuổi nhau trong rừng phong lá đỏ cho những thước phim quay chậm. Lạ quá, những lúc ấy, bước chân của tôi sải dài, không còn khập khiễng.

Nhưng giấc mơ của tôi không kịp chuyên chở hết những khao khát thầm kín – như chú chim chưa kịp mọc được chiếc đuôi lông mượt, đã vội chết – thì Miên đã thổi bão qua lòng tôi. Trơ trụi. Miên đã chứng tỏ rằng, Miên không khờ khạo như tôi thuở nào.

Hôm ấy, Miên tự tay mang cà phê vào phòng cho tôi. Cô đặt tách cà phê xuống bàn và nheo mắt nói (lạ, tôi yêu quá mỗi khi thấy rèm mi dài kia nhấp nháy):

“Ngày mai Thứ Bảy, chú… anh… có bận việc gì không? Ba me Miên muốn mời anh đến nhà chơi.”

Tôi ngạc nhiên:

“Sao? Ba mẹ em cũng biết tôi nữa à?”

“Dĩ nhiên.”

“Sao biết?”

“Tại mẹ Miên là Hoàng Ngự.” Miên tinh nghịch. “Chú còn nhớ Hoàng Ngự chứ?”

Tôi xúc động, run tay đặt tách cà phê xuống bàn, vài giọt bắn ra mặt bàn. Tôi trố mắt nhìn Miên. Khuôn mặt của tôi chắc khó coi lắm, làm Miên cười rung đôi vai gầy:

“Ngạc nhiên lắm phải không chú? Me Miên cũng ngạc nhiên như thế khi Miên kể chuyện về xếp của Miên.”

Tia mắt tôi nhìn Miên khờ khạo hẳn ra, Miên vỗ vào vai tôi như người lớn vỗ vào vai đứa trẻ:

“Thế nào? Chú có đi không?”

Tôi gật đầu vô hồn như người bị thôi miên:

“Đi. Dĩ nhiên… chú đi.”

VP